Rô-ma 3:10-31

Chẳng một ai công bình. Miệng nào cũng phải ngậm lại. Được xưng công bình cách nhưng không. Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Làm vững bền luật pháp.

CHẲNG MỘT AI CÔNG BÌNH

"10như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. 11Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Ðức Chúa Trời. 12Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. 13"Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang. 14Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng. 15Chúng nó có chơn nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu. 16Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn, 17Chúng nó chẳng hề biết con đường bình an. 18Chẳng có sự kính sợ Ðức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó. (Romans 3:10-18)

Rô-ma 3:9, “người Giu-đa và người Gờ-réc thảy đều phục dưới quyền tội lỗi,” là câu mà chúng ta đã dùng để kết thúc bài học tuần trước. Và ở đây, các câu 10 đến 18 cho chúng ta biết thêm tầm mức sự vi phạm của cả nhân loại. Phao lô đã không viết điều này cho “họ”, nhưng cho tất cả chúng ta, Do-thái hay Hy-lạp, tín đồ hay người ngoại đạo. Ông nhắm vào toàn thể nhân loại, từ người tốt nhất đển kẻ tệ hại nhất. Chẳng ngoại trừ ai.

Trong khi hướng dẫn lớp Trường Chúa Nhật, tôi đã có cảm tưởng hầu hết mọi người nghĩ rằng đó là Phao-lô nói về những kẻ tội lỗi ở thế giới bên ngoài. Nhưng thực ra không phải vậy. Phao-lô đang nhắm vào mọi độc giả của đoạn Kinh thánh này. Tất cả chúng ta đều chứa đựng những điều ông diễn tả. Tất cả chúng ta đều không tìm kiếm Chúa. Tất cả đều sai lạc và cùng nhau ra vô ích. Họng chúng ta đều như huyệt mả mở ra. Chúng ta đều dùng lưỡi mình để phỉnh gạt. Và nhiều điều khác nữa.

Tại sao lại có thể như vậy được? “Chẳng một người công bình, dẫu một người cũng không,” đó là lời Chúa trong Kinh thánh.

MIỆNG NÀO CŨNG PHẢI NGẬM LẠI

19Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại<, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Ðức Chúa Trời; 20chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.” (Romans 3:19-20)

Đa số nghĩ rằng vai trò của luật pháp là để cải thiện đời sống con người. Bạn được thánh hóa hơn nhờ biết phân biệt thiện ác. Nhưng phần lớn đều hiểu sai về vai trò của luật pháp. Nó không phải là để giúp đạt được những mục đích trên, nhưng để bày ra tình trạng tội lỗi thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Nếu luật pháp đạt được mục đích của nó cho đời sống bạn, thì nó có công dụng như một tấm gương phản chiếu thực trạng của mình: “vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.” Từ trong Vườn Địa Đàng, và cả Mười Điều Răn, đó là vẫn mục đích của luật pháp. Mỗi người trong chúng ta đều đã phạm phải sự áp dụng luật pháp sai lầm.

Chân lý này sẽ đập tan mọi nỗ lực tự bênh vực cho sự công bình của chính mình qua luật pháp: “miệng nào cũng phải ngậm lại.”

ĐƯỢC XƯNG CÔNG BÌNH CÁCH NHƯNG KHÔNG

21Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Ðức Chúa Trời, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp22tức là sự công bình của Ðức Chúa Trời, bởi sự tin đến Ðức Chúa Jêsus Christ, cho mọi người nào tin, chẳng có phân biệt chi hết, 23vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời, 24và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Ðức Chúa Jêsus Christ25là Ðấng Ðức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Ðấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, 26trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ ra sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Ðức Chúa Jêsus.” (Romans 3:21-26)

Sự công bình nghĩa là sự một người được đối tượng của mình chấp nhận. Đối với người tin Chúa, nó nói về sự được Chúa chấp nhận. Tuy nhiên, Philippians 3:9 nói về hai loại công bình khác nhau: sự công bình của chính mình đến bởi sự tuân theo những đòi hỏi của luật pháp, và sự công bình của Đức Chúa Trời được ban cho những kẻ tin vào Đấng Christ. Người tin Chúa phải tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời vì đó là sự công bình duy nhất để được sự sống đời đời.

Dưới đây là những đặc điểm của sự công bình của Đức Chúa Trời:

  • Được ban cho ngoài luật pháp. Nghĩa là được Chúa chấp nhận mà không phải tuân theo những đòi hỏi của luật pháp.
  • Được ban cho bởi niềm tin nơi Đấng Christ.
  • Được ban cho vô điều kiện.
  • Chỉ duy một mình Đấng Christ là Đấng ban cho sự công bình.

Nhiều năm trước đây, khi tôi chưa thấu hiểu Giao Ước Mới như ngày hôm nay, có một người anh em trong Chúa tranh luận với tôi rằng sự công bình của Chúa tức là luật pháp, mà ân điển thì chống nghịch với luật pháp. Họ tin rằng vì luật pháp là lẽ thật, mà Chúa Giê-su thì đầy ân điển và lẽ thật, nên Ngài cũng muốn chúng ta hãy sống dưới cả hai ân điển và luật pháp. Tôi bị chưng hửng. Làm sao mình có thể chống trả lại lập trường đó?

Bây giờ thì tôi vững vàng hơn xưa. Mục đích của luật pháp là để dạy chúng ta rằng không ai có thể vào trong sự hiện diện của Chúa, còn sự công bình là điều kiện chứng tỏ chúng ta toàn hảo đủ để có thể đến trước mặt Ngài. Người tín hữu này phải học lớp này ngay bây giờ vì Galatians 5:4 có một lời cảnh cáo nghiêm trọng về vấn đề này:

Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi. (Galatians 5:4)

Nếu luật pháp đạt được mục đích của nó trong đời sống một người, chẳng hạn như người tín hữu trong thí dụ kể trên, thì thế nào người đó cũng đến cùng chỗ với tiên tri Ê-sai khi ông gặp Chúa trong đền thờ:

Bấy giờ tôi nói: Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Ðức Giê-hô-va vạn quân! (Isaiah 6:5)

Luật pháp phơi bày tình trạng hư mất của bạn chứ chẳng hề đem đến cho bạn sự công bình.

VẬY THÌ SỰ KHOE MÌNH Ở ĐÂU?

27Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Ðã bị trừ bỏ rồi. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của việc làm chăng? Không phải, nhưng bởi luật pháp của đức tin28vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp29Hay là, Ðức Chúa Trời chỉ là Ðức Chúa Trời của dân Giu-đa sao? Há chẳng phải cũng là Ðức Chúa Trời của dân ngoại ư? Phải, Ngài cũng là của dân ngoại nữa; 30Vì chỉ có một Ðức Chúa Trời, là Ðấng làm cho kẻ chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin, cũng làm cho kẻ không chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin nữa.” (Romans 3:27-30)

Khi một người đặt mình dưới khuôn khổ của luật pháp thì không tránh khỏi sự so sánh mình với người khác, và rồi hoặc sẽ mang tự ti mặc cảm nếu thất bại, hoặc tìm cách khoe mình nếu thành công.

Tại sao chúng ta không được khoe mình? Tại vì sự công bình mà Chúa ban cho thì ở ngoài khuôn khổ của luật pháp. Khi bạn đến với Chúa trong tâm tình tin cậy nơi tình yêu thương và sự nhân từ của Chúa cho mình, thì sự khoe mình không còn chỗ đứng trong đời bạn nữa. Chúa lại quả quyết rằng việc làm của thập giá là nguồn duy nhất cho sự công bình của bạn.

LÀM VỮNG BỀN LUẬT PHÁP

31Vậy, chúng ta nhơn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.” (Romans 3:31)

Phao-lô chắc thế nào cũng bị người ta lên án rằng ông chối bỏ luật pháp chỉ vì ông giảng quá nhiều về đức tin. Vì những người lên án ông hiểu sai về vai trò của luật pháp. Họ tin rằng làm vững bền luật pháp tức là giữ mọi điều răn. Tuy nhiên, như chúng ta đã học trong câu 20, mục đích của luật pháp là để phơi bày tình trạng hư hoại cùng cực của những người bước theo nó. Nếu bạn là người cảm thấy tự mãn và hãnh diện về chính mình khi bước đi theo luật pháp, thì bạn chính là người phá bỏ luật pháp, vì mục đích của nó là để phơi bày tội lỗi. Nhưng nếu khi đối diện với luật pháp mà khiến chúng ta phải giơ tay đầu phục và thốt lên, “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi!,” (Isaiah 6:5), thì chúng ta mới là những người làm vững bền luật pháp.

Đức tin đến sau luật pháp. Chỉ sau khi luật pháp đập tan mọi kỳ vọng mà một người lệ thuộc vào nó để đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời thì đức tin mới có cơ hội phát triển. Vì thế, đức tin không phá bỏ luật pháp, mà trái lại, nó chỉ nẩy mầm sau khi một người được mở mắt để thấy sự kinh khủng của luật pháp, chẳng khác gì những người và thú vật dưới chân núi Si-nai chứng kiến Môi-se mang hai bảng đá xuống từ đỉnh núi.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and