Cơ-lô-se 2:11-15

Phép cắt bì của Đấng Christ. Được chôn và sống lại bởi đức tin. Tha thứ hết mọi tội. Phá hủy tờ khế. Chiến thắng bởi thập tự giá.

PHÉP CẮT BÌ THẬT

"11Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Ðấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta." (Colossians 2:11)
Có nhiều cách giải thích về ý nghĩa của phép cắt bì trong Cựu Ước. Nhưng theo niềm tin của chúng ta thì hầu hết những điều trong Cựu Ước đều là bóng của hình thật trong Tân Ước. Do đó, chúng ta nên giải thích ý nghĩa của phép cắt bì Cựu Ước theo bối cảnh của Tân Ước.

Câu 5 được trích ra ở trên, so sánh hai loại cắt bì, nhưng có diễn tả thêm về phép cắt bì của Đấng Christ: nó là để “lột bỏ tánh xác thịt”. Tánh xác thịt này không phải là một phần của thân xác được cắt bởi tay người. Tánh xác thịt là nói về bản chất hư mất, còn xác thịt kia chỉ là một phần của thân thể.

Nhiều tôn giáo cũng nhận thấy vấn đề với “tánh xác thịt” và tạo nên nhiều phương cách để hủy diệt nó hầu được tiến lên bậc cao hơn về tâm linh. Tánh xác thịt này cũng được gọi là “thân thể hay chết” trong Rô-ma đoạn 7:

24Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? 25Cảm tạ Ðức Chúa Trời, nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta! (Romans 7:24-25)

“tánh xác thịt” này đã được chôn với Đấng Christ khi chúng ta đọc đến câu kế tiếp.

Và bây giờ chúng ta đã hiểu ý nghĩa của phép cắt bì của Đấng Christ trong Giwo Ươc Mới, chúng ta có thể trở lại phân tích ý nghĩa của hình bóng là phép cắt bì bởi tay người. Bất kỳ phép cắt bì bởi tay người mang ý nghĩa gì trong bối cảnh văn hóa hay lịch sử, ý nghĩa duy nhất có giá trị là nó là hình bóng của phép cắt bì thật bởi Đấng Christ, phép cắt bì duy nhất có thể đưa người vào nước Chúa.

ĐƯỢC CHÔN VÀ SỐNG LẠI VỚI CHÚA

12Anh em đã bởi phép báp-tem được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại. (Colossians 2:12)

Được “chôn” với Đấng Christ mang ý nghĩa gì? Để hiểu được, bạn chỉ cần biết tại sao Chúa đã chịu đóng đinh. Ngài đã chịu chết cho tội lỗi nhân loại hầu cho không tội nhân nào phải trả giá cho tội của riêng họ như điều luật pháp đòi hỏi:

Linh hồn nào phạm tội, linh hồn đó phải chết. (Ezekiel 18:20)

Khi nói chúng ta đã “được chôn” với Đấng Christ, Kinh thánh hàm ý chúng ta cũng đã chết với Ngài, nghĩa là mọi món nợ đã được trả hầu cho chúng ta có thể đến gần Chúa không vướng bận. Vấn đề tội lỗi, cũng như mặc cảm tội lỗi, đã được giải quyết một lần đủ cả. Thật là một sự tự do và vui mừng mà chúng ta giờ đây được hưởng nhờ sự chết của Chúa trên thập giá, là điều mà nhân loại đang tìm cầu mà không được trải qua bao nhiêu thế hệ.

Chúng ta không những chỉ được “chôn” với Đấng Christ, mà còn được “sống lại” với Ngài. Nỗi quan tâm về sự sống đời đời cũng đã được giải quyết. Những kẻ trong Chúa sẽ không còn phải tự hỏi họ có được sống lại khi Ngài trở lại không, mà chỉ cần nắm chặt lấy niềm tin vào lời hứa của Chúa về sự sống đời đời.

Chúng ta sẽ không còn phải đặt nên câu hỏi rằng mình có xứng đáng được vào nước trời hay không, vì thực ra không ai trong chúng ta là, hoặc sẽ bao giờ, xứng đáng, nhưng chỉ có Chúa là xứng đáng và Ngài đã ban sự xứng đáng của Ngài cho chúng ta.

Chúng ta được hưởng những quyền lợi đó chỉ vì “bởi đức tin.” Chẳng một việc lành nào của chúng ta đóng góp vai trò gì để đem đến những quyền lợi đó. Chúng ta thường hay khen ngợi là một người nào đó có tấm lòng, như thể có gì từ lòng họ khiến họ nhận được sự cứu rỗi. Nhưng thực ra có một sự khác biệt lớn giữa đức tin và tấm lòng của bạn. Với đức tin, thì niềm hy vọng của bạn đặt vào Đấng Christ, dù chỉ với đức tin bằng hạt cải, nhưng khi bạn kể là nhờ lòng mình mà được Chúa cứu thì bạn nghĩ lòng bạn có góp phần gì đó trong sự cứu rỗi. Nhưng thực ra, điều duy nhất Chúa nhận từ bạn là đức tin nơi Ngài chứ chẳng phải từ tấm lòng bạn là nơi mà Chúa cho là “rất là xấu xa” (Jeremiah 17:9-10).

THA THỨ HẾT MỌI TỘI

13Khi anh em đã chết bởi tội lỗi mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Ðức Chúa Trời đã khiến anh em sống lại với Ðấng Christ, vì đã tha thứ hết mọi tội chúng ta: (Colossians 2:13)

Đoạn Kinh thánh này trình bày một khía cạnh khác nữa của sự cứu rỗi thêm vào với ơn được cắt bì bởi Đấng Christ và được chôn và sống lại với Ngài. Tất cả chúng ta thảy đều có nhu cầu cần được tha thứ vì mọi người đều thất bại trong sự giữ các điều răn trong luật pháp Đức Chúa Trời.

Chúa Giê-su chắc phải hàm ý sự tha thứ tội lỗi này khi Ngài phán:

Hỡi những kẻ mệt mỏi, hãy đến cùng ta, các ngươi sẽ được an nghỉ (Matthew 11:28)

Những người vẫn còn mang gánh nặng của luật pháp đều khao khát chân lý này về sự tha thứ tội lỗi. Đời sống tin kính của tín hữu phải là một gương sáng phản ảnh ơn tha thứ, nhưng nhiều tín hữu đã quên giây phút ban đầu khi họ gánh nặng được cởi bỏ. Các sứ điệp từ các tòa giảng ngày nay chỉ đầy lời kêu gọi vào sự vâng lời và ăn năn mà không đem lại kết quả tích cực trong suốt lịch sử hội thánh. Chẳng trách thế giới còn trong sự tối tăm không muốn nhận điều chúng ta muốn rao truyền.

Chúng ta hãy trở về với tình yêu ban đầu khi được Chúa tha thứ mọi tội lỗi.

XÓA BỎ TỜ KHẾ

14Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự; (Colossians 2:14)

“tờ khế lập nghịch cùng chúng ta” là gì? Chắc phải là một chuỗi những ghi nhận những vi phạm của chúng ta vào những “điều khoản” của Đức Chúa Trời. Ngài đã trả giá cho những vi phạm đó bằng cách đặt chúng lên mình Đấng Christ và đóng đinh vào thập giá với Ngài. Món nợ đã được thanh toán trọn vẹn.

Tuy nhiên, nhiều tín hữu vẫn mang gánh nặng để trả giá cho một món nợ mà họ vẫn còn phải cưu mang. Trong trí họ, Đấng Christ đã chỉ trả giá cho những món nợ trong quá khứ, còn họ thì phải trả cho những sự vi phạm tương lai. Họ nghĩ rằng có thể trả giá cho những vi phạm đó bằng cách xưng tội với Chúa, nhưng thực ra chỉ có một đoạn Kinh thánh đề nghị phương pháp đó: 1 John 1:9.

Dưới Cựu Ước, các của lễ thiêu phải được dâng lên để chuộc tội, rồi dưới Tân Ước, Chiên Con của Đức Chúa Trời đã phải được dâng lên làm của lễ một lần đủ cả. Trong cả hai trường hợp, huyết của các con sinh tế phải đổ ra. Vì thế, sự dâng của lễ bằng môi miếng không thỏa được điều kiện của cả hai Giao Ước.

22Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ. (Hebrews 9:22)

Hầu hết các tôn giáo trong thế gian đặt vấn đề tội lỗi làm trọng tâm và tìm những giải pháp áp dụng trong đời sống tín đồ trọn đời sống. Colossians 2:9 trình bày sự cứu rỗi thật mà nhờ đó người tín hữu được thoát vòng luẩn quẩn của tội lỗi và sự đền trả.

Điểm thoát đây là nơi người tín hữu nhận được lời hứa của Chúa Giê-su:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” (Matthew 11:28).

Cũng trong cùng ý đó, đây cũng là nơi mà sự khao khát sự công bình có thể được thỏa một lần đủ cả như Chúa đã hứa với người Sa-ma-ri bên giếng Gia-cốp:

13Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; 14nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.” (John 4:13-14)

CHIẾN THẮNG BỞI THẬP TỰ GIÁ

15Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ. (Colossians 2:15)

Những “quyền cai trị cùng các thế lực” chắc phải là những lãnh tụ tôn giáo nắm quyền nhờ những điều lệ và luật pháp. Nhưng Chúa Giê-su đã “truất bỏ” họ như thế nào? Ngài đã thực hiện điều này bằng cách cất đi điều đã ban năng lực cho họ: luật pháp. Hay nói một cách khác, Chúa đã gạt điều kiện luật pháp qua một bên bằng cách mở một đường thẳng đến với Chúa qua thập giá.

Bằng cách chết trên thập giá để mở đường cho người tin vào nước trời, Chúa Giê-su đã tuyên bố rằng kể từ đây tội nhân không còn cần ai khác cai quản linh hồn họ. Và thực vậy, qua sự dạy dỗ của Ngài và sự tuyên xưng mình là Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã thường khiến những lãnh tụ tôn giáo phải mất uy tín. Chúa đã “nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ” sự chiến thắng của Ngài trên thập giá để thế giới được chứng kiến.

Thay vì sai hàng ngàn thiên sứ xuống hủy diệt những kẻ phạm tội, Chúa Giê-su đã chọn con đường thập giá để chuộc tội và cứu linh hồn họ. Thập giá tự nó là một khí cụ đáng ghê tởm nhưng lại là con đường duy nhất để nhân loại được làm hòa lại với Ngài. Khi sứ đồ Phi-e-rơ tuốt gươm chống lại những người đến bắt Chúa, ông cũng nhưng nhiều tín hữu thời nay, không hiểu ý nghĩa và quyền năng của thập tự để mang lại sự đổi thay bền vững (John 18:10).

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and