Rô-ma 1:1-16

Phao-lô được gọi làm sứ đồ. Phúc âm Đức Chúa Trời đã hứa ban. Sự vâng phục của đức tin. Món nợ của Phao-lô. Không hổ thẹn về tin lành.

PHAO-LÔ ĐƯỢC GỌI LÀM SỨ ĐỒ

"1Phao-lô, tôi tớ Ðức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ, để riêng ra đặng giảng Tin Lành Ðức Chúa Trời." (Romans 1:1)
Mặc dầu Phao-lô đã không phải là một trong mười hai sứ đồ đầu tiên, chính Chúa đã gọi ông vào chức vụ đó khi ông đang trên đường đến thành Đa-mách (Acts 9). Không những Ngài đã gọi ông làm sứ đồ, mà còn ban cho ông một trọng trách đặc biệt để rao truyền tin mừng cứu rỗi.

Sự kiện Phao-lô gọi mình là “tôi tớ” Đức Chúa Trời phản ảnh mức độ của khải tượng mà ông đã nhận được trên đường Đa-mách. Sau nhiều năm tháng là kẻ bắt bớ Đấng Christ, bây giờ ông sẵn lòng làm nô lệ của Ngài.

Khải tượng đó có lẽ chẳng kém gì sự hiện thấy mà Ê-sai đã từng trải trong đền thờ đến nỗi ông phải thốt lên: “Bấy giờ tôi nói: Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Ðức Giê-hô-va vạn quân (Isaiah 6:5).”

Cũng có thể Phao-lô đã có cùng cảm nghĩ với Gióp khi Chúa mở mắt cho ông thấy con người thật của mình và nhận biết Chúa cách thực sự: 5Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: 6Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, Và ăn năn trong tro bụi. (Job 42:5-6).”

Đường Đa-mách, có lẽ là lần đầu tiên Phao-lô nhận diện sự bại hoại của con người mình trước sự vinh hiển Chúa mà vì thế ông đã lìa bỏ sự ỷ lại vào năng lực của mình để đặt niềm tin nơi Đấng Christ. Nhưng không phải chỉ riêng Phao-lô đã có từng trải đó; nhiều người đã tuôn tràn giọt lệ ăn năn khi được Chúa mở mắt họ lần đầu tiên.

PHÚC ÂM BỞI LỜI HỨA

2Tin Lành (mà) xưa kia Ðức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Kinh Thánh, 3về Con Ngài, theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Ða-vít sanh ra, 4theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Ðức Chúa Trời có quyền phép, tức là Ðức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta. (Romans 1:2-4)

Phúc âm mà Phao-lô đã được Chúa gọi để rao giảng thì đều hướng về Đức Chúa Giê-su Christ. Nhưng nếu chúng ta dõi mắt về những thời đại đã qua, có bao nhiêu sách vở và các sự giảng luận nói về Đấng Christ và Ngài chịu đóng đinh, nói rằng chỉ bởi Ngài mà chúng ta được cứu nhờ ân điển và đức tin, nói rằng Ngài đã thay thế hoàn toàn hệ thống dâng của tế lễ chuộc tội, cả hệ thống luật pháp và các điều răn nữa, kể cả Mười Điều Răn vĩ đại nữa, vì tất cả đều vô ích trong sự đem lại sự công bình mà chỉ Đấng Christ mới có thể đem lại được?

Thực vậy, phúc âm chỉ là về Đấng Christ và Ngài chịu đóng đinh chứ chẳng phải về những điều mà vô số sách vở và các bài giảng luận thường nói đến (1 Cor 2:2).

SỰ VÂNG PHỤC CỦA ĐỨC TIN

5nhờ Ngài chúng ta đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Ngài, 6trong các dân ấy anh em cũng đã được gọi bởi Ðức Chúa Jêsus Christ; (Romans 1:5-6)

Sự vâng phục của đức tin mà Phao-lô được giao cho trọng trách để đem đến cho người ngoại cũng như người Do-thái thì tương phản với sự vâng phục cũ theo luật pháp mà mục đích của nó thường bị hiểu sai. Chúa đã ban luật pháp cho người Do-thái để dẫn họ đến với Chúa Giê-su là Đấng Mê-si của họ. Cả thế giới sẽ phải học hỏi từ kinh nghiệm của họ: “trong các dân ấy anh em cũng đã được gọi”. Và như vậy, sau nhiều ngàn năm nỗ lực tuân theo những đòi hỏi của luật pháp, họ phải đi đến chỗ nhận thức được tình trạng tuyệt vọng của mình mà đặt niềm tin nơi Đấng Christ. Đó là ý nghĩa của sự vâng phục của đức tin. Bạn vâng lời Chúa bằng cách đặt niềm tin nơi việc Chúa đã hoàn tất trên thập giá. Đó cũng là cách đúng để chúng ta hiểu ý nghĩa của bài thánh ca “Trông Cậy Vâng Lời.” Vâng lời bằng cách bước vào đức tin chứ không phải theo những đòi hỏi của luật pháp. Nếu bạn nghĩ rằng vâng lời Chúa là theo mọi quy tắc của “hãy” và “chớ” thì bạn lầm to.

MÓN NỢ CỦA PHAO-LÔ

14Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người giã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt. 15Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin Lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma. (Romans 1:14-15)

Cảm giác về nợ nần của Phao-lô chắc phải đến từ sự tuôn tràn lòng biết ơn Chúa đã rộng lượng cứu người gian ác như ông. Lòng sốt sắng rao giảng tin lành chắc cũng nói lên lòng ông quý báu sự cứu rỗi là dường nào. Những người nghe giảng thường được khích lệ ra đi truyền giảng phúc âm để làm trọn đại mạng lệnh. Nhưng sự sốt sắng của Phao-lô đã không bắt nguồn từ những sự khuyên giục đó, mà từ kinh nghiệm bản thân với bảo vật phúc âm khiến ông không cầm giữ được trong lòng. Do đó, thay vì khuyên giục tín hữu tìm cách cho ra điều mình không có, tôi khuyên các mục sư hãy giúp tín hữu hiểu được báu vật trong phúc âm đã được giấu trong Đấng Christ. Và như thế, họ sẽ không tránh khỏi có phản ứng như của sứ đồ Phao-lô.

KHÔNG HỔ THẸN VỀ TIN LÀNH

16Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Ðức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; (Romans 1:16)

Lý do Phao-lô không hổ thẹn về tin lành cũng đồng với sự ông thấy mình phải rao giảng tin lành cho người hư mất. Vì chẳng một ai khi thấy giá trị thực và sự khôn ngoan của phúc âm lại hổ thẹn về nó.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and