Rô-ma Chương 4

Sự khoe mình là một đặc điểm của những người ỷ lại vào luật pháp. Những người dù không làm được một điều gì, nhưng tin vào Đấng Christ thì được kể là người công chính. Sự xưng công bình không lệ thuộc vào việc làm. Chúa sẽ chẳng bao giờ kể tội những kẻ tin Ngài. Áp-ra-ham được xưng công bình trước khi chịu phép cắt bì. Đức tin chết thuộc về những kẻ ỷ lại vào luật pháp để làm hòa với Đức Chúa Trời. Lời hứa về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời không dành cho những kẻ ỷ lại vào luật pháp. Luật pháp chỉ mang lại cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Kết cuộc là sự xưng công bình chỉ dựa trên đức tin mà thôi.

Luật pháp và sự khoe mình — Chỉ cần đức tin

1Vậy, chúng ta sẽ nói Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, theo xác thịt đã được ích gì? 2Thật thế, nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi việc làm, thì có cớ khoe mình; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy. 3Vì Kinh Thánh có dạy chi? Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người. 4Vả, đối với kẻ nào làm việc, thì tiền công không kể là ơn, nhưng kể như là nợ, 5còn kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Đấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình. (Romans 4:1-5)

Lại một lần nữa, Phao-lô liên hệ sự ỷ lại vào luật pháp với sự khoe mình. Điều này thực dễ hiểu, vì khi một người sống dưới sự đòi hỏi của luật pháp, thì phải luôn tìm cách chứng tỏ điều gì đó về mình, phải chu toàn trách nhiệm. Để đo lường mức độ của công việc mình, người ỷ lại vào luật pháp phải so sánh mình với người khác để xem mình đang ở đâu trong hàng ngũ. Sự bất an nẩy nở trong môi trường của luật pháp. Nơi đó có sự so sánh, sự khoe mình.

Phao-lô trích lời Kinh thánh nói: “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và vì đó ông được xưng là người công bình.” Lời Kinh thánh viết như vậy, nghĩa là đó chính là lời phán của Đức Chúa Trời, chẳng phải Phao-lô. Do đó Đức Chúa Trời tựa như cho Áp-ra-ham một chi phiếu ngân hàng không giới hạn, không phòng bị, không điều kiện, hoặc cảnh cáo. Cũng như Đấng Christ giàu có quá đỗi, giàu như Đấng làm chủ của cả vũ trụ, sắp sửa lấy một nàng dâu mà không cần ký giao kèo tiền hôn. Đức Chúa Trời biết đức tin của ai là thật, và Ngài cũng biết mình có thể ban sự sống cho người đã chết trong tội lỗi. Nhưng biết bao nhiêu lần, chúng ta cư xử như người ngại rằng Đức Chúa Trời bị người không xứng đáng gạt gẫm để được sự sống đời đời.

Trách nhiệm chúng ta không phải là để chỉ ra đức tin ai là chân thật—chúng ta thường hay làm điều này qua những truyền thông kín nhiệm để thử đức tin của người khác—, nhưng chỉ để dẫn đưa người khác về với Chúa, rồi Ngài sẽ chỉ ra ai là chiên và ai là dê, hoặc là chiên của Ngài có đi lạc hay không. Đừng đóng vai trò Thượng Đế. Nếu Đức Chúa Trời phán rằng chỉ cần tin là đủ, hãy cứ nhận lấy lời Ngài. Chớ bao giờ đặt dây trói buộc ân điển của Chúa.

Các bạn nhận biết điều gì từ câu 4? Việc làm liên hệ đến sự ràng buộc, còn tiền công sẽ được trả, nhưng tiền đó là gì? Phải chăng là phần thưởng gì đó cho đời này? Nhưng tiền công đó chắc chắn không phải là sự công bình chẳng thuộc đời này. Đức tin là điều đem đến cho bạn điều duy nhất đáng quý: sự công bình.

Qua đoạn Kinh thánh này chúng ta thấy có một lằn ranh rõ rệt giữa việc làm và đức tin, một điều đem lại sự công bình, còn điều kia thì không. Người ỷ vào việc làm thì được trả công, nhưng Phao-lô không nói tiền công đó là gì, còn người không có việc làm, nhưng có đức tin, thì nhờ đức tin đó mà được xưng công bình. Chúng ta có thể chấp nhận được là nếu có người lý luận rằng khi một người tin Chúa, thì trong người đó sẽ có suối nước hằng sống tuôn chảy và không thể nào không có kết quả cho Chúa. Nhưng nếu chúng ta quay ngược lại và đặt câu hỏi về đức tin tùy theo kết quả đời sống một người, thì rất có thể chúng ta đặt sự nghi ngờ về lời hứa của Chúa về sự cứu rỗi.

Nếu bạn dùng việc làm là điều kiện cần yếu của đức tin, thì cứ theo lý luận đó việc làm trở nên phương tiện để đạt được sự công bình, và như thế bạn đã “thêm vào” hoặc “bớt đi,” kết cuộc là bạn thay đổi ý nghĩa của, ý chính của các câu 4 và 5 ở trên, rằng đức tin là điều kiện duy nhất để đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời.

Khi Chúa Giê-su đang giảng dạy nơi bờ của một hồ kia, đám đông đã theo Ngài khắp mọi nơi hỏi Ngài: “Chúng tôi phải làm gì để làm trọn công việc Đức Chúa Trời giao phó?” (John 6:28), Ngài trả lời: “Đây là công việc Ngài giao cho các ngươi - hãy tin vào Đấng Ngài đã sai đến.” (John 6:29) Nếu bạn đòi hỏi một công việc nào đó để minh chứng đức tin, thì “công việc” mà Chúa Giê-su nói đấy có đủ hay không? Liệu công việc này có thỏa mãn lời tuyên bố của Gia-cơ trong James 2:24 rằng đức tin phải đi đôi với việc làm? Hay là Gia-cơ có nhớ Chúa mình nói gì không?

Chúa Giê-su làm sáng tỏ một điều quan trọng mà mỗi người trong chúng ta quyết không nên sơ suất, Ngài phán: 8Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. 9Về tội lỗi, vì họ không tin ta;” (John 16:8-9) Chẳng phải đa số Cơ-đốc Nhân thường tin rằng tội lỗi là khi chúng ta phạm một lỗi lầm gì đó, một điều nên làm mà không làm, hoặc lại làm điều không nên làm? Nhưng Chúa Giê-su phán rằng ý nghĩa chính và duy nhất của tội lỗi là sự không tin vào chính Ngài. Đây cũng cùng một ý nghĩa với lời Ngài phán trong John 6:29.

Sự đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời quan trọng đến độ Ngài đã phán nhiều lần nhiều cách trong Thánh Kinh. Ngoài những câu kể trên, John 6:29 và John 16:8-9, bạn hãy tìm những câu mang ý nghĩa này: “người công bình sẽ sống bởi đức tin,” “vả nếu không có đức tin thì không thể nào sống đẹp lòng Đức Chúa Trời,” “đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong,” “ngươi phải có đức tin như con trẻ,” “đức tin quý hơn vàng ròng hay hư nát,” “bởi đức tin Áp-ra-ham được xưng công bình,” “người không làm chi hết nhưng có đức tin, thì đức tin đó được kể là công bình cho người đó,” và nhiều câu khác nữa tương tự như vậy.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nếu bạn đặt nghi vấn về bông trái trong đời sống một người, bạn có giúp được người đó đạt đến mục đích hầu cho mọi nghi ngờ đều tiêu tan? Vì nếu ban chỉ nêu lên nghi vấn mà không cho một giải pháp có thể đạt được, thì bạn chẳng giúp gì được cho người đó, mà trái lại có thể làm cho người đó tệ hại hơn, bạn có thể đã đặt sự nghi ngờ về sự cứu rỗi trong lòng con cái Đức Chúa Trời. Bông trái trong đời sống một người có dễ nhận thấy không? Bạn có nhận thấy được khi bông trái đó nẩy sinh không? Chúa Giê-su nói điều này trong Luke 17:20-21: 20Người Pha-ri-si hỏi Đức Chúa Jêsus nước Đức Chúa Trời chừng nào đến, thì Ngài đáp rằng: Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ ràng, 21và người ta sẽ không nói: Ở đây, hay là: Ở đó; vì nầy, nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi.” Nếu nước đó, bông trái sanh ra từ Chúa đó, ở trong lòng người đó, và không đến cách rõ ràng, thì từ đâu bạn sinh ra ý tưởng rằng bạn có thể thấy bông trái của nước Trời với con mắt của người phàm xác thịt? Lại nữa trong Matthew 13:29-30 Chúa Giê-su phán bạn không thể nào phân biệt được lúa mì và cỏ dại.

Do đó nếu một mục vụ chỉ nhắm vào sự nguyền rủa (rất dễ thấy: nhiều sự phải và đừng), thì nó mất cơ hội giúp người khác làm hòa với Đức Chúa Trời qua niềm tin nơi Đấng Christ. Hãy để Chúa, là Đấng thấy rõ lòng người, phân biệt chiên và dê, lúa mì và cỏ dại. Bạn coi chừng kẻo bạn nhổ nhằm lúa mì, bài giảng hoặc bài học Kinh thánh Trường Chúa Nhật của bạn coi chừng kẻo làm hại đến niềm tin mong manh của chiên thật của Đức Chúa Trời.

Mọi tội lỗi được thứ tha, một lần đủ cả

6Ấy vậy, vua Đa-vít cũng tỏ ra cái phước của người mà Đức Chúa Trời kể cho là công bình chẳng bởi việc làm, mà rằng: 7Phước thay cho kẻ, lỗi mình được tha thứ, Tội mình được che đậy! 8Phước thay cho người mà Chúa chẳng kể tội lỗi cho!” (Romans 4:6-8)

Vì sao Phao-lô lại nhắc đến Vua Đa-vít để minh chứng rằng sự công bình đến bởi đức tin mà không bởi việc làm? Ai là người biết ân điển và long thương xót của Chúa nhiều hơn Đa-vít? Đã có nhiều biến cố trong đời sống ông khiến ông dò xét chiều cao, sâu, và rộng của khả năng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với ông, một người có nhiều vi phạm đến độ so với ông chúng ta chẳng khác gì người thánh. Vấn đề sống chết đối với Cơ-đốc Nhân là sự được xưng công bình, và sự xưng công bình đó có liên hệ trực tiếp đến sự mọi tội lỗi được tha, quá khứ, hiện tại, và tương lai. Tội lỗi tương lai cũng phải được tha thứ vì mọi người, không trừ một ai, sẽ còn phạm tội nữa, khi còn trong thân thể hay hư nát này. Sau khi nhận được sự cứu rỗi, nếu Chúa vẫn còn, và chỉ cần, kể một tội thì cũng kể như mất sự sống đời đời, vì theo Gia-cơ 2:10, vi phạm một điều trong sách luật pháp thì cũng như vi phạm toàn bộ luật pháp.

Phao-lô nhắc nhở chúng ta một lần nữa trong sách Hebrews 8:12 rằng Chúa sẽ chẳng còn bao giờ nhớ đến tội lỗi chúng ta nữa; đây là câu Phao-lô trích ra từ sách tiên tri Giê-rê-mi, Jeremiah 31:31-34. Chúa đã dùng biết bao lời trong Thánh Kinh, kể cả những bài viết dài của Phao-lô, tôi thấy vẫn còn có thể dùng thêm, để đánh tan mọi nghi ngờ về lời hứa về sự cứu rỗi cho mọi kẻ tin, thế mà biết bao người mệnh danh là những người hầu việc Chúa cũng tốn nhiều công sức để nói nghịch lại ý Ngài.

Phao-lô được xưng công bình trước khi chịu cắt bì

9Vậy, lời luận về phước đó chỉ chuyên về kẻ chịu cắt bì mà thôi sao? Cũng cho kẻ không chịu cắt bì nữa. Vả, chúng ta nói rằng đức tin của Áp-ra-ham được kể là công bình cho người. 10Nhưng được kể thế nào? Khi người đã chịu cắt bì rồi, hay là khi người chưa chịu cắt bì? Ấy không phải sau khi người chịu cắt bì, bèn là trước. 11Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình, 12và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy. (Romans 4:9-12)

Kẻ chịu cắt bì là người Do-thái, còn kẻ không chịu cắt bì là người ngoại. Đối với người Do-thái, trước khi Đấng Christ đến, họ được ban cho một giải pháp tạm để thỏa các điều kiện của Đức Chúa Trời về sự công bình, gồm có phép cắt bì, các điều lệ, và hệ thống dâng của lễ. Nhưng khi Đấng Christ đến, nếu họ muốn “cứ ở trong Ngài,” họ phải lìa bỏ giao ước cũ mà nhận lấy giao ước mới, từ sự cậy nơi việc làm của luật pháp đến đức tin nơi Đấng Christ. “Phước” đó, sự tha thứ tội lỗi một lần đủ cả, vô cùng hiệu nghiệm hơn hệ thống dâng của lễ cho từng tội một, được ban cho cả người Do-thái lẫn người ngoại.

Để giải thích cho tường tận thêm sự xưng công bình, sự cứu rỗi, bởi đức tin chứ chẳng phải bởi việc làm, Phao-lô nêu lên chứng cớ về thời điểm Áp-ra-ham được xưng công bình. Sự Áp-ra-ham được xưng công bình trước khi ông chịu phép cắt bì quan trọng như thế nào? Thật là quan trọng lắm. Nếu Áp-ra-ham được xưng công bình sau khi ông chịu phép cắt bì, thì phép đó, một yếu tố quan trọng trong Cựu Ước, phải trở nên một điều kiện của sự cứu rỗi, rồi sẽ dẫn đến sự phải giữ hết luật pháp Môi-se, là điều trái nghịch với tất cả những ý quan trọng trong thơ Rô-ma này. Ngược lại, vì Áp-ra-ham được xưng công bình trước khi chịu phép cắt bì, thì dù sau đó ông có không chịu phép cắt bì chăng nữa, địa vị của ông trước mặt Chúa không bị thiệt hại chút nào, vì ông vẫn được xưng là người công bình bởi đức tin. Đây cũng chính là điều Phao-lô đã tốn công sức viết cả thơ Ga-la-ti giải thích.

Cơ-đốc Nhân, không phải gốc Do-thái như đa số chúng ta, còn có nhiều luật pháp tự phát ra từ lương tâm, hoặc từ những truyền thống lâu đời mà không ai biết đến từ đâu, mà coi chúng như điều kiện của sự cứu rỗi.

Trước khi Áp-ra-ham chịu cắt bì, cũng có nghĩa là trước khi ông sinh ra Y-sác, và còn nhiều năm trước khi Y-sác đến tuổi mà cha ông đem lên núi định dâng cho Đức Chúa Trời. Phao-lô đã làm nên to chuyện về vấn đề này để nhấn mạnh nhiều yếu tố mà tất cả đều qui về: người được xưng công binh, và được cứu, bởi đức tin, rồi sống bởi đức tin; và việc làm của xác thịt thúc đẩy bởi luật pháp không có chỗ trong đời sống tín hữu.

Khi Đức Chúa Trời thay đổi một người từ bên trong lòng để lìa bỏ một tội lỗi nào đó, hoặc để biệt riêng họ ra cho công việc Ngài, hoặc để cầu nguyện, hoặc để dẫn dân sự Ngài ra khỏi xứ Ai-cập, hoặc để rao giảng cho dân thành Ni-ni-ve, hoặc để trở nên một sứ đồ như Phao-lô, đó không phải là việc làm. Việc làm mà ai đó gọi là việc làm để minh chứng đức tin chân thật, tôi không biết người đó đang nói về điều gì; tôi cũng chẳng biết làm cách nào để tìm một việc gì đó để minh chứng đức tin của tôi. Vì tôi tự nghĩ, nếu tôi chưa tin Chúa, hoặc chưa được cứu, thì việc làm có ích gì cho tôi? Còn nếu tôi đã được cứu, thì điều tôi làm không phải là tôi làm nữa, mà là Chúa làm công việc Ngài qua tôi, lại nếu có điều chi chính tôi làm, thì đó là việc làm chết của xác thịt.

Sự ỷ lại vào luật pháp làm chết đức tin và hủy bỏ lời hứa

13Vả, ấy chẳng phải bởi luật pháp mà có lời hứa cho Áp-ra-ham hoặc dòng dõi người lấy thế gian làm gia nghiệp, bèn là bởi sự công bình của đức tin. 14Vì, nếu bởi luật pháp mà được hưởng gia nghiệp, thì đức tin ra vô ích, lời hứa cũng bỏ rồi. (Romans 4:13-14)

Câu 13 cũng dễ hiểu vì chúng ta đã đọc về nó trong một dạng khác ở phần trước của thư. Nhưng câu 14 thì nói cách mạnh mẽ rằng chúng ta không thể trộn lẫn việc-làm/luật-pháp và đức-tin/lời-hứa(ân-điển). Đây là ý nghĩa thực sự của chữ “hâm hẩm”: nửa chừng xuân giữa luật pháp và ân điển, việc làm và đức tin. Chúng ta thường hiểu câu Kinh thánh này như thế nào: “đức tin mà không có việc làm là đức tin chết”? Chúng ta thường nghĩ rằng câu Kinh thánh này nói về những người tin Chúa nhưng vẫn bị vấp phạm về một điều gì đó. Nhưng đây không phải là điều Phao-lô nói đến ở đây, nhất là khi ông phải viết lá thư dài nhất trong Kinh thánh để cho chúng ta thấy tầm quan trọng của nó. Đức tin chết, hoặc “ra vô ích” theo từ tiết của câu 14, là khi chúng ta cậy luật pháp trong mối liên hệ với Chúa. Và lời hứa vững hơn đá tảng cũng không có giá trị gì với chúng ta nếu chúng ta cậy nơi luật pháp trong đời sống tin kính.

Nếu bạn không thể nhờ việc làm để được cứu, thì bạn cũng không thể nhờ việc làm để sống quãng đời còn lại trong cương vị người Cơ-đốc Nhân. Tin lành bắt đầu từ đức tin lại dẫn đến đức tin (Romans 1:17). Nếu bạn khởi đầu đi với Chúa nhờ đức tin (Thánh Linh), bạn không được nhờ điều gì khác sau đó (Galatians 3:3).

Luật pháp đem lại bình an hay thạnh nộ?

15Vì luật pháp dẫn đến cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời… 16Vậy nên, bởi đức tin mà loài người được hưởng phần cơ nghiệp, hầu cho cơ nghiệp đó được bởi ân điển, và cho lời hứa được chắc chắn … (Romans 4:15-16)

Phải chăng mục đích của luật pháp là để đem lại sự bình an? Không, theo lời câu Kinh thánh này, nó chỉ đem lại cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì mục đích chính của nó là vạch trần tội lỗi của loài người, cho thấy tội lỗi y như bản chất thực sự của nó, để mọi miệng đều ngậm lại, rồi sau đó là sự nguyền rủa. Vì lý do đó, sự cứu rỗi và sự xưng công bình chỉ có thể bởi đức tin, và nếu bởi đức tin, thì cũng bởi ân điển.

Sau đó Phao-lô tiếp tục phần còn lại của chương này đễ suy gẫm về mọi khía cạnh của sự xưng công bình cho Áp-ra-ham bởi đức tin, và cũng như thế cho chúng ta là dòng dõi ông, chẳng phải bởi huyết thống, nhưng bởi sự chúng ta cũng được ở trong gia đình Chúa như ông vậy.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and