Cơ-lô-se 1:22-23

Mỗi ngày một nên thánh hơn. Đứng vững trong đức tin.

TIẾN TRÌNH NÊN THÁNH

Mặc dầu chúng ta đã học Cơ-lô-se 1:22 Chúa Nhật trước, tôi tin rằng còn một khía cạnh quan trọng của câu này chúng ta cần thảo luận trong Chúa Nhật này. Chúng ta hãy đọc lại đoạn Kinh thánh này một lần nữa: "... nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được;"

Có một ý niệm gọi là “tiến trình nên thánh” được chấp nhận bởi hầu hết những người tin Chúa. Chúng ta hãy đọc qua một số các định nghĩa của ý niệm này:

Tiến trình nên thánh là sự tách dần người thuộc về Chúa ra ngoài thế gian và khiến họ ngày càng trở nên giống Chúa hơn. (gotquestions.org)
Tiến trình nên thánh là một quá trình mà qua đó Đức Thánh Linh khiến một người ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Đó là một quá trình trọn cả đời sống. (preceptaustin.org)

Tôi có thể tìm thêm nhiều định nghĩa nữa, nhưng các điểm chính vẫn là: “suốt đời” và “càng ngày càng.” Tôi không có vấn đề gì về ý niệm “suốt đời” vì tất cả chúng ta đều phải đợi cho đến ngày Chúa trở lại khi chúng ta được biến hóa từ vinh hiển qua vinh hiển, nhưng ý niệm “càng ngày càng” thì đối với tôi có nhiều vấn đề.

Bằng cách nào tôi có thể đo lường được sự tiến triển của mình trong tiến trình trở nên giống Chúa? Bạn sẽ là người chứng nhận sự tiến triển của tôi? Bạn có biết rõ những bản tính của Chúa Giê-su để chỉ tôi bắt chước theo Ngài? Quả thực, tôi có trở nên kiên nhẫn hơn, điềm đạm hơn, chậm giận, và không thể chối cãi được là tôi có thêm sự bình an trong tâm hồn, nhưng nói là tôi giống Chúa hơn thì e rằng có phần hơi kiêu căng phải không? Bạn có thể có một khái niệm nào đó về Chúa Giê-su, tôi thì không.

Tôi chỉ biết về Chúa qua những điều mình đã đọc trong Kinh thánh. Ngài đã được sinh ra bởi một người nữ đồng trinh. Ngài đã hạ sinh làm người mà không mang tội tổ tông. Ngài là Đức Chúa Trời trong hình thể loài người. Những điều Ngài phán đem đến cho lòng tôi sự an ủi vì tôi cảm nhận được quyền năng từ Ngài không như những người của đời này. Ngài làm kẻ chết sống lại. Ngài có quyền năng chữa lành người mù và què. Ngài chết trên thập tự giá vì tội lỗi tôi. Ngài là Đấng duy nhất có quyền tha tội tôi. Tình yêu của Ngài không hề dời đổi. Loài người thì kể lể công trạng của mình, còn Chúa thì ban sự cứu rỗi cách nhưng không cho người có lòng khiêm nhu. Vì thế, bạn thử nghĩ tôi, hoặc bất cứ người nào khác, sẽ có bao giờ trở nên giống Chúa không?

Chúng ta đã chóng quên bài học trong Vườn Địa Đàng khi loài người khao khát được trở nên giống Chúa. Họ đã vì lòng ao ước đó mà mất đi sự sống.

Đoạn Kinh thánh chúng ta đang học, Colossians 1:22, bày tỏ phương cách Chúa ban lại cho chúng ta sự vinh hiển đã mất: “thân thể của xác thịt” của Chúa Giê-su. Tiến trình nên thánh của bạn sẽ chẳng bao giờ đem bạn đến chỗ “thánh sạch không vết, không chỗ trách được.” Con đường bạn chọn để trở nên giống Chúa thì tùy thuộc vào nỗ lực của chính bạn, còn con đường của Chúa thì qua sự chết của Con Một Đức Chúa Trời.

Vì thế, tôi kết luận rằng giáo lý về tiến trình nên thánh là một giáo điều do loài người dựng nên và chẳng đóng vai trò gì trong phúc âm cứu rỗi.

VỮNG VÀNG KHÔNG NÚNG

23…miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi phúc âm mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phao-lô, là kẻ giúp việc của đạo ấy. (Colossians 1:23)

Điều gây sự lo sợ nhất trong lòng người tin Chúa là Ngài thấy họ vẫn còn thiếu sót khi Đấng Christ trở lại để tiếp rước hội thánh Ngài. Đó là lý do tại sao họ dựng nên giáo lý tiến trình nên thánh để không phải nghe Chúa phán với mình: “Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Matthew 7:23) Nhưng cảm ơn Chúa vì theo câu 22, chúng ta sẽ được đến trước mặt Chúa “thánh sạch không vết, không chỗ trách được” nhờ dòng huyết Chúa Giê-su. Đó là món quà ban cho cách nhưng không cho những kẻ tin.

Dầu vậy, vẫn có một điều kiện. Bạn phải giữ vững niềm tin nơi “sự trông cậy đã truyền ra bởi phúc âm mà anh em đã nghe.”  Câu hỏi là bạn sẽ giữ vững niềm tin như thế nào? Nhiều người tin rằng giữ vững bằng cách làm những việc tín đồ thường làm như đi nhà thờ, dâng hiến, chứng đạo, cầu nguyện, kiêng ăn, vân vân. Xin các bạn đừng hiểu lầm tôi. Những việc đó đều tốt cả, nhưng bạn phải cẩn thận chớ để chúng trở thành phúc âm của bạn. Vì thực ra chúng không phải là phúc âm mà bạn đã nghe. Vì nếu bạn đi theo tin lành giả của sự cứu rỗi bởi việc làm, bạn cuối cùng sẽ mất đức tin vì cứ bị thất bại hoài. Qua tiến trình nên thánh, sự trông cậy của bạn vào chính mình sẽ cho bạn thấy bạn sẽ chẳng bao giờ “thánh sạch không vết, không chỗ trách được” trước mặt Chúa.

Phúc âm thật mà bạn đã nghe thì đơn giản lắm và được bày tỏ rõ ràng trong câu 22: “nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được.” Đó chính là thân thể xác thịt của Chúa Giê-su chứ không phải của bạn, hay là bất cứ công việc nào đến từ xác thịt bạn dù chúng có vẻ thiêng liêng đến đâu chăng nữa.

Dĩ nhiên là bạn nên tiếp tục làm những việc lành cho Chúa, nhưng đừng để chúng trở thành tin lành của bạn, vì như vậy bạn sẽ chứng tỏ rằng mình đã không đứng vững trong tin lành mình đã nghe. Lời khuyên của tôi là bạn cứ tăng trưởng trong sự hiểu biết tin lành mình đã nghe, đó là “Đấng Christ và Ngài chịu đóng đinh” (1 Cor 2:2), và nhờ đó những việc lành mà bạn làm sẽ là bông trái của đức tin chân chính. Còn công việc đến bởi sự ép uổng của luật pháp chỉ là bông trái chết (Romans 7:5). Hãy thỏa lòng chờ đợi Đức Thánh Linh sinh bông trái còn lại cho đến đời đời.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and