Rô-ma 4:14-15

Luật pháp, đức tin, và lời hứa. Luật pháp, sự giận, và sự phạm luật pháp.

LUẬT PHÁP, ĐỨC TIN, và LỜI HỨA

"14Vì, nếu bởi luật pháp mà được hưởng gia nghiệp, thì đức tin ra vô ích, lời hứa cũng bỏ rồi." (Romans 4:14)
Được hưởng gia nghiệp cũng chẳng khác gì được xưng công bình. Một lần nữa, Phao-lô nhấn mạnh rằng luật pháp với sự tuân theo không đóng vai trò gì trong việc đem một người vào nước trời. Chúng ta cần được nhắc lại là Chúa xưng công bình cho Áp-ra-ham hoàn toàn bởi đức tin (Romans 4:3), và Ngài cũng sẽ ban điều đó cho bất cứ ai đến với Ngài bởi đức tin.

Câu 14 cũng chứng tỏ rằng luật pháp ở thái cực đối nghịch với đức tin và lời hứa của Đức Chúa Trời. Làm sao một người tin Chúa lại có thể bước đi theo Ngài và vẫn dưới sự quản trị của luật pháp? Làm như vậy chúng ta trong hiểm họa của sự làm tôi hai chủ: luật pháp và Đấng Christ. Chúng ta chỉ có thể có một chủ mà thôi.

Đã có một thời luật pháp là chủ của chúng ta khi còn đi trong bóng tối. Nhiều người lầm tưởng rằng mục đích của nó là để đưa chúng ta đến sự toàn thiện và nhờ đó sẽ được sự công bình của Đức Chúa Trời. Nhưng đó không phải là mục đích của luật pháp. Mục đích chính của nó là để cho nhân loại thấy họ thiếu mất sự vinh hiển của Chúa là dường nào, rồi sẽ dẫn họ đến với Đấng Christ là Đấng duy nhất có thể cứu họ.

Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi. (Romans 3:20)

Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Ðấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình. (Galatians 3:24)

Bản dịch tiếng Anh dùng giới từ “cho đến khi” trong câu Galatians 3:24, do đó có thể được dịch là: “luật pháp đã như thầy giáo của chúng ta cho đến khi gặp Đấng Christ.” Vai trò “thầy giáo (guardian)” của luật pháp chấm dứt lúc chúng ta cầm lấy tay Chúa Giê-su. Vì thế, nếu bạn tiếp tục ở dưới sự quản trị của luật pháp, hay vì bất cứ lý do nào đó trở về với người “chồng cũ” của mình là luật pháp (Romans 7:3), thì “đức tin (của bạn) ra vô ích và lời hứa (về sự sống đời đời) cũng bỏ rồi.”

LUẬT PHÁP, SỰ GIẬN, và SỰ PHẠM LUẬT PHÁP

15luật pháp sanh ra sự giận; song đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp.” (Romans 4: 15)

Phao-lô không cổ động sự phế bỏ luật pháp để người ta tự do phạm tội, nhưng ông truyền bá với họ ý muốn của Chúa để giải thoát họ khỏi luật pháp hầu họ có thể có mối giao thông với Ngài theo ý muốn Ngài đã định. Được giải thoát khỏi luật pháp hầu họ có thể được sống trong bầu không khí của sự nhân từ và lòng thương xót của Chúa thay vì sự sợ hãi liên hệ đến sự đoãn xét của luật pháp. Vì “luật pháp sanh ra sự giận.”

Các đoạn Kinh thánh dưới đây có thể giúp giải thích ý nghĩa của câu Romans 4:15 ở trên về tính chất “giận” của luật pháp:

8Ấy là tội lỗi đã nhơn dịp, bởi điều răn mà sanh ra mọi thứ ham muốn trong lòng tôi: vì không có luật pháp thì tội lỗi chết đi. 9Ngày xưa tôi không có luật pháp mà tôi sống; như khi điều răn đến, thì tội lỗi lại sống, 10còn tôi thì chết; vậy thì té ra điều răn vốn nên làm cho tôi sống, đã dắt tôi đến sự chết. 11tội lỗi đã nhơn dịp, dùng điều răn dỗ dành tôi và nhơn đó làm cho tôi chết. (Romans 7:8-11)

1 Corinthians 15:56 cũng giải thích thêm về hiện tượng này:

Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp.. (1 Corinthians 15:56)

Vậy, bằng cách nào bạn có thể loại bỏ quyền lực của tội lỗi trong cuộc sống? Bạn hãy hồi tưởng lại luật pháp đã giúp đỡ bạn như thế nào.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and