Rô-ma Chương 9

Dân Y-sơ-ra-ên, kẻ được chọn. Sanh bởi xác thịt / Sanh bởi lời hứa. Quyền tể trị của Chúa qua Gia-cốp và Ê-sau. Quyền tể trị của Chúa qua Pha-ra-ôn. Quyền tể trị của Chúa qua ví dụ bình gốm và thợ gốm. Chúa có toàn quyền trong cơn thạnh nộ, hay lòng thương xót. Nhiều người được chọn nhưng ít người được cứu. Chỉ cậy đức tin mới đạt được sự công bình.

Dân Y-sơ-ra-ên, kẻ được chọn

1Tôi nói thật trong Ðấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Ðức Chúa Trời: 2tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. 3Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Ðấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác, 4tức dân Y-sơ-ra-ên, là dân được những sự làm con nuôi, sự vinh hiển, lời giao ước, luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa; 5là dân sanh hạ bởi các tổ phụ, và theo phần xác, bởi dân ấy sanh ra Ðấng Christ, là Ðấng trên hết mọi sự, tức là Ðức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời. A-men. (Romans 9:1-5)

Giống như viên ngọc quý trong ngụ ngôn mà Chúa Giê-su đã kể trong Matthew 13:45-46, khiến người tìm thấy sẵn sàng bỏ mọi điều mình có để được viên ngọc đó. Viên ngọc quý đó hẳn phải là tin lành cứu rỗi mà Phao-lô đã tìm thấy và hiện đang tìm cách rao truyền cho dân quê hương mình. Đến nỗi khi thấy họ không tin, hoặc tin nhưng không hiểu, thì lòng ông xót xa đến nỗi đã thốt lên lời bày tỏ sự đau đớn, buồn bực trong lòng ông, đến nỗi ông ước gì thà chính mình bị mất nhưng dân sự Y-sơ-ra-ên được những điều ông đang muốn truyền đạt cho họ. Đây cũng là tâm trạng của Môi-se khi ông thốt lên những lời sau trong Xuất Ê-díp-tô, Exodus 32:32: "nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Bằng không, hãy xóa tên tôi khỏi sách Ngài đã chép đi." Nhưng dĩ nhiên chúng ta hiểu đây chỉ là để bày tỏ cảm xúc của Phao-lô cũng như Môi-se chứ không phải sự trao đổi này có thể thực sự xảy ra.

Người Do-thái vốn là một tuyển dân được Chúa gọi ra từ trong toàn dân của địa cầu, làm một dụng cụ để Ngài bày tỏ chương trình cứu rỗi. Được ban cho một giao ước với Đức Chúa Trời (Cựu Ước), được ban cho luật pháp Đức Chúa Trời, được ban cho một cung cách thờ phượng từ chính Đấng họ thờ phượng (có dân nào được chính đấng họ thờ phượng chỉ dạy cho họ phải thờ phượng làm sao?), được ban cho lời hứa về Đấng Cứu Thế. Họ cũng là dòng dõi của những bậc tổ phụ mà Đức Chúa Trời không hổ thẹn xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, đó là Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Còn về phần xác, chính Đấng Christ là Đấng có danh cao trên hết mọi danh, và là Đức Chúa Trời toàn năng, chọn họ để từ đó sanh ra.

Sanh bởi xác thịt / Sanh bởi lời hứa

6Ấy chẳng phải lời Ðức Chúa Trời là vô ích. Vì những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sanh hạ, chẳng phải vì đó mà hết thảy đều là người Y-sơ-ra-ên. 7cũng không phải vì là dòng dõi Áp-ra-ham thì hết thảy đều là con cái người; nhưng có chép rằng: Ấy là bởi Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi gọi theo tên ngươi; 8nghĩa là chẳng phải con cái thuộc về xác thịt là con cái Ðức Chúa Trời, nhưng con cái thuộc về lời hứa thì được kể là dòng dõi Áp-ra-ham vậy. 9Vả, lời nầy thật là một lời hứa: Cũng kỳ nầy ta sẽ lại đến, Sa-ra sẽ có một con trai. (Romans 9:6-8)

Nếu Đức Chúa Trời hứa về sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên, thì tại sao lại có những người không được cứu? Phải chăng lời hứa của Đức Chúa Trời trở nên vô ích? Phao-lô đang tìm cách trình bày nguyên tắc và điều kiện của sự cứu rỗi.

Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời ban lời hứa về sự giòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời và như cát dưới biển. Nhưng dù tin Chúa, ông thiếu kiên nhẫn, nên đã ở với người hầu gái là A-ga và sanh được một trai là Ích-ma-ên. Dù vậy, khi đến đúng kỳ hạn mà Đức Chúa Trời đã định trước, Ngài đã ban cho một trai là Y-sác bời người vợ chính là Sa-ra. Do đó đoạn Kinh thánh này nói về hai con của Áp-ra-ham, Ích-ma-ên sinh bởi xác thịt, theo cách thông thường của loài người, còn Y-sác sinh bởi lời hứa của Đức Chúa Trời. Những kẻ chẳng cậy vào bất cứ điều gì ngoại trừ Đấng Christ để đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời.

Để cho thấy quyền năng của Ngài, Chúa để cho hai ông bà đợi cho đến khi Áp-ra-ham được trăm tuổi, còn Sa-ra thì chừng chín mươi, khi xác thịt loài người không còn khả năng sinh sản nữa. Con cái thực của Đức Chúa Trời là những kẻ sanh bởi lời hứa. Và yếu tố duy nhất khiến họ nhận được lời hứa đó là đức tin.

Quyền tể trị của Chúa qua Gia-cốp và Ê-sau

10Nào những thế thôi, về phần Rê-be-ca, khi bà ấy bởi tổ phụ chúng ta là Y-sác mà có thai đôi cũng vậy. 11Vì, khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ hầu cho được giữ vững ý chỉ Ðức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Ðấng kêu gọi 12thì có lời phán cho mẹ của hai con rằng: Ðứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ; 13như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau. 14Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Có sự không công bình trong Ðức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! 15Vì Ngài phán cùng Môi-se rằng: Ta sẽ làm ơn cho kẻ ta làm ơn, ta sẽ thương xót kẻ ta thương xót. 16Vậy điều đó chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, bèn là bởi Ðức Chúa Trời thương xót. (Romans 9:10-16)

Để tiếp tục ý của đoạn trước về cách Đức Chúa Trời tuyển chọn, Phao-lô dẫn chúng ta đến một trường hợp trong Kinh thánh về sự Rê-be-ca sanh hai con sinh đôi là Ê-sau và Gia-cốp. Câu chính là lời Phao-lô nhắc lại trong Cựu Ước rằng Đức Chúa Trời phán: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau, mà Phao-lô kết luận về quyền tối thượng của Ngài về sự cứu rỗi khi ông viết trong câu 16 rằng điều đó, tức là sự cứu rỗi, chẳng phải được bởi lòng ao ước hay bôn ba của người nào, nhưng bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời.

Đây là điều gây nghi vấn cho nhiều người, từ sự công bình của Đức Chúa Trời, đến cách Ngài chọn để cứu một sô người từ trong thế gian. Về sự công bình, chúng ta phải tin rằng Chúa là Đấng đòi hỏi sự công bình từ con người, thì chính Ngài phải là Đấng công bình, và sự lựa chọn của Ngài đặt trên nền tảng Chúa là Đấng mà sự khôn ngoan thông biết của Ngài vượt trên mọi sự suy tưởng của chúng ta. Còn về sự lựa chọn thì có hai vấn đề, một là phải chăng Chúa chỉ chọn để cứu một số người trong thế gian?, hai là phải chăng tất cả những người được chọn là những người được cứu? Biết bao nhiêu tranh luận sôi nổi về sự chọn lựa của Đức Chúa Trời, nhưng tôi nhớ đến hai điều trong Kinh thánh.

Điều thứ nhất là Chúa chọn người Do thái từ trong thế gian nhưng không phải ai cũng tin Chúa Giê-su khi Ngài đến và chịu đóng đinh, cũng như không phải tất cả dòng dõi của Áp-ra-ham là con cái người. Điều thứ hai là chương trình cứu rỗi của Chúa bao trùm cả nhân loại không chừa một ai. Chẳng hạn như các câu Kinh thánh trong John 3:16, 2 Peter 3:9, John 3:36, và chừng 70 câu nữa tương tự như vậy.

Do đó chúng ta có thể dựa vào những dữ kiện này trong Kinh thánh để kết luận rằng sự lựa chọn và sự cứu rỗi là hai điều khác nhau. Lựa chọn có liên hệ đến sự Chúa chọn Y-sơ-ra-ên để làm hình bóng của chương trình cứu rỗi, và để nói lên quyền tể trị của Chúa, còn sự cứu rỗi liên hệ đến sự được xưng công bình cho những kẻ đặt niềm tin nơi Đấng Christ, mở rộng cho toàn nhân loại, thì không phải là điều Phao-lô đang nói đến ở đây.

Quyền tể trị của Chúa qua Pha-ra-ôn

17Trong Kinh Thánh cũng có phán cùng Pha-ra-ôn rằng: Nầy là cớ vì sao ta đã dấy ngươi lên, ấy là để tỏ quyền phép ta ra trong ngươi, hầu cho danh ta được truyền ra khắp đất. 18Như vậy, Ngài muốn thương xót ai thì thương xót, và muốn làm cứng lòng ai thì làm. 19Vậy thì người sẽ hỏi ta rằng: Sao Ngài còn quở trách? Vì có ai chống lại ý muốn Ngài được chăng? (Romans 9:17-19)

Tiếp tục trong ý về quyền tể trị của Đức Chúa Trời, Phao-lô lại dẫn chứng từ sách Xuất Ê-díp-tô Ký khi Chúa đang chuẩn bị giải phóng dân tộc Ngài khỏi xứ Ai-cập. Chúa làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng đến nỗi trước những tai họa ghê gớm dường ấy ông vẫn cứ thách thức với Đức Chúa Trời. Qua sự cứng lòng đó các phép lạ của Ngài được bày tỏ.

Quyền tể trị của Chúa qua ví dụ bình gốm và thợ gốm

20Nhưng, hỡi người, ngươi là ai, mà dám cãi lại cùng Ðức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy? 21Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng bình khác để dùng việc hèn hạ sao?. (Romans 9:20-21)

Phao-lô lại thêm một ví dụ nữa về bình gốm và thợ gốm để khai triển thêm luận lý về quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

Tóm lại, sự nhấn mạnh về quyền tể trị của Đức Chúa Trời là một yếu tố căn bản và không thể tách rời khỏi chân lý về sự cứu rỗi bởi ân điển mà Phao-lô dùng làm mục tiêu chính trong các lá thư ông viết cho các hội thánh. Rằng sự cứu rỗi của Chúa chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, bèn là bởi Ðức Chúa Trời thương xót.”

Chúa có toàn quyền trong cơn thạnh nộ, hay lòng thương xót

22Nếu Ðức Chúa Trời muốn tỏ ra cơn thạnh nộ và làm cho bởi thế quyền phép Ngài, đã lấy lòng khoan nhẫn lớn chịu những bình đáng giận sẵn cho sự hư mất, 23 để cũng làm cho biết sự giàu có của vinh hiển Ngài bởi những bình đáng thương xót mà Ngài đã định sẵn cho sự vinh hiển, thì còn nói chi được ư? 24 Ðó tôi nói về chúng ta, là kẻ Ngài đã gọi, chẳng những từ trong dân ngoại nữa. 25 Như Ngài phán trong sách Ô-sê rằng: Ta sẽ gọi kẻ chẳng phải dân ta là dân ta, Kẻ chẳng được yêu dấu là yêu dấu; 26 Lại xảy ra trong nơi Ngài phán cùng họ rằng: Các ngươi chẳng phải là dân ta đâu, Cũng lại nơi đó họ sẽ được xưng là con của Ðức Chúa Trời hằng sống. (Romans 9:22-26)

Đoạn này tiếp tục ý trong câu 18, là Chúa có toàn quyền trong sự làm cứng lòng, hoặc thương xót, một người hoặc một dân nào đó. Các câu từ 22 đến 26 có thể được dịch cho thoát ý như sau: Chúng ta có thể nói gì được nếu Đức Chúa Trời là Đấng có khả năng và sẵn sàng để tỏ bày cơn thạnh nộ và quyền phép của Ngài, nhưng lại bày tỏ lòng kiên nhẫn chịu đựng những đối tượng đáng phải chịu cơn thạnh nộ và dành cho sự hư mất? Và cả chúng ta nữa là những kẻ Ngài đã gọi chẳng những từ người Do-thái, mà cả từ người ngoại nữa? Như Ngài phán cùng Ô-sê rằng: Ta sẽ gọi là “dân ta” những kẻ chẳng phải là dân ta. Gọi là “yêu dấu” những kẻ chẳng từng được yêu dấu. Còn tại những nơi mà người ta gọi là “Các ngươi không phải dân ta,” thì nơi đó họ sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời hằng sống.

Nhiều người được chọn nhưng ít người được cứu

27Lại Còn Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng: Dầu số con cái Y-sơ-ra-ên như cát dưới biển, chỉ một phần sót lại sẽ được cứu mà thôi; 28vì Chúa sẽ làm ứng nghiệm lời Ngài cách trọn vẹn và vội vàng trên đất. 29Lại như Ê-sai đã nói tiên tri rằng: Nếu Chúa vạn quân chẳng để lại một cái mầm của dòng giống chúng ta, Thì chúng ta đã trở nên như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ vậy. (Romans 9:27-29)

Đoạn Kinh thánh này cho chúng ta thấy rõ hơn sự khác biệt giữa “chọn” và “cứu.” Toàn dân Y-sơ-ra-ên được chọn nhưng chỉ một phần của họ được cứu. Chúa chọn họ làm khí cụ để từ đó Ngài mang đến chương trình cứu rỗi cho cả nhân loại. Nhưng tại sao chỉ một phần trong người Do-thái được cứu? Câu 32 giải thích lý do khiến họ trật phần ân điển: vì họ chẳng bởi đức tin mà tìm, nhưng bởi việc làm. Chúng ta sẽ đào sâu vào ý nghĩa của câu này trong phần dưới khi đến câu 32.

Phao-lô lại trích lời tiên tri Ê-sai để cho họ thấy nếu có người nào trong Y-sơ-ra-ên được cứu thì ấy là nhờ ân điển, và lòng thương xót của Chúa mà họ được cứu. Vì thực ra số phận của họ, dù Do-thái, hay người ngoại, cũng chẳng hơn gì Sô-đôm và Gô-mô-rơ.

Chỉ cậy đức tin mới đạt được sự công bình

30Vậy, Vậy chúng ta sự nói làm sao? Những dân ngoại chẳng tìm sự công bình, thì đã được sự công bình, nhưng là sự công bình đến bởi Ðức Chúa Trời; 31còn như dân Y-sơ-ra-ên tìm luật pháp của sự công bình, thì không đạt đến luật pháp ấy. 32Tại sao? Tại họ chẳng bởi đức tin mà tìm, nhưng bởi việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá ngăn trở, 33như có chép rằng: Nầy ta để tại Si-ôn một hòn đá ngăn trở, tức là hòn đá lớn làm cho vấp ngã; Hễ ai tin đến thì khỏi bị hổ thẹn. (Romans 9:30-33)

Cuối cùng Phao-lô cũng kết luận chương này với chủ đề: quyền tể trị của Chúa trong sự cứu rỗi. Người ngoại, vốn không có luật pháp, sống trong sự hư mất, chẳng hề tìm kiếm Đức Chúa Trời, thì lại được Ngài ban cho cơ hội để đạt được sự công bình. Còn tuyển dân Y-sơ-ra-ên của Chúa thì tìm kiếm sự công bình nhưng không tìm được.

Yếu tố duy nhất càn ngăn người Do-thái là sự họ ỷ lại vào việc làm, mà việc làm là những điều luật pháp đòi hỏi phải thực hiện để đạt được sự công bình. Chúa có mở cho họ một con đường mới và sống ngang qua xác Chúa Giê-su (Hebrews 10:20), nhưng họ khăng khăng đặt mình dưới sự nô lệ của luật pháp. Còn người ngoại, không có điều gì khác để ỷ lại, chỉ còn đức tin, thì họ lại dễ đặt trọn niềm tin nơi Đấng Christ.

Do đó hòn đá ngăn trở tại Si-ôn chính là Đấng Christ. Sự Ngài xuống thế gian đem đến cho họ một quyết định quan trọng, lhoặc cứ tiếp tục dùng sức mình để thỏa những sự đòi hỏi của luật pháp, hoặc chỉ đặt niềm tin nơi Đấng duy nhật có thể đạt được những điều đó trên thập tự giá. Chúa trở nên hòn đá ngăn trở cho họ. Của lễ toàn hảo dâng lên bởi chính Con Đức Chúa Trời làm vô hiệu hóa mọi của lễ thiêu mà họ thường cậy trông (Hebrews 10:26).

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and