Cơ-lô-se 1:27-2:4

Sự trông cậy về vinh hiển. Trọn vẹn trong Đấng Christ. Vững tâm nhờ biết Chúa. Lời dỗ dành lừa dối.

SỰ TRÔNG CẬY VỀ VINH HIỂN

"25Tôi làm kẻ giúp việc của Hội thánh đó, bởi sự phân phát của Ðức Chúa Trời, là Ðấng giao cho tôi cái phần việc truyền đạo Chúa cho anh em cách trọn vẹn, 26tức là sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời các kiếp, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài. 27Vì Ðức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Ðấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển." (Colossians 1:25-27)

Mỗi người tin Chúa đều có “sự trông cậy về vinh hiển,” và mỗi người đều có một ý niệm riêng về cảnh tượng khi họ đối diện với Chúa. Chúng ta không cần phải khai triển về sự vinh hiển kỳ diệu sẽ được phô bày, vì khi đó chúng ta sẽ biết, nhưng điều chúng ta cần để tâm đến là nguồn của sự trông cậy về vinh hiển đó.

Hầu hết các tín hữu tin rằng sự trông cậy về vinh hiển này thì tùy thuộc vào khả năng của họ. Họ phải góp phần gì đó hầu có cơ hội được dự phần vào sự vinh hiển. Họ ngóng đợi được phần thưởng nào đó trên nước thiên đàng. Nhiều khi họ còn ngóng đợi những phần thưởng này còn hơn là sự “trông cậy về vinh hiển” mà nhiều người cho rằng chỉ có trong giáo điều mà thôi. Đối với họ, nhận được những phần thưởng đó là điều quan trọng hơn. Hay là đối với họ những phần thưởng đó chính là “sự trông cậy về vinh hiển”?

Nhưng bất kể họ tin gì về “sự trông cậy về vinh hiển”, cách duy nhất để họ đạt được mục tiêu là “Đấng Christ ở trong anh em,” mà điều kiện để có Đấng Christ là: bởi đức tin nơi Đấng Cứu Thế chứ chẳng phải bởi nỗ lực của họ. Như vậy sẽ chẳng còn sự khoe mình nữa.

Đấng Christ ở trong anh em,” là điều kiện tiên khởi mà nhiều người đã không màng đến khi họ đi tìm “sự trông cậy về vinh hiển”.

TRỌN VẸN TRONG ĐẤNG CHRIST

28Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Ðấng Christ ra trước mặt Ðức Chúa Trời.</strong>. (Colossians 1:28—NET)

Trong những bản tiếng Anh khác, chữ “trọn vẹn” đôi khi được dịch là “trưởng thành.”  Trước đây, trong chương 1 câu 22, Phao-lô đã viết, “nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được;” (Colossians 1:22).

Những đức tính như trưởng thành, trọn vẹn, thánh sạch không vết, không chỗ trách được, đã được ban cho chúng ta nhờ đức độ của một người khác, đó là Đấng Christ. Hay nói một cách khác, mọi đức tính đó đều thuộc về Chúa, và chúng ta được hưởng nhờ ở trong Ngài, ẩn núp dưới bóng Ngài, được mặc lấy sự công bình của Ngài, và được gọi Chúa là Cứu Chúa.

Đến đây, tôi có một cảm tưởng mình phải nhắc lại một đề tài đã được nêu lên trước kia về giáo lý tiến trình nên thánh. Những người theo giáo lý này tin rằng theo thời gian, càng ngày họ càng nên thánh hơn, “trưởng thành” hay “trọn vẹn” hơn. Giáo lý này nghe có vẻ thiêng liêng lắm, nhất là khi được bênh vực bởi những bình luận gia nổi tiếng bán hàng triệu sách, nhưng thực ra giáo lý đó có hòa hợp với Colossians 1:22 và Colossians 1:28 không? Bạn đang được trưởng thành hay trọn vẹn hơn bởi nỗ lực của mình hay bởi sự chết trong “thân thể của xác thịt” của Chúa? Nếu bởi chính mình, bạn có thể kể công và lấy đó làm vinh dự cho chính mình, nhưng làm sao bạn làm được điều đó, vì chúng ta chỉ có thể được nên thánh không chỗ trách được nhờ sự chết của thân thể Chúa.

VỮNG TÂM NHỜ BIẾT CHÚA

2… hầu cho lòng những kẻ ấy được yên ủi, và lấy sự yêu thương mà liên hiệp, đặng có nhiều sự thông biết đầy dẫy chắc chắn, đến nỗi có thể hiểu sự mầu nhiệm của Ðức Chúa Trời, tức là Ðấng Christ,3  mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng. (Colossians 2:2-3)

Trái với điều người ta thường tin, sự vững tâm về sự cứu rỗi chẳng tùy thuộc vào sự kiên trì cầu nguyện, học Kinh thánh, tĩnh nguyện, làm công việc Chúa, hay chứng đạo. Tôi nhớ đã có lần nghe một bài giảng mà vị mục sư đã giảng rằng nếu Chúa đến lúc bạn đang cầu nguyện thì chắc thế nào cũng được rước lên thiên đàng, vì thế hãy cầu nguyện luôn luôn.

Thế nhưng đoạn Kinh thánh trích ra ở trên cho thấy nền tảng thật của sự vững tâm về sự cứu rỗi này: biết Đấng Christ, là Đấng cũng được gọi là “sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.”

Từ “Đấng Christ” mang ý nghĩa gì? Đấng Christ là tất cả mọi điều một người tin Chúa cần để đến gần Đấng ngoài tầm tay với của nhân loại là Đức Chúa Trời. Ngài là đại biểu cho Giao Ước Mới, là giao ước xác định rằng con đường duy nhất đến gần Chúa là nhờ đức tin nơi Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, mà chẳng bởi một điều răn nào hay một nỗ lực nào. Vì thế Đấng Christ là sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Điều đó thì ngoài sự suy tưởng của loài người. Họ thường dùng mọi nỗ lực của mình để đạt được lý tưởng cao nhất mà niềm tin họ đòi hỏi, vì thế sự Đức Chúa Trời giao phó mọi sự cho Đấng Christ quả là một sự mầu nhiệm đối với họ. Điều này đoạt lấy cơ hội để họ khoe mình về những thành quả cá nhân.

Tuy nhiên, có một điều kiện liên hệ đến “sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.”  Điều này đòi hỏi sự “thông biết,” như được nói đến trong câu 2 ở trên. Khi Chúa Giê-su giải thích ý nghĩa của ngụ ngôn người đi gieo giống, Ngài có nói đến ý niệm “thông biết” này.

18 “Ấy vậy, các ngươi hãy nghe nghĩa ví dụ về kẻ gieo giống là gì. … 23 kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu; người ấy được kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.” (Matthew 13:18-23)

Bạn có hiểu ý nghĩa của “Đấng Christ, sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời”? Bạn có ý thức được rằng dòng huyết báu của Chúa trên cây thập tự là yếu tố duy nhất khiến bạn được làm hòa với Đức Chúa Trời? Là mọi nỗ lực của xác thịt bạn chỉ là hư không? Là sự công bình của chính bạn chỉ là “rơm rác”? (Philippians 3:8) Sự hiểu biết này đòi hỏi bạn phản hoàn toàn bước vào Giao Ước Mới với Chúa. Nhưng điều đáng buồn là phần lớn người vào đạo hãy còn bị trói buộc vào Giao Ước Cũ.

LỜI DỖ DÀNH LỪA DỐI

4Tôi nói như vậy, hầu cho chẳng ai lấy lời dỗ dành mà lừa dối anh em. (Colossians 2:4)

Cả Chúa Giê-su và sứ đồ Phao-lô thường cảnh cáo chúng ta về những kẻ lừa dối, nhất là khi họ dùng “lời dỗ dành.”  Nhưng điều đáng mừng là Phao-lô có chỉ cho chúng ta cách “chẳng ai lấy lời dỗ dành mà lừa dối” chúng ta được.  Lời khích lệ của Phao-lô không phải là không có căn cứ. Nó được đặt nền từ trong đoạn trước về sự hiểu được sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Giê-su Christ.

Sự hiểu biết vai trò của Đấng Christ trong đời sống bạn sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực. Nó sẽ giúp bạn tránh bị những giáo sư giả lừa dối. Nó cũng khiến bạn “được kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.”

Cho dù bạn có thuộc lòng cả quyển Kinh thánh, nó cũng chẳng hơn gì một quyển tự điển đối với bạn nếu bạn đọc mà không hiểu. Nó cũng sẽ chỉ là những chữ làm cho chết, nhưng nếu hiểu được sẽ thành Lời Hằng Sống (2 Cor 3:6). Rốt lại, để hiểu được lời Chúa, bạn phải đọc Kinh thánh qua lăng kính của Giao Ước Mới.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and