Phúc Âm, Càng Tự Do Càng Nên Thánh

Nhiều người e ngại rằng sự giảng dạy không giới hạn về ân điển Chúa sẽ khiến nhiều người lạm dụng nó, và khiến tội lỗi gia tăng. Nhưng Tiến Sĩ Chalmers, một nhà thần học của thế kỷ thứ 18, đã cho thấy thực tế không phải như vậy.

Dr. Chalmers viết về phúc âm

Và như thế, nghĩa là khi Phúc Âm càng cho người ta được tự do, thì Phúc Âm đó càng khiến họ được thánh hóa; và khi người ta càng nhận lãnh nó như một giáo lý của ân điển, thì họ lại càng cảm thấy nó là một giáo lý của sự nên thánh.

Đây là một huyền nhiệm của đời sống người tin Chúa, rằng khi một người càng nhận được nhiều những điều từ Chúa, họ càng đáp trả rộng rãi hơn trong sự hầu việc Ngài.

Dưới điều kiện “hãy làm điều đó, thì được sống,” (Luke 10:28) thế nào cũng có một thần trí của sự sợ hãi len vào; và sự tỵ hiềm của sự trao đổi dưới luật pháp đánh mất sự vững tâm trong mối tương quan giữa Đức Chúa Trời và loài người; còn loài thọ tạo, khi tìm cách sòng phẳng với Đấng Tạo Hóa, lại trong thực tế theo đuổi những ích kỷ riêng tư, thay vì tìm sự vinh hiển của chính Chúa; và trong mọi nỗ lực người đó ép mình để đạt đến mục đích, chẳng hề có sự vâng lời tận tâm linh, tâm thần cũng chẳng phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, và thực ra cũng chẳng bao giờ đạt được dưới những điều kiện đó.

Chỉ một khi, như trong Phúc Âm, sự Chúa chấp nhận được ban cho như một món quà, không tốn tiền mua, và không một giá phải trả, mà nhờ đó sự vững tin nơi Chúa được bền vững—hoặc, người đó được an nghỉ trong Chúa, như một người bạn an nghỉ trong sự hiện diện của bạn mình—hoặc, bất kỳ sự cảm thông tự do và rộng rãi nào có thể được thiết lập trong vòng họ—mà một người tìm được niềm vui khi làm một điều tốt cho bạn mình—mà một người nhận thấy rằng sự thỏa lòng chân thật nhất bắt nguồn từ sự thúc đẩy bởi cảm kích sâu xa được đánh thức bởi sự hấp dẫn của một sự hiện hữu đạo đức mới.

Sự cứu rỗi bởi ân điển—không bởi việc làm, nhưng bởi sự nhân từ của Chúa—trong sự cứu rỗi đặt trên nền tảng đó, việc tấm lòng được thoát khỏi sự sợ hãi và gánh nặng của tội lỗi mang tầm vóc quan trọng không kém sự được thoát khỏi cán cân công lý của Đức Chúa Trời.

Nếu trong phúc âm có phảng phất một chút nào đó hình bóng của luật pháp, thì chắc chắn sẽ có sự nghi ngại giữa loài người đối với Đức Chúa Trời. Và làm mất đi quyền năng làm tan chảy và giảng hòa của phúc âm.

Trong mục đích đó, ân điển càng tự do càng tốt đẹp hơn. Điều lạ lùng đó mà nhiều người e ngại là mầm mống của sự lạm dụng ân điển, lại thực ra là mầm mống của một thần linh mới, và một khuynh hướng mới đi ngược lại với sự lạm dụng ân điển. Đi song song với ánh sáng của phúc âm, là một lòng yêu quí phúc âm mà nó sẽ bị mất đi nếu chúng ta ngăn trở sự tự do. Và người tội lỗi sẽ chẳng bao giờ thấy sự thay đổi tích cực trong lòng mình bằng khi người đó sống trong niềm tin rằng mình được cứu bởi ân điển, khiến người đó được thúc đẩy từ bên trong để dâng hiến tấm lòng mình, và chống lại tội lỗi.

Một vài ý tưởng chính

Phúc âm, càng tự do càng thánh hóa

Trái với quan niệm phổ thông tin rằng sự giảng dạy phúc âm tự do sẽ dẫn đến việc người ta tìm lý do phạm tội hoặc lạm dụng ân điển, nhưng tôi và Dr. Chalmers tin rằng phúc âm càng tự do càng dẫn đến sự thánh hóa.

Hãy làm theo thì được sống

Cựu Ước có thể được tóm lược lại trong ý nghĩa “Hãy làm theo thì được sống,” cẩn thận làm theo mọi điều được chép trong sách luật pháp, “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước. (Joshua 1:8).” Trớ trêu thay Kinh thánh gọi đây là luật của sự tội và sự chết, trong khi cũng trong đoạn Kinh thánh đó, Romans 8:2, sứ đồ Phao-lô chỉ cho chúng ta một luật mới của Thánh Linh và sự sống.

Dưới luật cũ, có sự sợ hãi, và sự tị hiềm vì không ai có thể biết chắc mình sống đẹp lòng Chúa, và trong sự tìm cách đáp trả Chúa về những việc Ngài đã làm, người đó chìm đắm vào bản thân mình thay vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và kết quả là mặc dầu bề ngoài có vẻ vâng phục, nhưng là sự vâng phục không đến tự tấm lòng, mà đến từ sự sợ hãi bị hình phạt. Đó là bản chất của một sự “đổi chác trong luật pháp” mà mọi sự phải được trả giá trước khi nhận lãnh. Một điều luôn luôn có thể xảy ra là việc làm của chúng ta không thỏa được điều kiện của Đức Chúa Trời.

Càng nhận lãnh, càng đền đáp

Có lẽ tôi sẽ không gọi việc làm, những việc mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn từ trước cho những kẻ đến với Ngài trong ân điển và đức tin, là công đức, nhưng ví bằng có gọi như vậy đi chăng nữa, là Chúa quả thực có đòi hỏi chúng ta phải trả công Ngài, thì một người không thể nào đền trả Chúa nhiều hơn điều mà họ nhận được từ nơi Chúa. “Một người càng nhận lãnh từ nơi Chúa nhiều bao nhiêu”, theo như nhận xét của Dr. Chalmers, nghĩa là người đó càng hiểu biết bao nhiêu chiều cao, sâu, và rộng của sự tha thứ Ngài ban cho họ trong Đấng Christ, sự tin cậy chắc chắn về sự công bình mà họ nhận được bởi đức tin, sự thoát khỏi những án phạt cho những kẻ ở trong Đấng Christ, và mọi điều mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ cùng với Con Một của Ngài, thì người đó càng trở nên khí cụ trong tay Ngài để làm công việc chẳng bởi sự đòi hỏi của luật pháp, nhưng bởi đức tin được làm trọn vẹn nhờ ân điển. Nói một cách ngắn gọn, một người càng nhận biết cơ nghiệp đời đời của mình trong Đấng Christ, người đó càng có thể đáp trả, không từ nỗ lực của xác thịt, nhưng từ sự dư dật của những điều mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho họ.

Sự được Chúa chấp nhận vô điều kiện

Không cần tiền trả, không định giá. Chỉ có trong bối cảnh đó mới có sự an tâm và ngơi nghỉ như một người ở trong sự hiện diện của bạn thiết, và nếu có một điều gì người bạn làm cho nhau, là làm từ sự thỏa lòng. Đây là sự hiện hữu đạo đức mới đáng cho chúng ta ao ước.

Tấm lòng biết được Chúa chấp nhận mình trọn vẹn

Chân lý về sự cứu rỗi bởi ân điển thật là trọng yếu, nhưng điều quan trọng không kém là sự tấm lòng được giải thoát khỏi sự sợ hãi và gánh nặng của sự nghi ngờ mình không hoàn toàn được Chúa chấp nhận.

Nếu có một chút xíu luật pháp trong phúc âm

Quyền năng của phúc âm đặt nền tảng trong sự tha thứ và giảng hòa giữa Đức Chúa Trời và loài người, do đó nếu có ám ảnh một chút luật pháp trong sự truyền đạt phúc âm, thì quyền năng đó sẽ mất đi và gây sự nghi ngờ giữa người đối với Chúa.

Phúc âm càng tự do càng tốt đẹp hơn

Dr. Chalmers bày tỏ hay nhất: “Một tội nhân không hề kinh nghiệm được sự biến đổi tốt đẹp trong đời sống mình cho đến khi người đó tin rằng mình được cứu bởi ân điển, và nhờ đó không cưỡng được sự dâng hiến tấm lòng mình cho Chúa, và xa lánh tội lỗi.”

Tri ân

Đây là một trích đoạn từ những sách của Dr. Thomas Chalmers (1780 – 1847), một mục sư người Tô Cách Lan, giáo sư thần học, chuyên gia kinh tế chính trị, và là một lãnh đạo của Giáo Hội Tô Cách Lan. Cám ơn bạn AFJ đã chia xẻ với tôi trích đoạn này khi ông đọc sách của Dr. Chalmers hầu tôi được cơ hội chia xẻ với bạn đọc đang tìm kiếm sự an nghỉ nơi Đấng Cứu Thế.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , and