Rô-ma 4:5-13

Xưng người có tội là công bình. Phước thay. Trước khi Áp-ra-ham chịu cắt bì. Cha hết thảy những kẻ tin.

XƯNG NGƯỜI CÓ TỘI LÀ CÔNG BÌNH

"5Còn kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Ðấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình." (Romans 4:5)
Thông thường chúng ta hay liên hệ sự công bình với nếp sống thánh thiện. Chúng ta hay nghĩ rằng sự công bình chỉ được dùng để nói về những người không chỗ nào chê trách. Chân lý bày tỏ trong đoạn Kinh thánh này có thể làm kinh ngạc nhiều tín hữu, dầu tin vào nó trên lý thuyết, nhưng trên thực tế thì lòng họ không thực sự tin.

Chúa “xưng người có tội là công bình.” Làm sao có thể như vậy được? Đây là câu hỏi mà nhiều người, kể cả những người Pha-ri-si, thường nêu lên khi nghe sự giảng dạy của Chúa Giê-su 11Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Ðức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. 12Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi (Luke 18:11-12).” Họ tin rằng nếu có ai được xưng công bình thì họ phải trong vòng những người đó.

Không phải chỉ người Pha-ri-si mới bị lọt vào bẫy của sự tự xưng công bình cho chính mình. Ai trong vòng chúng ta cũng có khuynh hướng suy nghĩ như họ khi xét đoán ai là người xứng đáng được Chúa xưng công bình. Thế nhưng, như đã được bày tỏ trong câu 5 ở trên, sự công bình của Chúa chẳng liên hệ gì đến quan niệm của riêng bạn về đức độ của chính mình.

PHƯỚC THAY

6Ấy vậy, vua Ða-vít cũng tỏ ra cái phước của người mà Ðức Chúa Trời kể cho là công bình chẳng bởi việc làm, mà rằng: 7Phước thay cho kẻ, lỗi mình được tha thứ, Tội mình được che đậy! 8Phước thay cho người mà Chúa chẳng kể tội lỗi cho!” (Romans 4:6-8 — Psalm 32:1-2)

Thể nào bạn cũng đã từng đọc hoặc nghe đoạn Kinh thánh nói về “phước,” chẳng hạn như:

1Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhơn, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; 2Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Ðức Giê-hô-va, Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm. (Psalms1:1-2)

Thi-thiên này đã trở nên khuôn vàng thước ngọc cho nhiều tín hữu mà trong đó có tôi đã thuộc nằm lòng. Nó cũng thường được dùng trong nghi lễ của nhiều giáo phái đặt nền tảng trên Kinh thánh trong nhiều thế hệ.

Nhưng trong Romans 4:6-8, Phao-lô đã nói đến một loại “phước” khác. Phước này không phải là sự giữ được những điều tuyệt vời liệt kê trong Thi-thiên 1. Mà phước lớn nhất là được sự tha thứ của Chúa vì cuối cùng là mọi người chẳng trừ ai sẽ thất bại trong sự giữ những khuôn vàng thước ngọc đó. Cuộc đời của vua Đa-vít, Áp-ra-ham, và nhiều thần tượng khác trong Kinh thánh đã chứng tỏ điều đó. Vua Đa-vít có thể đã nhiều tự tin khi ông viết Thi-thiên 1, nhưng rồi thời gian trôi qua với nhiều thất bại bản thân, ông đã viết những vần thơ khác mà sau này Phao-lô đã trích dẫn để chứng tỏ phước hạnh thật của một người là sự được Chúa tha thứ chứ không phải khi họ nỗ lực giữ những giới răn của luật pháp.

Có lẽ thay vì Thi-thiên 1, những tín hữu nên suy gẫm Thi-thiên 32 là khi vua Đa-vít không còn cậy vào chính mình nữa mà nhìn lên Chúa là Đấng có khả năng cứu ông khỏi sự tàn phá đời mình. Nhưng về một phương diện khác, ai cũng phải trải qua Thi-thiên 1 trước khi họ bước vào Thi-thiên 32. Họ phải trải nghiệm sự tận lực tuân theo luật pháp trước khi đến sự đầu phục ở chân thập giá. Đó cũng là kinh nghiệm của riêng tôi.

TRƯỚC KHI ÁP-RA-HAM CHỊU CẮT BÌ

9Vậy, lời luận về phước đó chỉ chuyên về kẻ chịu cắt bì mà thôi sao? Cũng cho kẻ không chịu cắt bì nữa. Vả, chúng ta nói rằng đức tin của Áp-ra-ham được kể là công bình cho người. 10Nhưng được kể thế nào? Khi người đã chịu cắt bì rồi, hay là khi người chưa chịu cắt bì? Ấy không phải sau khi người chịu cắt bì, bèn là trước.” (Romans 4:9-10)

Thời điểm mà Áp-ra-ham được Chúa xưng công bình đã được Phao-lô dùng để chứng tỏ rằng sự tuân giữ luật pháp không phải là một trong những yếu tố cần thiết. Vì Chúa xưng ông là người công bình “không phải sau khi người chịu cắt bì, bèn là trước.” Nếu ông đã chịu cắt bì trước rồi, thì người ta có thể biện luận rằng sự tuân giữ luật pháp là một điều kiện cần thiết. Nhưng đó không phải là điều đã xảy ra.

Chân lý này đã được Phao-lô bày tỏ trong chương 3, nhưng có lẽ vì tầm quan trọng của nó nên ông cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách Rô-ma.

21Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Ðức Chúa Trời, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp; 22tức là sự công bình của Ðức Chúa Trời, bởi sự tin đến Ðức Chúa Jêsus Christ, cho mọi người nào tin, chẳng có phân biệt chi hết, 23vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời, 24và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Ðức Chúa Jêsus Christ, 25là Ðấng Ðức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Ðấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia. (Romans 3:21-25)

CHA HẾT THẢY NHỮNG KẺ TIN

11Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình12và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy. 13Vả, ấy chẳng phải bởi luật pháp mà có lời hứa cho Áp-ra-ham hoặc dòng dõi người lấy thế gian làm gia nghiệp, bèn là bởi sự công bình của đức tin.” (Romans 4:11-13)

Vì thế, nếu bạn đến với Chúa qua niềm tin nơi Đấng Christ, cũng như Áp-ra-ham, thì bạn đúng là con cháu của ông theo đức tin.

Xin bạn đừng coi thường sức mạnh và sự quyến rũ của luật pháp. Vì nó đã cám dỗ A-đam và Ê-va đến nỗi cướp đi sự sống đời đời của họ. Luật pháp, chẳng như Thánh Linh sinh bông trái sự sống, chỉ mang đến sự chết như chúng ta sẽ học trong chương 7.

5Vì khi chúng ta còn sống theo xác thịt, thì các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả cho sự chết. 6Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều bắt buộc mình, thì được buông tha khỏi luật pháp đặng hầu việc Ðức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự. (Romans 7:5-6)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and