Ở Trong Tội Lỗi

1Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng? 2Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa? (Romans_6:1—NET).

Martin Luther khẳng định rằng: “Trước hết, chúng ta phải quen thuộc với cách dùng chữ trong thơ Rô-ma và biết ý của Phao-lô khi ông dùng những chữ như luật pháp, tội lỗi, ân điển, đức tin, công bình, xác thịt, thần linh, v.v. Vì nếu không thì có đọc cũng vô ích. … Bạn không thể hiểu chữ luật pháp theo cách thường của loài người, chẳng hạn như lề luật về những điều cần làm hoặc những điều bị ngăn cấm.” Chữ “tội lỗi” trong bối cảnh của Rô-ma là chữ bị hiểu lầm nhiều nhất.

Lời mở đầu

Bài viết này đi song song với bài "Làm Chết Các Việc Của Chi Thể", bài đó thiết lập một nền tảng đúng đắn để chúng ta có thể hiểu ý nghĩa thực sự của tội lỗi sẽ được trình bày trong bài viết này. Trong các điểm chính mà Martin Luther đòi hỏi người đọc Kinh Thánh phải nắm vững, có lẽ "tội lỗi" là điều quan trọng nhất.

1Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng? 2Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa? (Romans 6:1—NET)

Có một hôm một người bạn nói với tôi về câu hỏi của đứa con trai tuổi độ mười hai, cậu bé nêu lên một thắc mắc sau khi đọc một đoạn Kinh Thánh trong một bản dịch Kinh Thánh có phụ chú. Bản Kinh Thánh này có một phần ghi chú về ý nghĩa của chữ “ăn năn.” Đoạn phụ chú đó giải thích rằng “ăn năn nghĩa là từ bỏ tội lỗi và trở về với Chúa.” Người bạn tôi thấy một nỗi lo lắng trên khuôn mặt con mình. Cậu bé biết nếu đó thực sự là ý nghĩa của sự ăn năn thì quả thực là một điều không thể thực hiện được. Nó còn thành thật hơn nhiều kẻ trưởng thành có thể đã được đọc hoặc nghe định nghĩa đó mà chẳng suy nghĩ gì sâu xa hơn vì nhiều lý do khác nhau; có lẽ họ thấy chẳng có gì phải lo, có lẽ họ nghĩ họ đã thành công trong sự lìa bỏ tội lỗi, họ không cảm thấy sự cấp bách dù trong lòng họ có tin vào định nghĩa của sự ăn năn đó.

Ý niệm của cậu bé về “tội lỗi” là điển hình của hầu hết các tín hữu và toàn bộ một trăm phần trăm những sách giải kinh mà tôi đã tham khảo khi viết bài này. Những nhà giải kinh này, có lẽ họ phản ảnh sự hiểu biết của hội thánh về tội lỗi, giả định rằng “tội lỗi” trong Romans 6:1 chỉ giới hạn trong những sự vi phạm ở một mức độ trầm trọng nào đó như những điều được ghi xuống trong Mười Điều Răn hoặc các luật khác; vì thế trong khía cạnh đó họ có thể tự do kể như mình không thuộc về hàng ngũ của những kẻ ở trong tội lỗi.

Những người này, những nhà giải kinh, đã không hiểu điểm rất căn bản của thần học rằng cho dù họ có không bao giờ phạm đến một tội mà người ta thường phạm trong thế gian, họ cũng vẫn bị “ở trong tội lỗi.”

Nhân loại luôn ở trong tội lỗi

Nhưng từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Ðấng phải đến. (Romans 5:14).

Trong Romans 5:14, sứ đồ Phao-lô đã thiết lập nền tảng của tình trạng tội lỗi của nhân loại: họ không thể nào thoát khỏi sự ở trong tội lỗi dù có cố gắng thế nào đi chăng nữa. Tình trạng tội lỗi không đến từ những điều họ làm hoặc hoặc phải lìa bỏ, nhưng đến từ “thân thể hay chết” (Romans 7:24) dính chặt vào con người của họ cho đến ngày của Đấng Christ.

Nếu quả thực nhân loại luôn ở trong tội lỗi và họ không thể nào thoát ra khỏi tình trạng đó, thì tại sao Phao-lô lại viết trong Romans 6:1 rằng họ đừng ở trong tội lỗi nữa? Các bạn có thấy sự mâu thuẫn đó không? Một đàng họ không thể nào thoát khỏi tội lỗi, còn một đàng khác họ không được ở trong tội lỗi nữa?

Thực vậy, sự mâu thuẫn đó thực sự hiện hữu nếu chúng ta mang sự hiểu biết về tội lỗi và ăn năn giống như cậu bé ở trên, hoặc như những nhà giải kinh nổi tiếng nhiều người biết đến. Nhưng đã từ lâu lắm rồi, người tín hữu chấp nhận và sống trong sự mâu thuẫn đó. Cậu bé trong câu chuyện ở trên biết rõ điều này hơn rất nhiều người già giặn hơn cậu. Cậu cảm thấy có một vấn đề trong phần phụ chú của cuốn Thánh Kinh đó, phần phụ chú mà người ta thường nghĩ chính là lời Chúa. Cậu bé thấy sự mâu thuẫn khiến cậu lo lắng. Là một đứa trẻ, cậu nhìn tội lỗi theo chính bản chất của nó, không thêu dệt, không tự dối mình, không phủ lấp với bề ngoài có vẻ thiêng liêng. Nhưng đa số chúng ta giống như người Pha-ri-si, chỉ thấy dằm trong mắt người khác mà không thấy đà trong mắt mình.

Những của tế lễ

Nhân loại, những người có tín ngưỡng, luôn luôn liên hệ với Thượng Đế qua tội lỗi. Để giải quyết vấn đề tội lỗi, họ dâng những của lễ, cử hành những nghi lễ, bày tỏ những hành động ăn năn, hoặc bất cứ điều gì tín lý của họ đòi hỏi. Người Do Thái dưới Cựu Ước có phương cách riêng của họ để làm vơi đi gánh nặng của tội lỗi. Người tín hữu trong Tân Ước cũng dùng những phương cách riêng để giải quyết vấn đề tội lỗi.

Đó là một chuỗi liên tục của tội lỗi và sự an nghỉ tạm. Họ không thấy một cách nào khác để liên hệ với Chúa. Tội lỗi luôn luôn ngăn cách họ với các thần của họ. Nhưng họ không thể nào loại bỏ được sự ngăn cách đó cách trọn vẹn. Phao-lô viết những lời này trong sách Hê-bơ-rơ bày tỏ một cách sâu sắc nan đề của những kẻ liên hệ với Chúa qua tội lỗi:

1Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Ðức Chúa Trời trở nên trọn lành được. 2Nếu được, thì những kẻ thờ phượng đã một lần được sạch rồi, lương tâm họ không còn biết tội nữa, nhơn đó, há chẳng thôi dâng tế lễ hay sao? 3Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. (Hebrews 10:1-3).

Vì luật pháp “không bao giờ,” hoặc “hoàn toàn không thể” nếu dựa trên một trong những bản dịch Anh ngữ, làm cho người tín hữu được trọn vẹn, do đó tội lỗi luôn luôn là khoảng ngăn cách giữa họ và Đức Chúa Trời; thực ra các của lễ, thay vì hoàn toàn tẩy sạch tội lỗi họ, lại “nhắc nhở” họ về vấn đề tội lỗi càng hơn. Chúng ta thấy rõ trong bài viết của Phao-lô rằng mục đích tối hậu của người tín hữu là “lương tâm họ không còn biết tội lỗi nữa.” Nhưng cho đến nay không điều gì có thể giúp họ đạt được mục đích đó. Khi nào tâm trí họ còn mang mặc cảm tội lỗi thì họ không thể nào đến gần Đức Chúa Trời.

Những tín hữu thời nay thường lầm lẫn khi dùng 1 John 1:9 như phương tiện để tẩy sạch tội lỗi, như thể lời xưng nhận của họ có hiệu quả thay thể những của lễ của Cựu Ước được lập đi lập lại thường xuyên. Nhưng đoạn Kinh Thánh trên cho biết những của lễ đó không tẩy sạch lương tâm họ khỏi tội lỗi; ngoại trừ điều duy nhất có thể đạt được mục đích là dòng huyết của Đấng Christ. Sự xưng nhận trong 1 John 1:9 là sự xưng nhận đức tin, về tình trạng tội lỗi của họ và nhìn nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa; chúng chẳng cùng một mục đích với những của lễ chuộc tội của thời Cựu Ước.

Do đó dưới hệ thống dâng của lễ của thời Cựu Ước, cũng như cung cách ăn năn sám hối của thời nay, nhân loại vẫn “ở trong tội lỗi” vì “mặc cảm tội lỗi” vẫn còn trong tâm trí họ.

Thập tự giá

Tiếp theo đó trong Romans 6:6-7, Phao-lô giải thích bằng cách nào chúng ta có thể được thoát khỏi sự thống trị của tội lỗi.

6vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. 7Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi (Romans 6:6-7).

Theo những câu Kinh Thánh này, làm sao chúng ta thoát được sự thống trị của tội lỗi? Bằng cách “ngoảnh xa khỏi tội lỗi” như định nghĩa về ăn năn trong quyển Kinh Thánh Study Bible? Qua cái nhìn dựa trên xác thịt như của trẻ thơ? Và muôn vàn nhãn quan của các nhà giải kinh? Tất cả đều sai. Vì Romans 6:6 cho biết rằng chúng ta thoát được là nhờ con người cũ đã chịu đóng đinh cùng Đấng Christ.

Một kẻ nô lệ không thể nào thắng hơn được chủ, nhưng phải được giải thoát. Sự nô lệ dưới tội lỗi cũng vậy, chúng ta không thể nào dẫy dụa mong tìm đường thoát, dù có kiên cường hay ý chí đến đâu chăng nữa.

Do đó mặc dầu chúng ta không thực sự chịu đóng đinh trong thể xác, chúng ta được thừa hưởng sự đóng đinh của Chúa Giê-su chỉ nhờ đặt đức tin nơi Ngài. Đó cũng là cách chúng ta nhận được sự giải thoát khỏi tội lỗi, hoặc là sự “không còn ở trong tội lỗi,” tất cả chỉ vì điều Chúa Giê-su đã hoàn tất trên thập tự giá.

Ngày nào chúng ta còn sống trong thân xác này, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi, nhưng địa vị chúng ta trong Đấng Christ đã thay đổi, mối liên hệ chúng ta với Đức Chúa Trời đã thay đổi. Thay đổi từ địa vị tội nhân bị nguyền rủa sang sự được làm con cái Đức Chúa Trời. Mặc dầu khả năng phạm tội vẫn còn đó, chúng ta không còn liên hệ với Đức Chúa Trời qua tội lỗi nữa, nhưng qua thập tự giá.

Chúa cho chúng ta được phép sống một đời sống không mang mặc cảm tội lỗi nữa trong mối liên hệ với Ngài, trong sự cứu rỗi và sự sống đời đời.

1Therefore, there is now no condemnation for those who are in Christ Jesus, 2because through Christ Jesus the law of the Spirit who gives life has set you[a] free from the law of sin and death (Romans 8:1-2).
As far as the east is from the west, so far has he removed our transgressions from us (Psalms 103:12).

Kết luận

Đó là lý do sứ đồ Phao-lô viết những đoạn Kinh Thánh kỳ diệu này trong sách Rô-ma. Để nhắc nhở họ rằng họ đã được thoát khỏi tội lỗi, và không còn phải ở trong tâm trạng, hoặc trong nhãn quan, của kẻ tội nhân bị nguyền rủa nữa. Vậy chúng ta có hiểu ý của Phao-lô chưa? Ông không có ý chút nào để hỏi tại sao chúng ta vẫn còn phạm tội này tội kia, nhưng ông hỏi tại sao chúng ta vẫn còn bước đi trong sự sợ hãi như thể tội lỗi vẫn còn quyền lực đặt chúng ta dưới sự rủa xả, tại sao chúng ta vẫn còn tìm cách dâng của lễ chuộc tội khi mọi món nợ đã được trả? Cũng như những người chiến sĩ trở về sau một cuộc chiến tranh dài dằng dẵng mang theo những ký ức kinh hoàng. Họ trở về thế giới tự do nhưng sâu trong tâm khảm họ vẫn là kẻ sống trong tù ngục chiến tranh. Nhiều tín hữu cũng như thế, họ cứ quay trở về chỗ dâng những của tế lễ chuộc tội cho mình.

Bạn không còn phải ở trong tội lỗi nữa. Chúa đã cho bạn được tự do rồi.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and