Rô-ma Chương 5

Đức tin: Đường dẫn đến ân điển và sự bình an của Chúa. Vui mừng trong hoạn nạn. Đức Chúa Trời chứng tỏ tình yêu của Ngài cho chúng ta. Làm hòa với Đức Chúa Trời. Được cứu vì Chúa sống. Sự chết lan tràn khắp nhân gian. Sự ban cho nhờ ân điển Chúa. Sự thống trị của tội lỗi so với ân điển.

Đức tin: đường dẫn đến ân điển và sự bình an của Chúa

1Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, 2là Đấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đang đứng vững; và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời. (Romans 5:1-2)

Vì mang bản chất tội lỗi của A-đam và Ê-va, mọi người điều mất đi sự công chính, do đó bị ngăn cách với Đức Chúa Trời, trở nên kẻ thù nghịch Ngài. Nhưng Đức Chúa Trời đã mở đường để loài người tìm lại được sự công chính mà nhờ đó được làm hòa với Đức Chúa Trời. Con đường cứu rỗi đó được mở ra khi Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá, làm giá chuộc lại địa vị mà chúng ta đã đánh mất. Chúng ta đặt đức tin vào việc Chúa đã trả giá rất cao mà hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Chúng ta đứng vững trong ơn đó, là đứng vững trong đức tin nơi Chúa là Đấng Thành Tín chứ không phải nơi sức người có hạn. Nếu có điều chi chúng ta khoe mình, hoặc vui mừng, thì đó là sự trông cậy về sự sống đời đời, hơn là những trông cậy về phước hạnh đời này.

Vui mừng trong hoạn nạn

3Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, 4sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. 5Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta. (Romans 5:3-5)

Tôi có thể giải thích điều Phao-lô đang rao giảng cho chúng ta như thế nào? Có người đọc và hiểu rằng có một giá trị thiêng liêng nào đó trong sự chịu đựng thống khổ, cũng như có người tự hành xác chịu khổ để đạt được mức độ thiêng liêng, hoặc thánh hóa, cao hơn. Hay là thực ra Phao-lô chỉ đang cảnh cáo rằng sẽ có những khổ đau trước mặt, và tin Chúa không có nghĩa là được thoát khỏi những hoạn nạn vì đó là phần chung của nhân loại đang hư nát? Chỉ có điều khác biệt là niềm hi vọng về sự vinh hiển Chúa sẽ dìu chúng ta đi trong những ngày tối tăm. Do đó dường như có hai điều người ta thường hiểu sai về một là sự chịu khổ, và hai, điều đối nghịch, đó là ơn phước (nếu quả thực ơn phước là điều trái nghịch). Sự tự hãm mình để chịu khổ thì bị Phao-lô gạt bỏ là vô giá trị trong Colossians 2:20-23, còn ơn phước như là dấu hiệu của sự đẹp lòng Chúa thì thực ra là một giả thuyết trái nghịch với nhiều đoạn Kinh thánh cho thấy là sai lầm.

Do đó những hoạn nạn, mà mỗi Cơ-đốc Nhân đều phải trải qua, có thể được Chúa dùng trong một thời gian mà qua đó chúng ta bị đẩy vào chỗ phải đào sâu vào nguồn suối tình yêu của Đức Chúa Trời, một thời gian khi chúng ta phải đối đầu với những nghi vấn về sự thành tín của Chúa, sự công bình được ban cho qua Đấng Christ, một thời gian khi sự cảm thông cho hoàn cảnh của người khác được phát triển trong chúng ta vì chúng ta cũng trải qua những hoạn nạn như họ, một thời gian khi ân điển và sự nhận biết Cứu Chúa Giê su Christ được đâm rễ sâu vào lòng chúng ta hơn bao giờ hết.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời khi được đổ vào lòng chúng ta thì ban cho động lực thúc đẩy, khả năng, quyền năng, để vui mừng trong hoạn nạn, để cứ giữ niềm hy vọng về ngày vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nhưng tôi cũng muốn trưng dẫn một vài đoạn Kinh thánh nói về sức mạnh của tình yêu của Đức Chúa Trời như được viết thành những dòng thơ ý nhạc nâng tâm linh chúng ta lên cõi miền thiên thượng. Tình yêu trọn vẹn xóa bỏ mọi sự sợ hãi, vì sự được thoát khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến sự thoát khỏi nhiều sự sợ hãi vì những khó khăn trong cuộc sống (1 John 4:18). Thánh Linh đổ đầy lòng chúng ta với tình yêu của Chúa khiến chúng ta vượt thắng được sự kinh sợ mà gọi Đức Chúa Trời là Cha (Romans 8:15). Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian … (John 3:16). Rồi đến những câu Kinh thánh sau tiếp tục chủ đề về tình yêu của Chúa.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho chúng ta

6Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. 7Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. 8Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. (Romans 5:6-8)

Có một bài thánh ca tựa đề Hy Sinh Vì Con với những sau đây: “Ta hy sinh vì con hết, huyết tuôn tim này tan tành. Đem con ra từ nơi chết, chuộc tội đặng con lại sinh. Ta đã phó tính mạng cho con rồi, phó chi cho ta con ôi?” Bài này thường được hát ở hội thánh tôi vào mỗi Chúa Nhật có lễ tiệc thánh, và lời cuối có gạch dưới luôn luôn làm lòng tôi nặng nề. Phó chi cho ta con ôi? Trước khi biết Chúa tôi đã là người yếu đuối, bây giờ biết Chúa tôi cũng vẫn là kẻ cần Ngài hơn bao giờ hết. Chúa đã chết cho tôi, ban cho tôi một món quà vô giá, tôi phải trả lại cho Ngài điều chi, từ sự yếu đuối tột cùng và xác thịt hư nát? Chỉ một lý do chính tôi được kể là người thánh là vì Đấng Christ đã ban cho tôi sự nên thánh mà chính ra tôi không bao giờ đáng nhận lãnh. Từ chính tôi có gì mà đem cho Chúa? Bất cứ điều gì tôi cố trả lại cho Chúa cũng chẳng khác gì một kẻ không nhà cố dúi vào tay tôi tấm giấy cạc tông lấm lem để đền trả túi ngủ ấm áp mà tôi đã cho người đó; dầu vậy sự so sánh này kém xa những gì Chúa đã cho tôi. Vì chẳng có gì tôi có thể đem lại cho Chúa, ngoại trừ điều Chúa đã cho tôi mà cũng đã là của Ngài rồi, vậy thì phải chăng bài thánh ca này tìm cách gợi nên trong tôi một mặc cảm tội lỗi mà dòng huyết báu Chúa chính ra đã tẩy sạch rồi? Chẳng hề như vậy, bài hát này quả là một sự thiếu ân điển nhất là trong Chúa Nhật tiệc thánh.

Những câu Kinh thánh trong Romans 5:6-8 cho thấy sự ngăn cách sâu thẳm giữa Thượng Đế và nhân loại, hướng tầm mắt chúng ta rời khỏi loài người hay hư nát để nhìn thấy tình yêu của Đức Chúa Trời cho những tội nhân không xứng đáng. Quả là một gánh nặng được cởi bỏ khi Kinh thánh nhìn chúng ta như vậy, giúp chúng ta thấy con người thật của mình, nhưng với vòng tay rộng mở như của người cha đang đón đứa con hoang đàng trở về từ phương xa. Cái nhìn của Kinh thánh như luồng ánh sáng ấm áp rọi vào nơi tối tăm trong tâm hồn người không phải để đem đến sự xấu hổ, như để xua đuổi chúng đi. Thật là một gánh nặng được cởi bỏ khi Đức Chúa Trời chấp nhận con người thật của chúng ta. Giả dụ người cha của đứa con hoang đàng hỏi như thế này khi anh đang tiến đến gần: “Con đã làm gì cho cha?” Giả dụ Chúa nêu lên với bạn câu hỏi đó? Bạn có thấy an lòng rằng Ngài đã không hỏi bạn như vậy không?

Làm hòa với Đức Chúa Trời. Được cứu bởi sự sống của Đấng Christ

9Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào! 10Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào! 11Nào những thế thôi, chúng ta lại còn khoe mình trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã được sự hòa thuận. (Romans 5:9-11)

Chúng ta có thể viết rất nhiều về đề mục của sự hòa thuận, nhất là với Đức Chúa Trời. Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đã từng trải sự vui mừng và bình an khi làm hòa với người mình vốn yêu quí sau một thời gian mối liên hệ bị rạn nứt. Giữa Đức Chúa Trời và loài người cũng như vậy.

Nhưng làm hòa với Đức Chúa Trời chỉ là giai đoạn khởi đầu, chúng ta được cứu bởi sự chết của Chúa trên cây thập tự, sau đó là một phần mà từ lâu tôi đã không nhận biết, chúng ta cũng được cứu nhờ sự sống của Chúa sau khi Ngài phục sinh. Chúng ta được cứu nhờ sự chết của Chúa, thì chúng ta còn được cứu qua sự sống của Ngài biết là bao. Điều này mang ý nghĩa gì? Sự cứu rỗi không ngừng lại tại chân thập giá, nhưng tiếp tục cho đến ngày chúng ta gặp Chúa. Chúa Giê-su đã không chỉ vớt tôi lên khỏi đại dương của sự tuyệt vọng rồi ném tôi vào sa mạc của sự tự giúp lấy mình, của hãy-xem-ngươi-đi-được-đến-đâu. Không phải như vậy, chúng ta được cứu bởi sự sống của Chúa, sự sống với cùng quyền năng hà sinh khí vào cục đất sét mà từ đó Chúa dựng nên A-đam. Từ đó trở đi, tôi có thể sống một đời dựa trên đức tin, chẳng còn dùng lề luật từ bên ngoài để định mối liên hệ giữa tôi và Chúa, nhưng trên sự Chúa ở trong tôi (Colossians 1:27), đó là quyền năng của Đức Chúa Trời để bồng ẵm tôi cho đến ngày ấy. Đó là lý do của sự vui mừng tràn ngập trong tôi khi Đấng Sống đến ngự trong tâm.

Sự chết đến với nhân gian

Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội…. Vì, trước khi chưa có luật pháp, tội lỗi đã có trong thế gian, song chưa có luật pháp, thì cũng không kể là tội lỗi. Nhưng từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Đấng phải đến. (Romans 5:12-14)

Dựa theo câu 13, khi chưa có luật pháp, thì chẳng có sự kể điều gì là tội, dầu vậy sự chết đã vào trong thế gian từ thời A-đam, một thời gian rất lâu trước khi Đức Chúa Trời ban luật pháp cho người Do-thái. Phao-lô muốn ám chỉ một luật chung cai quản lòng người từ sau khi họ ăn trái cấm, đó là luật phân-biệt-được-điều-thiện-và-điều-ác, lên án ngày đêm, khiến họ chết về phần tâm linh y như lời Chúa đã phán (Genesis 2:17).

Món quà được ban cho nhờ ân điển Chúa

15Song tội lỗi chẳng phải như sự ban cho của ân điển. Vì nếu bởi tội lỗi của chỉ một người mà mọi kẻ khác đều phải chết, thì huống chi ơn của Đức Chúa Trời và sự ban cho trong ơn Ngài tỏ ra bởi một người là Đức Chúa Jêsus Christ, chan chứa cho hết thảy mọi người khác là dường nào! 16Lại sự ban cho nầy chẳng phải như việc xảy đến bởi một người phạm tội đâu: sự phán xét bởi chỉ một tội mà làm nên đoán phạt; nhưng sự ban cho của ân điển thì sau nhiều tội rồi, dẫn đến sự xưng công bình. 17Vả, nếu bởi tội một người mà sự chết đã cai trị bởi một người ấy, thì huống chi những kẻ nhận ân điển và sự ban cho của sự công bình cách dư dật, họ sẽ nhờ một mình Đức Chúa Jêsus Christ mà cai trị trong sự sống là dường nào! 18Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công bình mà sự xưng công bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. 19Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình.(Romans 5:5-19)

Mọi người đều chết chỉ vì sự vi phạm của một người, nhưng bởi một người khác thì mọi người đều được sống. Hãy nhận xét vài yếu tố quan trọng ở giữa A-đam thứ nhất và A-đam thứ hai là Chúa Giê-su, giữa sự chết và sự sống, một vài chữ là nguyên nhân chính của sự cứu rỗi. Bạn có thấy không? Những chữ này: SỰ BAN CHO, và ÂN ĐIỂN. Chúng ta đóng vai trò gì trong sự đi từ sự chết qua sự sống? Chẳng một điều gì cả. Chẳng một điều chi ngoại trừ ân điển Chúa và sự ban cho qua Con Một của Ngài. Làm sao chúng ta nhận được món quà đó? Chúa cho chúng ta một con đường duy nhất, rất thẳng và rất hẹp: tin vào Đấng Đức Chúa Trời sai xuống (John 6:28-29). Sự vâng lời của Chúa Giê-su là khi Ngài lên thập tự giá, còn sự vâng lời của chúng ta là tin vào Ngài mà nhận lấy sự sống đời đời.

Có hai quyền thống trị: tội lỗi và ân điển

20Vả, luật pháp đã xen vào, hầu cho tội lỗi gia thêm; nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa, 21hầu cho tội lỗi đã cai trị làm nên sự chết thể nào, thì ân điển cũng cai trị bởi sự công bình thể ấy, đặng ban cho sự sống đời đời bởi Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta. (Romans 5:20-21)

Tội lỗi gia tăng khi luật pháp đến và bắt đầu ghi vào sổ sách, và luật pháp loại bỏ những gì mơ hồ về ý nghĩa của tội lỗi (Romans 7:7). Nó giúp những người tự xưng mình là công bình thấy tình trạng hư hoại của mình và nhận biết họ cần ân điển và lòng thương xót của Chúa; do đó ân điển gia tăng là như vậy. Mọi kẻ ở ngoài Đấng Christ, là ở dưới tội lỗi và chết phần tâm linh; trong lãnh vực này, tội lỗi thống trị. Nhưng những kẻ ở dưới sự cai trị của ân điển, tội lỗi không có quyền lực trên họ. Trong lãnh vực của những người được sống động về phần tâm linh, ân điển cai trị. Tôi có cần nói gì thêm về vai trò của luật pháp ở đây không?

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and