Điều Đáng Quan Tâm Hơn

Giữa hai điều, dạy một giáo lý sai lạc, và chống trả một giáo lý sai lạc, điều nào đáng quan tâm hơn?

Vì khi một người dạy đạo chọn mục tiêu của mình là những người “lạm dụng ân điển,” người đó có khuynh hướng thúc đẩy sự hăng say, nói về những “điều cần có” để được “thánh hóa,” thay vì nói về sự thánh hóa chắc chắn tự nhiên có trong đời sống những người đã được cứu.

Người đó nói về sự cần thiết phải “vâng lời” dạy trong Kinh thánh, thay vì sự không thể tránh được, trong cuộc đời người đã được Chúa tái sinh, là người đó “sống” những lời dạy đó. Người đó nói ‘Chỉ có sự nên thánh mới đem lại sự vui mừng trọn vẹn.’ Nhưng lý luận như thể có phải chẳng khác gì đặt xe kéo trước con ngựa sao? Chính ra phải nói như thế này: ‘Chỉ có sự vui mừng về sự cứu rỗi mới đem lại sự thánh hóa thực sự.’

Hãy xem nhà thần học được trích ra dưới đây rút ra những câu Kinh thánh diễn tả dụng ý và mục đích của Đức Chúa Trời, và giải thích như thể chúng tùy thuộc, và do đó có thể thay đổi, hoặc không xác định được trước, vào những hành động phải được thực hiện bởi phàm nhân.

Tân Ước cho biết chúng ta được chọn, được cứu chuộc, và được kêu gọi vào sự nên thánh. Đức Chúa Cha "chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời" (Eph. 1:4). "Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh ... đặng tỏ ra hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, ... thánh sạch không chỗ trách được" (Eph. 5:25- 27). "Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh ... Bởi chưng Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy" (1 Thess. 4:3,7).

Nhưng ai là động lực chính ở đây? Chính Chúa! Phải chăng ngụy lý về sự lạm dụng ân điển đã biến nhà thần học Calvinist thành Armenian? Người đó đã chóng quên rằng sự sống chẳng hiện hữu vì những đòi hỏi bó buộc từ bên ngoài, nhưng sự sống tự nó phát triến do căn nguyên đã được cấy vào bởi Đấng đã tạo dựng nên nó.

Rồi ông ta tiếp:

Sự nên thánh không phải là một trong những điều chúng ta có thể chọn lựa, mà là một phần của sự cứu rỗi, cũng tương tự như sự ăn năn và dâng hiến đưa đến sự theo đuổi sự nên thánh là một phần trong sự đáp lời kêu gọi của phúc âm. Chương trình của Chúa là cứu chúng "khỏi tội", chứ không phải "trong tội;" do đó sự cần thiết của sự nên thánh phải được công nhận.

Sự nên thánh quả thật là một thành phần chính yếu của trọn ‘chương trình cứu rỗi,’ nhưng nếu nó là một điều kiện của sự cứu rỗi thì phải chăng một phần nào đó của sự khen tụng được dành cho loài người và một phần cho Đức Chúa Trời?

Tiếp theo:

Sự cần thiết của sự nên thánh đến từ điều kiện đã được bày tỏ trong sự cứu rỗi. Không ai được quyền tin rằng họ được hưởng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà không sáng suốt chủ trương đi theo con đường vâng lời và phục vụ Chúa. Trong 2 Peter 1:3-11 chúng ta học được rằng sự tiến triển trong sự nên thánh là con đường duy nhất để biết chắc chắn sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình.

Một lần nữa, người chủ trương cảnh cáo sự lạm dụng ân điển vội vã biến sự “chọn lựa theo ân điển” thành sự lựa chọn đòi hỏi nhiều điều kiện! Các câu Kinh thánh ông ta trích ra không chỉ chúng ta cách để biết chắc mình được cứu, nhưng nhắm vào những bông trái không thể nào không nẩy nở trong đời sống những người được Chúa chọn. Những bông trái đó, nẩy nở tự nhiên, trong đời sống những người tái sinh được liệt kê trong Kinh thánh như sự khích lệ cho một số người, và như sự cảnh cáo cho một số người khác.

Lời của tiên tri Ê-sai (Isaiah 61:1-3) cho chúng ta ấn tượng mạnh mẽ về sự chúng ta được giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi và sự canh giữ của luật pháp, và được vào trong sự vui mừng của đời sống nhiều kết quả mà Chúa đã tạo nên trong chúng ta.

Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục; đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta; đặng yên ủi mọi kẻ buồn rầu; đặng ban mão hoa cho kẻ buồn rầu ở Si-ôn thay vì tro bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề; hầu cho những kẻ ấy được xưng là cây của sự công bình, là cây Đức Giê-hô-va đã trồng để được vinh hiển. (Isaiah 61:1-3)

Chúa Giê-su đã phán Ngài đến để làm trọn những lời Ngài đã hứa, và Ngài đã không những chỉ bày tỏ mục đích của Ngài, mà cả phương pháp mà Ngài dùng, đó là chính Ngài sẽ vun trồng mỗi người trong chúng ta. Ngài đã trồng cấy chúng ta là những “cây của sự công bình,” và cũng như hạt giống táo sẽ mọc lên cây táo, thì chắc chắn những kẻ Ngài đã trồng trong sự công bình, sẽ mọc lên thành những cây của sự công bình, để mọi vinh hiển đều quy về Ngài. Chúa đã chẳng đòi hỏi một điều gì từ loài người. Đó là mục đích của Đấng Toàn Năng, là sự vui mừng vững bền của Đức Giê-hô-va.

Thật vậy,

Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? Vì muôn vật đều là từ Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời, vô cùng! A-men. (Romans 11:35-36)

Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ lập sự bình an cho chúng tôi; vì mọi điều chúng tôi làm, ấy là Ngài làm cho! (Isaiah 26:12)

Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo. (Ephesians 2:10)

Hỡi Đức Giê-hô-va, nhơn vì sự nhơn từ và sự chơn thật Ngài, Sự vinh hiển chớ về chúng tôi, chớ về chúng tôi, Bèn là đáng về danh Ngài. (Psalm 115:1)

AFJ
April 2017

Tri ân

Bài này đã được viết bởi AFJ, một vị mục sư người Tân Tây Lan đã hồi hưu nhưng vẫn được Chúa dùng trong phần địa cầu nơi ông đang sống. Một hôm, ông tìm được trang mạng này trong Internet và từ đó trên nên bạn thiết với tôi vì đồng một tâm tình về sự hiểu biết ý nghĩa của đời sống Cơ-đốc nhân. Bài viết này là trọn lá thư mà AFJ đã gứi cho tôi có lẽ như một lời khích lệ tôi trong việc viết bài hầu tôi không nản lòng trong công việc này. Cảm ơn người anh em trong Chúa AFJ. Tôi đã học được từ bạn rất nhiều.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , and