Romans 6:15-23

Thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Tôi mọi của kẻ mình vâng phục. Đặt chi thể mình. Những điều đó. Được buông tha khỏi tội lỗi. Tiền công của tội lỗi.

THÌ CHÚNG TA SẼ PHẠM TỘI HAY SAO?

"15Vậy thì làm sao! Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy! (Romans 6:15)
Không bị buộc phải sống dưới luật pháp là một điều không tưởng được trong trí tín hữu Cơ-đốc. Mặc dầu phần lớn đồng ý rằng họ được sống dưới ân điển, khi giảng dạy họ thường nói: đã đành chúng ta được sống dưới ân điển, nhưng. Điều này làm giảm hiệu lực của ân điển Chúa đến nỗi có người cho rằng giảng nhiều về ân điển sẽ xúi giục tín hữu phạm tội.

Đây có thể là lý do Phao-lô thấy ông phải viết xuống câu kinh thánh trên để giải tỏa quan tâm của họ. Nhưng thực ra, chúng ta có thể dễ dàng dẫn chứng cho thấy không có luật pháp không có nghĩa là người ta đổ xô đến để phạm tội. Chẳng hạn như, không có luật cấm người ta nhảy xuống từ lầu cao không có nghĩa là người ta ùn ùn nhảy vào chỗ chết. Không có luật cấm ăn thực phẩm có số lượng tinh bột cao không có nghĩa là khiến nhiều người bị tiểu đường tự do ăn nhiều đồ ngọt.

Vì thế, chúng ta phải ngừng dùng biện luận rằng ân điển xúi giục người ta phạm tội. Về một phương diện khác, Chúa đã có một chủ định khác khi Ngài ban luật pháp cho loài người. Là Ngài muốn dùng luật pháp cho nhân loại thấy họ cần Đấng Cứu Thế. Vì thế, luật pháp đóng một vai trò quan trọng trong sự dẫn loài người đến với đức tin, nhưng không ích gì để giúp người tin Chúa sống đời tin kính. Một khi kẻ có tội trở về cùng Chúa, vai trò hướng dẫn của luật pháp chấm dứt (Galatians 3:24). Câu kinh thánh dưới đây cho thấy chúng ta là tội nhân chẳng phải vì các tội mình đã phạm, nhưng bởi không tin nơi Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến.

8Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. 9Về tội lỗi, vì họ không tin ta; (John 16:8-9)

Phần lớn tín hữu vẫn sai lầm về ý nghĩa của tội lỗi. Họ vẫn tìm phương thuốc chữa tội lỗi qua sự dẫn dắt của luật pháp, mà không biết rằng điều họ thực sự cần là niềm tin đơn sơ nơi Đấng Christ.

TÔI MỌI CỦA KẺ MÌNH VÂNG PHỤC

16Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình làm tôi mọi đặng vâng phục kẻ nào, thì là tôi mọi của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng phục để được nên công bình hay sao? 17Nhưng, tạ ơn Ðức Chúa Trời, vì sau khi anh em làm tôi mọi tội lỗi, thì đã từ lòng vâng phục đạo lý là sự đã ban làm mực thước cho mình! 18Vậy, anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên tôi mọi của sự công bình rồi. (Romans 6:16-17)

Qua đoạn kinh thánh trên, Phao-lô cho chúng ta thấy một luật chung cho mối liên hệ giữa chúng ta với tội lỗi qua luật pháp, và sự công bình qua Đấng Christ. Chúng ta đã nô lệ tội lỗi trước khi được trở nên nô lệ của sự công bình. Ý niệm chính mà chúng ta phải hiểu ở đây là “sự nô lệ.”

Câu hỏi mà chúng ta phải nêu lên là kẻ nô lệ có cưỡng lại được ý muốn của chủ mình không. Câu trả lời đơn giản là “Không.” Vì đó là lý do tại sao Chúa đã phải đến để giải cứu chúng ta khỏi móng vuốt của chủ cũ và trở nên chủ mới của chúng ta trong sự công bình. Vì thế, cũng tương tự như sự chúng ta không tránh khỏi phải làm điều ác khi còn là nô lệ tội lỗi, chúng ta cũng không tránh được phải làm điều lành giờ đây khi chúng ta trở nên nô lệ của sự công bình (Romans 7:19).

Trong ý nghĩa đó, sự thúc giục sống đời tin kính được thúc đẩy từ bên trong chứ không từ sự dạy dỗ bên ngoài: “Vì ấy chính Ðức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” (Philippians 2:13). Đời sống của người tin Chúa không còn giống như một cuộc hành trình đi tìm ý Chúa để làm theo, nhưng giờ đây như một cành sanh bông trái vì được tháp vào thân nho là Đấng Christ.

Thay vì tìm tòi trong sách vở hay dự những lớp huấn luyện để có kết quả cho Chúa từ nỗ lực của chính mình, thì bạn hãy nên học để biết chiều cao, sâu, dài rộng của những điều Chúa đã làm trọn cho mình. Bạn hãy vững tin về điều đó. Bạn có nhớ rằng mình là nô lệ của sự công bỉnh không? Nếu bạn hiểu được điều này, là ý niệm nô lệ mở ra cho chúng ta một cách sống đời tin kính thực sự phản ảnh ý niệm “người công bình sống bởi đức tin”. Và đừng bao giờ quên rằng đó là đức tin nơi Đấng Christ chứ chẳng phải nơi chính bản thân bạn.

ĐẶT CHI THỂ MÌNH

19Vậy, anh em từng đặt chi thể mình làm tôi sự ô uế gian ác đặng làm tội ác thể nào, thì bây giờ, hãy đặt chi thể mình làm tôi sự công bình đặng làm nên thánh cũng thể ấy. (Romans 6:19)

Kẻ nô lệ phải đầu phục chi thể mình dù muốn dù không. Người đó phải tuân lệnh chủ không được thắc mắc. Cũng tương tự như thế, sự nên thánh mà bạn nhận được từ Chúa cũng là món quà từ người chủ giầu lòng thương xót. Vì thế bảo người nô lệ “hãy nên thánh” là thừa vì chính Chúa kể người đó là thánh. Vì chỉ mình Ngài là Đấng “xưng kẻ có tội là công bình” (Romans 4:5). Khi một xác chết được sống lại từ cõi chết, xác chết đó đã chẳng tự mình sống lại được; nhưng được sống lại bởi Đấng đã khiến Giê-su Christ phục sinh. Sự nên thánh của chúng ta cũng vậy, là một món quà từ Chúa chứ không phải bởi nỗ lực của chính bạn.

NHỮNG ĐIỀU ĐÓ

20Vả, khi anh em còn làm tôi mọi tội lỗi, thì đối với sự công bình anh em được tự do. 21Thế thì anh em đã được kết quả gì? Ấy là quả mà anh em hiện nay đương hổ thẹn; vì sự cuối cùng của những điều đó tức là sự chết. (Romans 6:20-21)

Đoản văn “những điều đó” khiến chúng ta lầm tưởng rằng sứ đồ Phao-lô khiển trách chúng ta về những tội lỗi nào đó chúng ta đã phạm. Nhưng chúng ta phải biết rằng nan đề của chúng ta không phải là “những điều đó,” mà là bản chất tội lỗi của chính mỗi người.

Nhưng từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Ðấng phải đến. (Romans 5:14)

Và như thế, chúng ta phải hiểu là cuối cùng của mỗi tội nhân là sự chết, nếu người đó chưa được gột sạch bởi huyết Chiên Con. Hãy cẩn thận đừng rơi vào bẫy của sự chú tâm vào “những điều đó” như thể nhờ đó mà được sự sống đời đời, vì cho dù bạn có tránh không phạm vào bất cứ tội gì chăng nữa, sự chết đã cai trị bạn rồi.

Tôi tin rằng khi sứ đồ Phao-lô nói đến “những điều đó,” ông hàm ý chúng là hậu quả của bản chất tội lỗi chúng ta.

ĐƯỢC BUÔNG THA KHỎI TỘI LỖI

22Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Ðức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng. (Romans 6:22)

Chúng ta chỉ có thể hiểu rằng được buông tha khỏi tội lỗi nghĩa là nhờ Chúa chúng ta cũng được kể là đã đồng chôn với Ngài (Romans 6:4) và cũng đã chết về luật pháp (Romans 7:6). Hơn nữa, “không có luật pháp thì tội lỗi chết đi” (Romans 7:8). Do đó, thay vì cứ chiến đấu với thịt và huyết và hàng hà sa số tội lỗi, thì chúng ta hãy hủy diệt bản chất tội lỗi một lần đủ cả bằng cách an nghỉ ở chân thập giá nơi Chúa đã làm trọn mọi điều cần thiết để trình bạn trước Đức Chúa Trời không vết không tì không chỗ trách được. Trở nên người tín hữu Cơ-đốc là đã đến bến bờ yên nghỉ, chứ không còn trên đường ngàn dặm nữa. Vì mọi sự đã được trọn.

TIỀN CÔNG CỦA TỘI LỖI

23tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Ðức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Ðức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta. (Romans 6:23)

Để kết luận, bạn hãy hiểu từ ngữ “tội lỗi” trong câu trên là nói về bản chất tội lỗi chứ không phải những sự vi phạm đến từ nó. Bởi vì nếu sự sống đời đời là tùy thuộc nơi khả năng của bạn để tránh đừng phạm tội, thì bạn sẽ chẳng bao giờ dám tin rằng mình đã được cứu rồi.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and