Rô-ma 2:12-29

Người ngoại. Đừng chỉ nghe, hãy làm. Tưởng mình được trọn vẹn. Luật pháp vỡ lòng.

NGƯỜI NGOẠI

"12Phàm những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất; còn những kẻ có luật pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật pháp đoán xét; (Romans 2:12)."
Trong khi người Do-thái thì có Mười Điều Răn và các luật của Môi-se, người không phải Do-thái còn có luật pháp cổ xưa hơn nữa từ khi họ nhận biết thiện ác từ trong Vườn Địa Đàng. Nhưng bất kể là luật nào, cả hai đều mang lại sự chết cho họ."

ĐỪNG CHỈ NGHE, HÃY LÀM

13Vì chẳng phải kẻ nghe đọc luật pháp là người công bình trước mặt Ðức Chúa Trời, bèn là kẻ làm theo luật pháp được xưng công bình vậy. 14Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình15Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. 16Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Ðức Chúa Trời bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin Lành tôi.” (Romans 2:13-16)

Những người sống dưới sự hướng dẫn của giáo luật thì thường hay có một ảo tưởng tâm lý là họ chỉ cần để sách luật pháp dưới gối hoặc nghe đọc những luật đó trong giấc ngủ đêm là sẽ khiến mình được kể là người công chính. Thực ra, chỉ làm vậy là không đủ. Vì đối với người ngoại không có luật pháp của Chúa thì cũng như vậy. Chỉ cảm thấy ân hận về việc mình đã làm, hoặc làm một việc đền trả gì đó để tỏ lòng ăn năn cũng không đủ. Họ phải “làm theo luật pháp.” Và làm cho trọn đến tiêu chuẩn tối cao để được xưng là người công chính.

Phải chăng Phao-lô đang cổ động sự làm theo những giáo luật trong nếp sống người tin Chúa? Không, ông chỉ đang chứng minh cho họ thấy rằng bất kể Do-thái hay người ngoại, không ai có thể giữ trọn lời Chúa, và vì thể họ không thể nào đạt được sự công bình. Phao-lô đang sử dụng tiêu chuẩn tối cao của luật pháp để dồn người ta đến chỗ nhận thức được rằng sự công bình chỉ có thể đến được qua Đấng Christ, như chúng ta sẽ học trong những chương sắp đến.

Câu 16 nói về ngày Chúa Giê-su trở lại phán xét thế gian, “trong ngày Ðức Chúa Trời bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán” Nhưng nếu chúng ta ghé đọc trước Romans 8:1 thì sẽ thấy sự xét đoán này chỉ dành cho những kẻ không đặt niềm tin nơi Đấng Christ.

ẢO TƯỞNG VỀ SỰ CÔNG BÌNH

17Còn ngươi, mang lấy danh người Giu-đa, yên nghỉ trên luật pháp, khoe mình về Ðức Chúa Trời ngươi18hiểu ý muốn Ngài và biết phân biệt phải trái, vì ngươi đã được luật pháp dạy; 19khoe mình làm người dẫn đường cho kẻ mù, làm sự sáng cho kẻ ở nơi tối tăm, 20làm thầy kẻ ngu, làm người dạy kẻ tầm thường, trong luật pháp có mẫu mực của sự thông biết và của lẽ thật, 21vậy ngươi dạy dỗ kẻ khác mà không dạy dỗ chính mình ngươi sao! Ngươi giảng rằng chớ nên ăn cắp, mà ngươi ăn cắp! 22Ngươi nói rằng chớ nên phạm tội tà dâm, mà ngươi phạm tội tà dâm! Ngươi gớm ghét hình tượng mà cướp lấy đồ vật của hình tượng! 23Ngươi khoe mình về luật pháp mà bởi luật pháp làm nhục đến Ðức Chúa Trời! 24Vì bởi cớ các ngươi nên danh Ðức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại, như lời đã chép.”” (Romans 2:17-24)

Đoạn này có rất nhiều ý cần phải phân tích.

Khoe mình

Những người cậy vào luật pháp thì hầu như thế nào cũng kiêu hãnh về chính mình (Eph 2:8-9, Rom 3:26-28). Theo Matthew 6:5, người Pha-ri-si làm những hành động thờ phượng trước công chúng để được họ tôn kính.

Đạo đức giả

Sự phê phán của Phao-lô về những người đạo đức giả không phải là điều mới lạ vì điều này đã xảy ra từ thời Chúa Giê-su. Ngài đã phán những lời này trongMatthew 23:3–4: 3Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm. 4Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào.”

Dường như hễ người nào càng ca tụng một việc lành nào thì họ càng không thực hành những việc đó. Phải chi nếu họ ít nhất thử làm điều mà họ dạy dỗ người ta thì họ sẽ khiêm nhường hơn khi chạm với thực tế.

Danh Chúa bị nói phạm

Đến đây, lại một lần nữa, chúng ta tin chắc rằng tội phạm thượng chính là tội lấy danh nghĩa Chúa mà làm trái với những điều răn Ngài, chứ không phải là dùng những lời tục tằn có chữ Chúa trong đó, hay là đổ thừa phép lạ Chúa làm là từ ma quỉ. Vì thế, một người ngoại đạo không thể nào nói phạm đến danh Chúa vì họ chắc không nhân danh Ngài, mà cũng chẳng muốn nữa. Nhưng một người Do-thái hoặc tín đồ thì thường hay dùng danh Chúa để hỗ trợ thêm cho điều mình đang muốn nói.

Những lãnh đạo hội thánh ở Rô-ma tin rằng Chúa ở cùng phe với họ nếu họ càng lớn tiếng về những điều tín hữu nên hoặc không nên làm. Họ không muốn thực hành điều mình rao giảng mà vẫn thấy thản nhiên. Họ đã sống trong trạng thái tự dối mình đã quá lâu nên họ không còn thấy mình tội lỗi còn nhiều hơn những người đến nhận sự dạy dỗ của mình.

PHÉP CẮT BÌ THẬT

25Thật thế, nếu ngươi làm theo luật pháp, thì phép cắt bì có ích; còn nếu ngươi phạm luật pháp, thì dầu chịu cắt bì cũng như không. 26Vậy nếu kẻ chưa chịu cắt bì giữ các điều răn của luật pháp thì sự chưa chịu cắt bì đó há chẳng cầm như đã chịu sao? 27Kẻ vốn không chịu cắt bì, mà làm trọn luật pháp sẽ đoán xét ngươi, là kẻ dẫu có chữ của luật pháp và phép cắt bì, lại phạm luật pháp. 28Vì người nào chỉ bề ngoài là người Giu-đa, thì không phải là người Giu-đa, còn phép cắt bì làm về xác thịt ở ngoài, thì không phải là phép cắt bì; 29nhưng bề trong là người Giu-đa mới là người Giu-đa, phép cắt bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng liêng, không theo chữ nghĩa, mới là phép cắt bì thật. Một người Giu-đa như vậy được khen ngợi, chẳng phải bởi loài người, bèn là bởi Ðức Chúa Trời.” (Romans 2:25-29)

Phép cắt bì trên thân thể chỉ là hình bóng của phép cắt bì thật bởi sự lấy đi bản chất tội lỗi (là điều sẽ chỉ thực sự xảy đến khi Chúa Giê-su trở lại để ban chúng ta thân thể bất tử) bởi sự chết của Chúa Giê-su trên thập giá, cũng giống như các dấu hiệu khác trong Cựu Ước là hình bóng của sự thực hữu sẽ đến trong Tân Ước. Cho dù một người có giữ trọn được luật pháp, thì họ chỉ đạt được sự chấp nhận trên hình thức về mối liên hệ với Chúa. Nhưng trên thực tế, vì mọi người đều không làm trọn được luật pháp, nên cuối cùng họ “dầu chịu cắt bì cũng như không”.

Mặc dầu Phao-lô dùng luận lý “nếu kẻ chưa chịu cắt bì giữ các điều răn của luật pháp” để bày tỏ điều mình muốn nói, trên thực tế, không ai có thể giữ trọn được luật pháp vì bản chất tội lỗi của họ. Vì thế, bất kể Do-thái hay không Do-thái, mọi người đều là những tội nhân bị nguyền rủa cho đến khi họ được xưng công bình bởi đức tin nơi Đấng Christ.

Do đó, phép cắt bì thật là “bởi trong lòng, làm theo cách thiêng liêng.” Chỉ Chúa mới có thể làm được điều đó qua quyền năng tái sinh của Đức Thánh Linh. Bạn không thể nào được phép cắt bì ở trong lòng qua nỗ lực của xác thịt mình để thỏa mọi đòi hỏi của “chữ nghĩa”. Một điều khác nữa đáng được nhắc đến về những kẻ còn sống dưới luật pháp, là khuynh hướng của xác thịt để được sự “khen ngợi” của người khác. Vì đã bỏ công sức ra thì phải được hưởng gì chứ. Thế nhưng, nếu bạn nhận được phép cắt bì ở trong lòng, là vé vào cửa thiên đàng, bởi sự ban cho cách nhưng không, thì chẳng có lý do gì để khoe mình.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and