Đừng Làm Theo Đời Này

Ðừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời là thể nào (Romans 12:2).

Bài viết này bày tỏ một quan điểm khác với hầu hết các sách giải kinh và giảng luận khắp nơi rằng chủ đề này mang một ý nghĩa khác với các quan điểm phổ thông.

Thế gian, xác thịt, và tội lỗi

Phần đông nghĩ rằng thế gian, với định nghĩa chúng ta sẽ tìm hiểu thêm sau, là một điều gì đó không tốt mà chúng ta phải tránh đừng làm theo. Điều không tốt này thường được nhận định là những điều tội lỗi mà chúng ta phải gạt bỏ khỏi đời sống. Càng loại bỏ được nhiều tội lỗi chừng nào thì chúng ta càng gần Chúa chừng nấy. Hebrews 12:1 thường được nhắc đến để hỗ trợ cho luận lý rằng chúng ta phải làm mọi nỗ lực để gạt bỏ “mọi tội lỗi dễ vấn vương.”

Thăm dò lướt qua các sách bình luận Kinh Thánh hiện có cho thấy chúng cũng có cùng một sự giải thích, hoặc không chừng chúng ảnh hưởng cả thế giới Tin Lành với cái nhìn đó. Nhưng thực ra người ta không cần sách bình luận Kinh Thánh để có một nhãn quan như vậy, cứ duyệt qua các tôn giáo lớn trong toàn cầu chúng ta sẽ thấy tất cả đều mang cùng một ý niệm và cách giải quyết vấn đề tội lỗi qua nhiều phương cách.

Mọi tôn giáo đều mang cùng một niềm tin rằng những điều thuộc về xác thịt đều có căn bản tội lỗi, một quyền lực bóng tối mà người ta phải đè nén hoặc hủy diệt hầu có thể tiến đến bậc cao hơn về tâm linh.

Chúng ta không nên lấy làm lạ rằng hầu hết các tín hữu đều có cùng một sự suy tưởng mặc dầu có thể được diễn tả trong từ ngữ thích hợp với đức tin của họ.

Về một phương diện chúng ta được khuyên bảo “đừng yêu thế gian (1 John 2:15), nhưng về một phương diện khác chúng ta phải sống trong đó, chung đụng với người khác trong công ăn việc làm, lái xe trên cùng một đường phố, giải trí ở cùng một rạp hát, xem cùng một đài phát hình, sưu tầm dữ kiện trên cùng mạng toàn cầu, v.v. Có thể nào những xung đột nội tại này lại không khiến cho đời sống tín hữu chịu nhiều khổ đau? Những tự kỷ ám thị đè nặng trên tâm hồn người mong muốn sống sao cho phù hợp với niềm tin mình?

Đa số các sách bình luận Kinh Thánh đều dài dòng về cấu trúc của “khuôn mẫu đời này,” nhưng nói một cách đơn giản, đó là lằn ranh giữa những điều tội lỗi và không tội lỗi, phải không thưa quí vị? Do đó một cách hợp lý điều này dẫn đến sự kiện rằng mệnh lệnh “đừng làm theo đời này” có thể được đổi thành mệnh lệnh “đừng phạm tội nữa.” Hợp lý phải không quý vị? Chẳng phải đây là điều chúng ta thường nhận lãnh từ các bài giảng luận và sách vở?

Thật khó để nói về thế gian mà không đồng một lúc nói đến vấn đề tội lỗi. Điều này được thể hiện trong mọi tôn giáo trong thế gian, và đạo Tin Lành cũng không thoát khỏi điều đó. Do đó nếu vấn đề “đừng làm theo đời này” được hiểu là mang cùng ý nghĩa với “đừng phạm tội nữa,” thì thà Chúa cất tín hữu khỏi thế gian là hơn.

Một mục tiêu khó đạt được

Có thể nào một người hoàn toàn tránh khỏi tội lỗi, hoặc chỉ cần hầu hết các tội lỗi? Thật dễ tìm câu trả lời trong Kinh Thánh, do đó nếu “đừng làm theo đời này” được hiểu theo ý nghĩa phổ thông, thì chúng ta tự mình chuốc lấy một cuộc sống đầy sự nản lòng và tuyệt vọng vì trong thực tế chúng ta sẽ hàng ngày đối diện với những sự vấp phạm không ngừng nghỉ. Tôi đã đọc sách về việc Martin Luther dùng 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày để xưng tội mình, nhưng tôi tin rằng ví thử Luther hoặc vị linh mục nghe ông xưng tội có đủ sức lực e rằng ông đã xưng tội cả ngày.

Việc làm gì đẹp lòng Chúa

Mặc dầu các giảng sư không nói trắng ra, hầu hết người nghe đều giả dụ rằng đây là điều họ nghe: những điều thuộc về thế gian là những điều không liên hệ trực tiếp đến sự học Kinh Thánh, sinh hoạt trong hội thánh, các mục vụ, truyền giảng, cầu nguyện, v.v. Và phương cách để làm đẹp lòng Chúa là càng làm nhiều những điều đó càng tốt. Chúng ta đọc trong John 6:28-29 rằng sau khi nghe Chúa Giê-su giảng dạy, đoàn dân hỏi Ngài về công việc của Đức Chúa Trời để họ có thể làm. Trong Công-vụ 16:30, dân chúng hỏi sứ đồ Phao-lô họ phải làm gì để được cứu. Nhiều người cũng đã hỏi Chúa Giê-su về điều gì họ có thể làm trong các sách phúc âm.

Có một phụ nữ trong hội thánh tôi làm việc rất cực nhọc để cung ứng cho một gia đình có nhiều người bệnh. Thỉnh thoảng trong lớp Trường Chúa Nhật cô bày tỏ sự nuối tiếc rằng mình không tìm được thời gian để “hầu việc Chúa.” Tôi đã phải cố gắng thuyết phục cô rằng công việc Chúa là những điều cô thường làm khi phục vụ khách hàng ở tiệm làm móng tay, khi cô chăm sóc cho chồng và các chị em bệnh hoạn, khi cô tìm một giây phút ngơi nghỉ giữa nhiều trọng trách. Nhưng trong lòng cô đây là những “việc của đời này” không được xứng đáng vào nước Chúa. Nhưng không phải chỉ riêng cô có ý tưởng như vậy về “đời này,” mà có lẽ hơn 99.99% người ngồi cạnh quý vị mỗi Chúa Nhật hát những bài ca ngợi khen ân điển Chúa.

Từ đâu có sự hiểu biết, hoặc đúng hơn là hiểu lầm, này? Chắc chẳng đâu ngoài sự thiếu giảng dạy chân lý để đào sâu nền tảng cho các tín hữu về lời hứa tuyệt đối về sự cứu rỗi cho những kẻ xưng danh Đấng Cứu Thế. Đa số những bài giảng tôi thường nghe đều nói về những điều tín hữu nên, hoặc không nên, làm. Một số lượng quá quân bình những bài giảng chỉ chú vào những đề tài như gia đình, dạy dỗ con cái, hôn nhân, việc làm, giải trí, tình dục, và tất cả những điều được xem như tốt lành khác. Nhưng mọi điều đó, dù tốt đến đâu đi chăng nữa, chẳng phải chỉ thuộc riêng trong phạm vi đạo Chúa; vì tất cả đều tìm được trong các nguồn ngoài đạo. Đấng Christ đã không đến để giái quyết những vấn đề tạm bợ đó. Ngài đến vì một vấn đề sâu kín trong bản chất loài người. Sự chú trọng đến những vấn đề không trọng yếu đó là nguyên nhân đa số các tín hữu không được đâm sâu rễ trong Đấng Christ, và tà đạo nhờ đó tìm được đất màu mỡ để phát triển.

Bối cảnh sách Rô-ma

Nếu chúng ta cứ theo sát luận lý của Rô-ma từ chương 1 suốt đến phần dẫn đến ý niệm “đừng làm theo đời này,” chúng ta sẽ thấy các ý chính sau đây:

Phao-lô khởi đầu bằng cách gọi chúng ta đến trong sự vâng phục của đức tin, và nếu đã khởi đầu bằng đức tin thì cũng phải đi đến cùng bằng đức tin (Romans 1:17), hay nói cách khác: “người công bình sẽ sống bởi đức tin,” và chân lý này thì đối nghịch với khuôn mẫu của đời này là “việc làm,” bởi những biểu dương, những nỗ lực con người để đạt được một mức toàn hảo về tâm linh nào đó.

Rồi ông tiếp tục cho người Rô-ma thấy rằng sự không ăn năn tức là sự từ khước không đặt niềm tin duy nhất nơi Đấng Christ để được sự cứu rỗi (Romans 2:5), và vai trò của luật pháp thì trái ngược với điều họ thường nghĩ, là lên án thay vì đem lại sự công bình của Đức Chúa Trời (Romans 3:19-20). Sự nương cậy nơi luật pháp để được xưng công bình trước Chúa một lần nữa cũng là lề lối, hoặc khuôn mẫu, của thế gian.

Rồi Phao-lô tiếp tục đến hết phần còn lại của Rô-ma cho thấy những điểm tương phản giữa đường lối của thế gian và đức tin, một bên là những nỗ lực của con người và sự cậy vào luật pháp còn một bên là đức tin nơi Đấng Christ, một bên là luật pháp còn bên kia là ân điển, một bên là sự tuyên xưng công trạng của một cá nhân so với bên kia là món quà nhận từ nơi Đức Chúa Trời (Romans 5:15-19). Đường lối của thế gian sẽ dẫn đến sự khoe mình vì được đặt trên nền tảng của công đức (Romans 3:27-28).

Sau đó trong chương 8 Phao-lô tương phản sự tìm kiếm công bình qua luật pháp, là phương cách của thế gian, đối với sự công bình nhờ Đấng Christ (Romans 10:5-13).

Ý nghĩa chân thực

Do đó nếu chúng ta cứ luôn giữ trong tầm mắt luồng tư tưởng mà Phao-lô đã trình bày từ lúc đầu thì chúng ta đã thấy “đời này” không nói về những khác biệt về triết lý sống giữa người tin và người không tin Chúa, hoặc ngay cả vấn đề tội lỗi, nhưng nói về đối tượng của đức tin của họ: ai là đối tượng đức tin có thể khiến họ được dạn dĩ đến trước mặt Chúa. Đường lối thế gian: việc làm do sự đòi hỏi của luật pháp, đường lối Chúa: nhờ ân điển bởi đức tin.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and