Romans 9:9-29

Sự kêu gọi vs. sức người. Quyền tể trị của Chúa. Ai biết được ý Chúa?

SỰ KÊU GỌI vs. SỨC NGƯỜI

"9 Vả, lời nầy thật là một lời hứa: Cũng kỳ nầy ta sẽ lại đến, Sa-ra sẽ có một con trai. 10 Nào những thế thôi, về phần Rê-be-ca, khi bà ấy bởi tổ phụ chúng ta là Y-sác mà có thai đôi cũng vậy. 11 Vì, khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ hầu cho được giữ vững ý chỉ Ðức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Ðấng kêu gọi 12 thì có lời phán cho mẹ của hai con rằng: Ðứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ; 13 như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.
14 Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Có sự không công bình trong Ðức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! 15 Vì Ngài phán cùng Môi-se rằng: Ta sẽ làm ơn cho kẻ ta làm ơn, ta sẽ thương xót kẻ ta thương xót. 16 Vậy điều đó chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, bèn là bởi Ðức Chúa Trời thương xót."
(Romans 9:9-16)

Chúa đã có chương trình cho Gia-cốp và Ê-sau từ “khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ.” Điều trọng yếu chúng ta cần hiểu ở đây là ý niệm “trước khi.” Trước khi họ có khả năng làm lành để được lòng Chúa, hay làm ác để bị Ngài trừng phạt, thì Ngài đã có một chương trình cho họ rồi.

Dầu vậy, có thể có người biện luận rằng Chúa đã biết trước bản tính ác của Ê-sau để Ngài ghét bỏ. Nhưng nghĩ như vậy là nghịch lại với niềm tin căn bản là mọi điều Chúa dựng nên là tốt lành. Cũng như sau khi Chúa dựng nên A-đam và Ê-va, Ngài gọi đó là điều tốt lành. Do đó, chúng ta có thể đi đến kết luận là Ê-sau cũng đã được Chúa dựng nên cách đáng sợ lạ lùng như được tác giả Thi-thiên nói đến trong chương 139, câu 13 và 14.

Trong cái nhìn của tôi, khi Chúa nói “Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau,” chúng ta phải hiểu theo cùng ý nghĩa của những ngụ ngôn mà Chúa Giê-su hay dùng để truyền đạt những chân lý sâu nhiệm. Kinh thánh viết rằng bản chất của Đức Chúa Trời là sự yêu thương, thì làm sao Ngài lại có thể ghét bỏ tạo vật mà Ngài đã dựng nên? Hơn nữa, trong niềm tin của chúng ta, Chúa ghét tội lỗi nhưng yêu người có tội.

Thật vậy, sự Chúa ghét Ê-sau chỉ có trong cái nhìn hạn hẹp của loài người. Chúng ta có thể so sánh điều này với câu chuyện người mù từ lúc mới sinh trong Giăng 9, mà những người đồng thời với ông quyết đoán sai lầm rằng ông bị Chúa nguyền rủa. Nhưng Chúa Giê-su đã sửa sai và cho họ biết sự thật. Tương tự với trường hợp của Gióp, bất kể những tai họa xảy đến cho ông, Chúa chẳng hề oán ghét ông bao giờ. Chúng ta cũng hãy suy gẫm về người phụ nữ bị mất huyết suốt 12 năm trời cho đến khi bà gặp Chúa Giê-su. Chẳng một ai trong những người đó bị Chúa ghét bỏ, nhưng trong cái nhìn của thế gian, thì họ chắc phải bị Ngài nguyền rủa.

Qua thí dụ của Ê-sau và Gia-cốp, Chúa bày tỏ ý Ngài là chương trình của Ngài cho mỗi cá nhân chẳng hề bị ảnh hưởng bởi sự ao ước hoặc nỗ lực của con người, nhưng chỉ bởi lòng thương xót của Ngài. Vì như có viết trong Romans 3:23, mọi người đều là tội nhân trước mặt Chúa. Mặc dầu chương trình của Chúa cho Ê-sau có vẻ như ông bị Chúa oán ghét, nhưng chân lý trong John 3:16 không hề đổi thay—Ngài cũng yêu Ê-sau như Ngài yêu thương thế gian. Hình ảnh của sự oán ghét chỉ là sự Chúa phơi bày ý tưởng gian ác của chúng ta chứ không phản ảnh bản chất của Đức Chúa Trời.

QUYỀN TỂ TRỊ CỦA CHÚA

17 Trong Kinh Thánh cũng có phán cùng Pha-ra-ôn rằng: Nầy là cớ vì sao ta đã dấy ngươi lên, ấy là để tỏ quyền phép ta ra trong ngươi, hầu cho danh ta được truyền ra khắp đất. 18 Như vậy, Ngài muốn thương xót ai thì thương xót, và muốn làm cứng lòng ai thì làm. 19 Vậy thì người sẽ hỏi ta rằng: Sao Ngài còn quở trách? Vì có ai chống lại ý muốn Ngài được chăng? 20 Nhưng, hỡi người, ngươi là ai, mà dám cãi lại cùng Ðức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy? 21 Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng bình khác để dùng việc hèn hạ sao? 22 Nếu Ðức Chúa Trời muốn tỏ ra cơn thạnh nộ và làm cho bởi thế quyền phép Ngài, đã lấy lòng khoan nhẫn lớn chịu những bình đáng giận sẵn cho sự hư mất, 23 để cũng làm cho biết sự giàu có của vinh hiển Ngài bởi những bình đáng thương xót mà Ngài đã định sẵn cho sự vinh hiển, thì còn nói chi được ư?” (Romans 9:17-23)

Những câu kinh thánh trên khai triển thêm ý nghĩa của đoạn trước đó, khẳng định một lần nữa về quyền tể trị của Chúa về ý Ngài trong đời sống chúng ta. “Ngài muốn thương xót ai thì thương xót, và muốn làm cứng lòng ai thì làm.” Từ trong tầm nhìn giới hạn của chúng ta, có vẻ dường như có khi Chúa đối xử không công bằng, nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng Ngài là Đức Chúa Trời công bình. Tôi dám tin rằng ngay cả đến Pha-ra-ôn, Chúa cũng cho ông cơ hội để làm hòa với Ngài ở một thời điểm nào đó trong đời ông.

Trong con mắt phàm nhân, một cục đất sét có thể được dùng vào việc sang hay hèn, nhưng dưới mắt Chúa, cả hai đều có giá trị như nhau. Chúng ta hãy tránh đừng lầm lẫn trong sự đánh giá trị chúng theo tiêu chuẩn của trần gian.

AI BIẾT ĐƯỢC Ý CHÚA?

24 Ðó tôi nói về chúng ta, là kẻ Ngài đã gọi, chẳng những từ trong dân ngoại nữa. 25 Như Ngài phán trong sách Ô-sê rằng: Ta sẽ gọi kẻ chẳng phải dân ta là dân ta, Kẻ chẳng được yêu dấu là yêu dấu; 26 Lại xảy ra trong nơi Ngài phán cùng họ rằng: Các ngươi chẳng phải là dân ta đâu, Cũng lại nơi đó họ sẽ được xưng là con của Ðức Chúa Trời hằng sống. 27 Còn Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng: Dầu số con cái Y-sơ-ra-ên như cát dưới biển, chỉ một phần sót lại sẽ được cứu mà thôi; 28 vì Chúa sẽ làm ứng nghiệm lời Ngài cách trọn vẹn và vội vàng trên đất. 29 Lại như Ê-sai đã nói tiên tri rằng: Nếu Chúa vạn quân chẳng để lại một cái mầm của dòng giống chúng ta, Thì chúng ta đã trở nên như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ vậy.” (Romans 9:24-29)

Cũng như những người Do-thái thường có một giả định nào đó về sự cứu rỗi của người ngoại, chúng ta cũng thường có những giả định về sự cứu rỗi của những người chưa đặt niềm tin trong Chúa. Những người mà chúng ta nghĩ họ “chẳng phải là dân ta,” biết đâu có một ngày kia lại được Chúa gọi là “con của Ðức Chúa Trời hằng sống.” Điều chính yếu mà Phao-lô muốn bày tỏ ở đây là chúng ta không thể biết trước được Chúa sẽ chọn ai, vì thế chúng ta phải luôn có thái độ là những người chung quanh chúng ta, kẻ cả những người mà chúng ta hiện coi là thù đich, có thể một ngày nào đó trở nên công dân nước trời.

Nhãn quan này cũng khiến chúng ta có lòng khiêm tốn vì biết rằng nếu không bởi lòng thương xót của Chúa, thì chúng ta cũng chẳng khác gì Sô-đôm và Gô-mô-rơ.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and