Rô-ma Chương 6

Chúng ta đã chết về tội lỗi. Đã chết nhờ Đấng Christ, nay lại sống nhờ Đấng Christ. Tội lỗi mất quyền lực của nó vì chúng ta không còn ở dưới luật pháp, nhưng dưới ân điển.

Chúng ta đã chết về tội lỗi

1Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng? 2Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa? 3Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp tem trong Đức Chúa Jêsus Christ, tức là chịu phép báp tem trong sự chết Ngài sao? 4Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy. (Romans 6:1-4)

Trước khi chúng ta đào sâu vào giáo lý, nhìn thoáng qua, "ở trong tội lỗi" thường được giải thích là vẫn còn phạm tội, vẫn rơi vào những cám dỗ, hoặc ngược lại "chết về tội lỗi" nghĩa là đã chiến thắng được tội lỗi, hoặc không còn bị ảnh hưởng bởi chúng nữa. Nhưng chúng ta ai cũng biết điều này không xảy ra trong thực tế. Vì bản chất tội lỗi, chúng ta vẫn là người tội cho dù chẳng hề phạm một điều lầm lỗi nào trong nhân gian. Và nếu "tội" là những điều chúng ta phạm phải, theo như cách giải thích này, thì cách duy nhất để chúng ta "chết về tội lỗi," thì thân xác này phải chết đi, nghĩa là còn sống thì còn phạm tội.

“Ở trong tội lỗi” cũng đồng nghĩa với “ở trong sự chết,” vì theo Ê-xê-chiên 18:20, linh hồn nào phạm tội linh hồn đó phải chết. Có nhiều nhà giải kinh cho rằng điều này chỉ áp dụng với những người đang sống trong một nếp sống với nhiều khuynh hướng tội lỗi. Nhưng dựa theo Gia-cơ 2:10 thì phạm một điều cũng kể như phạm toàn bộ luật pháp; tội nhân vẫn là tội nhân dù phạm tội nhiều hay ít. Giảng Kinh thánh như vậy cũng chẳng khác gì nhả con ruồi mà nuốt chửng con lạc đà, giống như chú vào các điều lầm lỡ mà bỏ qua bản chất tội lỗi.

Khi Phao-lô nêu lên câu hỏi: “Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?” Ông không hỏi tại sao chúng ta vẫn còn tiếp tục phạm tội, nhưng ông đang công bố một luật mới: khi chúng ta đã chết vì tội lỗi—đây là sự hiển nhiên, là một trạng thái chúng ta được ban cho khi tin Chúa—, thì bạn không còn bị kể là tội nhân nữa, vì tội lỗi là một tình trạng bị lên án chung cho cả nhân loại (câu 2). Tại sao chúng ta có thể nói được như vậy? Vì Phao-lô đã tuyên bố trong câu 4 là “chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài.” Phao-lô những tưởng rằng chúng ta phải biết điều này rồi khi ông hỏi trong câu 3: “Anh em chẳng biết rằng …”, một chân lý mà mọi Cơ-đốc Nhân phải biết: Chúng ta đã được chôn cùng Đấng Christ, đã được chuộc lại, mọi tội lỗi được thứ tha, được hoàn lại sự công bình. Vậy thì làm sao một người đã chết lại còn ở dưới tội lỗi? Phao-lô không hỏi tại sao, ông chỉ cho thấy những sự thật dựa trên mối liên hệ giữa chúng ta và Đấng Christ, rằng chúng ta ĐÃ ĐƯỢC THOÁT KHỎI TỘI LỖI. Không còn phải vẫy vùng thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi, vì đã được trả tự do. Chúng ta cần phân biệt hai điều này: bản chất tội lỗi, và những sự vi phạm là kết quả của bản chất tội lỗi.

Trọng tâm của phúc âm không phải là về những sự vi phạm trong cuộc sống, nhưng là về BẢN CHẤT TỘI LỖI, tình trạng thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, của tội nhân bị kết án chờ ngày xét xử. Đây là một chân lý khó giải bày, là mặc dầu khả năng phạm tội vẫn còn đó, và sự vấp phạm vẫn thường xảy ra mỗi ngày, nhưng chúng ta đã được kể là thoát khỏi tội lỗi. Có thể vẫn có những trường hợp đặc biệt Chúa can thiệp vào để đương đầu với sự vi phạm nào đó, nhưng mục đích chính của phúc âm vẫn là về sự giải quyết vấn đề bản chất tội lỗi.

Đó là phương cách chúng ta “chết về tội lỗi,” hoặc không còn “ở trong tội lỗi,” vì chúng ta cũng được thốt lên như Phao-lô “tạ ơn Đức Chúa Trời, đã giải cứu tôi qua Đức Chúa Giê-su Christ là Cứu Chúa chúng ta.” (Romans 7:25) Kết luận cho đoạn Kinh thánh này là, nếu chúng ta tìm cách để chết về những sự vi phạm, hoặc thoát khỏi tội lỗi bằng cách chiến đấu với những sự cám dỗ, thì chúng ta chiến đấu cách vô vọng, nhưng nếu chúng ta cậy nơi lời hứa của Chúa về sự liên hiệp với Đấng Christ, thì sự chết của Ngài là của chúng ta, và cả sự sống của Ngài nữa.

Con người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh cùng với Đấng Christ

5For Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau: 6vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. 7 Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi. (Romans 6:5-7)

Chúng ta phải hiểu “không phục dưới tội lỗi nữa” như thế nào? Có lẽ bạn chưa từng học đoạn Kinh thánh này qua một bài giảng học Trường Chúa Nhật, nhưng chắc bạn có một quan niệm gì đó về ý nghĩa của nó. Hầu như không cần ai bảo, chúng ta sẵn sàng mang một giả thuyết rằng không phục dưới tội lỗi nữa nghĩa là không còn vấp ngã trước một cám dỗ hoặc một luật nào đó của Chúa. Nhưng mọi người đều đồng ý rằng giả thuyết đó không đứng vững đối với người phàm xác thịt. Vì vậy nếu không ai có khả năng chống lại mọi cám dỗ, thì hẳn không một ai đã bị đóng đinh cùng Đấng Christ. Thế nhưng Phao-lô lại nói rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh cùng Ngài.

Do đó Phao-lô không thể đang nói về những sự vấp phạm, mà phải nói về tình trạng hư mất, là mặc dầu chúng ta vẫn còn khả năng phạm tội, chúng ta không còn bị trói buộc dưới sự lên án dành cho thế gian hư hoại nữa.

Câu 7 giải thích rằng sự được thoát khỏi tội lỗi không phải là một mục đích, hoặc nỗ lực, hầu đạt đến được, nhưng là một hậu quả không thể tránh được rằng bạn được kể như đã chết, không phải chết về phương diện thể xác, nhưng là một “tờ khai tử” ban cho như một món quà, một phần thưởng, do sự đặt niềm tin trong Đấng Christ; sự chết của Ngài được kể như sự chết của chúng ta, và nhờ sự chúng ta đã chết, mà tội lỗi không còn thống trị trên chúng ta nữa: “Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi” (Romans 6:7).

Thêm một ý liên hệ đến sự chúng ta đã được đóng đinh cùng Đấng Christ. Vì nếu, và thực vậy, con người cũ của chúng ta đã được đóng đinh cùng Đấng Christ, thì quan niệm về sự đóng đinh người cũ của chúng ta mỗi ngày đi ngược với điều Phao-lô đang nói đến, rằng người cũ đó chưa chết hẳn, và chúng ta cứ phải tiếp tục làm cho chết; người cũ đó chết một ngày, rồi sống lại ngày khác, và cứ thế lập đi lập lại. Nghe có vẻ giống như một tôn giáo phương Đông? Nhưng Đấng Christ đã chết một lần đủ cả; một cái chết, một của lễ, đủ cho toàn thể nhân loại cho đến đời đời. Lại cũng chẳng phải sự chết của chúng ta, mà là của Đấng Christ, và Ngài kể là sự chết của chúng ta.

Đã chết nhờ Đấng Christ, nay lại sống nhờ Ngài

8Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ sống lại với Ngài, 9bởi biết rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài. 10Vì nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả; nhưng hiện nay Ngài sống, ấy là sống cho Đức Chúa Trời. 11Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ. (Romans 6:8-11)

Sự chết của Đấng Christ đã ban cho chúng ta nhiều lợi ích, khởi đầu với sự chết của Ngài được ban cho chúng ta như giá phải trả cho bản chất tội lỗi. Nhờ sự được đồng chết với Đấng Christ, chúng ta thoát khỏi sự thống trị của tội lỗi, và giờ đây Phao-lô đang dẫn chúng ta đến lợi ích thứ nhì: sự sống trong Đấng Christ.

Chúa Giê-su phán rằng “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều (John 12:24)”. Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá, và Phao-lô đã xác nhận rằng chúng ta cũng được đồng chết cùng Ngài. Sự chết của Chúa được ban cho làm giá trả cho tội lỗi một lần đủ cả, là phương cách duy nhất mà nhờ đó nhân loại được làm hòa cùng Đức Chúa Trời.

Đây là điểm thuận lợi để chúng ta nhắc nhở chính mình rằng Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận một sự chết duy nhất đó là của Chúa Giê-su, sự chết của chúng ta không thỏa được tiêu chuẩn công chính của Ngài. A-đam và Ê-va che đậy sự trần truồng của mình bằng chiếc áo lá, Chúa thay vào đó áo với áo bằng da thú, là hình bóng của Đấng Christ; Áp-ra-ham dâng con đầu lòng, Đức Chúa Trời thay vào đó bằng một con trừu đực; luật pháp đòi hỏi kẻ phạm tội phải chết, Chúa Giê-su đã chết thay vì chúng ta. Một khi Đức Chúa Trời ban Con Một của Ngài, mọi phương cách cứu rỗi khác phải chấm dứt tức khắc. Và do đó sự chết của Chúa Giê-su một lần đủ cả. Hebrews 10:18 viết rằng một khi Đấng Christ đã hiến mình trên thập tự giá, thì không còn một của lễ chuộc tội nào khác nữa. Những kẻ xưng nhận đức tin nơi Đấng Christ, phải đặt niềm tin trọn vẹn, chỉ cậy nơi sự hi sinh của Chúa và không cậy nơi chính mình nữa, vì Chúa chẳng nhận một “băng sinh dơ dáy” nào (Ê-sai 64:6).

Học để hiếu sự mình đồng chết với Đấng Christ, hoặc nói cách khác là sự an nghỉ trong Ngài, là một điều tối quan trọng. Vì sự sống đời đời bắt đầu sau sự chết.

Để được thoát khỏi sự nô lệ dưới tội lỗi: hãy biết rằng mình đang ở dưới ân điển

12Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó. 13Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình.14Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển. (Romans 6:12-14)

Thơ Phao-lô đang bắt đầu chuyển hướng cách lạ kỳ. Ông đang nói về điều gì? Làm sao một người có thể ngăn cản sự thống trị của tội lỗi trên thân xác mình? Đa số giải thích rằng hãy cố hết sức để đừng rơi vào sự cám dỗ, để làm chủ thân xác mình. Nhưng trong Romans 7:15, Phao-lô đã xác nhận sự bất lực của mình để làm điều mà ông dường như đang nói ở đây. Trong I Corinthians 15:54 nói chúng ta sẽ không được mặc lấy người mới không hay hư nát cho đến khi Đấng Christ tái lâm, và cho đến khi đó, chúng ta vẫn còn trong thân thể hay hư nát này, một thân thể vẫn còn dưới sự thống trị của tội lỗi. Trải qua nhiều thời đại, ai trong nhân loại là người thoát được sự thống trị của tội lỗi? Đức Chúa Trời đã ban cho người Do-thái một hệ thống tế lễ làm một giải pháp tạm vì họ không thể ngừng phạm tội, và trong thời Tân Ước, I John 1:8-10 cho thấy sự thực về sự nô lệ của toàn thể nhân loại dưới tội lỗi.

Quí vị là những người dạy dỗ người khác chớ để tội lỗi cai trị trên xác thịt mình, tránh mọi điều gian ác, quí vị đã thành công về việc đó cho chính đời sống mình hay chưa? Cũng như một vật thể không thể tránh bị trì xuống bởi sức hút quả đất, một loài thú không thể trở nên con người, một tĩnh vật không thể trở nên một sinh vật, thì làm sao con người với bản chất tội lỗi có thể thắng hơn được bản năng của mình? Chẳng phải vì sự bất khả thực hiện đó mà Đấng Christ đã xuống trần để cứu tội nhân? Dầu vậy Chúa đã mở cho chúng ta một con đường.

Phương cách duy nhất để tội lỗi mất quyền thống trị của nó trên thân thể xác thịt của chúng ta là thân thể đó phải chết đi. Khi còn sống, vì ở trạng thái bị hư mất, thì vẫn còn dưới sự thống trị của tội lỗi. Nhưng sứ đồ Phao-lô đã chỉ cho chúng ta cách nào chúng ta có thể thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi trong các câu Romans 6:6-7, đó là bởi đức tin nơi Đấng Christ, sự hiệp một với Ngài, chẳng phải qua những nỗ lực hãm mình hoặc kỷ luật bản thân.

Chỉ nhờ đức tin nơi Đấng Christ mà chúng ta được ban cho sự đồng chết và chôn cùng Đấng Christ, và cũng chính sự chết đó giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi. Mặc dù Chúa ban cho chúng ta được ơn đồng chết và chôn cùng Đấng Christ, Ngài đã không cất khỏi chúng ta khả năng phạm tội cho đến khi Đấng Christ tái lâm. Đây là phương cách duy nhất chúng ta dâng thân thể mình làm đồ dùng cho sự công bình. Chẳng có phương cách nào khác, dù là phép cắt bì, trở về với luật pháp, việc lành, hi sinh chính bản thân, hoặc hằng triệu phương cách khác, có thể mang lại cho chúng ta sự được giải thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi, ngoại trừ sự hiệp một với Đấng Christ khi đặt niềm tin nơi Ngài.

Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh lại một lần nữa trong câu 14 thực thể của sự chúng ta được thoát khỏi tội lỗi, nhờ ân điển của Chúa, không phải nhờ sự tuân giữ những điều răn dạy của luật pháp mà những kẻ cậy vào nó không thể nào thoát khỏi sự thống trị của tội lỗi; càng tìm cách đáp ứng những đòi hỏi của luật pháp, càng bị những thất bại nhận chìm trong sự nô lệ chính điều họ đang tìm cách thoát khỏi.

Vì không hiểu đúng ý nghĩa của những câu Kinh thánh này, nhiều Cơ-đốc Nhân sẽ phí cả một đời chiến đấu với xác thịt yếu đuối (Ephesians 6:12). Hỡi các bạn Cơ-đốc Nhân, hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình (Romans 12:2) để hiểu được chân lý vĩ đại dẫn đến tự do thật.

Nô lệ cho sự công bình

15Vậy thì làm sao! Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy! 16Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình làm tôi mọi đặng vâng phục kẻ nào, thì là tôi mọi của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng phục để được nên công bình hay sao? 17Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sau khi anh em làm tôi mọi tội lỗi, thì đã từ lòng vâng phục đạo lý là sự đã ban làm mực thước cho mình! 18Vậy, anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên tôi mọi của sự công bình rồi. (Romans 6:15-18)

Đến đây, Phao-lô không còn bênh vực lập trường của mình về ân điển nữa, nhưng ông tiến đến chỗ cho thấy tương tự như một người ở dưới luật pháp, vì thế cũng ở dưới quyền lực của tội lỗi, bị làm tôi mọi của sự không công bình, thì người ở dưới ân điển, được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, thì trở nên tôi mọi của sự công bình. Ở đầu thơ Rô-ma, Phao-lô đã tự giới thiệu mình là nô-lệ của Đấng Christ. Xin quí-vị trở lại bài viết về Rô-ma Chương 1 để đọc lại phần thảo luận rất chi tiết về đề tài nô-lệ của sự công bình.

E có thể vấp vào sự lập đi lập lại hơi nhiều, tôi xin nhắc lại cho quí độc giả rằng được thoát khỏi tội lỗi thực sự nghĩa là như vậy, không còn vùng vẫy tìm lối thoát, không phải đổ mồ hôi nước mắt để chiến đấu, vì đó là một sự tự do được mua bằng huyết báu của Đấng Christ. Vì chúng ta “đã được buông tha khỏi tội lỗi,” do đó không còn cần phải vật lộn để thoát ra nữa. Đó là một món quà, một ơn dù chúng ta không đáng nhận lãnh. Nếu chúng ta tin và vâng phục đạo lý này (câu 17b), mà tin rằng Chúa đã giải thoát chúng ta rồi, thì chúng ta được trở nên tôi mọi của sự công bình. Đây là sự vâng phục mà Đức Chúa Trời đẹp lòng, sự vâng phục bởi đức tin nơi dòng huyết Đấng Christ đã đổ ra để cứu mọi kẻ tin.

Sự sống đời đời là sự ban cho của Đức Chúa Trời

19Tôi nói theo cách loài người, vì xác thịt của anh em là yếu đuối. Vậy, anh em từng đặt chi thể mình làm tôi sự ô uế gian ác đặng làm tội ác thể nào, thì bây giờ, hãy đặt chi thể mình làm tôi sự công bình đặng làm nên thánh cũng thể ấy. 20Vả, khi anh em còn làm tôi mọi tội lỗi, thì đối với sự công bình anh em được tự do. 21Thế thì anh em đã được kết quả gì? Ấy là quả mà anh em hiện nay đương hổ thẹn; vì sự cuối cùng của những điều đó tứ là sự chết. 22Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng. 23Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta. (Romans 6:19-23)

Phao-lô dùng một thí dụ trong đời sống hằng ngày của người Do-thái là hệ thống nô lệ để diễn tả sự dời đổi từ một vị trí sang một vị trí khác, từ luật-pháp/tội-lỗi qua ân-điển-đức-tin/thoát-khỏi-tội-lỗi. Câu 16 viết rằng “anh em là tôi mọi của kẻ mình vâng phục,” trước khi biết Đấng Christ, chúng ta bị thúc đẩy bởi những dục vọng tội lỗi, nhưng nếu, như được viết trong câu 17, chúng ta vâng lời từ tận đáy lòng “vâng phục đạo lý là sự đã ban làm mực thước cho mình,” thì chúng ta trở nên nô-lệ của một chủ mới: Đấng Christ, hay là sự công bình.

Điểm chính cần ghi nhớ, là điểm gần như đại đa số người theo Chúa không biết rằng, mọi điều tốt lành làm trong danh Chúa, không thể được khởi đầu bằng xác thịt, nhưng chỉ bởi chính Đức Chúa Trời, hầu cho không ai có thể khoe mình. Đây là điều dễ hiểu vì nếu chúng ta biết rằng mình là nô-lệ của Đấng Christ. Chúa Giê-su đã ám chỉ điều này trong ngụ ngôn người chủ và người tôi tớ mà trong đó Ngài nhắc nhở người nghe hãy nhớ lại mình đến từ đâu: “Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm (Luke 17:10).” Trong cộng đồng Cơ-đốc, chúng ta thường hay vấp vào sự đặt một người nào đó trên bục cao và ca ngợi thành quả lớn lao của họ trong danh Chúa, nhưng nhiều đoạn Kinh thánh cho chúng ta thấy ngược lại, rằng tất cả mọi người chỉ là phận nô-lệ trước mặt Chúa, đó là nhờ ân điển mà họ được ban cho những trọng trách vĩ đại, nhưng trước mặt Chúa, mọi người đều như nhau vì Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai hết (Romans 2:11).

Kết Luận: Chết và chôn cùng Đấng Christ là bước đầu tiên. Hiểu ý nghĩa của sự nô-lệ.

Hiểu được ý nghĩa của sự đồng chết và chôn với Đấng Christ là chìa khóa của sự hiểu phúc âm. Như đã trích ra trước đây điều Chúa Giê-su nói rằng sự sống chỉ bắt đầu sau khi một hạt giống rơi xuống đất và chết đi, với chúng ta cũng vậy, khi tin nhận Đấng Christ chúng ta đã được ban cho tờ “khai tử.” Sự chết này chẳng thể đạt được bởi sự tự hãm mình, kỷ luật bản thân, hoặc hi sinh chính thân mình. Những kẻ duy nhất mà Chúa Giê-su khuyên họ từ bỏ chính mình là những người cậy luật pháp; họ tưởng rằng nhờ giữ mọi điều luật pháp dạy bảo họ có thể đạt được sự công bình, rồi họ hãnh diện về những sự tuân giữ đó. Chúa Giê-su bảo họ hãy bỏ đi chiếc áo lá mà mặc lấy Ngài, bỏ những của lễ thiêu tạm bợ mà nhận lấy của lễ hi sinh một lần đủ cả, đó là Chiên Con trên cây thập tự.

Một điều trọng yếu nữa về đoạn Kinh thánh này là ý nghĩa của sự nô lệ, sự đổi địa vị từ nô lệ dưới tội lỗi làm nô lệ của sự công bình. Nô lệ dưới tội lỗi thì dễ hiểu, nghĩa là chúng ta bị sự thúc dục để làm điều mình không muốn làm, mà không làm được điều mình muốn. Nhưng nô-lệ dưới sự công bình thì khó mà cảm nhận được. Loại nô-lệ này dầu có vẻ tiêu cực, nhưng là sự cởi bỏ gánh nặng cho những người muốn hầu việc Chúa, muốn sống đời sống đắc thắng mà không biết làm thế nào. Từ điểm này trở đi chúng ta hãy nói về sự nô lệ cho điều công chính.

Điều đó cũng giống như một người bị cột chặt vào một diều lượn gió bay cao trên các tầng mây, tràn đầy hứng khởi, như được cất cánh bay cao như chim ưng. Dính chặt vào diều lượn gió, mình như kẻ nô lệ, bị thôi thúc phải từng trải một kinh nghiệm lạ lùng, mà không phải dùng một chút sức lực nào, chỉ an nghỉ và thưởng thức cuộc bay. Đây là điều mà Phao-lô đang tìm cách truyền đạt cho chúng ta. Đó là cách chúng ta nô lệ cho sự công bình, hay nô lệ cho Chúa. Mọi điều tốt lành, mọi điều đáng khen ngợi, công việc của nước Trời, lời làm chứng, mục vụ, và hằng vô số các công việc khác, cũng như từng trải với diều lượn gió như trong truyện kể trên, đều là nhờ Thánh Linh là Đấng đã khởi xướng và ban quyền năng để thực hiện ý muốn và chương trình của Ngài trong đời sống chúng ta. Chúng ta chỉ biết an nghỉ trong Ngài.

Có một kẻ nô lệ nào dám bảo chủ mình phải làm việc nọ, việc kia? Hoặc bảo chủ mình đây là điều tôi muốn, hoặc không muốn? Chẳng hề như vậy bao giờ, vì Chúa phán: hãy tin cậy nơi Ta và đừng nương cậy nơi sự thông sáng của con (Proverbs 3:5). Hãy làm nô lệ cho sự công bình. Hãy trông đợi nơi Đức Giê-hô-va (Isaiah 30:18).

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and