Hiểu Biết Sự Tha Thứ

Bằng cách nào chúng ta có thể hướng dẫn một người mới tin Chúa, một người vừa đến với Ngài để nhận sự sống đời đời? Bằng cách nào chúng ta có thể giúp họ trưởng thành trong đời sống đức tin? Tôi tin rằng mục đích chính của họ phải là sự khám phá những điều Chúa ĐÃ làm cho họ, những gì Ngài ĐÃ ban cho họ, nhưng điều đáng buồn là đây không phải là quan niệm chính của đại đa số thành phần lãnh đạo đức tin.

Các quan điểm khác nhau

Họ quan niệm rằng những tín hữu, sau khi tiếp nhận Chúa, phải khởi sự sống cho Chúa để đền trả những gì Ngài đã làm cho họ, như lời của một bài thánh ca quen thuộc: “Ta hi sinh vì con hết … hiến chi cho ta, con ôi?” They’re of the point of view that these new believers. Họ phải khởi sự sống một đời sống thánh khiết, giảm thiểu những sự vi phạm, làm những điều họ cần làm, và tránh những điều họ nên tránh.

Theo sự học hỏi của tôi, mục tiêu của họ không thể nào là những điều họ phải làm cho Chúa, nhưng là những điều Chúa đã làm cho họ. Quan điểm này được bày tỏ rất sâu xa trong bài viết Ý Chúa nói về những gì người tín hữu ĐÃ có rồi trong Đấng Christ, ĐÃ nhận rồi trong cơ nghiệp Chúa đã dành cho họ.

Một phần trong những “cơ nghiệp” mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-su Christ, sự tha thứ là đầu tiên và trên hết vì sự cứu rỗi hoàn toàn tùy thuộc vào nó. Sự thông hiểu ý nghĩa của sự tha thứ sẽ đem đến cho chúng ta sự tự do về nhiều phương diện, và cho chúng ta khả năng bước vào đời sống mới đã được sắm sẵn trước cho chúng ta trong Đấng Christ. Trái lại, sự hiểu biết sai lạc về sự cứu rỗi sẽ khiến người tín hữu bị tê liệt không tăng trưởng được, vì sự tha thứ chính là nền tảng của đức tin, mà đức tin đó là Chúa Giê-su đã chịu chết vì tội lỗi nhân loại, và chúng ta được tha thứ vì việc Ngài đã làm.

25Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. 25Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. 26Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. 27Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều. (Matthew 7:24-27)

Sự thông hiểu ý nghĩa của sự tha thứ là nền tảng, là vầng đá, mà trên đó chúng ta xây dựng đức tin của mình, bằng không thì chúng ta đang xây dựng trên một nền tảng hay dời đổi qua nhãn quan về tội lỗi theo xác thịt, và cứ xoay vần trong một vòng tròn luẩn quẩn tốn nhiều công sức nhưng không đi đến đâu, đến nỗi có người vì nản chí lìa bỏ đức tin.

Điều chúng ta cần hỏi

Nếu có người được hỏi rằng họ có tin rằng Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi của họ trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, thì họ sẽ trả lời rằng họ tin, thế nhưng nếu câu hỏi được nêu lên cách khác: “Nếu bạn phạm tội cùng Chúa ngày hôm nay, liệu Ngài có buộc tội bạn không?” Có thể họ trả lời CÓ, hoặc sẽ trả lời KHÔNG, nhưng dù có hoặc không, phản ứng tự nhiên là họ sẽ xin được tha tội và sẽ tìm cách để đền trả bằng cách nào đó cho sự vi phạm của mình, vì nếu không thì có thể bị Chúa lấy đi những phước lành, hoặc cho hoạn nạn xảy đến cho đến khi họ thanh toán món nợ tội lỗi của mình.

Do đó chúng ta nhận thấy rằng, mặc dù trên lý thuyết, trong sự hiểu biết về tín lý, họ tin một đằng, nhưng trong thực tế họ lại sống trái nghịch với niềm tin, rằng vấn đề tội lỗi vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết tại thập tự giá. Vấn đề tội lỗi vẫn là vòng tròn luẩn quẩn khiến họ không trưởng thành được trong đức tin. Đối với họ, đời sống tin kính vẫn là một tiến trình liên tục đương đầu với tội lỗi và tiếp nhận sự tha thứ.

Tìm sự tha thứ

Và nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình. (1 Corinthians 15:17)

Bạn có tin rằng Đấng Christ đã sống lại? Tôi xin hỏi một lần nữa, bạn có tin rằng Đấng Christ thực đã sống lại? Nếu quả thực bạn tin rằng Ngài đã sống lại, thì hẳn bạn cũng phải tin rằng bạn “không còn ở trong tội lỗi mình nữa.” Điều này không có nghĩa là bạn không bao giờ phạm tội nữa, vì chẳng ai có thể làm được điều đó khi còn sống trong thân xác phàm nhân, nhưng nghĩa là Chúa sẽ không còn lên án bạn về tội lỗi nữa. Dầu câu hỏi này có được nêu lên hàng vạn lần, và được trả lời rằng “CÓ” cũng hàng vạn lần, tôi e rằng họ chẳng tin như miệng mình xưng nhận. Vì nếu họ thực tin, thì tại sao lại cứ mải mê tìm sự tha thứ nếu quả thực họ tin Chúa đã sống lại? Chúng ta hãy chậm rãi đọc lại một cách kỹ lưỡng câu Kinh thánh trên: “Và nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình.” Chúng ta hãy thử suy gẫm về câu Kinh thánh này cách khác: vì Chúa Giê-su đã sống lại mà anh em đã được thoát khỏi sự lên án của tội lỗi, thoát khỏi sự vì tội lỗi mà bị ngăn cách với Đức Chúa Trời, và thoát khỏi sự chết (Romans 6:32). Sự sống lại của Đấng Christ bảo đảm với chúng ta rằng mọi tội lỗi trong quá khứ, hiện tại, và tương lai sẽ không bao giớ ngăn cách chúng ta với Đức Chúa Trời nữa, nhưng không hề bảo đảm rằng chúng ta sẽ không còn phạm tội nữa.

Nếu Đấng Christ đã sống lại, và chúng ta không còn ở dưới sự thống trị của tội lỗi nữa, thì điều gì hiện đang ngăn cách bạn với Đức Chúa Trời? Phải chăng đó là sự chẳng tin?

Cách Chúa tha tội

Trong một khoảng thời gian Chúa ban cho người Do-thái một giải pháp tạm cho vấn đề tội lỗi: họ có thể dâng một con sinh tế để chuộc tội. Nhưng của tế lễ này không đem đến sự tha thứ, vì nếu nhờ đó được tha thứ, thì hẳn chúng ta không cần đến Đấng Christ. Nhưng những của tế lễ đó thực ra là để nhắc nhở người ta về tội lỗi, nhắc họ rằng họ cần một Đấng Cứu Thế.

Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. (Hebrews 10:3)

Ngược lại, của lễ tuyệt hảo dâng một lần đủ cả của Con Một Đức Chúa Trời thì không phải là chỉ là một sinh lễ, nhưng là một sự tha thứ mà nhờ đó Đức Chúa Trời không còn nhớ đến tội lỗi chúng ta nữa.

• Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa. (Jeremiah 31:34) • [Chúa] Lại phán: Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa. (Hebrews 10:17) • Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ. (Romans 8:1) • Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới. (2 Corinthians 5:17) • Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài. (Ephesians 1:7) • Trong Con đó chúng ta có sự cứu chuộc, là sự tha tội. (Colossians 1:14) • Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. (1 Peter 3:18) • Hỡi các con cái bé mọn ta, ta viết cho các con, vì tội lỗi các con đã nhờ danh Chúa được tha cho. (1 John 2:12) • Khi anh em đã chết bởi tội lỗi mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Đức Chúa Trời đã khiến anh em sống lại với Đấng Christ, vì đã tha thứ hết mọi tội chúng ta (Colossians 2:13) • 8Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. 9Huống chi nay chúng ta nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào! 10Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào! (Romans 5:8-10)

Điểm tương đồng giữa của tế lễ giữa Cựu Ước và Tân Ước là sự đổ huyết, và đây là hai cách duy nhất để dẫn đến sự tha tội, mà trong đó của lễ của thời Cựu Ước là hình bóng của sự tha thứ thật mà chúng ta nhận được nhờ Đấng Christ.

Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ. (Hebrews 9:22)

Nếu không đổ huyết, không có sự tha thứ. Điều oái oăm ở đây là có nhiều tín hữu, nhiều hệ phái, tin rắng có sự tha thứ mà không cần đổ huyết: chỉ cần một lời xin lỗi. Nhưng Đức Chúa Trời không hề ban cho một phương cách như vậy để nhận sự tha tội. Điều này có nghĩa là bất kể mọi cố gắng dù chân thành nhất, mọi sự thống hối, ăn năn, đền bù, vâng lời, xé áo, tự hành xác, khóc lóc, cầu nguyện không thôi, không thể nào đem lại sự tha thứ bởi chẳng có một hành động nào kể trên đưa đến sự đổ huyết, và hơn nữa là chỉ có huyết Chiên Con mới có quyền tha tội.

Trong sự cậy vào sự xưng tội, hay nói cách thực tế là sự xin lỗi, làm phương cách để nhận sự tha tội, người tín hữu coi nhẹ sự nghiêm trọng của tội lỗi mà dù chỉ là một tội nhỏ nhất trong các tội cũng đủ để loài người phải bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Quyết không thể như vậy, vì mọi sự xưng tội không thể thỏa được điều kiện phải đổ huyết.

Hơn nữa, sự cứ lao đầu tìm kiếm sự tha thứ chứng tỏ rằng người tín hữu này vẫn còn sống trong tội lỗi, do đó đức tin của người đó, hay sự hiểu biết, về sự sống lại của Đấng Christ chỉ là vô ích (1 Corinthians 15:17), người đó chỉ tin vào sự sống lại của Đấng Christ trên lý thuyết nhưng không thực sự tin rằng Chúa đã giải cứu họ khỏi quyền lực của tội lỗi.

Tại sao sự tha thứ là điều tối cấn

Sự tha thứ là điều kiện tiên quyết của sự cứu rỗi, sự được phục hồi sự sống đời, sự được Thánh Linh ngự vào lòng mà trước kia đã bị A-đam đánh mất (Ezekiel 18:20). Do đó hầu cho một người có thể vào nước Chúa, người đó phải hoàn toàn vô tội. Và vì chúng ta sẽ cứ mãi tiếp tục phạm tội cho đến khi được ban thân thể mới, điều chúng ta cần là được hoàn toàn tha thứ suốt quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Nói một cách ngắn gọn, không còn ở trong tội lỗi không có nghĩa là chúng ta có thể ngừng phạm tội, nhưng là Chúa ĐÃ tha thứ chúng ta dầu Ngài biết khả năng phạm tội của chúng ta vẫn còn đó. Nhưng Chúa không còn ghê tởm chúng ta nữa, hoặc xấu hổ để xưng Ngài là Cha chúng ta.

Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa. (Jeremiah 31:34)

Sự nhận thức rằng Đức Chúa Trời đã hoàn toàn tha thứ chúng ta một cách vô điều kiện sẽ ban cho chúng ta sự tự do để liên hệ với Chúa và phục vụ Ngài. Nhờ đó chúng ta có thể làm việc lành bởi sự yêu thương chứ không bởi sự sợ hãi bị trừng phạt hoặc bị mất ơn phước. Sự nhận biết đó cho chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi làm buồn lòng Chúa. Có lẽ ở đây tôi nên nói thêm rằng vì là phàm nhân chúng ta không thể nào ở cho đẹp lòng Đức Chúa Trời dù có cố gắng thế nào chăng nữa, chỉ ngoại trừ một điều, là chúng ta ở trong Đấng Christ, là Đấng duy nhất đẹp lòng Chúa mọi đàng (Matthew 3:17).

Thế còn những người vẫn còn sống trong tội lỗi, những người hằng ngày tìm cầu sự tha thứ từ Chúa? Họ có thể vẫn được cứu vì lời hứa của Chúa cho những kẻ tin danh Ngài, nhưng cho đến ngày họ gặp Chúa, đời sống họ bị tê liệt vì sợ hãi, trong sự nghi ngờ không biết Chúa có phiền lòng vì những tội lỗi họ vẫn phạm phải không. Thật là một nếp sống đáng buồn, vì thực ra Chúa đã sống lại rồi và Ngài đã giải thoát họ khỏi sự thống trị của tội lỗi.

Ngần ngại về sự tha thứ

Có nhiều lý do khiến chúng ta thấy khó nhận lãnh sự tha thứ hoặc ban sự tha thứ cho người khác.

  • Bản chất con người thường không muốn tha thứ người khác. Họ có thể nói rằng họ muốn làm theo lời Chúa dạy trong bài cầu nguyện chung (Matthew 6:9-13), nhưng trong một hoàn cảnh nào đó, họ thà giết những người đã hãm hại họ còn hơn.
  • Con người thường không muốn Chúa tha thứ cho người khác. Hầu hết ai cũng đã từng trải những điều bất công trong đời sống họ, và do đó lẽ tự nhiên là họ mang những thù hận đối với những người đã làm hại họ. Chúng ta có thể thấy điều này dễ dàng trong sách Giô-na.
  • Nhiều người không muốn người khác biết về sự tha thứ của Chúa để duy trì ảnh hưởng của mình, vì nếu người tín hữu nhận biết sự tha thứ trọn vẹn của Chúa thì họ bị mất ảnh hưởng.
  • Nhiều người không muốn tin rằng Chúa đã hoàn toàn tha thứ họ vì họ muốn mãi ở dưới sự canh giữ của luật pháp. Nhưng đó là một mâu thuẫn lớn trong đời sống tin kính vì luật pháp đòi hỏi sự trừng phạt khi vấp phạm, nhưng nếu Đức Chúa Trời không còn đoán xét chúng ta nữa thì luật pháp đóng vai trò gì trong đời sống tín hữu? Chúa đã tha thứ chúng ta vì chẳng một ai có thể thỏa mãn dù chỉ một điều nhỏ nhất trong các đòi hỏi của luật pháp, dầu vậy vô số các tín hữu vẫn tuyên dương luật pháp như một phương cách duy nhất để kềm tỏa xác thịt.

Tự do nhờ được tha thứ

Nếu Đức Chúa Trời phán rằng Ngài không còn nhớ đến tội lỗi chúng ta nữa, thì tại sao vấn đề tội lỗi vẫn là trọng tâm của hầu hết các tài liệu học hỏi trong đạo Chúa? Chúng ta có thể dễ dàng nhận diện những tài liệu có tính cách gây mặc cảm tội lỗi, chúng có thể được bao phủ bằng lớp bề ngoài của những lời khích lệ, nhưng kết quả là để lại trong trí người nghe một ý niệm rằng mình thiếu sót một điều gì đó, một kỳ vọng nào đó chưa được thỏa, nhất là khi được truyền đạt là ý Chúa cho đời sống người đó.

Câu truyện trong Kinh thánh về Ma-ri và Ma-thê trong Luke 10:38-42 cho thấy rõ vai trò chính yếu của sự tha thứ mà nhờ đó Ma-ri được tự do để tương giao với Chúa Giê-su theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Ma-thê chắc đã bị sự thúc đẩy của mặc cảm tội lỗi khi bà đang làm việc lành, khi bà đang chăm sóc cho Chúa Giê-su và các môn đệ Ngài, gánh nặng bà đang cưu mang đã được thể hiện qua sự khó chịu dối với Ma-ri không chịu giúp bà nhưng chỉ thích ngồi cạnh chân Chúa Giê-su say mê nghe từng lời phán êm dịu của Ngài.

Mặc dầu câu chuyện này không nói trực tiếp về sự tha thứ, nhưng nếu bạn lắng nghe thì sẽ nghe tiếng của nó. Sự tha thứ mà Ma-ri đã cảm nhận từ Đấng Cứu Thế, có lẽ cũng giống sự tha thứ mà người đàn bà Sa-ma-ri đã cảm nhận khi gặp Chúa bên bờ giếng Gia-cốp (John 4:1-26), đã cho họ sự tự do để an nghỉ nơi chân Chúa. Đây là điều trái ngược với những gì chúng ta thường nghe từ các bục giảng: Việc Làm. Rất nhiều việc phải làm. Đến nỗi sự tha thứ phải xấu hổ lui vào một góc bụi bậm nào đó của một kệ sách như một ý niệm thần học chẳng có liên hệ gì đến đời sống trong thực tế.

41 Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; 42but only one thing is needed.</span> nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được. (Luke 10:41-42)

Các nhà dạy Kinh thánh đặt trọng tâm trên những điều thứ yếu mà bỏ qua “phần tốt” mà Chúa đã vì đó khen ngợi Ma-ri. Khác với Chúa Giê-su, họ đưa những Ma-ri trong vòng chúng ta lìa xa Đấng Christ đến những điều mà Ngài đã sắm sẵn cho họ theo ý Ngài đã định trước. Chúng ta hãy suy gẫm về những đoạn Kinh thánh sau đây cho biết những “phần tốt” là gì.

8Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. 9Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; 10vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo. (Ephesians 2:8-10)

Không phải do sự tình cờ mà những câu Kinh thánh này khẳng định rằng chúng ta không thể cậy việc lành để được cứu, và trong cùng một bối cảnh bảo đảm với chúng ta rằng chính Chúa là Đấng đã sắm sẵn những việc lành cho chúng ta làm. Do đó sự tha thứ, hoặc sự nhận thức trọn vẹn về sự tha thứ đó, phải là điểu chúng ta thấu hiểu và tiếp nhận trước tiên, vì nếu không thì sự tìm cách làm hài lòng một Đấng hẹp lượng chỉ là việc miễn cưỡng của người nô lệ là điều không thể có trong tấm lòng của Đức Chúa Trời của John 3:16.

Không dám nói về sự tha thứ

Phần lớn các nhà giảng Kinh thánh ngần ngại không dám nói về sự tha thứ của Chúa một cách trọn vẹn. Đây chúng ta không nói về sự tha thứ cho mỗi trường hợp một người vấp phạm, nhưng là về sự tha thứ trọn vẹn khiến người tội lỗi được vĩnh viễn sống trong sự an lòng rằng sẽ chẳng bao giờ bị đoán phạt nữa.

Họ lý luận rằng cho một người nhận thức trọn vẹn sự tha thứ của Chúa, là cho người đó lý do để họ lạm dụng ân điển. Mặc dầu đây là một điều có thể xảy ra, nó không phải là một lý do chính đáng để giấu chân lý này với một người mà có thể nhờ đó được biết trọn vẹn sự tha thứ của Chúa một cách tương xứng với điều Ngài muốn tỏ bày qua thập tự giá.

Trên thực tế, có thực là sự che giấu ánh sáng của sự tha thứ của Chúa khiến chúng ta trở nên người tốt hơn? Đã từ lâu lắm rồi người ta thường lầm lẫn rằng luật pháp giúp con người tránh tội lỗi, nhưng Kinh thánh nói thực ra không phải vậy:

• Vả, luật pháp đã xen vào, hầu cho tội lỗi gia thêm. (Romans 5:20)
• Vì khi chúng ta còn sống trong xác thịt, thì các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả cho sự chết. (Romans 7:5)
• Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp. (1 Corinthians 15:56)

Luật pháp thực ra đem lại kết quả trái ngược với điều chúng ta thường nghĩ, là làm gia tăng tội lỗi hầu cho sự tồi tệ của con người phải tỏ bày hầu cho mọi đầu gối phải quỳ xuống mà gọi Giê-su Christ là Chúa. Đó mới là mục đích chính của luật pháp. Nó là kẻ dẫn đường đưa chúng ta đến Đấng Christ, và làm xong việc của nó khi chúng ta thuộc về Chúa (Galatians 3:24).

Nếu một người không hoàn toàn tin và chấp nhận sự tha thứ của Chúa thì không thể nào biết Chúa đúng theo ý Ngài bày tỏ cho thế gian. Sự tha thứ liên hệ đến sự yêu thương và trông cậy, trong khi hình phạt thì liên hệ đến luật pháp và sự rủa xả (1 John 4:18).

Lạm dụng ân điển

Phần đông tin rằng không thể tin vào sự tha thứ trọn vẹn vì “nó sẽ dẫn một người đến chỗ bất cần luật pháp Chúa và không ngần ngại vi phạm những điều cấm cản.” Đây là những lời trích ra từ một nhà giảng kinh ân điển nổi tiếng mà nhiều người cũng tin là sự giảng dạy của ông đúng với chân lý.

Mặc dầu rất có thể có người lợi dụng sự tha thứ trọn vẹn của Chúa để bào chữa cho nếp sống trụy lạc của mình, nhưng trong thực tế có bao giờ bạn gặp một người như vậy? Có thể nào Đức Chúa Trời ngự trong lòng một người tín hữu lại có thể để cho điều đó xảy ra? Ngay cả người không tin Chúa, một người bình thường không có những vấn đề tâm lý nghiêm trọng, cũng không thể nào bắt phục được lương tâm của mình để loại bỏ hoàn toàn mặc cảm tội lỗi. Cả những người không tin Chúa cũng ít ai sống ngoài vòng pháp luật vì chính họ cũng có luật pháp của Đức Chúa Trời trong tâm khảm (Romans 2:14).

Nếu bạn tin vào chân lý rằng Đức Chúa Trời đã hoàn toàn tha thứ những kẻ nào trông cậy nơi Ngài, thì có vì vài người, hoặc cả đến chín mươi chín trong số một trăm người, có thể lạm dụng ân điển, mà dấu nhẹm chân lý đó với mọi người? Không, trăm lần không, và vạn lần không. Vì làm như vậy, bạn sẽ cản ngăn khiến không ai có thể biết Chúa cách trọn vẹn. Tôi thà chín mươi chín người lạm dụng ân điển mà giúp cho một người thấy rõ tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa mà được biết Ngài như mặt đối mặt. Sự tiếp nhận lòng tha thứ trọn vẹn của Chúa là phương cách duy nhất để biết Ngài.

Tìm cách che đậy chân lý này mới thực là coi thường luật mới của Chúa, luật thánh linh sự sống, một luật mà sự tha thứ trọn vẹn của Chúa là nền tảng, là luật tuyên bố rằng Đức Chúa Trời sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng ta nữa vì Chúa Giê-su đã trả hết nợ cho chúng ta rồi, quá khứ, hiện tại, và mãi mãi về sau. Nhưng điều đáng buồn là nhiều giảng sư muốn khống chế tín hữu của họ với tin lành giả hiệu che giấu quyền năng của thập giá Đấng Christ. Những người này thỏa mãn dục vọng riêng tư bằng cách nói với bạn những điều sai quấy. Họ làm như vậy để bạn mãi mãi lệ thuộc vào họ.

3131 Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa. 32Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng chúng nó, Đức Giê-hô-va phán vậy. 33Đức Giê-hô-va phán: Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta. 34Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê-hô-va! vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa. (Jeremiah 31:31-34)

Bạn đang sống trong giao ước nào với Chúa? Giao Ước cũ hoặc Giao Ước mới? Trong Giao Ước mới, Chúa hứa rằng Ngài sẽ “chẳng còn nhớ đến tội lỗi” của chúng ta nữa. Nếu quả thực đây là chân lý như lời Chúa phán thì còn tội nào nữa để tha? Hay là bạn nghĩ Chúa chưa hoàn toàn tha thứ mình? Nếu quả thực vậy thì bạn chẳng biết Ngài chút nào.

Công việc bôi xóa món nợ tội lỗi cho những kẻ đến nơi chân thập giá đã hoàn tất. MỌI SỰ ĐÃ ĐƯỢC TRỌN!

Lạm dụng ân điển

Sự lên án rằng rao giảng về sự tha thứ trọn vẹn của Chúa sẽ khiến người nghe có lý do để lạm dụng ân điển quả là một sự lên án sai lầm.

Chúng ta hãy thử dùng một thí dụ trong đời sống hằng ngày chẳng hạn như một bằng lái xe. Bằng lái này được cấp cho người lái xe với một số quy luật về những điều người đó được hoặc không được làm hầu giữ an toàn trên đường phố. Bằng lái này cũng có kèm theo quy định về hình phạt trong trường hợp người lái phạm luật, đồng thời cũng có quy định cách trả tiền phạt để người lái có thể tiếp tục lái xe.

Theo cùng ý nghĩa đó, chính người sử dụng luật pháp là người cho người khác giấy phép phạm tội, đó là khi họ liệt kê những quy lệ về điều gì được hoặc không được làm, cùng với những hình phạt chẳng hạn như mất sự sống đời đời, hoặc mất những ơn phước, và phương cách đền trả mà thông thường là sự xưng tội.

Những người này cho người theo họ một ảo tưởng rằng họ có thể được tha nhờ sự xưng tội. Trong tiểu mục “Cách Chúa tha tội” ở trên chúng ta học được rằng phải có sự đổ huyết thì tội lỗi mới được thứ tha, mà huyết hiệu nghiệm duy nhất là của Con Một Đức Chúa Trời, không phải huyết của chiên và bò đực. Và như vậy thì làm sao chỉ bởi một lời xin lỗi, hoặc xưng tội, có thể đạt được điều mà Chúa đã phải đổ huyết trên thập tự giá để ban cho chúng ta?

Giải pháp xưng tội để được tha này mới thực là giấy phép cho người ta lạm dụng ân điển, và đã dẫn vô số người đi lạc. Chúng ta sẽ đào sâu vào vấn đề này trong đoạn sắp tới.

1 John 1:9

Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. (1 John 1:9)

Câu Kinh thánh này thường được dùng để bênh vực cho chủ trương rằng sự xưng tội, hoặc lời xin lỗi, có thể được dùng để tiếp nhận sự tha thứ. Như đã nói đến trước đây, sự xưng tội quả thực coi nhẹ tội lỗi. Nếu Chúa Giê-su đã phải lên thập tự để trả giá cho tội lỗi, thì làm sao chỉ một lời xin lỗi có thể đạt được điều đó? Kinh thánh viết rằng tiền công của tội lỗi là sự chết (Romans 6:23), nhưng ngày nay nhân loại cho rằng chỉ cần xưng tội là đủ. Sự dùng một phương cách khác ngoài sự tiếp nhận điều Chúa đã hoàn tất trên thập tự giá đến từ ma quỉ, thế mà ngày nay nó là giáo điều giảng dạy trong hầu hết các hội thánh.

Một người tín hữu dùng 1 John 1:9 làm kim chỉ nam của đời sống mình sẽ không kinh nghiệm được sự sống thật trong Chúa. Câu Kinh thánh này thực ra không có áp gì trong đời sống người tín hữu. Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao.

Theo tiến sĩ John Best, một nhà thông thạo tiếng Hy-lạp, của Thần Học Viện Dallas, câu Kinh thánh này phải được dịch như sau:

Tôi không biết có ngày nào bạn mở mắt ra và chấp nhận lời Chúa phán về tội lỗi mình, dù bất cứ lúc nào, hôm nay, ngày mai, hay bất cứ khi nào bạn quyết định quay về với Chúa, thì hãy tin rằng Ngài ĐÃ THA THỨĐÃ TẨY SẠCH BẠN KHỎI MỌI ĐIỀU GIAN ÁC.

Tất cả những điều viết về sự tha thứ trong đoạn Kinh thánh trên đều được viết trong thời quá khứ. Sự tha thứ Chúa đã ban cho toàn thể nhân loại sau khi Chúa Giê-su chịu chết trên cây thập tự cách đây hơn hai ngàn năm. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa và áp dụng của câu Kinh thánh này chúng ta hay xem xét các câu trước và sau câu 1 John 1:9.

Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. (1 John 1:8)

Loại người nào nghĩ rằng mình không có tội? Chúng ta thấy rõ ràng là người này không tin Chúa, vì không một ai tin Chúa mà nghĩ mình không có tội. Vậy người này phải làm gì nếu muốn được cứu? Người đó phải nhìn nhận mình là người có tội, và xưng nhận Chúa Giê-su Christ là cứu Chúa, và biết rằng nếu không có thập tự giá thì không có sự cứu rỗi. Trong ý nghĩa đó, và trong bối cảnh trong ý của tác giả John, lời “xưng tội” này thực ra là lời xưng nhận đức tin để nhận sự tha thứ một lần đủ cả để được sự sống đời đời, không phải là loại xưng tội mà nhiều tín hữu thực hành mỗi khi phạm tội. Khi xưng tội để được tha thứ, người tín hữu nói rằng sự chết của Chúa trên thập giá không đủ và họ phải thêm vào đó với những lời xưng tội cho đến khi mãn đời. Phương cách đó là một “tin lành khác” không giống với điều sứ đồ Phao-lô giảng dạy trong Kinh thánh. Người thực hành điều này phải trả lời câu hỏi: Giá phải trả, hoặc tiền công, của tội lỗi là sự chết, hay chỉ là một lời xưng tội?

Hơn nữa, nếu chúng ta tiếp tục đọc đến phần đầu của chương kế tiếp, chúng ta sẽ thấy thêm bằng chứng rằng phương cách để nhận sự tha tội không phải là một lời xưng tội, mà là một nguyên tắc khác phù hợp trọn vẹn với nền tảng của phúc âm.

1Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình. 2 Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa. (1 John 2:1-2).

Câu Kinh thánh này có nói: nếu phạm tội, hãy xưng ra? Không, nhưng nói rằng: nếu phạm tội, Đấng Christ sẽ bênh vực (bản tiếng anh dùng chữ “advocate,” mà bản tiếng Việt dịch là “cầu thay” không được chính xác, dịch cho sát nghĩa phải là “biện hộ,” hoặc “bênh vực”). Trong câu này không có nói đến một hình phạt nào, kể cả sự xưng tội, hoặc một điều gì đó phải làm để đền trả, ngay cả sự tha thứ cũng không được nhắc đến, nhưng lại nói đến sự bào chữa hoặc biện hộ, vì mọi giá phải trả thì Chúa đã trả trên thập giá cách đây hai ngàn năm rồi. Đó là lý do tại sao sứ đồ Phao-lô đã viết cách mạnh dạn, không sợ ai lạm dụng lời tuyên bố của ông, lời Kinh thánh sau đây như chính Đức Chúa Trời đã tỏ bày cho ông:

Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ (Romans 8:1).

Nếu bây giờ chẳng còn có sự lên án nào nữa, thì sự tha thứ đóng vai trò gì? Do đó 1 John 1:9 là một lời kêu gọi người vô tín đến xưng nhận với Chúa rằng mình là người có tội cần ơn cứu rỗi. Sự xưng nhận tội lỗi đó không phải là dành cho tín hữu, và chẳng có ứng dụng gì trong đời sống người đã ở trong Đấng Christ.

Tại sao xưng tội?

Tại sao thể thức xưng tội lại lan tràn sâu rộng mặc dù Kinh thánh không có dạy điều đó? Có nhiều nguyên nhân từ cả người thực hành lẫn người cổ động.

Người thì nói họ được kinh nghiệm sự bình an sau khi xưng tội. Dĩ nhiên chắc phải có một ảnh hưởng tâm lý tích cực sau khi cởi bỏ được gánh nặng trong lòng, nhưng từ kinh nghiệm bản thân, sự bình an đó chỉ tồn tại trong giây lát. Hơn nữa, sự xưng tội này không đem lại sự tha thứ mà người ta thường nghĩ. Kinh thánh dạy rằng nếu không đổ huyết thì không có sự tha tội, hơn nữa theo Hebrews 10:26 thì huyết của con sinh tế cũng không còn được chấp nhận nữa trong thời Tân Ước, chỉ ngoại trừ huyết Chúa đã đổ ra trên thập tự, mà chỉ một lần, không còn tái diễn nữa. Còn đối với người ngoại đạo, sẽ được tha một lần trọn vẹn khi đặt niềm tin nơi Đấng Christ. Do đó đối với người tin Chúa, nếu Ngài đã phán rằng không còn nhớ đến tội lỗi họ nữa (Jeremiah 31:34; Hebrews 8:12), thì nhắc nhở Chúa về tội lỗi mình có ích gì?

Đồi với những lãnh đạo của một hội thánh sống dưới luật pháp, giữ tín hữu trong tội lỗi mang lại lợi điểm là sẽ khiến họ lệ thuộc vào mình, khiến vai trò của họ trở nên quan trọng hơn. Những lãnh đạo này có thể biết, hoặc không biết, về chân lý rằng vấn đề tội lỗi đã được giải quyết ở thập tự giá cách đây hai ngàn năm rồi; ví bằng họ không biết, thì không những chính họ bị lầm lạc, họ còn dẫn người khác đi lạc với mình nữa; còn nếu họ biết chân lý đó mà cứ gạt bỏ và dẫn người khác đi lạc đường … ? Bất kể vì lý do gì, khuynh hướng sử dụng mặc cảm tội lỗi để duy trì ảnh hưởng trên người khác là một điều thông thường xảy ra trong hay ngoài hội thánh. Sự xưng tội là một cái xiềng trói buộc ngăn cản người tín hữu không ý thức được trọn vẹn sự tự do mà họ có trong Đấng Christ qua sự tha thứ tội lỗi trọn vẹn.

Bài cầu nguyện chung

Chúng ta đọc được ở cuối bài cầu nguyện chung như sau:

14 Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. 15 Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi. (Matthew 6:14-15)

Qua những câu Kinh thánh này, Chúa cho chúng ta một công thức để nhận sự tha thứ từ nơi Ngài: tha thứ người khác như Chúa đã tha thứ chúng ta. Nhưng nếu chúng ta biết rõ con người của mình, có ai thành thật nói rằng mình có thể tha thứ mọi người trong mọi hoàn cảnh? Liệu chúng ta có thể tha thứ một người nào đó đã có những hành động tàn nhẫn nhất trên đời sống chúng ta?

Tuy nhiên, đừng quên rằng để được vào nước Chúa, một người phải hoàn toàn được sự tha thứ của Ngài, đến nỗi người đó được toàn hảo theo sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời (Matthew 5:48). Chúa Giê-su đã tuyên bố điều kiện về sự toàn hảo sau khi Ngài dạy dỗ dân chúng trong đoạn Kinh thánh mà chúng ta gọi là Bài Giảng Trên Núi. Ngài đã nâng mức tiêu chuẩn cao như vậy với mục đich đập đổ mọi sự kiêu ngạo của những người nghĩ rằng họ có thể dùng sức lực của xác thịt để đạt được mức toàn thiện của Đức Chúa Trời. Do đó trong câu Kinh thánh trên, Chúa Giê-su đã không ra điều kiện đó như một khuôn vàng thước ngọc để chúng ta làm theo, nhưng như một phương tiện Ngài dùng để chúng ta biết địa vị của mình: tội nhân cần lòng thương xót của Đức Chúa Trời, vì chắng ai trên cõi đời này có thể tha thứ người khác theo đúng ý nghĩa chính xác nhất của nó.

Được tha thứ

Chân lý không dời đổi là không có một người nào công bình, hay nói cách khác, tất cả mọi người đều có tội. Trừ vài trường hợp ngoại lệ có một số người mà lương tâm họ dường như không có ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống họ, đa số còn lại đều sẽ đi trên con đường để trở nên người tốt hơn, qua sự vâng lời, ăn năn, hay những phương cách khác để đạt được mục tiêu cao quý. Nếu trong lòng những người này có dù chỉ một chút ít thành thật, chẳng bao lâu họ sẽ tiến đến chỗ nhận thức rằng nỗ lực để trở nên người tốt hơn, để lìa bỏ mọi tội lỗi, chỉ là hư không. Tuy nhiên, cũng có những người kiên trì theo đuổi mục đích của họ cho đến hơi thở cuối cùng. Điều lạ lùng hơn hết là mặc dù không ai trong vòng họ có thể đạt được tình trạng hoàn hảo nhát, họ dạy dỗ người khác làm điều mà chính họ không làm được.

Người tìm kiếm với lòng chân thành sẽ có một lúc ý thức được rằng họ cần sự tha thứ của Chúa. Họ nhận biết rằng mọi nỗ lực trong sự vâng lời và ăn năn sẽ chẳng đem họ đến gần sự toàn hảo hơn chút nào. Họ đã rơi xuống quá xa sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Điều họ thực sự cần là sự tha thứ của Chúa. Chẳng khác gì người nghiện ma túy ở dưới ảnh hưởng của hóa chất thống trị tâm trí họ và trở nên nô lệ của nó. Sự vâng lời và ăn năn trong đời sống tin kính chẳng khác gì những lời năn nỉ hoặc nài khuyên chỉ vào tai này và ra tai kia vì điều duy nhất một người nghiện ngập nghe là tiếng nói trong một tâm trí đã bị hỗn loạn không thể tin cậy được. Nhưng dù nghiện hoặc không, ai cũng cần sự tha thứ cho tội lỗi mà họ sẽ phạm. Một người nghiện ngập không cần phải xưng tội mỗi khi họ bị thuốc vật vã và tìm cách thỏa cơn hành hạ của nó. Họ biết, và chán ghét điều họ làm. Họ cực kỳ muốn thoát vòng kềm tỏa của ma túy dai dẳng hơn xiềng xích. Nhưng có một điều mạnh mẽ hơn cả xích sắt: đó là sự tha thứ không điều kiện có thể giải phóng họ và ban cho họ năng lực để bắt đầu đời sống mới.

Tha thứ người khác, và kết luận

Tại sao một món nợ lại cần được tha? Nếu người mang một món nợ có thể trả được món nợ đó, nhưng chủ nợ quyết định không đòi nợ, thì sự không đòi hoàn trả đó không phải là sự buông tha, nhưng là một món quà từ chủ nợ đến người mang nợ. Do đó một món nợ thực sự được tha khi người mang nợ không có khả năng trả lại cho chủ nợ.

Ngoài tiền bạc ra, có những món nợ mà người mang nợ không thể trả được. Chẳng hạn như sự lấy đi mạng sống người khác, những hành động bất công, hãm hại người khác, v.v., không thể nào đền trả được qua một lời xin lỗi, hoặc xưng tội, như thường được thực hành bởi người tín hữu.

Như vậy, Chúa Giê-su đã ngụ ý gì khi Ngài bảo chúng ta phải tha thứ cho người khác? Tha thứ, dù biết rõ trong lòng rằng rằng họ không thể nào đáp lại nghĩa cử của mình, như chính Chúa đã tha thứ chúng ta. Tôi không biết bạn đọc như thế nào, nhưng chính tôi không biết chắc mình có tha thứ được như Chúa hay không. Tôi chắc thế nào cũng có những lúc lòng mình kín đáo cưu mang ý tưởng đòi nợ, hay trả thù, người đã làm mình tổn thương, nhưng tôi biết Chúa làm được điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Chúa đã ban Con Một của Ngài trên cây thập tự ngay cả khi chúng ta còn là người có tội, chẳng khác gì người nghiện ma túy gào thét, lao đầu đi tìm sự giải quyết tạm bợ, trong lúc cơn nghiện đang hoành hành.

Thật không dễ để biết và đặt niềm tin trọn vẹn vào sự tha thứ của Chúa, rằng Ngài đã để tội lỗi chúng ta xa Ngài như phương Đông xa cách phương Tây, như lòng biển sâu xa cách chín tầng mây. Cũng không dễ gì để tin rằng Đức Chúa Trời không còn buộc tội chúng ta nữa. Chúng ta chỉ có thể tha thứ người khác theo tỷ lệ mình biết và kinh nghiệm sự tha thứ của Chúa cho chính mình. Chúng ta không thể nào cho nhiều hơn điều mình đã nhận lãnh.

Và như vậy, mục đích của bạn là gì khi bạn thầm thì vào tai Chúa điều mà Ngài đã ném xuống lòng đại dương qua sự chết của Con Ngài?

Tri ân

Tôi rất cảm ơn Chúa về Mục Sư Aaron Budjen là người đã soạn 12 bài giảng với cùng tựa đề: “Hiểu Biết Sự Tha Tội”— xin bấm vào đường nối bên trái để nghe trọn loạt bài trong dạng mp3) mà bài viết này đã cố gắng theo rất sát ý của tác giả.

Khi tôi viết gần xong bài này thì một cơ hội quý báu đến khi có một mục vụ mời tôi tham dự vào công tác làm biên tập viên cho một cuốn sách đang được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Sách này gồm những bài làm chứng của những người nghiện ma túy đã được Chúa giải cứu một cách kỳ diệu bởi sức mạnh của tình yêu của Ngài. Những bài làm chứng này đã cho tôi những dòng ý tưởng để tôi có thể kết luận về sự tha thứ trọn vẹn của Chúa. Cám ơn quý vị trong mục vụ VCRM đã cho tôi cơ hội được làm một phần nhỏ trong nghĩa vụ cao đẹp này.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and