Rô-ma 2:1-11

Tự xét mình. Đạo đức giả. Lòng nhân từ Chúa và sự ăn năn. Luật pháp vỡ lòng.

TỰ XÉT MÌNH

1Vậy hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ. 2Vả, Chúng ta biết rằng sự phán xét của Ðức Chúa Trời đối với kẻ làm những việc như thế, là hiệp với lẽ thật (Romans 2:1—2)."

Phần lớn, khi thoáng đọc qua đoạn Kinh thánh này, chúng ta có giả định là đoán xét người khác là điều không nên làm. Nhưng nếu như vậy thì làm sao chúng ta có thể xét đoán những giáo sư giả và giáo điều của họ? Thực ra, đoạn Kinh thánh trên nói rằng khi đoán xét người khác chúng ta cũng phải tự xét mình theo cùng tiêu chuẩn đó.

Ai cũng có sự thúc đẩy để phê phán người khác. Sự kiện đó nằm sâu trong huyết quản. Lương tâm họ chẳng bao giờ yên nghỉ vì luật của sự phân biệt thiện ác đã đến với họ từ trong Vườn Địa Đàng. Chân lý này sẽ được bày tỏ trong câu 15 như sau:“Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình (Romans 2:15).”

Vấn đề của những đối tượng của thư Phao-lô là họ vội vã xét đoán người khác mà không nhìn nhận những khuyết điểm của mình. Họ “cũng làm các việc như họ” trong khi chỉ ra lỗi của người khác. Nếu họ tự xét lấy mình, họ sẽ thấy chính mình cũng bại hoại như bất cứ ai.

ĐẠO ĐỨC GIẢ

3Hỡi người đoán xét kẻ phạm những việc dường ấy mà mình cũng phạm kia, vậy ngươi tưởng rằng chính mình ngươi sẽ tránh khỏi sự phán xét của Ðức Chúa Trời sao?” (Romans 2:3)

Phải chăng họ nghĩ nếu mình tìm được tội lỗi của người khác nặng hơn tội của mình thì sẽ bớt đi mặc cảm tội lỗi và có thể thoát sự phán xét của Chúa.

Điều lạ lùng về những người mà vì họ Phao-lô viết thư này là họ cũng phạm vào những tội của những người họ lên án, nhưng họ lại không nhìn thấy tội của mình. Họ luôn luôn tranh chiến với sự nhìn nhận tình trạng hư mất của mình mà đến với Chúa để cậy vào lòng thương xót của Ngài. Tự mãn về công bình của chính mình họ không nhìn nhận mình cũng là người có tội.

11Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Ðức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. 12Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. 13Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Ðức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! 14Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. (Luke 18:11-14)

LÒNG NHÂN TỪ CHÚA VÀ SỰ ĂN NĂN

4Hay là ngươi khinh dể sự dư dật của lòng nhơn từ, nhịn nhục, khoan dung Ngài, mà không nhận biết lòng nhơn từ của Ðức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn năn sao?” (Romans 2:4)

Phao-lô có vẻ dường như muốn người đọc lìa bỏ sự cậy vào luật pháp mà hướng về động lực thật dẫn đến sự ăn năn là “lòng nhân từ của Đức Chúa Trời”. Luật pháp dưới dạng thức của sự biết điều thiện và điều ác đã khiến họ đánh mất sự sống đời đời. Nhưng nay, vì lòng nhân từ thương xót, Chúa đã mở cho họ một con đường mới để được sự sống đời đời khi họ tin Con một của Ngài.

Dùng luật pháp để khích lệ làm điều lành thì chỉ là luống công. Chúa đã cho nhân loại nhiều ngàn năm để ý thức được điều đó.

8Ấy là tội lỗi đã nhơn dịp, bởi điều răn mà sanh ra mọi thứ ham muốn trong lòng tôi: vì không có luật pháp thì tội lỗi chết đi. 9Ngày xưa tôi không có luật pháp mà tôi sống; như khi điều răn đến, thì tội lỗi lại sống, 10còn tôi thì chết; vậy thì té ra điều răn vốn nên làm cho tôi sống, đã dắt tôi đến sự chết. (Romans 7:8-10)

Một khi luật pháp vào lương tâm của họ qua sự nhận biết điều thiện và điều ác như A-đam và Ê-va thuở xưa, thì họ chêt. Vì thế, khi họ từ khước món quà ban cho bởi niềm tin nơi Đấng Christ thì chẳng khác gì họ “khinh dể sự dư dật của lòng nhơn từ, nhịn nhục, khoan dung Ngài”

Tóm lại, điều chính yếu mà Phao-lô muốn nói với người Rô-ma là: “Đừng dại dột! Mấy ông được cứu nhờ sự nhân từ của Chúa chứ chẳng phải bởi các ông làm theo lời dạy của luật pháp đâu.”

LUẬT PHÁP VỠ LÒNG

5Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Ðức Chúa Trời, 6là Ðấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm: 7ai bền lòng làm lành, tìm sự vinh hiển, sự tôn trọng và sự chẳng hề chết, thì báo cho sự sống đời đời; 8còn ai có lòng chống trả không vâng phục lẽ thật, mà vâng phục sự không công bình, thì báo cho họ sự giận và cơn thạnh nộ. 9Sự hoạn nạn khốn khó giáng cho mọi người làm ác, trước cho người Giu-đa, sau cho người Gờ-réc; 10nhưng vinh hiển, tôn trọng, cùng sự bình an cho mọi người làm lành, trước cho người Giu-đa, sau cho người Gờ-réc. 11Vì trước mặt Ðức Chúa Trời, chẳng vị nể ai đâu.” (Romans 2:5-11)

Phao-lô ôn lại với người tín hữu Rô-ma qua các câu 5 đến 11 ở trên guồng máy của luật pháp: có phần thưởng cho việc lành và sự trừng phạt cho việc ác. Bất kể họ là người Do-thái hay Hy-lạp “chẳng vị nể ai hết”. Nhưng quan trọng hơn nữa là họ phải hiểu rằng mọi người đều làm ác và chẳng ai làm lành. Các tín hữu thời nay cũng vậy thôi (Romans 3:10).

Do đó, sự ăn năn thực, là quyết định lìa bỏ sự cậy vào luật pháp mà bước vào trong đức tin nơi Đấng Christ. Chỉ có loại ăn năn đó mới dẫn chúng ta vào sự sống đời đời. Theo Romans 7:10, Sự ăn năn bởi đòi hỏi của luật pháp chỉ đưa đến sự chết như chính A-đam và Ê-va đã làm chứng cho điều đó.

Bạn đang theo sự ăn năn nào?

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and