Romans 4:25-5:5

Tại sao Chúa chịu đóng đinh? Sự trông cậy về vinh hiển. Từ hoạn nạn đến trông cậy. Niềm hy vọng thực.

TẠI SAO CHÚA CHỊU ĐÓNG ĐINH?

"25Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta. (Romans 4:25)

Chúng ta có thể đã đến với Chúa từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng không phải là vì đó mà Chúa đến. Dầu Chúa đã thăm viếng cách đặc biệt đời sống của một số người trong nhân thế, nhưng đó cũng không phải là nguyên nhân chính.

Chúng ta hãy suy gẫm về câu Kinh thánh dưới đây mà nhiều người thường giải thích và áp dụng sai lầm:

Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh. (Isaiah 53:5—KJV).

Chữ “bệnh” thường bị hiểu sai trong câu kinh thánh này. Nhiều người cho rằng nó nói về sự chữa lành trong thân thể, nhưng thực ra thì nó nói về sự hàn gắn mối tương giao đã bị rạn nứt với Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta đọc đoạn Ê-sai đó trong bối cảnh của Romans 4:25, thì “lằn roi” mà Chúa chịu là “vì tội lỗi”“vì sự công bình” của chúng ta. Chúa Giê-su đã không chịu chết để chữa lành cho thân xác chúng ta vì thực ra Ngài đã chữa lành cho nhiều người trước khi lên thập giá. Nhưng Chúa đã phải dùng thập giá để thực hiện phép lạ tuyệt đỉnh để đem loài người trở lại với Ngài.

Khi những người không có lương tâm dùng chân lý về thập tự của Chúa để gạt gẫm những tín hữu nhẹ dạ, cho họ những hy vọng hão huyền để rồi cuối cùng họ sẽ bị vỡ mộng. Trái lại, là những người rao giảng phúc âm, chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở trong lòng ý nghĩa chân thực của thập giá.

Vì thế, phúc âm không phải là ca hát ngợi khen hay thờ phượng, cầu nguyện, kiêng ăn, vâng lời, dự các lễ, nói tiên tri, đuổi quỉ, gây quĩ, tiệc thánh, hay bất cứ hàng ngàn những sinh hoạt khác mà nhiều người đặt nền tảng mục vụ họ trên đó. Những việc đó đều không phải là lý do Chúa xuống thế gian. Ngài đến để chuộc tội và ban cho chúng ta sự công bình. Hay nói cách khác, trọng tâm của phúc âm là những điều Chúa đã làm chứ không phải những việc chúng ta sẽ làm.

SỰ TRÔNG CẬY VỀ VINH HIỂN

1Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Ðức Chúa Trời, bởi Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta, 2là Ðấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững; và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Ðức Chúa Trời. (Romans 5:1-2)

Ngoài những lý do được bày tỏ trong Romans 4:25, một nguyên nhân khác nữa của sự Chúa chết trên thập giá là để chúng ta được “hòa thuận với Đức Chúa Trời.” Mong rằng trong số những quan tâm của chúng ta trong cuộc sống này, đây là điều chiếm trọn tâm tư chúng ta nhiều hơn hết.

Còn “sự trông cậy về vinh hiển” mà sứ đồ Phao-lô nói đến trong câu 2 là gì mà chúng ta phải khoe mình, hay vui mừng, về điều đó? Đây là một ý niệm khó để chúng ta hình dung được vì nó nằm trong một lãnh vực mà chúng ta hiện chưa được vào đó. Một nhà thần học có thể dùng ngôn ngữ hoa mỹ nhất để ca tụng sự quan hệ của nó, nhưng tất cả chỉ là sự suy đoán trong thời điểm và không gian hiện tại.

Phải chăng đó là sự vinh hiển của Chúa mà chúng ta đang tìm cầu, hay là sự vinh hiển mà chúng ta đã đánh mất từ trong Vườn Địa Đàng mà sẽ được hoàn lại khi chúng ta được mặc lấy sự bất tử? Nhưng bất kể ở dưới dạng thức nào chăng nữa, điều đó phải hướng lòng chúng ta ra khỏi thế giới này mà hướng về cõi mai sau.

Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Ðấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết. (1 Corinthians 15:19)

Lời cầu nguyện của chúng ta có thể bày tỏ nhiều về đối tượng của niềm tin chúng ta.

TỪ HOẠN NẠN ĐẾN TRÔNG CẬY

3Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục4sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. (Romans 5:3-4)

Phải chi chúng ta đạt được nhiều thành quả mà không phải trải qua những thử thách khó khăn? Nhưng thực tế là thường phải trải qua những nghịch cảnh hầu những thay đổi tích cực được đạt đến, cũng như qua những gian khổ mà hy vọng được nẩy mầm.

NIỀM HI VỌNG THỰC

5Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì sự yêu thương của Ðức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Ðức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta. (Romans 5:5)

Sự trông cậy không làm cho hổ thẹn

Ý niệm này chỉ có giá trị khi sự trông cậy của bạn đặt nền tảng trên điều Chúa đã hứa. Chính Ngài đã hứa sẽ ban sự sống đời đời cho những kẻ tin vào Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến. Và như thế, niềm hy vọng sẽ không trở thành tuyệt vọng vì Chúa sẽ làm thành điều Ngài đã hứa.

Tình Chúa yêu thương

Vậy người tin Chúa sẽ phải sống thế nào trong phần còn lại của cuộc hành trình vào vĩnh cửu? Họ sẽ cậy vào ai để hướng dẫn họ? Phải chăng là luật pháp với những điều răn? Hay là một người mà Chúa đã hứa qua tiên tri Giê-rê-mi?

31Ðức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa. 32Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng chúng nó, Ðức Giê-hô-va phán vậy. 33Ðức Giê-hô-va phán: Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Ðức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta. 34Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Ðức Giê-hô-va! vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Ðức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa. (Jeremiah 31:31-34)

Thật có nhiều lẽ đạo cần được khai triển từ đoạn kinh thánh trên.

Giao ước mới thì khác với giao ước cũ mà Chúa đã lập với tổ phụ của người Do-thái. Giao ước cũ thì viết trên bảng đá trong khi giao ước mới được viết vào lòng người tin. Luật mới ban sự sống (Romans 8:2) thì được viết vào lòng bởi Đức Thánh Linh mà Ngài sẽ phán với mỗi tấm lòng với lời êm dịu từ Si-ôn chứ không bằng tiếng sấm sét từ núi Si-nai. Chúa cũng cất đi quyền dạy dỗ những người khác từ luật pháp bên ngoài, mà thay vào đó là sự hướng dẫn của chính Thánh Linh trong lòng mỗi người cho đến trọn đời.

Còn hơn thế nữa, Ngôi Ba Đức Chúa Trời làm lòng họ được vững tâm rằng Chúa sẽ “chẳng nhớ tội chúng nó nữa.” Đó là lý do tại sao chúng ta có thể có sự bình an, thay vì sợ hãi, mà “trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời.”

Đó cách Chúa **“rải khắp trong lòng” chúng ta tình yêu của Ngài. Các bạn có nhớ lại trong chương 2 câu 4 khi sứ đồ Phao-lô nhắc nhở tín đồ thành Rô-ma rằng động lực thúc đẩy họ đến sự ăn năn là tình yêu của Ngài? (Romans 2:4) Còn luật pháp thì chỉ khuấy động lên thêm những dục vọng của xác thịt (Romans 7:5).

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and