Romans 8:14-23

Được Thánh Linh hướng dẫn. Thần trí tôi mọi và con nuôi. Tiếng của Thánh Linh. Chịu đau đớn với Chúa. Sự khó nhọc ngày nay.

ĐƯỢC THÁNH LINH DẮT DẪN

"14Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Ðức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Ðức Chúa Trời." (Romans 8:14)
Người tín hữu thường được khuyên nên tìm sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh thay vì ỷ lại vào sức mình. Thế nhưng, điều này dẫn đến một nghi vấn là làm sao họ có thể thực hiện được điều đó. Họ có nên để thêm thì giờ cầu nguyện hay tìm một đoạn kinh thánh có vẻ đang nói về tình trạng hiện tại của mình? Thêm nữa, là trong giai đoạn khẩn cấp để tìm câu giải đáp, họ dễ bị cám dỗ của những lời khuyên nhủ từ những người có vẻ có thẩm quyền tâm lình.

Tóm lại, họ muốn làm một hành động cụ thể nào đó, như chờ đợi tiếng của Thánh Linh phán trong lòng, hoặc một việc có vẻ như họ đang được sự hướng dẫn của Ngài.

Tuy nhiên, mặc dù không ban những hướng dẫn cho từng trường hợp, kinh thánh có cho chúng ta một kim chỉ nam rõ ràng và tối thượng cho mọi trường hợp để áp dụng vào cuộc sống:

Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp. (Galatians 5:18)

Nói một cách khác, Đức Thánh Linh sẽ không dắt dẫn nếu bạn vẫn còn ở dưới luật pháp. Câu hỏi cần yếu bạn phải hỏi chính mình là tôi có sống dưới một lề luật nào đó để được ơn Chúa và được Ngài xưng công bình không. Đây là luật duy nhất mà Phao-lô nói đến trong Galatians 5:18. Thực vậy, trong Galatians 5:4, Phao-lô đã cảnh cáo về sự cậy vào luật pháp để được xưng công bình. Ngoại trừ điều đó ra, Chúa cho chúng ta tự do để chọn những quyết định về bất cứ điều gì miễn là đừng đem lại tiếng xấu cho tin mừng cứu rỗi. Bạn cứ làm theo điều gì hợp tình hợp lý.

Tóm lại, được dắt dẫn bởi Thánh Linh không có nghĩa là bạn luôn luôn có sự tự nhận thức hoặc nghi vấn rằng mình có đang được Ngài hướng dẫn hay không. Trái lại, khi bạn cứ chú tâm vào Chúa Giê-su và điều Ngài đã làm trọn, thì bạn biết mình không còn ở dưới luật pháp. Bởi sự an nghỉ trong Đấng Christ, bạn làm một điều mà được thêm một điều khác. Bạn được sự vững tin là mình đang được Thánh Linh hướng dẫn. Đó là huyền nhiệm của “Ðấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển.” (Col 1:27)

THẦN TRÍ TÔI MỌI và CON NUÔI

15Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! (Romans 8:15)

Khi nhận biết rằng để được Thánh Linh dắt dẫn thì phải thoát khỏi sự cai trị của luật pháp, bạn sẽ kinh nghiệm được mối liên hệ với Chúa nhờ sự ngự trị của Thánh Linh hầu chúng ta có thể gọi Đức Chúa Trời là Cha với danh xưng ngọt ngào nhất. Điều này bày tỏ một mối liên hệ thân mật với Chúa. Chân lý sâu xa này được khẳng định trong câu đầu của chương này, nhấn mạnh sự bảo đảm rằng Chúa sẽ không bao giờ lên án kẻ thuộc về Ngài nữa. Sự bảo đảm đó khiến chúng ta vững lòng đến gần Chúa một cách không sợ hãi.

Một lần nữa, điều cốt yếu là chúng ta phải hiểu rằng sự sợ hãi nói đến ở đây không phải là những sợ hãi thông thường trong cuộc sống, nhưng là sợ sự đoán phạt của Chúa toàn năng. Sự sợ hãi này được tương phản với sự vui mừng cứu rỗi được ban cho những người được giải thoát khỏi ách của luật pháp.

TIẾNG CỦA THÁNH LINH

16Chính Ðức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Ðức Chúa Trời. (Romans 8:16)

Bằng cách nào Đức Thánh Linh bày tỏ chân lý nhiệm mầu đó cho chúng ta? Ngài phán qua một tiếng thì thầm? Hay qua môi miếng của những người khác? Có giống như “sự nóng cháy trong lòng” thường được người theo đạo Mọt-môn nói đến để bày tỏ sự được Thánh Linh làm chứng?

Phương pháp này có tin cậy được không? Bạn có nên tin cậy vào cảm giác mong manh của lòng người? Tôi nghĩ là chúng ta đừng nên đặt niềm tin vào những cảm giác bồng bột đó. Vì chính lời Chúa phán rằng lòng người thì đầy dẫy những điều dối trá nào ai biết được (Jeremiah 17:9). Trái lại lời Chúa khuyên chúng ta nên đặt niềm tin vào lời Ngài đã viết:

Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi. (John 8:32)
Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho. (John 15:3)
Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật. (John 17:17)
Để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Ðạo làm cho Hội tinh sạch. (Ephesians 5:26)

Đức Thánh Linh làm chứng trong lòng chúng ta khi chúng ta học hỏi lời Ngài. Hãy noi gương người Bê-rê-an trong sự chăm chỉ so sánh những sự giảng dạy họ nghe với những chân lý nền tảng trong kinh thánh. Điều trọng yếu là chúng ta nhận thức được rằng sự cậy vào kinh nghiệm cá nhân hoặc sự tìm tòi những dấu hiệu để biết ý Chúa là một điều chúng ta phải rất cẩn trọng vì cách thức đó cũng có thể giống như sự bói toán dị đoan bị lên án nặng nề trong (Phục Truyền) Deuteronomy 18:10.

CHỊU ĐAU ĐỚN VỚI CHÚA

17Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Ðức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Ðấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài. 18Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta. (Romans 8:17-18)

Để nâng đỡ tinh thần những người đang trải qua hoạn nạn trong hiện tại, Phao-lô nhắc nhở chúng ta về một “sự vinh hiển hầu đến” để chúng ta đừng ngã lòng.

Nhìn theo bối cảnh của câu 17 chúng ta sẽ hiểu rõ ý chính của sự “chịu đau đớn với Ngài.”. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ghi nhận rằng có một số người vì hiểu sai ý nghĩa của nó và làm hại chính mình và người mình có ảnh hưởng trên họ. Rốt cuộc họ tìm cách đạt được sự công bình bằng chính nỗ lực của mình hơn là cậy vào ân điển Chúa.

SỰ KHÓ NHỌC NGÀY NAY

19Thật thế, muôn vật ước ao, nóng nảy mà trông đợi con cái Ðức Chúa Trời được tỏ ra. 20Vì muôn vật đã bị bắt phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Ðấng bắt phục. 21Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Ðức Chúa Trời. 22Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay; 23không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Ðức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy. (Romans 8:19-23)

Sự “hư không” và sự “hư nát” được thể hiện qua những dạng thức như chết chóc, bệnh tật, chiến tranh, và các tai vạ khác cộng vào với những khổ đau trong đời sống. Đó chính là lý do khiến muôn vật từ buổi sáng thế cho đến ngày nay cứ than thở và chịu khó nhọc.

Mặc dầu chúng ta đã được tiếp nhận vào gia đình của Chúa bởi đức tin nơi Đấng Christ, sự “cứu chuộc thân thể” chỉ thực sự xảy đến trong ngày Đấng Christ trở lại sau tiếng kèn chót (1 Cor 15:52). Đây là lúc mọi bệnh tật sẽ không còn nữa.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and