Cơ-lô-se 2:16-23

Bóng và hình. Giả đò khiêm nhượng và kiêu ngạo vô ích. Sự sơ học của thế gian.

BÓNG và HÌNH

"16Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, 17ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Ðấng Christ." (Colossians 2:16-17)

Những tín hữu gốc Do-thái thì quen thuộc với “của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát”. Đó là những cung cách và nghi lễ rất được coi trọng trong tín ngưỡng họ từ đó mà ra. Vì thế, mặc dầu có thể có những sự chê trách từ bên ngoài, nhưng chỉ trích từ trong hội thánh có những ảnh hưởng sâu xa hơn.

Nhưng không nhất thiết bạn phải là người gốc Do-thái để chịu những chỉ trích về những thể lệ mà bạn làm hoặc không làm. Tôi biết nhiều tín hữu cứ theo sự ngăn cấm chớ ăn huyết mà họ không biết mình có phải buộc sống dưới thể lệ đó hay không. Tôi đã từng biết có gia đình bị quở mắng vì đã làm theo những tục lệ cổ truyền trong một lễ cưới. Rồi còn nhiều điều cấm cản khác mà không có bằng chứng nào là có được viết xuống trong Kinh thánh trong dạng của những điều răn. Nhiều khi những sự ngăn cấm đó còn được coi trọng hơn phúc âm.

Về phương diện nào những thể lệ đó chỉ là “bóng của các việc sẽ tới”?

Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Ðấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình. (Galatians 3:24 - KJV)

Điều quan trọng của “việc sẽ tới” là Đấng Christ, và chúng ta được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời vì đức tin trong Ngài. Bóng tức là luật pháp, là điều dạy cho chúng ta rằng không ai có thể nhờ đức tin mà được xưng công bình, mà phải đến với Đấng Christ là niềm hy vọng cuối cùng để được vào nước Chúa.

Vì thế đừng để “ai đoán xét” mình. Bạn đã được lìa bỏ “bóng” để đến với “hình” trong Đấng Christ. Ngài đã cất bạn khỏi sự đoán xét. Đã trở nên sự công bình cho bạn. Trái lại, những người đoán xét bạn sẽ bị phán xét bởi những quy lệ mà họ vẫn còn dưới sự thống trị của chúng.

GIẢ ĐÒ KHIÊM NHƯỢNG và KIÊU NGẠO VÔ ÍCH

18Chớ để cho những kẻ kia cướp lấy phần thưởng chạy thi, là kẻ giả đò khiêm nhượng mà muốn thờ lạy các thiên sứ. Họ cứ nói nhiều về những điều họ tưởng mình xem thấy, và bởi tính xác thịt nổi lòng kiêu ngạo vô ích, 19không liên lạc với đầu, là nhờ đầu đó mà cả thân thể xếp đặt kết hiệp bởi các lắt léo, và được sự sanh trưởng từ Ðức Chúa Trời đến. (Colossians 2:18-19)

Đặc điểm của những người đạo đức giả là họ hay “giả vờ khiêm nhượng”.

Vì họ chuộng danh vọng bởi người ta đến hơn là danh vọng bởi Ðức Chúa Trời đến. (John 12:43)

Lớp chúng ta đã có một thảo luận sôi nổi về ý nghĩa của sự “thờ lạy các thiên sú”. Thực ra có nhiều cách giải thích và áp dụng chữ “thiên sứ.” Có người tin rằng đó là nói về thiên sứ thực sự trong cõi vô hình, nhưng tôi nghĩ rằng từ này chỉ về những người có ma lực ảnh hưởng người đến nghe mình. Tôi chưa từng nghe hoặc biết về một người lãnh đạo đức tin thờ lạy thiên sứ, nhưng tôi đã chứng kiến nhiều diễn giả có rất đông người đến nghe mình giảng luận.

Nhưng bất kể từ “thiên sứ” nói về thiên sứ thực sự hay là một người có ma lực quyến rũ người nghe, nhà lãnh đạo tâm linh này có quyền lực để “đoán xét anh em.” Người đó khoe mình về những điều họ thấy và nghe từ các thiên sứ mà chỉ có những người có ơn đặc biệt mới được từng trải. Mong rằng nhiều tín hữu trong vòng chúng ta có thể thấy được rằng họ chỉ đầy “lòng kiêu ngạo vô ích,” chẳng có giá trị gì trong những điều họ nói. Nhưng oái oăm thay là dưới bục giảng của những người giảng những điều vô ích đó thì vô số người đến nghe.

SỰ SƠ HỌC CỦA THẾ GIAN

20Ví bằng anh em chết với Ðấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ nầy ép buột mình, như anh em còn sống trong thế gian: 21Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ?  22Cả sự đó hễ dùng đến thì hư nát, theo qui tắc và đạo lý loài người, 23dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích gì để chống cự lòng dục của xác thịt. (Colossians 2:21-23)

Mục tiêu của những thể lệ “Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ”, kể cả sự “khắc khổ thân thể mình” chỉ là để mong được nên thánh hơn. Các tín hữu Cơ-lô-se tưởng rằng những thể lệ này đến từ Kinh thánh nhưng thực ra chúng đến từ “quy tắc và đạo lý loài người.”

Những lãnh đạo tâm linh “thờ lạy thiên sứ” trong câu 18 ở trên vẫn thường cổ động những “quy tắc và đạo lý loài người” đã chẳng khiến ai được nên thánh hơn, mà cũng chẳng giúp họ “chống cự lòng dục của xác thịt.” Những quy tắc và đạo lý loài người này chỉ là một dạng thức yếu kém dựa trên luật pháp của Cựu Ước là điều còn gợi nên lòng dục của xác thịt.

“Ấy là tội lỗi đã nhơn dịp, bởi điều răn mà sanh ra mọi thứ ham muốn trong lòng tôi: vì không có luật pháp thì tội lỗi chết đi.” (Romans 7:8)

Vì thế, khi bạn nghe giảng, hãy bắt chước người Bê-rê-an, phân tích mọi điều mình nghe cho dù người giảng đó có là Phao-lô chăng nữa. Vì biết đâu người đó đang giảng những lẽ đạo có thể ảnh hưởng tai hại cho tâm linh bạn.

Những thể lệ “chớ” này, hay bất cứ dạng thức nào khác của những quy tắc và đạo lý loài người, chẳng thể nào làm cho bạn nên thánh hơn. Vì thực ra, như chúng ta đã học trước đây trong Colossians 1:22, Đấng Christ đã qua sự chết của Ngài làm cho bạn được “thánh sạch không vết, không chỗ trách được” trước mặt Đức Chúa Trời. Kết quả là bạn đã được nên thánh cách trọn vẹn. Bạn đã sẵn sàng để gặp Chúa ngay bây giờ chứ không còn phải đợi đến mai sau, vì nhờ sự công bình của Đấng Christ mà bạn được trở nên toàn hảo. Vì vậy, từ giờ trở đi, nếu bạn đọc được trong một sách, hay nghe một bài giảng, mà người đó dạy bạn về giáo điều của tiến trình nên thánh thì bạn biết cách đối phó như thế nào.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and