Giăng 1:1-32

Ban đầu có Ngôi Lời. Làm chứng về sự sáng. Sanh bởi Đức Chúa Trời. Ơn và lẽ thật. Luật pháp vs. ơn & lẽ thật. Đấng giải bày Cha. Ý nghĩa Chúa chịu báp têm.

BAN ĐẦU CÓ NGÔI LỜI

"1 Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Ðức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Ðức Chúa Trời. 2 Ban đầu Ngài ở cùng Ðức Chúa Trời. 3 Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài. 4 Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. 5 Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng." (John 1:1-5)

Như chúng ta thường hiểu, trọng tâm của sách phúc âm Giăng là Chúa Giê-su, là Đấng đã cùng Ba Ngôi Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ.

Ban đầu Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất. (Genesis 1:1)

LÀM CHỨNG VỀ SỰ SÁNG

6 Có một người Ðức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng. 7 Người đến để làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin. 8 Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng.” (John 1:6-8)

Người được “Đức Chúa Trời sai đến” trong đoạn này thì không ai khác ngoài Giăng Báp-tít, mà tác giả phúc-âm này cũng tên là Giăng thì cẩn thận nhắc nhở người đọc rằng Giăng Báp-tít không phải là sự sáng, nhưng là người đến để làm chứng về Sự Sáng thật chính là Đấng Christ.

SANH BỞI ĐỨC CHÚA TRỜI

9 Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người. 10 Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. 11 Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. 12 Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, 13 là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Ðức Chúa Trời vậy.” (John 1:9-13)

Sự kiện Chúa Giê-su, đấng sáng tạo thế gian, mà họ “chẳng từng nhìn biết Ngài,” và ngay cả dân Ngài cũng “chẳng hề nhận lấy” Ngài là Chúa của họ, cho chúng ta thấy tình trạng mù lòa tâm linh của nhân loại. Nhưng Chúa đã mở cho chúng ta một con đường mà qua đó chúng ta nhận được món quà cứu rỗi trong Đấng Christ.

Khuynh hướng nhờ cậy vào xác thịt được chứng tỏ qua cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Ni-cô-đem trong chương 3. Ni-cô-đem là một người có học thức và đạo đức, nhưng ông không biết làm sao để vào được nước thiên đàng. Ông nghĩ rằng mình phải theo một số thể lệ nào đó, nhưng Chúa lại bảo ông phải được sinh lại là một sự biến đổi mà chỉ Thánh Linh làm được.

ƠN VÀ LẼ THẬT

” 14 Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha. 15 Giăng làm chứng về Ngài khi kêu lên rằng: Ấy là về Ngài mà ta đã nói: Ðấng đến sau ta trổi hơn ta, vì Ngài vốn trước ta. 16 Vả, bởi sự đầy dẫy của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn.” (John 1:14-16)

Nhiều năm trước đây, khi tôi còn non nớt trong đức tin, có một tín hữu bảo tôi rằng đời sống người tin Chúa phải là một sự quân bình giữa luật pháp và ân điển. Vào thời điểm đó, tôi chưa có một nền tảng vững vàng về ân điển Chúa, nên tôi thấy có gì không ổn, nhưng không biết phải đối đáp như thế nào. Người đó tin rằng “lẽ thật” ở đây là nói về luật pháp.

Bây giờ thì tôi biết nghĩ vậy là không đúng. Vì lẽ thật là chúng ta được cứu bời đức tin nơi Đấng Christ chứ không phải làm theo những đòi hỏi của luật pháp. Điều này được bày tỏ rõ trong các câu 12 và 17. Câu 12 viết rằng “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” Còn câu 17 thì viết “Vì luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ơn và lẽ thật bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà đến.”

Nói một cách khác, luật pháp là phương cách tạm thời để dẫn chúng ta đến với Cứu Chúa. Còn Chúa Giê-su Christ là sự hoàn tất của luật pháp, và Ngài cứu chúng ta qua đức tin và bởi lòng thương xót. Chúng ta không còn cần thiết phải làm theo luật pháp để được cứu, mà chỉ đơn thuần nhận lấy món quà không mất tiền mua đó từ nơi Chúa.

Vì sự cứu rỗi là sự ban cho cách nhưng không từ nơi Chúa, thì những điều Ngài ban thêm cho cũng như thế. Việc làm không đóng vai trò gì sau khi chúng ta được cứu, vì nếu được cứu bởi đức tin, thì sống cũng bởi đức tin. Đó là ý nghĩa của “ơn càng thêm ơn.”

LUẬT PHÁP vs. ƠN & LẼ THẬT

“Vì luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ơn và lẽ thật bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà đến.” (John 1:17)

Đoạn kinh thánh này trong phúc âm Giăng cho thấy rõ rệt sự tương phản giữa luật pháp và ân-điển/lẽ-thật. Luật pháp thì được ban xuống qua Môi-se, còn ân điển và lẽ thật thì được ban cho qua Đấng Christ. Môi se vì quá trông cậy vào luật pháp khiến ông dùng gậy đập vào hòn đá hai lần thay vì chỉ nói như lời Chúa dặn ông. Kết quả là ông đã bị Chúa cấm không được vào đất hứa. Biến cố này là một sự cảnh cáo cho tất cả chúng ta rằng không thể cậy vào luật pháp để được cứu, nhưng hãy cậy nơi ân điển và lẽ thật từ nơi Đấng Christ.

ĐẤNG GIẢI BÀY CHA

18Chẳng hề ai thấy Ðức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Ðấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết.” (John 1:18)

Luật pháp với những điều răn không thể nào giải bày Chúa cho chúng ta. Trái lại, nó lại gây sự ngăn cách giữa chúng ta và Chúa như khi sự phân biệt thiện ác vào lòng A-đam và Ê-va. Chỉ duy Đấng Christ giải bày Đức Chúa Trời cho chúng ta mà thôi. Vì Ngài là Đấng đã xé tấm màn ngăn cách chúng ta với Đức Chúa Trời hầu cho chúng ta có thể đến gần Ngài.

Ý NGHĨA CHÚA CHỊU BÁP TÊM

19 Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy thầy tế lễ, mấy người Lê-vi từ thành Giê-ru-sa-lem đến hỏi người rằng: Ông là ai? 20 Người xưng ra, chẳng chối chi hết, xưng rằng mình không phải là Ðấng Christ. 21 Họ lại hỏi: Vậy thì ông là ai? phải là Ê-li chăng? Người trả lời: Không phải. Ông phải là đấng tiên tri chăng: Người trả lời: Không phải. 22 Họ bèn nói: Vậy thì ông là ai? hầu cho chúng tôi trả lời cùng những người đã sai chúng tôi đến. Ông tự xưng mình là ai: 23 Người trả lời: Ta là tiếng của người kêu trong đồng vắng rằng: Hãy ban đường của Chúa cho bằng, như đấng tiên tri Ê-sai đã nói. 24 Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si. 25 Họ lại hỏi rằng: Nếu ông chẳng phải Ðấng Christ, chẳng phải Ê-li, chẳng phải đấng tiên tri, thì cớ sao ông làm phép báp tem? 26 Giăng trả lời: Về phần ta, ta làm phép báp tem bằng nước; nhưng có một Ðấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết. 27 Ấy là Ðấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày Ngài. 28 Những việc đó đã xảy ra tại thành Bê-tha-ni, bên kia sông Giô-đanh, là nơi Giăng làm phép báp tem. 29 Qua ngày sau, Giăng thấy Ðức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi. 30 Ấy về Ðấng đó mà ta đã nói: Có một người đến sau ta, trổi hơn ta, vì người vốn trước ta. 31 Về phần ta, ta vốn chẳng biết Ngài; nhưng ta đã đến làm phép báp-tem bằng nước, để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên. 32 Giăng lại còn làm chứng nầy nữa: Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bò câu, đậu trên mình Ngài.” (John 1:19-32)

Như đã được viết trong sách Hê-bơ-rơ, nhất là trong các chương 9 và 10, luật pháp chỉ là bóng của hình thật trong tương lai. Đó là chỉ qua “chiên Con của Đức Chúa Trời” mà tội lỗi thế gian được cất đi. Nhờ đó, chúng ta được giải thoát khỏi gánh nặng của sự dâng của lễ thiêu không ngừng nghỉ, mà được vào trong sự yên nghỉ vì biết rằng Chúa Giê-su đã chết một lần đủ cả cho tội lỗi.

Câu 30 cho chúng ta thấy lý do Chúa Giê-su chịu báp têm: “để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên.” Hơn nữa, tôi tin rằng phép báp-têm bằng nước mà Giăng làm cho người Do-thái mang ý nghĩa hoàn toàn khác với điều các hội thánh làm thời nay.

(Bài kế: John 1:33)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and