Romans 9:30-10:21

Hai sự công bình. Sự sốt sắng đặt trên lẽ thật. Sự cứu rỗi rất gần. Dân bội nghịch.

HAI SỰ CÔNG BÌNH

"30 Vậy chúng ta sự nói làm sao? Những dân ngoại chẳng tìm sự công bình, thì đã được sự công bình, nhưng là sự công bình đến bởi Ðức Chúa Trời; 31 còn như dân Y-sơ-ra-ên tìm luật pháp của sự công bình, thì không đạt đến luật pháp ấy. 32 Tại sao? Tại họ chẳng bởi đức tin mà tìm, nhưng bởi việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá ngăn trở, 33 như có chép rằng: Nầy ta để tại Si-ôn một hòn đá ngăn trở, tức là hòn đá lớn làm cho vấp ngã; Hễ ai tin đến thì khỏi bị hổ thẹn." (Romans 9:30-33)

Khi Phao-lô nói Y-sơ-ra-ên tìm sự công bình bởi việc làm, ông muốn nói gì? Ông muốn nói rằng họ sốt sắng giữ những điều dạy bảo của luật pháp với hy vọng rằng nhờ đó họ sẽ được vào nước Chúa. Tuy nhiên, các câu kinh thánh trên cho thấy những nỗ lực đó không thể mang lại cho họ sự chấp nhận của Đức Chúa Trời.

Hơn thế nữa, sự ỷ lại vào luật pháp lại trở nên một chướng ngại cho họ, khiến họ vấp vào “hòn đá ngăn trở,” chính là Đức Chúa Giê-su Christ. Trong khi Chúa đòi hỏi họ phải đặt niềm tin vào điều Đấng Christ đã làm trọn trên thập giá, thì họ lại khăng khăng tuân giữ luật pháp hầu đạt được tiêu chuẩn công bình của Ngài. Điều này tạo nên một sự xung đột không hòa giải được.

SỰ SỐT SẮNG ĐẶT TRÊN LẼ THẬT

1 Hỡi anh em, sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên cầu nguyện cùng Ðức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu. 2 Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ có lòng sốt sắng về Ðức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn. 3 Bởi họ không nhận biết sự công bình của Ðức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Ðức Chúa Trời; 4Ðấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình.” (Romans 10:1-4)

Tín hữu thường đặt nặng vai trò của lòng sốt sắng như một trong những điều kiện để được điều mình mong muốn từ Chúa. Nhưng đó không phải là một cái nhìn thực tế về một số phương diện.

Trước hết, ví bằng lòng sốt sắng có là một yếu tố quan trọng trong đời sống tín hữu, nó phải được đặt trên nền tảng là chân lý. Những câu kinh thánh trên (30-33) cho thấy rằng Y-sơ-ra-ên đã không đặt sự sốt sắng của mình trên lẽ thật; vì họ tìm sự công bình qua nỗ lực của chính mình.

Kế đó, lòng sốt sắng lại rất có thể không phải là yếu tố cần thiết. Vì câu 30 viết như vầy, “Những dân ngoại chẳng tìm sự công bình, thì đã được sự công bình.” Lòng sốt sắng quả không phải là điều kiện tiên quyết. Khi được cơ hội để nhận sự công bình bởi đức tin nơi Đấng Christ, thì họ nhận lấy. Họ đã không tích cực tìm kiếm mà lại được. Điều này có vẻ dường như mâu thuẫn với điều Chúa Giê-su phán trong Matthew 7:7-8, “hãy tìm sẽ gặp.” Trong trường hợp này, chúng ta phải trở về với nguyên tắc là mọi điều Chúa Giê-su đòi hỏi nhân loại phải làm, đều là để chứng tỏ họ không có khả năng để hoàn tất. Bất kể chúng ta sốt sắng kiếm tìm bao nhiêu, cũng sẽ chẳng bao giờ gặp, nhưng nếu có gì chúng ta nhận được từ Chúa, thì đó là bởi lòng thương xót của Ngài.

Tóm lại, sự nhấn mạnh vào lòng sốt sắng để đạt được điều ước muốn từ Chúa là một nỗ lực sai lầm. Lòng sốt sắng thật phải đặt trên lẽ thật, và cho dù có đặt trên lẽ thật chăng nữa, cũng không phải là điều kiện tiên quyết. Kết luận là, mọi điều chúng ta nhận được từ Chúa đều là bởi lòng thương xót của Ngài, chứ chẳng bởi nỗ lực hay lòng sốt sắng của mình.

SỰ CỨU RỖI RẤT GẦN

5 Vả, Môi-se luận sự công bình đến bởi luật pháp cách nầy: Hễ ai làm theo điều đó thì nhờ đó mà sống. 6 Nhưng sự công bình đến bởi đức tin, thì nói như vầy: Chớ nói trong lòng ngươi rằng: Ai sẽ lên trời? ấy là để đem Ðấng Christ xuống; 7 hay là: Ai sẽ xuống vực sâu? ấy là để đem Ðấng Christ từ trong kẻ chết lại lên. 8 Nhưng nói làm sao? Ðạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức tin và chúng ta giảng dạy. 9 Vậy nếu miệng ngươi xưng Ðức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Ðức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; 10 vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi. 11 Vả, Kinh-Thánh nói rằng: Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ thẹn.” (Romans 10:5-11)

Khi nói về luật pháp, nhận định đầu tiên của chúng ta là về một số những lề luật phải theo, nhưng ít ai nghĩ đến hậu quả của sự không giữ được những lề luật đó. Nhưng theo định nghĩa của tội lỗi trong kinh thánh, thì nó chính là sự không giữ được những lề luật đó. Nếu chúng ta gộp chung định nghĩa về luật pháp của Môi-se với lời viết trong sách Ê-xê-chiên, “linh hồn nào phạm tội thì phải chết (Eze 18:20),” thì thấy rõ hơn tầm quan trọng của định nghĩa đó: được sống, hay phải chết, đều tùy theo chúng ta có giữ được luật pháp hay không.

Vậy theo định nghĩa đó, bạn có cơ hội nào đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời qua luật pháp?

Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô chỉ cho chúng ta một con đường khác để thỏa được các đòi hỏi của Đức Chúa Trời: đức tin.

Phao-lô đối chiếu hai loại công bình - một thì bởi nỗ lực con người còn điều kia thì bởi đức tin. Ông diễn tả điều trước bằng những nỗ lực khó khăn như đem Chúa Giê-su trở về từ cõi chết, hay lên thiên đàng để đem Ngài xuống. Ngược lại với điều đó, ông diễn tả sự cứu rỗi bởi đức tin bằng những điều trong tầm tay với của chúng ta, như bởi lời xưng nhận đức tin qua môi miệng, hay bởi tin từ chính lòng mình. Một đường thì xa xôi diệu vợi, còn một đường thì thật gần gũi.

Sự cứu rỗi không thể nào đạt được bởi việc làm, nhưng bởi đức tin. Như lời Chúa đã viết, “Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ thẹn.”

DÂN BỘI NGHỊCH

12 Trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu xin Ngài. 13 Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. 14 Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? 15 Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chơn kẻ rao truyền tin Lành là tốt đẹp biết bao! 16 Nhưng chẳng phải mọi người đều nghe theo tin lành đâu; vì Ê-sai có nói rằng: Lạy Chúa, ai tin lời chúng tôi rao giảng? 17 Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Ðấng Christ được rao giảng. 18 Nhưng tôi hỏi: Có phải là họ chưa nghe chăng? Trái lại, Tiếng của các sứ giả đã vang khắp đất, Và lời của sứ giả đã đạt đến cùng thế gian. 19 Tôi lại hỏi: Thế mà dân Y-sơ-ra-ên chẳng biết chi hết sao? Môi-se đã nói rằng: Ta sẽ giục lòng ganh tị các ngươi bởi kẻ chẳng phải là dân; Ta sẽ chọc giận các ngươi bởi một dân ngu dốt. 20 Lại Ê-sai nói cách bạo dạn rằng: Những kẻ chẳng tìm kiếm ta thì đã gặp thấy ta, Ta đã tỏ mình ra cho kẻ chẳng hỏi han ta. 21Song về dân Y-sơ-ra-ên, thì rằng: Ta đã giơ tay ra cả ngày hướng về dân bội nghịch và hay nói trái.” (Romans 10:12-21)

Ngay cả ở những vùng xa xôi, nơi mà ít người có cơ hội được đọc hoặc nghe lời kinh thánh, Đức Chúa Trời đã rao truyền sự vinh hiển của Ngài.

1Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời, Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm. 2Ngày nầy giảng cho ngày kia, Ðêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ. 3Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói; Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó. 4Dây do chúng nó bủa khắp trái đất, Và lời nói chúng nó truyền đến cực địa. Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời; (Psalm 19:1-4)

Vì thế, khi Phao-lô đặt câu hỏi mang tính cách mỉa mai, “Có phải là họ chưa nghe chăng?” ông đã biết rằng chắc hẳn họ phải nghe tiếng Chúa rồi. Vì ông xác nhận rằng, “Tiếng của các sứ giả đã vang khắp đất, Và lời của sứ giả đã đạt đến cùng thế gian.” Và như thế, ông đồng thanh với ý của tác giả Thi-thiên trong chương 19, các câu 1 đến 4, như được trích ra ở trên.

Như vậy, không ai có thể bào chữa rằng họ chưa bao giờ nghe tiếng Chúa gọi mình, nhất là đối với người Y-sơ-ra-ên. Chúa đã thường xuyên phán với họ qua các tiên tri trong nhiều thế hệ. Đó là lý do Chúa đã gọi họ là một “dân bội nghịch và hay nói trái.”

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and