Mới và Cũ

Ít người tin Chúa biết rằng có một giao ước cũ và một giao ước mới, lại còn ít hơn nữa là những người biết tại sao có hai giao ước, và những khác biệt giữa các giao ước đó hầu họ có thể kinh nghiệm được sự đổi mới của tâm thần mình, một nền tảng mới trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

Luẩn quẩn trong đường lối cũ

Đa số các tín hữu liên hệ với Chúa theo cùng một cung cách với người Do-thái dưới thời Cựu Ước. Khi người Do-thái dâng những bò đực, chiên, hoặc các của lễ khác cho tội lỗi của họ, thì người tín hữu dâng lời xưng tội, các hành động bày tỏ sự ăn năn, và vô số những nghĩa cử khác để thay vào đó. Họ đã không biết, hoặc chính ra thì họ phải biết những điều này rồi nếu họ đọc Kinh thánh và hiểu, rằng những việc đó không thể đem họ đến gần Chúa.

Trong ngụ ngôn Lưới Cá, Chúa Giê-su nói về một người chủ nhà kia đem những vật mới và cũ trong nhà mình ra. Dầu Ngài không vào chi tiết về người chủ nhà đó sẽ làm gì với những vật đó, chúng ta có thể đi đến kết luận từ hai thí dụ trước trong ngụ ngôn này mà cá xấu sẽ bị loại bỏ và những kẻ ác sẽ bị bỏ vào lò lửa, rằng vật cũ sẽ bị loại bỏ còn vật mới được giữ lại. Chủ đề về sự loại bỏ những sự cũ và chào đón sự mới được tiếp nối cách mạnh mẽ trong đoạn Kinh thánh Hê-bơ-rơ mà chúng ta sẽ học ở đây.

Hê-bơ-rơ 10:1-20

Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Ðức Chúa Trời trở nên trọn lành được. (Hebrews 10:1)

Những của lễ, những lời xưng tội nhìn nhận tội lỗi mình, sự xả thân, sự đãi thân thể mình cách nghiêm khắc (Colossians 2:23), không thể đem họ đến gần Chúa hơn. Lại nữa, Đức Chúa Trời thực có đòi hỏi sự trọn lành từ họ là những kẻ muốn được trầm mình trong vinh hiển của Ngài (Matthew 5:48).

Chúng ta hãy đọc đoạn Hê-bơ-rơ tiếp theo:

Nếu được, thì những kẻ thờ phượng đã một lần được sạch rồi, lương tâm họ không còn biết tội nữa, nhơn đó, há chẳng thôi dâng tế lễ hay sao? (Hebrews 10:2)

Theo đoạn Hê-bơ-rơ ở trên, nếu những nghĩa cử bạn làm để làm hòa với Chúa thực có hiệu nghiệm, thì hẳn những nghĩa cử đó phải “thôi dâng tế lễ.” Chẳng còn phải dâng của lễ nữa, hoặc phải làm những hành động hối cải nữa, hoặc xưng tội nữa, vì nếu “đã một lần được sạch rồi” và lương tâm “không còn biết tội nữa,” thì nào còn lý do gì để tiếp tục nhắm mắt làm theo những điều đó nữa? Nhưng vì một lý do nào đó, những tín hữu vẫn làm theo trong nhiều dạng thức khác nhau. Chắc cũng chỉ vì họ nghĩ mình chưa xứng đáng với Đức Chúa Trời. Còn nhiều tội lỗi để được thứ tha, còn sự nên thánh vẫn xa vời, còn nhiều điều mơ hồ nào đó trong tâm trí mà họ phải đạt được trước khi họ được Chúa chấp nhận hoàn toàn.

Tác giả sách Hê-bơ-rơ tiếp tục trình bày tại sao các tín hữu bị vướng vào vòng tròn luẩn quẩn của sự phạm tội và xưng tội, phạm tội rồi lại ăn năn hay đoái công chuộc tội. Đoạn Kinh thánh sau đây chỉ cho chúng ta lý do tại sao:

Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được. (Hebrews 10:3-4)

Huyết của bò đực và chiên, những hành động ăn năn hối cải, đoái công chuộc tội, không những không cất đi được tội lỗi mà lại còn nhắc nhở trong tâm khảm người tín hữu về điều ngăn cách họ với Đức Chúa Trời: đó là tội lỗi của họ Đó là lý do tại sao nhiều tín hữu vẫn sống triền miên trong mặc cảm tội lỗi và thiếu sót đối với Chúa, vì nếu họ không đạt được tình trạng “không còn biết tội nữa” thì không thể nào đến gần Chúa được.

Đến đây, hy vọng người đọc xác quyết trong lòng rằng nhiều tín lý thực hành bởi nhiều người tin Chúa như họ học hỏi được từ hầu hết các giảng sư đã dẫn họ đi trong vòng tròn luẩn quẩn chẳng khác gì 40 năm trong đồng vắng của người Do-thái thuở xưa. Mười Điều Răn từ đỉnh Si-nai chính là động lực của vòng tròn luẩn quẩn đó: chúng nhắc nhở họ về tội lỗi thay vì tẩy sạch. Họ đã không ý thức được rằng các mạng lệnh chẳng phải là đường dẫn đến sự cứu rỗi, nhưng là những thành trì kiên cố mà chẳng tội nhân nào có thể vượt thoát.

Đoạn Hê-bơ-rơ tiếp theo dưới đây quả thực là một cuộc cách mạng, phá hủy mọi ý tưởng phổ thông về sự thờ phượng và tin kính, và đoạn đó đã được mặc khải từ trong Thánh Kinh Cựu Ước (Psalms 40:6-8):

Bởi vậy cho nên, Ðấng Christ khi vào thế gian, phán rằng:

Chúa chẳng muốn hy sinh, cũng chẳng muốn lễ vật, Nhưng Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi. Chúa chẳng nhậm của lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của lễ chuộc tội. Tôi bèn nói: Hỡi Ðức Chúa Trời, nầy tôi đến Trong sách có chép về tôi Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa.

Trước đã nói: Chúa chẳng muốn, chẳng nhậm những hi sinh, lễ vật, của lễ thiêu, của lễ chuộc tội, đó là theo luật pháp dạy; sau lại nói: Ðây nầy, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa. Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau. Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Ðức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả. (Hebrews 10:5-10)

Chính những việc làm mà người ta thường nghĩ sẽ dọn đường cho họ đến gần ngai ân điển, chẳng hạn như những của tế lễ và các cung cách thờ phượng, chằng phải là những điều Chúa mong muốn hoặc lấy làm đẹp lòng. Thế mà thế gian thì đầy dẫy những tài liệu hướng dẫn về phương cách để mang người ta đến gần Chúa. Nhưng như chúng ta đã đọc trong các đoạn Hê-bơ-rơ ở trên, những điều này chỉ dẫn người tín hữu đi trong vòng bối rối luẩn quẩn, nhốt họ trong đồng vắng, hay sa mạc, của sự hạ mình và tin kính không chân thật. Chúng chỉ “nhắc cho nhớ lại tội lỗi” (Hebrews 10:3-4) thay vì tẩy sạch.

Nhưng Chúa Giê-su đã đến để ban cho nhân loại một con đường mới trong mối liên hệ với Ngài, một con đường mới khiến họ nên thánh một lần đủ cả. Và khi Ngài thiết lập con đường mới này thì Ngài cũng phế bỏ con đường cũ, con đường của những của tế lễ và dâng hiến, dù là dâng sự ngợi khen theo tâm tình của vua Đa-vít. Điều duy nhất được bao gồm trong con đường mới này, điều duy nhất theo ý muốn của Đức Chúa Trời, đó là: sự dâng thân thể của Đấng Christ. Con đường mới và sống này chiếm địa vị độc tôn vượt quá mọi phương cách nhân loại đã cậy vào qua mọi thời đại.

Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Ðức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài (Hebrews 10:19-20)

Đây là bài viết về Hebrews 10:1-20 được khích lệ bởi đoạn văn do thần học gia Augustin. Mong các độc giả hiểu thấu sự tương phản giữa các giao ước mới và cũ như được nhắc đến trong đoạn trích dưới đây:

Augustine viết về Cựu và Tân

‘Thế nhưng, tôi nài xin các bạn, hãy hết sức để tâm về điều tôi đang gắng sức chứng minh. Khi đấng tiên tri hứa hẹn về một giao ước mới, Không phải là một giao ước đã lập trước kia với dân Ích-ra-ên khi họ được giải thoát khỏi nước Ai-cập, đấng đó đã chẳng nói về sự thay đổi của những của lễ hoặc những điều lệ thiêng liêng, mặc dầu những thay đổi đó hẳn cũng sẽ theo sau, như chúng ta thấy quả thực chúng có theo sau, ngay cả trong cùng đoạn Kinh thánh tiên tri được nhắc đến trong nhiều đoạn khác; nhưng đấng tiên tri đó chỉ một cách đơn thuần gợi sự chú ý của chúng ta về sự khác biệt NÀY, ĐÓ LÀ, chính Chúa sẽ đóng ấn luật pháp Ngài vào TÂM TRÍ của những kẻ thuộc giao ước MỚI, và sẽ viết chúng vào trong LÒNG họ, (Jer 31:32-33) mà từ đó vị sứ đồ đi đến kết luận ,—“chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Ðức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em;” (2 Cor 3:3).  Và vì thế chúng ta thấy rõ ràng sự khác biệt giữa các giao ước cũ và mới,—rằng trong giao ước cũ luật pháp được viết trên bảng đá, còn trong giao ước mới thì được viết vào lòng; do đó điều đến từ bên ngoài gây nên sự sợ sệt, còn điều đến từ bên trong đem lại sự vui mừng;  trong điều trước, một người trở nên kẻ tội phạm vì chữ làm cho chết, còn trong điều sau, người đó trở nên kẻ được Chúa yêu nhờ Thánh Linh ban sự sống.’

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , , , , , , and