Colossians 1:1-6

Đức Tin, Sự Hy Vọng, và Tình Yêu Thương.

Chào các bạn,

Qua các buổi học Kinh thánh trong nhiều năm qua, có một đặc điểm mà tôi không biết các bạn có cảm nhận được qua sự hướng dẫn lớp của tôi. Đây cũng là sự thay đổi quan trọng nhất của riêng tôi về sự đọc, hay học, Kinh thánh.

Hồi chưa tin Chúa, tôi tìm đọc những sách về thiền đạo, hoặc những sách có mục tiêu để tự cải thiện như Quảng Gánh Lo Đi Và Vui Sống, Đắc Nhân Tâm, vô số những sách về thuyết hiện sinh của Hermann Hesse, và nhiều sách khác. Nhưng dù sách gì thì sách, mục tiêu vẫn là cái “ngã—self” của mình

Rồi đến khi tin Chúa, được đọc Kinh thánh thì thấy sự khác biệt một trời một vực. Nhưng tôi vẫn bị lâm vào một sự lầm lẫn trầm trọng, đó là tôi đọc Kinh thánh chẳng khác gì đọc những sách của đời: tôi đọc với mục đích cải thiện bản thân, nghĩa là mục tiêu vẫn là cái “ngã—self.” Và vì thế chẳng bao lâu sau tôi lại trở về vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Nhưng cảm tạ ơn Chúa vì cách đây vài năm, Chúa đã dùng một người giúp tôi thấy tôi đã có một cái nhìn sai về Kinh thánh. Như đã nói trong đoạn trước rằng tôi đã đọc Kinh thánh mà chỉ thấy mình với những sự cần cải tiến, còn Chúa chỉ là một phương tiện để đạt được mục đích. Nhưng đúng ra tôi phải xem Kinh thánh nói gì về Chúa. Nếu Kinh thánh có nói gì về tôi nói riêng, hoặc nhân loại nói chung, thì lời Chúa chỉ cho tôi biết tình trạng hư mất không cứu vãn được của mình, chỉ duy cách cứu vãn Chúa ban là chúng ta hãy nhìn xem Đấng Christ là khởi đầu và thành toàn của đức tin (Hebrews 12:2). Tóm lại, nếu đọc một đoạn Kinh thánh mà bạn chỉ rút tỉa được những nguyên tắc để cải thiện đời mình thì bạn sẽ chỉ thấy mình mà không thấy Chúa.

Chúng ta vừa khởi đầu vào sách Cơ-lô-se là một trong những sách chứa đựng nhiều chân lý nền tảng và thu thập được một số điểm chính dưới đây. Để nhắc lại, hầu như 100% chân lý nền tảng đều nói về Chúa, còn về mình thì chỉ có đức tin nơi Chúa là điều duy nhất Ngài đòi hỏi nơi chúng ta.

1. ĐỨC TIN, SỰ TRÔNG CẬY và TÌNH YÊU THƯƠNG

4Vì chúng tôi đã nghe về đức tin của anh em nơi Ðức Chúa Jêsus Christ và về sự yêu thương của anh em đối với mọi thánh đồ, 5vì cớ sự trông cậy để dành cho anh em ở trên trời là sự trước kia anh em đã nhờ đạo Tin Lành chân thật mà biết đến.” (Colossians 1:4-5)

Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 13 câu 13 diễn tả ba đặc tính của người thuộc về Chúa đó là “đức tin, sự trông cậy, và tình yêu thương,” và cũng là ý của đoạn Kinh thánh chúng ta đang học ở đây. Qua đoạn Kinh thánh trích ra ở trên, Phao-lô đã cho chúng ta biết động lực đã dẫn đến đức tin và tình yêu thương: “sự trông cậy.” Hay nói cách khác, sự “trông cậy” này là niềm hy vọng về những điều Chúa đã dành sẵn cho chúng ta trên trời. Như vậy, đức tin và tình yêu thương chỉ là kết quả (fruit) của sự ngóng đợi về nước trời.

Vậy bạn muốn có tình yêu thương chăng? Bạn muốn có đức tin nơi Chúa chăng? Hãy suy gẫm lại về lý do nào bạn đi theo Chúa nếu chẳng phải là niềm hy vọng về sự sống đời đời, vì đó là động lực chính cho hai điều bạn mong ước. Tôi tin rằng mọi bông trái khác trong đời sống tin kính cũng từ đó mà đến.

2. HỌC CHO THẬT BIẾT ƠN ĐÓ

“ Phúc Âm đó ở giữa anh em cũng như ở trong cả thế gian; lại kết quả và tấn bộ cũng như trong anh em, từ ngày mà anh em đã nghe rao truyền Phúc Âm Ðức Chúa Trời và đã học cho thật biết ơn đó.” (Colossians 1:6)

Đây cũng là mục tiêu của lớp Kinh thánh chúng ta không hề dời đổi trong suốt nhiều năm qua. Có người thắc mắc tại sao chúng ta cứ học về luật pháp và ân điển, vì còn có nhiều đề mục thực tế khác như dâng hiến, bổn phận công dân, liên hệ trong gia đình, cầu nguyện, kiêng ăn, sinh hoạt trong hội thánh, phép lạ chữa bệnh, đuổi quỉ, v.v. Quả thực, trong Kinh thánh có viết về những điều đó, nhưng chúng không phải là phúc âm, mà chỉ là những chi tiết để làm thành một bối cảnh hầu phúc âm Chúa được trình bày cách rõ ràng. Cũng như một tác phẩm hội họa có nhiều đường nét với những màu sắc khác nhau nhưng chúng chỉ làm nổi bật một nhân vật chính, một ý chính trong tác phẩm đó.

“Ơn đó” chính là Phúc Âm, là ân điển mà luật pháp chỉ là một tương phản làm nổi bật vẻ đẹp và và niềm hy vọng của ân điển được bày tỏ trong Phúc Âm đó. Nếu bạn chỉ suốt đời đọc Kinh thánh mà chỉ thấy bông trái của Phúc Âm đó thì bạn sẽ không bao giờ biết đến Chúa của Phúc Âm đó. Vậy, chúng ta hãy “học cho thật biết ơn đó.”

3. ĐỊNH NGHĨA SỨ ĐỒ CỦA CHÚA GIÊ-SU

Tuần này chúng ta xem một video ngắn với chủ đề “Định Nghĩa Sứ Đồ.” Phim này đi qua một số điều kiện căn bản định nghĩa Sứ Đồ như 12 Sứ đồ của Chúa Giê-su. Nhưng Sứ Đồ (viết hoa) này khác với chữ sứ đồ được dùng ngày hôm nay cho các vai trò như mục sư, giáo sĩ, trưởng lão, những người có phần hành trong một mục vụ nào đó, v.v.

Dưới đây là các điều kiện cho Sứ Đồ của Chúa Giê-su

  • Người tận mắt chứng kiến Chúa Giê-su (Acts 1:22; 10:39-41; 1 Corinthians 9:1; 1 John 1:1)
  • Người được chính Chúa Giê-su chọn (Mark 3:14; Luke 6:13; Acts 1:2; 10:41; Galatians 1:1)
  • Người làm được những phép lạ (Matthew 10:1-2; Acts 1:5-8; 2:43; 4:33; 5:12; 2 Corinthians 12:12)

Về câu hỏi được đặt nên là Phao-lô có phải là Sứ Đồ của Chúa Giê-su không, thì với tôi, Phao-lô thực sự là Sứ Đồ vì các lý do dưới đây: 1) ông thực sự đã được chứng kiến Chúa Giê-su, 2) dù ông không được Chúa chọn trước khi Ngài chịu đóng đinh, nhưng Ngài đã chọn ông trên đường Đa-mách, và 3) ông làm được những phép lạ.

Trong video, người diễn giả quả quyết rằng hiện nay không có ai làm được phép lạ như các Sứ Đồ thuở xưa như cho người chết sống lại, người mù được thấy, người què được đi. Nhưng diễn giả vẫn tin rằng Chúa còn làm phép lạ theo ý riêng của Ngài. Chỉ duy quyền năng làm phép lạ như các Sứ Đồ thưở xưa không còn nữa.

Đối với tôi, mỗi ngày tôi còn sống là một phép lạ, bao nhiêu mạch máu chảy khắp thân thể về tim và bao nhiêu tế bào sinh động trong cơ thể mà không biến thành tế bào ung thư cũng là một phép lạ, nhưng không phải chỉ cho người tin mà cho biết bao người hiện giờ không biết đến Chúa. Nhưng dường như ngày nay phép lạ Chúa làm cho hàng ngàn người trông thấy không còn nữa. Phải chăng vì những phép lạ để công bố sự đến của Đấng Mê-si đã làm xong công việc của chúng?

Thế còn kinh nghiệm của mỗi người trong chúng ta thì sao? Có ai trong vòng chúng ta đã chứng kiến một phép lạ thực sự? Trong vòng hàng triệu video trên Youtube?

Nhưng chúng ta không cần phải đi đâu xa. Trong vòng hội thánh chúng ta đã có bao người đã qua đời vì bệnh tật, kể cả trong gia đình tôi. Nhưng có một phép lạ lớn, còn lớn hơn cả những phép lạ Chúa Giê-su đã làm thưở xưa, đó là phép lạ mà chính tôi đã kinh nghiệm và hiệu quả của nó còn mãi cho đến đời đời: đó là phép lạ khi tôi nhận Giê-su làm Cứu Chúa. Phép lạ đó hiện nay Chúa vẫn còn làm cho những kẻ tin Ngài.

“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha.” (John 14:12)

Chúa Giê-su làm phép lạ khiến người chết sống lại, nhưng rồi người đó cũng sẽ chết, nhưng ngày nay nếu bởi lời làm chứng mà một người tin Chúa thì người đó được sự sống đời đời. Đó chính là việc lớn mà chỉ sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại mà ngày nay chúng ta được thi thố phép lạ đó.

“Ngài đáp rằng: Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na.” (Matthew 12:39)

“Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.” (Matthew 24:24)

Dấu lạ của tiên tri Giô-na là sự Chúa Giê-su chết đi và sống lại. Video chúng ta đã xem chỉ là để cảnh cáo chúng ta coi chừng những tiên tri giả và những dấu lớn phép lạ giả dối của họ. Nếu ngày nay Chúa vẫn ban ân tứ chữa bệnh, hoặc làm các dấu kỳ phép lạ khác, thì chính những phép lạ đó sẽ làm chứng cho họ. Tin hay không tin không thành vấn đề. Không ai có thể cản ngăn được một phép lạ đến từ một người thực sự có ân tứ Chúa ban.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and