Cơ-lô-se 2:5-10 - tiếp theo

Đức tin vững vàng. Đã tin Chúa thể nào thì hãy sống như vậy. Các lý thuyết lừa dối. Sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời. Bạn đã được đầy dẫy mọi sự.

ĐỨC TIN VỮNG VÀNG

Ngoài sự dự đoán, lớp chúng ta đã dùng hết cả một giờ học để ôn lại những ý niệm đã học từ tuần trước. Hầu hết cuộc thảo luận đều nhắm vào làm sao để chúng ta áp dụng những điều đã học hỏi được vào cuộc sống. Có một câu châm ngôn Việt-nam được dùng làm một thí dụ cho bài học: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng." Câu châm ngôn này đã giúp truyền đạt ý niệm rằng ân điển thì mạnh mẽ hơn luật pháp để cuộc đời được biến đổi. Điều này sẽ được nhắc đến ở phần sau của bài viết.

“Vì dẫu thân tôi xa cách, nhưng tâm thần tôi vẫn ở cùng anh em, thấy trong anh em có thứ tự hẳn hoi và đức tin vững vàng đến Ðấng Christ, thì tôi mừng rỡ lắm.” (Colossians 2:5)

Thảo luận trong lớp cho thấy chúng ta có khuynh hướng cậy vào sức mình để chứng tỏ với chính mình, người khác, và với Chúa rằng mình xứng đáng là môn đệ Chúa Giê-su. Chúng ta giống như những người, sau khi chứng kiến những phép lạ Chúa làm, đến hỏi Ngài: “Chúa ơi, Ngài muốn chúng con làm gì?”

28Chúng thưa rằng: Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc Ðức Chúa Trời? 29Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi tin Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài. (John 6:28-29)

Chúng ta hay có những ý tưởng riêng về “việc làm” gì có thể đẹp lòng Chúa, nhưng ý Chúa thì khác. Ngài chỉ muốn một điều từ chúng ta là hãy “tin” Ngài.

Bạn có “đức tin vững vàng đến Đấng Christ” không? Hay bạn nghĩ rằng chỉ tin thì không đủ, mà phải làm thêm điều gì đó? Chân lý này được bày tỏ rõ ràng trong Romans 11:6:

Nhưng nếu bởi ơn thì chẳng phải bởi việc làm nữa; bằng chẳng, thì ơn không còn phải là ơn. (Romans 11:6)

Ơn, hay ân điển, chỉ thực sự là ơn khi chúng ta nhận lấy như một món quà mà không bị đòi hỏi phải trả một giá gì đó. Chỉ ngoại trừ có lẽ một thái độ biết ơn, hay tin tưởng nơi người cho. Khi bạn nghĩ rằng chỉ tin Chúa thôi là không đủ, thì bạn sẽ bị lôi cuốn bởi những kẻ giả dối hứa hẹn cho bạn thêm điều bạn đang tìm kiếm.

ĐÃ TIN CHÚA THỂ NÀO THÌ HÃY SỐNG NHƯ VẬY

6Anh em đã nhận Ðức Chúa Jêsus Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy7hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ, và hãy dư dật trong sự cảm tạ. (Colossians 2:6-7—NET)

Chúng ta đã dùng thì giờ trong lớp thảo luận về giá trị của nghề nghiệp sinh sống mà ai trong thế gian cũng phải gồng gánh. Một bạn trong lớp chia xẻ rằng họ thường bị chất vấn tại sao không làm thêm công việc Chúa để chứng tỏ sự trưởng thành của mình trong đức tin. Họ bị áp lực để tìm một mục vụ nào đó chứng tỏ sự tiến lên của mình.

Nhưng Kinh thánh nói gì về sự trưởng thành? Chúng ta đã ngược dòng thời gian trở về xem lại đoạn Kinh thánh đã từng học là Galatians 3:24:

Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Ðấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình (Galatians 3:24).

Chữ “bà vú” có thể được dùng để diễn tả vai trò của người thầy giáo trong đoạn Kinh thánh ở trên. Chỉ một đứa trẻ cần bà vú để thường xuyên nhắc nhở về việc đánh răng, đi học nhớ mang theo đồ ăn, đừng quên đem theo bài tập, và nhiều kỷ luật khác thường áp dụng cho trẻ thơ. Nhưng khi trẻ đó đã lớn lên thì sẽ phải sống dưới những quy luật khác.

Đoạn Kinh thánh trên diễn tả tiến trình trưởng thành từ sự canh giữ của luật pháp cho đến khi được đến dưới sự dẫn dắt của Chúa. Sự dẫn dắt này chỉ qua đức tin đặt nơi Ngài chứ không qua sự vâng giữ các điều lệ của luật pháp.

Tóm lại, một người thực sự trưởng thành thì lìa bỏ sự quản trị của luật pháp để đến với niềm tin trong Chúa và được sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp. (Galatians 5:18)

CÁC LÝ THUYẾT LỪA DỐI

8Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Ðấng Christ, mà bắt anh em phục chăng. (Colossians 2:8)

Khi một tín hữu khao khát một điều gì đó ngoài sự Chúa đã ban cho họ trong thập tự giá của Đấng Christ, họ rất dễ bị dối gạt. Chúng ta hãy suy gẫm lại một điều đã thảo luận trong Cơ-lô-se 1:

19Vì chưng Ðức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài, … 22nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được; – 23miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin Lành mà anh em đã nghe. (Colossians 1:19, 22-23)

Đối với bạn, sự được kể là “thánh sạch không vết, không chỗ trách được” trước mặt Chúa có đủ cho bạn không? Quan trọng hơn nữa là bạn được điều đó hoàn toàn nhờ “sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt”, tức là sự chết của Chúa Giê-su trên cây thập tự. Mọi sự đã được trọn. Việc chuẩn bị bạn để vào nước Chúa đã được hoàn tất. Tại sao bạn vẫn tìm đến những người được mệnh danh là siêu giảng sư để tìm kiếm điều mà họ không thể ban cho bạn? Thực ra thì bạn sẽ nhận được từ nơi họ những điều dối giả.

SỰ ĐẦY DẪY CỦA BỔN TÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI

9Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Ðức Chúa Trời thảy đều ở trong Ðấng ấy như có hình. (Colossians 2:9)

Đoạn Kinh thánh Colossians 2:9 ở trên diễn tả Chúa Giê-su có “đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời”. Đây là một ý niệm rất quan trọng vì nó sẽ hỗ trợ điều sẽ được bày tỏ trong câu 10 mà chúng ta sẽ thảo luận ở đoạn dưới đây. Ý niệm quan trọng ở đây là bản chất Thượng Đế của Chúa Giê-su. Ngài có đầy đủ quyền năng để ban cho bạn mọi điều cần thiết cho sự tin kính, và mong là cả sự thỏa lòng nữa (Tim 6:6).

Như đã nói trong đoạn “CÁC LÝ THUYẾT LỪA DỐI” ở trên, nếu bạn tin rằng nhờ “sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt” mà bạn được “thánh sạch không vết, không chỗ trách được” trước mặt Chúa, thì bạn phải thỏa lòng. Nhưng nhiều tín hữu thấy rằng được kể là người “thánh sạch không vết, không chỗ trách được” không phải là điều quan trọng nhất, nên họ vẫn tìm kiếm thêm điều gì đó.

Vì thế khi xuống đến đoạn ở dưới đây, xin ghi nhớ rằng “Ngài” trong câu 10 ở đoạn dưới đây có đầy đủ thẩm quyền để ban cho bạn mọi điều Ngài hứa.

BẠN ĐÃ ĐƯỢC ĐẦY DẪY MỌI SỰ

10Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực. (Colossians 2:10)

Bạn được “đầy dẫy” những gì? Phải chăng đây là lý do chính mà Chúa Giê-su đã chết trên cây thập tự: để tuyên bố rằng bạn được “thánh sạch không vết, không chỗ trách được” hầu cho khi Chúa Giê-su trở lại bạn sẽ không bị hổ thẹn khi gặp Ngài.

Trong Giăng 16:8, Chúa Giê-su đã diễn tả mục đích của Đức Thánh Linh khi Ngài đến. Ngài sẽ chỉnh lại quan niệm của thế gian về ba điều: tội lỗi, sự công bình, và sự phán xét. Ngài sẽ giải thích ý chính của ba điều đó. Nhiều người có những quan niệm riêng về ý nghĩa của sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Họ muốn được người khác nhìn mình là những người có hào quang tỏa sáng, đặc biệt hơn những tín hữu khác, họ có một quyền năng đặc biệt và được Chúa thăm viếng cách đặc biệt hơn những người khác. Nhưng Chúa giê-su thì nghĩ khác:

8Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. – 9Về tội lỗi, vì họ không tin ta; 10về sự công bình, vì ta đi đến cùng Cha và các ngươi chẳng thấy ta nữa; 11về sự phán xét, vì vua chúa thế gian nầy đã bị đoán xét. (John 16:8-11)

Quyền năng mà Đức Thánh Linh muốn ban cho bạn là hầu cho bạn hiểu được ý nghĩa của “tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét.” Chúa đã không hứa ban cho bạn quyền năng nào khác dầu tùy trường hợp và hoàn cảnh Ngài có thể dùng một người nào đó để bày tỏ quyền năng. Nhưng đó là những trường hợp đặc biệt, không phải là một thông lệ. Nhiều tín hữu bị lôi cuốn vào những giáo điều dối giả vì họ hiểu sai ý nghĩa của sự đầy dẫy Đức Thánh Linh.

GẦN MỰC HAY GẦN ĐÈN

Chúng ta có thể thông cảm lý do tại sao nhiều tín hữu thấy nhu cầu cần nhắc nhở chính mình và người khác rằng mặc dầu họ được cứu bởi ân điển qua đức tin, họ vẫn cần phải bày tỏ đức tin qua việc làm. Sự thường xuyên lo lắng về kết quả sẽ dẫn tới một môi trường thuộc linh dường như họ vẫn còn sống dưới luật pháp.

Rồi chúng ta dùng một câu châm ngôn của Việt-nam nhiều người biết để truyền đạt điều chúng ta muốn nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nếu bạn vùng vẫy trong mực, tức là tội lỗi, thì mực lại càng bám vào, còn nếu bạn cứ đứng gần sự sáng, thì bạn sẽ được chiếu sáng.

Cũng có nhiều thí dụ trong Kinh thánh chỉ cho chúng ta cách có kết quả cho Chúa. Hãy như cây trồng bên giòng nước (Jeremiah 17:7-8), cứ nhìn đến Đấng Christ như người Do-thái khi xưa nhìn lên con rắn bằng đồng treo trên cột thì được chữa lành khi bị rắn cắn.

Điểm chót là, nếu chúng ta cứ nhắc sứ đồ Phi-e-rơ cẩn thận kẻo chìm khi ông đang đi trên sóng về phía Chúa Giê-su, thì chúng ta còn làm cho ông dễ chìm hơn, nhưng nếu ông cứ được khích lệ để cứ nhìn vào Chúa Giê-su thì ông sẽ làm được điều siêu việt.

Do đó, đừng nhắc nhở tín đồ hãy sanh bông trái cho Chúa, nhưng hãy cho họ nhuần thấm dòng suối mát của phúc âm, của sự ban cho cách nhưng không của Đức Chúa Trời cho họ trong Đấng Christ, thì Thánh Linh Chúa sẽ khiến họ kết quả cho Ngài.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and