John 3:22-36

Nghi lễ vs sự rửa thật. Không phải ta là Đấng Christ. Lời Đức Chúa Trời. Vì đâu bị phán xét.

NGHI LỄ vs. SỰ RỬA THẬT

22Kế đó, Ðức Chúa Jêsus đi với môn đồ đến đất Giu-đê; Ngài ở với môn đồ tại đó, và làm phép báp tem. 23Giăng cũng làm phép báp tem tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến đặng chịu phép báp tem. 24Bấy giờ Giăng chưa bị bỏ vào ngục. 25Vả, môn đồ của Giăng có cãi lẫy với một người Giu-đa về lễ tinh sạch. 26Họ đến cùng Giăng và nói rằng: Thưa thầy, kìa, người ở cùng thầy bên kia sông Giô-đanh, mà thầy đã làm chứng cho, bây giờ đương làm phép báp tem, và ai nấy đều đến cùng người. 27Giăng trả lời rằng: Ví chẳng từ trên trời ban cho, thì không một người nào có thể lãnh chi được. (John 3:22-27)

Nhớ lại John 1:33, khi Giăng báp-tít so sánh phép báp-têm bằng nước mà ông làm cho Chúa Giê-su với phép mà Ngài sẽ làm, ông nói, “ấy là Ðấng làm phép báp-tem bằng Ðức Thánh Linh.” Thêm vào đó, trong chương kế tiếp, câu 2, tác giả Giăng giải thích rằng “Kỳ thiệt không phải chính Ðức Chúa Jêsus làm phép báp tem, nhưng là môn đồ Ngài (John 4:2).” Kết quả là, mọi tranh cãi giữa các môn đệ của Giăng Báp-tít và người Do-thái chỉ là vô ích, vì chỉ phép báp-têm bởi Đức Chúa Giê-su bằng Đức Thánh Linh mới ban cho sự sống đời đời.

Giăng Báp-tít có thể đã được Chúa ban cho sự nhận biết nào đó về ý nghĩa của phép báp-têm mà ông làm cho Chúa Giê-su vì ông nói, “Ta đã đến làm phép báp-tem bằng nước, để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên (John 1:31).” Mục đích này khác với điều người ta thường hiểu. Ngoài ra, ông hiểu rằng bất cứ điều gì mà các môn đệ ông hay người Do-thái mong ước chỉ có thể đến từ Chúa; còn mọi nghi thức lễ rửa hay báp-tem bằng nước chắng có lợi ích gì.

KHÔNG PHẢI TA LÀ ĐẤNG CHRIST

28Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: Ấy không phải ta là Ðấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài. 29Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui mừng; ấy là sự vui mừng trọn vẹn của ta đó. 30Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống. (John 3:28-30)

Tín hữu thường có khuynh hướng quá nâng cao vai trò của người giảng đạo cho họ, nhất là những người có tài giảng luận hùng hồn. Do đó chúng ta không ngạc nhiên vì Giăng Báp-tít chắc cũng nhận thấy điều này từ những người đi theo ông. Mặc dầu Giăng có thể nói nhiều về Đấng Christ, những môn đệ của ông chưa chắc đã biết gì về Ngài, mà trái lại, họ có thể bị lôi cuốn bởi chính Giăng vì cá tính của ông.

Rốt cuộc, Giăng thấy cần thiết phải hạ mình xuống và nhấn mạnh rằng “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống.” Hơn nữa, sự niềm vui thật của ông là khi người mà ông hằng mong đợi đã đến, là lý do ông đã được sai đi để nói trước về Ngài. Bản tính con người khiến họ muốn chiếm lấy sự vinh hiển của Chúa, vì họ đã thường được thính giả của họ gần như thờ phượng họ. Chúng ta thấy sự tôn sùng méo mó này được thể hiện trong Công Vụ - Acts 14:8-18.

LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

31Ðấng từ trên cao đến là trên hết mọi loài. Kẻ từ đất đến là thuộc về đất, và nói ra cũng như là thuộc về đất; còn Ðấng từ trời đến thì trên hết mọi loài. 32Ngài làm chứng về điều Ngài đã thấy và nghe; song không có ai nhận lấy lời chứng của Ngài. 33Ai đã nhận lấy lời chứng của Ngài thì làm chứng chắc rằng Ðức Chúa Trời là thật. 34Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời Ðức Chúa Trời, bởi Ðức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực. (John 3:31-34)

Như chúng ta đã nói về điều này trong đoạn trước, khuynh hướng của nhiều người là tìm câu trả lời từ người lãnh đạo tinh thần của mình. Giăng Báp-tít đã phải nỗ lực truyền đạt rằng Chúa Giê-su là đấng có thẩm quyền và giải đáp tối hậu. Chúa Giê-su là đường đi, chân lý, và nguồn sống, là con đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời (John 14:6).

Chúa Giê-su đã rao truyền những gì trong “lời Đức Chúa Trời?” Ngài rao truyền phúc âm của Đức Chúa Giê-su Christ, cho biết rõ nhờ đâu mọi linh hồn nặng chĩu dưới gánh nặng của tội lỗi có thể được cứu rỗi. Những lời được rao truyền đó bao gồm toàn bộ chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Làm sao chúng ta có thể biết chắc Chúa Giê-su rao truyền trọn lời của Đức Chúa Trời? Chúng ta có thể chắc chắn về điều đó vì “Ðức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực.”

Vì thế, duyên cớ trở nên rõ ràng về lý do Giăng tuyên bố trong câu 27: “Ví chẳng từ trên trời ban cho, thì không một người nào có thể lãnh chi được.” Vì chính Chúa Giê-su cũng được ban cho chúng ta từ trên trời.

VÌ ĐÂU BỊ PHÁN XÉT

35Cha yêu Con, và đã giao hết mọi vật trong tay Con. 36Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vẫn ở trên người đó. (John 3:35-36)

Thực trạng được trình bày trong hai câu kinh thánh trên đã được truyền đạt rồi trong các câu 19 đến 21 trong bài học tuần trước. Đoạn kinh thánh đó nhấn mạnh rằng yếu tố căn bản của sự đoán xét không phải là sự phạm tội, hay không phạm, nhưng bởi quyết định “tin Con” hay “không chịu tin Con.” Sự nhận biết này phải ảnh hưởng mối liên hệ giữa chúng ta và thế giới bên ngoài. Thông thường, người tín hữu thường cảm thấy mình thiêng liêng hơn những người ngoài đức tin, nhưng đoạn kinh thánh này khéo léo nhắc nhở rằng chúng ta chẳng hơn gì những kẻ nhiều tội nhất. Sự cứu rỗi mà chúng ta nhận được đến từ sự ban cho vô điều kiện và lòng thương xót của Đức Chúa Trời, là Đấng đã mở cho chúng ta đường đến với Ngài qua đức tin.

(Bài kế: John 4:1-22)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and