Rô-ma Chương 1

Sự vâng phục của đức tin là sự đặt trọn niềm tin nơi Đấng Christ để nhận sự cứu rỗi. Bất cứ ai tin thì được cứu. Tin Lành của Đức Chúa Trời khởi đầu và kết cuộc trong đức tin.

Mọi người đều phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chương 1 gọi vũ trụ là chứng nhân của sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và điều này được lập lại trong chương 10: “Tiếng của các sứ giả đã vang khắp đất.” Các tầng trời là kẻ rao giảng về Đức Chúa Trời.

Một phần còn sót lại - tiêu chuẩn chọn lựa của Chúa

1Phao-lô, tôi tớ Đức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ, để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời, 2là Tin Lành xưa kia Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Kinh Thánh, 3về Con Ngài, theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Đa-vít sanh ra, 4theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời có quyền phép, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, 5nhờ Ngài chúng ta đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Ngài, 6trong các dân ấy anh em cũng đã được gọi bởi Đức Chúa Jêsus Christ; 7gởi cho hết thảy những người yêu dấu của Đức Chúa Trời tại thành Rô-ma, được gọi làm thánh đồ. Nguyền cho anh em được ân điển và sự bình an từ nơi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ! (Rô-ma, Romans 1:1-7)

Lời chào thăm của sứ đồ Phao-lô đến với hội thánh ở Rô-ma. Phao-lô tự gọi mình là tôi tớ (hoặc nô-lệ trong bản nguyên thủy tiếng Hy-lạp) của Đấng Christ. Chữ "nô-lệ" không phản ảnh ý nghĩa của một người phục vụ người khác trong sự tự do. Trong Giăng, John 15:15, Chúa Giê-su nói rằng Ngài không còn gọi chúng ta là nô lệ, hoặc tôi tớ, nữa, nhưng gọi chúng ta là bạn hữu, vì Ngài đã bày tỏ cho chúng ta sự kín nhiệm mà Ngài đã nhận từ Cha, qua Thánh Linh. Có lẽ Phao-lô muốn cho thấy sự tương phản giữa sự nô lệ miễn cưỡng dưới luật pháp, là một người chủ khắc nghiệt đòi hỏi sinh mạng của kẻ dưới quyền, và sự nô lệ vui lòng dưới Đấng Christ, một người chủ giàu lòng thương xót, sẵn sàng hy sinh sanh mạng vì kẻ mình yêu. Sau đó trong chương 7 Phao-lô nói về sự được thoát khỏi luật pháp để có thể hầu việc Đức Chúa Trời trong sự sống mới (câu 6).

Tuy nhiên có thể có một lý do trọng yếu hơn vì sao Phao-lô dùng từ “nô lệ” như trong câu 1. Khi ông còn là tôi mọi dưới tội lỗi, ông ở trong tình trạng được miêu tả như “điều tôi muốn làm, tôi không làm, còn điều tôi không muốn làm, tôi lại cứ làm, khốn nạn cho tôi, ai sẽ cứu tôi ra khỏi thân xác hay chết này?” (Romans 7:15). Rồi sau khi ông được cứu, ông trở nên kẻ nô lệ của sự công bình. Mối liên hệ này có thể được tả như “về những điều lành, tôi cảm thấy sự thúc đẩy khiến tôi phải làm, còn những điều xưa kia hay làm tôi vấp ngã, bây giờ tôi cảm thấy sự thúc đẩy mạnh mẽ trong lòng để lánh xa.” Dường như trong cả hai mối liên hệ này, Phao-lô đã bị thúc đẩy bởi hai sức mạnh từ bên ngoài, một quyền lực từ tội lỗi, còn một quyền lực từ Đức Chúa Trời.

Phao-lô thường nói về sự Chúa khiến ông làm những điều lành Ngài muốn; 2 Corinthians 5:14 viết: “Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi.” (đa số các bản Anh ngữ thay vì dùng chữ cảm động thì dùng những từ như: controls, compels, constraints, và một ít bản dùng chữ pressed). Nhã Ca, Song of Solomon 2:4 thì viết: “Người đưa tôi vào phòng yến tiệc, Ngọn cờ người phất trên tôi ấy là ái tình” (tình yêu Chúa là động lực thúc đẩy). Philippians 2:13 viết: “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” Đây là một sự nô lệ được thúc đẩy bởi tình yêu, từ bên ngoài chứ không phải từ bên trong. Điều này nghe dường như trái ngược với kiến thức phổ thông, nhưng lại rất đi gần với Kinh thánh. Khi một người được thúc đẩy từ sự tự nguyện của mình, nghe có vẻ là điều cao thượng, nhưng đó là từ xác thịt mình, sự thúc đẩy từ người khác cũng tương tự như vậy. Những thúc đẩy từ bản ngã không thể nào được hưởng nước Đức Chúa Trời. Nhưng sự tôi mọi mà Phao-lô nói đến thì được thúc đẩy từ bên ngoài, nhất là từ chính Đức Chúa Trời, chứ không phải từ loài người.

Chữ vâng phục, như trong “vâng phục của đức tin” trong câu 5 không đồng ý nghĩa với sự vâng phục như của trẻ thơ với cha mẹ, tôi tớ đối với chủ, người lái xe với giới hạn tốc độ, v.v…, nhưng là một sự thỏa thuận, vui lòng, đầu phục dưới một giao ước, một công tra, mở một con đường đến sự cứu rỗi: qua đức tin trong Đấng Christ. Do đó sự trông cậy của một người nơi Đấng Christ chính là một hành động vâng phục, được gọi là “sự vâng phục của đức tin.” Sự vâng phục theo sự dạy dỗ về đạo đức và luân lý của đời này, như trong vấn đề dạy con, không phải là điều kiện tiên quyết của sự cứu rỗi, nhưng sự vâng phục trong đức tin (nơi Đấng Christ) như được viết trong thơ này của Phao-lô là con đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời. Người tín hữu có thể thất bại, và được phép thất bại, về sự vâng phục về đạo đức luân lý, nhưng không thể thất bại về sự vâng phục của đức tin, về niềm tin nơi Đấng Đức Chúa Trời đã sai xuống thế gian.

Tôi tìm được một bài viết rất hay về ý nghĩa của sự vâng phục của đức tin ở đây: The Obedience Which Is Faith

Đây là kết luận của bài viết này nói về ý nghĩa đúng của “sự vâng phục của đức tin”:

Chúa Giê-su gọi nhân loại đến để đặt niềm tin nơi Ngài. Như vậy bất cứ khi nào có kẻ đặt niềm tin nơi Ngài, người đó vâng theo lời kêu gọi đó. Đức tin dẫn đến sự cứu rỗi là một hành động bày tỏ sự vâng lời. Do đó, bạn không nên cảm thấy khó chịu về ý niệm đức tin là một hành động bày tỏ sự vâng lời. Sự vâng phục của đức tin nói đến trong Rô-ma 1:5 và 16:26 không nói về sự vâng lời mọi điều răn của Đức Chúa Trời. Vì chẳng một ai ngoài Đức Chúa Giê-su đã làm được điều đó. Thực ra, sự vâng phục đó rõ ràng nói về sự vâng phục mệnh lệnh về Tin Lành mà mọi người phải tin. Nếu bạn đã làm điều đó, hẳn là bạn đã thực hành sự vâng phục của đức tin.

Dựa theo sự liên tục của ý nghĩa hai câu trong Romans 1:5-6, chúng ta nhận thấy hội thánh Rô-ma phần đông là người ngoại, không phải Do-thái. Đây là một điều cần giữ trong ý tưởng khi tiếp tục học những đoạn tới của thư này.

Quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin

16Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; 17vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” (Rô-ma, Romans 1:16-17—NET Bible)

Hễ ai tin thì được cứu

Đây là điểm khác biệt giữa Tin Lành và tất cả các tôn giáo trong thế gian; các đạo khác luôn luôn đặt những điều kiện của sự siêu thoát đặt nền tảng trên sự tu luyện, các nghi lễ, một điều gì đó phải làm, một của lễ nào đó phải dâng tế, sự thanh tẩy (mà người Tin Lành gọi là thánh hóa) triền miên và dường như tiếp tục đến vĩnh viễn, còn sự siêu thoát—một trạng thái tuyệt hảo, trọn vẹn mà không cần phải làm gì thêm nữa—thì vật vờ ở một tương lai xa xăm. Đấng Christ đã thực hiện mọi điều Đức Chúa Trời đòi hỏi hầu Ngài có thể ban sự cứu rỗi cách nhưng không cho bất cứ ai tin; và khi người đó bước vào trong thỏa hiệp, hoặc giao ước đó, với Ngài thì đó chính là sự vâng phục của đức tin, của sự đặt niềm tin vào phương cách cứu rỗi mà sứ đồ Phao-lô đã viết trong câu 16.

Khởi đầu và cuối cùng đều nhờ đức tin

Đa số Cơ-đốc Nhân xưng nhận niềm tin dựa theo Ê-phê-sô, Ephesians 2:8-9, răng họ được cứu nhờ ân điển bởi đức tin, không bởi một điều gì đó hoặc phải làm hoặc không nên làm có thể nhờ đó dẫn đến hoặc đánh mất sự cứu rỗi. Rồi sau một thời gian họ thấy đức tin không đủ, có người lý luận rằng phải có “kết quả,” hoặc “việc làm,” để chứng nhận đức tin mà họ có lúc ban đầu (tôi đã viết một bài tựa đề “Vòng luẩn quẩn đức-tin/sự-cứu-rỗi/việc-làm” nói về lối lý luận vòng tròn gây tai họa cho đời sống tín đồ). Tín lý sai lạc này nói rằng mặc dù bạn bắt đầu bởi đức tin, hoặc ân điển, bạn phải tiếp tục phần còn lại thêm vào việc làm cùng đi đôi cho đến cuối đời.

Nhưng trong câu 17 Phao-lô nói “vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa.” Ông không nói “lại dẫn đến việc làm.” Phao-lô cũng viết về chân lý này trong Ga-la-ti, Galatians 3:3: “Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?” Nếu việc làm, bất cứ dưới hình thức nào, không thể đem đến cho chúng ta sự công bình của Đức Chúa Trời, thì tại sao bây giờ lại có thể được dùng để hầu việc Chúa? Phao-lô lại viết thêm về điều này trong I Cô-rin-tô, I Corinthians 15:50 rằng thịt và huyết, và những việc làm bởi đó mà ra, không thể hưởng được nước Đức Chúa Trời.

Rồi Phao-lô tiếp tục với lời tuyên bố “Người công bình sẽ sống bởi đức tin,” mà ông đã trích từ Ha-ba-cúc, Habakkuk 2:4. Đó là đức tin nhỏ bằng hạt cải nơi Đấng Cứu Thế sẽ gìn giữ ông cho đến ngày phước hạnh đó. Sẽ có người đặt nghi vấn về đức tin bạn bằng cách tra vấn về việc làm hoặc kết quả. Nhưng ai trong vòng chúng ta, cả những người thiêng liêng nhất, có thể đưa ra một bằng chứng? Ai sẽ định phẩm chất của việc làm hoặc bông trái của bạn? Tôi hoàn toàn không có ý kiến. Điều duy nhất tôi có là tôi biết tôi tin Chúa, còn việc làm hoặc bông trái mà Ngài sẽ sanh ra trong tôi, tôi xin nhường lại cho bàn tay khéo léo của Người Thợ Gốm, vì Ngài biết rõ hơn tôi. Ngày tôi dùng công việc hoặc bông trái mình để kiểm nhận đức tin, là ngày tôi đứng trên vũng cát động sa lầy, vì công việc của bất cứ người nào, cả công việc công bình nhất, cũng chỉ là tấm băng sinh dơ dáy (Ê-sai, Isaiah 64:6).

Mọi người đều phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời

18Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật … 32Dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa.

Từ các câu 18 đến 32 (Rô-ma, Romans 1:18-32), Phao-lô tuyên bố sự lên án những kẻ không công bình, đó là toàn thể nhân loại, vì mọi người đều phạm tội và thiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma, Romans 3:23). Trong chương này, Phao-lô cũng cho thấy vũ trụ là nhân chứng của sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, rồi ông nhắc lại trong chương 10: “Tiếng của các sứ giả đã vang khắp đất.” Đó là tiếng của đất trời đang rao giảng.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and