Vào Nơi An Nghỉ Chúa

Chúa đang nghỉ ngơi về việc gì? Nhiều người nghĩ rằng đó là Ngài nghỉ sau sáu ngày sáng tạo thế giới. Thật điều này không thể nào đúng vì Đức Chúa trời không hề mỏi mệt. Chúa làm điều gì cũng có mục đích. Mọi việc Ngài làm trước sự đến của Đấng Christ đều là hình bóng của những việc đến sau Ngài. Dầu Ngài khởi đầu với sự an nghỉ sau khi tạo nên loài người, Ngài vào sự an nghỉ cuối cùng sau khi ban sự cứu rỗi cho họ. Sự nghỉ này bắt đầu vào thời điểm Chúa Giê-su thốt lên lời cuối cùng trên cây thập tự: “Mọi sự đã được trọn.” Chính sự an nghỉ thứ nhì này là nơi Chúa muốn bạn vào với Ngài, nhưng trước hết, bạn phải hiểu đúng ý nghĩa của nó.

Chúa an nghỉ về điều gì?

Ngày Sa-bát của người Do-thái mà đã được người tin Chúa tuân giữ, mặc dầu có thể vào một ngày khác ngày thứ Bảy trong tuần, là biểu tượng của sự an nghỉ của Chúa sau khi Ngài sáng tạo thế giới. Nhưng sự an nghỉ mà Chúa Giê-su nói đến thì nói về một sự an nghỉ khác.

Trong nhiều ngàn năm qua, kể từ khi loài người thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời lúc họ còn ở trong vườn Địa Đàng, Ngài đã ban cho họ một phương cách để được nối lại mối tương giao với Ngài. Nhưng các của lễ họ thường xuyên mang vào đền thờ chỉ cho họ được nhìn từ đàng xa sự vinh hiển đã bị đánh mất. Những nghi lễ đó không phải là giải pháp tối hậu để ban lại cho họ sự sống đời đời. Chúng chỉ là hình bóng của một giải pháp chân thật giải hòa giữa Đức Chúa Trời và loài người: đó là Đấng Christ.

Chúa Giê-su đã vào sự an nghỉ này khi Ngài nói lên lời cuối trước khi trút hơi thở cuối cùng: “Mọi sự đã được trọn.” Nhưng thực ra, trước đó vài năm, Ngài đã nhìn đến thời điểm đó khi Ngài phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ (Matthew 11:28).”

Đây chắc chắn cũng là sự yên nghỉ tại nơi thập tự giá khi tác giả Hê-bơ-rơ khuyên giục người đọc: “Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó (Hebrews 4:11)”

Công việc của các thầy tế lễ dòng Lê-vi sẽ không bao giờ đi đến chỗ kết thúc, vì chẳng hề có ghế cho họ ngồi nơi chí thánh. Các của tế lễ phải được dâng lên bất tận vì tội lỗi của dân sự. Nhưng tại nơi thập tự giá, khi Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm thuộc dòng Mên-chi-xe-đéc tự dâng chính mình, là Chiên Con của Đức Chúa Trời, làm của lễ để chuộc tội cho cả nhân loại, thì sự dâng các của lễ đã đến hồi kết cuộc. Rồi Ngài ngồi xuống bên hữu Đức Chúa Cha. Công cuộc cứu rỗi nhân loại đã được làm trọn. Ngài đã khiến họ được trở nên toàn hảo một lần đủ cả. Vì thế Ngài đã vào trong sự an nghỉ.

11Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được, 12còn như Ðấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Ðức Chúa Trời. 13Từ rày về sau đương đợi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chơn Ngài vậy. 14Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời.” ( Hebrews 10:11-14 )

Nếu Chúa đã làm cho chúng ta được “trọn vẹn đời đời,” thì những của tế lễ, những sự đày đọa thân xác, những hành động bày tỏ sự ăn năn, có làm cho chúng ta thêm sự trọn vẹn chăng? Còn tội lỗi nào cần được thứ tha nếu huyết Chúa đã tẩy sạch rồi? Nếu lòng một người đã được tẩy sạch khỏi lương tâm xấu, thì tại sao lại còn đào bới những điều Chúa đã không còn nhớ đến nữa? Chân lý này đã được khẳng định trong các câu trong sách Hê-bơ-rơ dưới đây:

17[Chúa] Lại phán: “Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa.” 18Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa. 19Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Ðức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, 20bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, 21lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Ðức Chúa Trời, 22nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa. (Hebrews 10:17-22)

Vậy bạn đang làm gì?

Thế nhưng, những thương gia về sự phạm phép thì làm giàu trên mặc cảm tội lỗi của những tín hữu “vô tín.” Chính ra, những tín hữu phải mặc lấy “đức tin trọn vẹn” để dạn dĩ bước vào nơi rất thánh, tin cậy rằng Chúa chẳng còn đếm xỉa đến tội lỗi họ nữa. Nhưng sự nghi ngờ vẫn bám chặt lấy họ. Mỗi khi nghe nói đến ý niệm về ân điển, về tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời, hoặc về sự tha thứ trọn vẹn mọi tội lỗi, thì họ phản đối: “Giảng về sự tha thứ vô giới hạn như vậy chỉ khiến người ta tự do phạm tội.” Vì họ lầm tưởng rằng luật pháp sẽ giúp người tín hữu giữ mình trong đường thẳng và hẹp, rằng mặc cảm tội lỗi sẽ làm giảm đi khuynh hướng phạm tội trong lòng họ. Nhưng thực ra, luật pháp chỉ khích động thêm dục tính trong lòng (Romans 7:5). Nó đem lại một ảnh hưởng trái nghịch với sự ước muốn của người cậy vào nó.

Vì thế, người tín hữu cứ tiếp tục đương đầu với tội lỗi như cách họ vẫn thường làm. Họ dâng những của tế lễ theo nhiều phương cách khác nhau. Người Do-thái thì dâng những con sinh tế, người theo các tôn giáo trong thế gian thì dâng những của lễ nào đó để bày tỏ tấm lòng ăn năn, còn tín hữu thời nay thì dùng lời xưng tội để nhận sự tha thứ. Họ thảy đều đã quên, hoặc đã từng học nhưng không hiểu rằng Chúa chẳng còn nhận bất kỳ của lễ chuộc tội nào nữa; của lễ dưới bất kỳ dạng thức nào; xưng tội với một lãnh đạo tâm linh, hoặc dù trực tiếp với chính Ngài.

Vào nơi an nghỉ Chúa

Chúa Giê-su gọi những người đang ở dưới gánh nặng của luật pháp: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”, còn tác giả Hê-bơ-rơ hướng chúng ta về cao điểm ở nơi Chúa chịu đóng đinh: “Hãy gắng sức vào nơi an nghỉ ta.” Dầu vậy, tôi nghi ngại lắm, rằng rất ít người nghe những lời tuyên phán này. Chúa Giê-su đã phán trước về điều này: “Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” Ít người, cũng như chỉ có hai người Ích-ra-ên là Giô-suê và Ca-lép, có đủ đức tin để vào nơi đất hứa trong khi hơn 600 ngàn người chọn sự chết trong đồng vắng hơn vào nơi an nghỉ Chúa.

Chúng ta cũng cần phải ôn lại bài học của tín hữu Ga-la-ti về sự cứng lòng của họ cứ cậy vào sức mình để hoàn tất điều mà Chúa Giê-su đã làm trọn:

1Hỡi người Ga-la-ti ngu muội kia, ai bùa ếm anh em là người Ðức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá? 2Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Ðức Thánh Linh? 3Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Ðức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? (Galatians 3:1-3)

Tự xét mình

Bạn vẫn còn nỗ lực để liên hệ với Chúa qua tội lỗi, qua sự xét đoán của luật pháp về điều nên làm hoặc nên tránh? Như thể những điều này là yếu tố xác định mối tương quan với Chúa, rằng chúng đem bạn đến gần Chúa hoặc xa cách Ngài? Nếu bạn vẫn còn sống dưới khuôn khổ đó, Kinh thánh nói rằng bạn đang sống trong tội lỗi.

Nhưng Kinh thánh cho biết rằng chúng ta không còn trong tội lỗi nữa vì Chúa Giê-su đã sống lại rồi.

Và nếu Ðấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình. (1 Corinthians 15:17).

Yếu tố duy nhất khiến Chúa kể chúng ta không còn dưới tội lỗi nữa là sự sống lại của Đấng Christ. Điều đó không có nghĩa là chúng ta bắt đầu một cuộc sống toàn hảo. Cũng không có nghĩa là chúng ta không còn phạm tội như người phàm xác thịt. Vì thực tế là khả năng phạm tội vẫn còn tiềm tàng trong mỗi người còn sống trong xác thịt.

Vì thế, bạn hãy ngừng tìm cách bài trừ tội lỗi trong cuộc sống, nhưng thay vào đó, an nghỉ nơi sự Chúa đã làm trọn cho bạn trên thập giá. Đó là phương cách duy nhất để có đời sống đắc thắng, và là cách duy nhất để sống đẹp lòng Chúa. Và đừng dại dột như tín hữu Ga-la-ti cứ luôn tìm cách đạt được sự trọn lành trước mặt Chúa như thể Chúa Giê-su đã thiếu sót điều gì đó. Xong rồi. Mọi sự đã được trọn. AN NGHỈ.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , , and