1 Giăng 2:28-3:10

Hãy ở trong Chúa. Tự mình làm nên thanh sạch. Ai ở trong Ngài thì không phạm tội. Ai không yêu anh em mình thì không phải là con cái Chúa.

Bài học này cũng không dễ gì hơn bài học tuần trước theo 1 Giăng 2:7-27. Tôi đã phải dựa vào nhiều chân lý nền tảng hơn nữa đề làm điểm tựa hầu có thể phân tích những điều sứ đồ Giăng đã viết trong đoạn Kinh thánh hôm nay. Đối với Giăng, "ở trong Chúa" nghĩa là gì? Là tiếp tục làm một điều gì đó? Giăng có nói đến "làm theo sự công bình", thì chắc phải liên hệ đến một việc làm nào đó. Ông cũng nói đến sự "tự mình làm nên thanh sạch" làm nẩy lên trong trí tôi một nỗi nghi ngờ. Tôi công nhận là ai nấy đều nên tránh làm những điều có thể đem đến hậu quả tai hại, nhưng tôi không biết có điều gì chúng ta có thể làm khiến mình thanh sạch ngoại trừ dòng huyết Chúa Giê-su. Rồi Giăng lại quả quyết rằng "ai ở trong Ngài thì không phạm tội". Giáo lý này không tìm được trong một đoạn Kinh thánh nào khác. Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu.

VIỆC LÀM và SỰ CÔNG BÌNH

28Vậy bây giờ, hỡi các con cái bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến. 29Ví bằng các con biết Ngài là công bình, thì hãy biết rằng người nào làm theo sự công bình, ấy là kẻ bởi Ngài mà sanh ra. (1 John 2:28-29)

Hãy ở trong Ngài

Từ khi tin Chúa cách đây hơn 30 năm, tôi đã thường có một giả định là “ở trong Chúa” nghĩa là làm những điều người tin Chúa hay làm, chẳng hạn như tham dự những buổi nhóm cầu nguyện, học Kinh thánh, đi nhà thờ, tham dự những buổi nhóm truyền giảng, dâng hiến, vân vân.

Kết quả là nếu tôi không làm được những điều để được “ở trong Chúa,” tôi sẽ bị “hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài,” nghĩa là tôi sẽ nghe Chúa phán với mình rằng “ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!”  (Matthew 7:23)

Điều này có nghĩa là sự cứu rỗi của tôi tùy thuộc vào sự tôi làm điều lành và tránh điều ác. Điều Giăng viết trong câu trên đi ngược lại với chân lý nền tảng mà tôi biết về sự cứu rỗi, là điều tôi chỉ có được nhờ đức tin nơi Đấng Christ là Đấng đã chịu chết cho tôi trên thập giá.

Làm theo sự công bình

Phi-líp 3:9 nói về hai thứ công bình:

9và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Ðấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Ðức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin (Philippians 3:9).

Vì sự công bình đến bởi Đức Chúa Trời chỉ có thể nhận lãnh được như một món quà qua sự chết của Con Ngài, nên sự công bình mà Giăng có thể làm theo phải là công bình của riêng ông. Cho dù Giăng có “làm theo sự công bình” đến đâu chăng nữa, chẳng điều gì ông làm có thể đem lại sự công bình của Đức Chúa Trời hầu ông được trở nên con cái của Ngài.

Sự công bình của Giăng được đặt nền tảng trên việc làm, còn sự công bình của Đức Chúa Trời thì đặt nền tảng trên thập giá của Đấng Christ. Bạn hãy cẩn thận sự công bình mình tìm kiếm đến từ đâu.

Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi (Galatians 5:4).

TỰ MÌNH LÀM NÊN THANH SẠCH

3Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch.” (1 John 3:3)

Bạn dùng phương pháp nào để chúng ta làm cho mình thanh sạch? Ăn chay, dự lễ rửa, tránh uống rượu, hay làm như người Cơ-lô-se, “chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ”? (Colossians 2:21) Những giáo điều này có phù hợp với những chân lý nền tảng không? Mời bạn thử đọc các đoạn Kinh thánh dưới đây:

“Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho.” (John 15:3)
“để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Lời Chúa làm cho Hội tinh sạch” (Ephesians 5:26)
“Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng nhơn danh Ðức Chúa Jêsus Christ, và nhờ Thánh Linh của Ðức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi.” (1 Cor 6:11)

Theo những đoạn Kinh thánh trên, chúng ta không những được rửa sạch, mà còn được thánh hóa và được xưng công bình, tất cả chỉ nhờ Chúa và lời của Ngài chứ chẳng phải nhờ một điều gì khác. Tôi yêu thích sự đơn giản và ngắn gọn của đoạn John 15:3 trích ở trên: “Các ngươi được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho.”  Làm lành lánh dữ là điều tốt, nhưng chẳng điều chi có thể làm bạn thanh sạch chỉ ngoại trừ những điều được nhắc đến trong đoạn Kinh thánh trích ra ở trên.

HỄ AI Ở TRONG CHÚA THÌ KHÔNG PHẠM TỘI

6Ai ở trong Ngài thì không phạm tội; còn ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài. 7Hỡi các con cái bé mọn, chớ để cho ai lừa dối mình: kẻ làm sự công bình là người công bình, như chính mình Chúa là công bình. 8Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Ðức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ.” (1 John 3:6-8)

Kinh thánh không hỗ trợ quan niệm của Giăng là người tin Chúa không còn phạm tội nữa. Vì mặc dầu chúng ta đã được cứu nhờ tin nơi Đấng Christ, chúng ta vẫn chưa được ban cho bản chất bất tử cho đến khi Chúa Giê-su trở lại khi tiếng kèn chót thổi lên trong 1 Cô-rinh-tô 15. Chúng ta vẫn còn khả năng phạm tội. Điều Giăng tuyên bố không phản ảnh hiện trạng của bất kỳ ai, người đã được cứu cũng như người còn hư mất.

Giăng biết giáo lý này là không đúng vì như ông đã viết trước đây trong 1 John 2:1-1 rằng “Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-su Christ”.

Điều đáng mừng, theo sự hiểu biết của tôi về phúc âm, là không phải chúng ta không còn phạm tội nữa, nhưng vì chúng ta được tha thứ. Thử nghĩ đến một người đọc câu 6 và lấy đó làm chân lý, rồi lỡ lầm phạm tội, và vì thế kết luận rằng mình “chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài”, hay nghĩ rằng vì thế mình “thuộc về ma quỉ”. Do đó, chúng ta không lạ gì phần lớn tín hữu không biết mình được sự sống đời đời. Giáo lý mà Giăng cổ động ở đây hầu như mang tính chất tà giáo.

KẺ CHẲNG YÊU ANH EM MÌNH KHÔNG THUỘC VỀ CHÚA

 “Bởi đó, người ta nhận biết con cái Ðức Chúa Trời và con cái ma quỉ: ai chẳng làm điều công bình là không thuộc về Ðức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy.” (1 John 3:10)

Đây lại là một định nghĩa nữa của Giăng về sự cứu rỗi không được hỗ trợ bởi những chân lý nền tảng. Phúc âm đơn thuần nhất của Chúa Giê-su chỉ tuyên bố rằng người nào nhận sự chết của Đấng Christ vì tội lỗi mình trên thập giá là người đó trở nên con cái Đức Chúa Trời. Còn theo Giăng thì bạn chỉ là con cái Ngài nếu bạn yêu mên các anh em trong Chúa.

Chúng ta có thể nghi ngờ về một người nào đó tự xưng mình là tín đồ mà có những hành vi không xứng, nhưng đó chỉ là sự nghi ngờ, nhưng không thể dùng sự nghi ngờ đó thành định nghĩa của tin mừng cứu rỗi. Dù bạn có hoài nghi bản chất tội lỗi của con người đến đâu chăng nữa, bạn vẫn phải truyền bá phúc âm về đức tin nơi thập giá của Chúa Giê-su mà không cần lo lắng rằng họ có yêu thương anh em trong Chúa hay không. Trong ngụ ngôn cỏ lùng, các môn đệ Chúa có sự nghi ngờ rằng một số người mạo danh Chúa và muốn loại trừ họ, nhưng Chúa Giê-su bảo họ hãy để Chúa làm việc đó:

29Chủ rằng: Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng. 30Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt (Matthew 13:29-30.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and