Khi Được Chúa Giải Thoát

Matthew 5:48 viết về Chúa như sau: ‘Các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.’ Do đó, nếu bạn chưa được trọn vẹn thì khi nào bạn sẽ đạt được điều đó? Một buổi nhóm bồi linh nữa? Một tiệc thánh nữa? Một câu Kinh thánh nữa để ghi nhớ? Một linh hồn nữa để đem về với Chúa? Thật vậy, nếu bạn chưa được trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời ngay giây phút này, thì bạn sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn trước mặt Ngài.

Nếu bạn được Chúa ban sự tự do

Điều gì lòng người khao khát? Điều gì thúc đẩy một người tìm sự khuây khỏa trong việc làm, rượu chè, ma túy, cờ bạc, hoặc các hình thức nghiện ngập khác? Nhà toán học và triết gia Blaise Pascal đã suy nghiệm rằng có một khoảng trống mang hình ảnh của Đức Chúa Trời trong lòng người, quả thực không xa với sự thật.

Kinh thánh chứa đựng khoảng 500 đoạn Kinh thánh diễn tả đặc tính của Đức Chúa Trời qua những từ ngữ như yêu thương, ân điển, nhân từ, thương xót, hoặc các dạng khác, và riêng 1 John 4:8 nói Ngài chính ta tình yêu. Do đó chúng ta có thể đi đến một kết luận hợp lý rằng điều những người khao khát sự giải thoát kể trên đang tìm cầu chính là tình thương, là bản chất Đức Chúa Trời, nhưng họ chỉ tìm được những giải pháp không những tạm bợ, mà còn có thể làm đổ vỡ cuộc sống của chính họ và những người thân quyến của họ.

Chúa đang làm những công việc lạ kỳ ở Việt Nam qua sự chữa lành và phục hồi những người trẻ tuổi đã bị vấp vào nạn nghiện ngập ma túy. Những người này, dù có cố gắng đến đâu chăng nữa, không thể thoát khỏi xiềng xích của một tệ trạng tàn phá cả thể chất lẫn tâm hồn, nhưng cũng chính trong bối cảnh đó ân điển Chúa ngời sáng hơn bao giờ hết. Một khi họ tìm được tia hy vọng ở một trung tâm phục hồi Cơ-đốc, lời hằng sống của Chúa, khi họ bắt đầu học và thuộc nằm lòng, bắt đầu chữa lành tâm trí và sau đó thân thể họ một cách lạ đến nỗi chúng ta chỉ có thể kết luận rằng Chúa đã làm phép lạ trên đời sống họ. Tất cả những người đã được phục hồi đều đồng thanh tuyên bố rằng chính là tình yêu Chúa, và sự nhận thức của họ về tình yêu đó, đã cứu họ.

Bài viết này sẽ trích một bài làm chứng, một trong số hằng chục các bài làm chứng đã được ghi chép, và có lẽ trong số hằng trăm những bài làm chứng chưa được viết xuống, của một người đã được cứu khỏi sự nghiện ngập, như một bằng chứng vế sự cứu rỗi bởi ân điển, và đề nghị rằng cũng bởi ân điển đó mà người nghiện đã hồi phục phải bước đi với Chúa trong quãng đời còn lại. Sự cám dỗ để trở về với luật pháp, cậy vào sức mạnh của xác thịt, thật là mạnh mẽ, và một khi người Cơ-đốc nhân được cứu bởi ân điển vì vô tình quay về với sự dùng xác thịt của mình để bước đi với Chúa, họ sẽ thấy ách họ chẳng êm dịu và gánh họ chẳng nhẹ nhàng chút nào. Buồn thay đây là tình trạng của nhiều tín hữu, và bài viết này hy vọng chỉ cho họ thấy một con đường tốt hơn để có một sự sống dư dật như lời Chúa hứa.

Chân dung của một người nghiện ma túy

Tôi tên là H. , là người thứ hai trong gia đình có năm anh chị em. Tôi chào đời vào năm 19__ tại Hà Nội, trong một gia đình đầy dẫy những tội lỗi. Tuổi ấu thơ của tôi là những ngày tháng buồn tủi đau đớn. Tôi nhớ có lần tôi đang chơi với trẻ con hàng xóm, thì tất cả những bố mẹ của những đứa trẻ đang chơi với tôi ra lôi các con cái của họ về, không cho chúng chơi với tôi. Họ nói với con họ rằng: “Đi về, không được chơi với con của một thằng ăn cướp, một thằng đi tù.” Trước đó có lúc tôi hỏi mẹ tôi rằng bố con đâu, thì mẹ tôi chỉ lên tấm hình và bảo bố con đi bộ đội, nhưng tôi đâu có biết rằng người Bố mà tôi hằng ngày vẫn nhìn và hình dung qua ảnh đó đang ở trong tù, là một tên ăn cướp. Việc đó vẫn tiếp diễn cho đến khi tôi lên phổ thông. Tất cả những thầy cô giáo cũng như bạn bè trong lớp họ đều tránh xa tôi, đều không muốn quan hệ với tôi. Tất cả chỉ vì họ không muốn gần con của một thằng tù, một thằng ăn cướp! Những điều đó đã làm cho tôi từ một cậu bé chưa biết gì đã phải mang những nỗi đau đớn, buồn tủi trong lòng.

Tôi cảm thấy xấu hổ khi có môt người cha như vậy. Bắt đầu từ đó, tôi nuôi dưỡng sự hận thù, ghen ghét tất cả mọi người xung quanh và sống cô lập. Tôi cố gắng để học nhưng tôi không thể nào học được khi trong lòng chỉ có hận thù. Thế rồi tôi bỏ học, bước chân vào giang hồ, đi theo vết xe đỗ mà cha mình đã để lại. Người ta bảo “rau nào thì sâu nấy” cho nên các em trai của tôi cũng vậy, chúng nó lần lượt bước vào và trượt theo vết xe tội lỗi của gia đình mình.

Cuộc sống giang hồ

Tôi lao vào cuộc sống giang hồ, nghiện hút thuốc phiện, ma túy, trôm cắp, cướp giật, đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn, bán ma túy, chăn dắt gái mãi dâm. Có những cô gái mới từ vùng quê ra Hà Nội thì tôi dụ dỗ, cưỡng ép bán dâm. Những em nào chưa bao giờ sử dụng ma túy, tôi cho họ dùng để rồi họ nghiện, và phải chịu lụy dưới sự trói buộc và quản lý của tôi. Cuộc đời tội lỗi đó đã phải trả giá cho những năm tháng ở trong nhà tù. Nhưng nhà tù không thay đổi được tôi. Sau khi ra tù, tôi lại càng côn đồ hung bạo và gây nhiều tội lỗi hơn. Lần sau lại tệ hơn lần trước. Rồi cho đến lần cuối, sau một thời gian dài là sáu năm ở tù, đến năm 2010, tôi được tự do trở về với gia đình. Nhưng khi tôi trở về với gia đình thì tôi lại mất đi hy vọng sống và tồn tại. Cả gia đình tôi hoàn toàn bị tan nát. Các em trai đứa thì nghiện ma túy, đứa thì đang ở trong tù. Mẹ thì cứ rượu chè, cờ bạc, không biết quan tâm và yêu thương ai. Vợ tôi lúc ấy cũng đã bỏ đi lấy chồng khác. Nghe đâu trước khi lấy chồng, cô đã đem đứa con trai duy nhất của tôi cho một ngôi chùa nào đấy.

Tìm đến cái chết

Lúc tôi đau đớn mất hy vọng sống, tôi nghĩ đến gia đình, đến con trai, đến những năm tháng ở trong tù, rồi đến những năm tháng nghiện hút ma túy… Tôi không muốn sống cuộc sống như vậy nữa, nhưng tôi hoàn toàn bế tắc, không có lối ra. Và rồi tôi quyết định tìm đến cái chết, chỉ có cái chết là giải quyết mọi việc. Tôi quyết định tự tử bằng ma túy. Tôi thuê một người xe ôm, đưa 500 nghìn đồng bảo mua cho tôi một liều ma túy loại mạnh, một cái xi lanh và tôi dùng ma túy đó để tự tử. Một điều lạ là tôi không chết. Sau này có người kể lại cho tôi là khi thấy tôi đã chết lâm sàng, đồng tử mắt đã dãn, họ gọi xe chở vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ đã dùng máy hô hấp để cố gắng cứu chữa, nhưng cũng không được. Sau đó họ tuyên bố tôi đã chết và cho đưa tôi vào nhà xác. Nửa đêm, tôi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong nhà xác của bệnh viện. Khi tôi đi ra ngoài thì mọi người hết hồn, tưởng tôi là ma!

Lại tìm đến cái chết

Dầu vậy, khi trở về nhà, tôi vẫn không muốn sống. Tôi lại tìm đến cái chết một lần nữa. Tôi nhốt mình vào một phòng riêng, mua vài trăm lít rượu cho vào trong một lu lớn. Suốt 2 tháng 17 ngày, tôi không quan hệ, không nói chuyện với ai, không ăn gì mà chỉ có uống rượu. Lúc đó cơ thể tôi chỉ còn da bọc xương. Tất cả các bắp chân, bắp tay co lại, không thể đi lại được. Tôi đi cầu đi tiểu cũng một chỗ. Tôi nghĩ chắc là mình chẳng còn sống được mấy ngày nữa.

Chiếc phao cứu sinh

Tại thời điểm đó tôi có một người anh họ ở trong trung tâm giải cứu Bình Long của Mục sư Ngô Tấn Sĩ được về phép và anh đến thăm tôi. Thấy tình trạng tôi như vậy, anh khóc và nói rằng: “H. ơi, có một con đường có thể cứu em.” Tôi hỏi: “Đó là con đường nào?” Anh nói: “Hãy đi theo Chúa Giê-xu. Chúa đã cứu anh thoát khỏi tội lỗi và ma túy.” Mặc dầu lúc đó tôi không biết gì về Chúa nhưng tôi bảo với anh rằng: “Ừ, thế thì anh cho em đi cùng anh.” Nhưng lúc đó tôi gần như bị liệt, không thể đi vào trung tâm Bình Long ở miền nam được. Thế là anh dẫn bác Hoàn là mẹ của anh Nam Quốc Trung, cùng với anh Nguyễn Ngọc Minh đến cầu nguyện cho tôi tiếp nhận Chúa và đưa tôi lên trung tâm giải cứu Bắc Giang.

Chúa vào đời tôi

Ngày 17/12/2010 là ngày tôi đến Bắc Giang. Tôi không thể nào quên mùa Giáng Sinh năm đó vì đó là thời gian đầu tiên tôi lên trung tâm giải cứu Bắc Giang. Giáng Sinh đó Chúa đã bước vào đời tôi. Tôi không thể tự mình đi lại được vì 2 tháng 17 ngày tôi không hề ăn gì mà chỉ uống rượu khiến thần kinh hoảng loạn, hoang mang và thân thể suy nhược. Khi vừa đến trung tâm, tôi bước vào phòng cầu nguyện và điều làm tôi tỉnh thức đó là khi tôi nhìn thấy trên tấm bảng có chép một bài thánh ca, đó là bài “Khi Chúa Vào Đời.” Lời của bài thánh ca khiến tôi tan vỡ, tôi lẫm nhẫm vừa hát vừa khóc, cứ hát đi hát lại câu: “Trần gian tăm tối, tìm đâu thấy niềm vui Sầu tràn muôn lối, khơi đớn đau lòng người Chúa đem đến môi cười, sầu đau khuất xa rồi, Khắp nơi mừng vui. từ khi Chúa vào đời.” Quả thật lời của bài hát giống như cuộc đời tôi - một cuộc đời thật tối tăm, không còn niềm vui, không còn hy vọng. Nhưng vì yêu tôi nên Chúa Giê-xu đã đến. Ngài chính là ánh sáng, niềm vui, và hy vọng cho cuộc đời tôi.

Hồi phục

Lúc mới vào trung tâm, tôi rất yếu, không đi lại được, chỉ còn có 42 kí-lô. Tôi tưởng chừng phải mất đến sáu tháng tôi mới phục hồi được. Nhưng có một điều đáng sợ và lạ lùng là Chúa đã phục hồi chữa lành cho tôi từ thân thể cho đến tâm trí của tôi. Tất cả được hoàn toàn bình phục chỉ trong một tháng rưỡi. Thật là kỳ diệu!

Sống biết ơn Chúa

Tôi cám ơn Chúa Giê-xu vô cùng vì những gì Ngài đã làm cho tôi. Nếu như không có Ngài đến tìm và cứu cuộc đời tôi, thì tôi đã nằm sâu dưới ba tất đất từ lâu rồi. Từ khi theo Chúa Giê-xu đến nay, có những lúc tôi có những lỗi không đẹp lòng Chúa, nhưng bởi sự thương xót, tình yêu và ân điển, Chúa vẫn tha thứ và nâng đỡ tôi. Ngài tuôn đổ tình yêu thương của Ngài trong tôi và sử dụng tôi trong việc yêu thương và chăm sóc các anh em nghiện ma túy khi họ mới vào trung tâm. Tôi thật sự vui mừng khi nhìn thấy các anh em vượt qua được những cơn vật vã của ma túy, kinh nghiệm sự chữa lành, và sự sống mới trong danh Chúa Giê-xu. Tôi vui chung với niềm vui của cha mẹ, vợ con họ… niềm vui mà trước đây tôi chưa bao giờ kinh nghiệm. Lòng ao ước của tôi là xin Chúa sử dụng cuộc đời còn lại của tôi để đem sự cứu rỗi của Ngài đến những người đang bị trói buộc bởi sự thống trị của ma túy và tội lỗi như tôi trước đây. Để họ cũng kinh nghiệm được cuộc đời mới phước hạnh khi có Chúa bước vào đời mình. Xin mọi sự vinh hiển thuộc về Ngài. A-men.

Được cứu bởi ân điển

Thật không khó để thuyết phục bất cứ ai rằng người này được cứu thoát khỏi cuộc đời nghiện ngập nhờ ân điển Chúa, và cũng bởi ân điển Chúa mà anh được cứu khỏi bản chất tội lỗi là điều còn vô cùng khó hơn sức mạnh của ma túy. Nhưng không dễ để chứng tỏ cho phần đông trong đạo Chúa rằng họ cũng phải sống nhờ ân điển Chúa. Chúng ta hãy lần bước theo cuộc hành trình của người nghiện ma túy này để làm nền tảng cho sự chứng mình rằng người tín hữu phải sống bởi ân điển.

Bằng cách nào người này thoát được sự trói buộc của ma túy? Bằng sự quyết tâm? Sự vâng lời? Sự ăn năn mỗi lần thất bại? Qua sự giảm dần lượng thuốc dùng? Cầu nguyện? Hoàn toàn không, anh đã chẳng làm bất cứ gì trong những điều đó, hay có lẽ anh đã thử nhưng đã thất bại. Anh đang trong một con chốt xoay vần xuống đến điểm anh đã tìm cách hai lần tự vẫn.

Trong lần toan tính tự tử lần thứ hai, chúng ta đọc thấy rằng người này khóa mình trong phòng trong hai tháng và mười bảy ngày với hàng trăm lít rượu với dụng ý hủy mình trong đó. Bạn có thể tưởng tượng được chiều sâu của sự tuyệt vọng của anh không? Sự sầu não trong đêm dài vô tận? Anh trở nên giống như một hài cốt lạc lõng trong trũng đầy hài cốt của Ezekiel 37. Dầu tim anh vẫn còn đập một cách yếu đuối trong thân thể chỉ còn xương bọc da, anh hầu như đã chết. Niềm hy vọng, nếu có, gần như tan biến, vì nếu anh có còn chút hy vọng gì thì anh đã thốt lời cầu nguyện, nhưng hành động dường như có vẻ dễ dàng đó đã chẳng được thốt lên. Sự cuối cùng đã gần lắm rồi, anh nghĩ chỉ còn vài hôm nữa thôi.

Rồi bỗng dưng một hôm, có lẽ do sự sắp đặt từ thiên thượng mà một người anh họ, đang làm việc cho một trung tâm cai nghiện ma túy, đã đến thăm anh đúng vào thời điểm quan trọng đó khi anh đang bên bờ cõi chết. Thế là như người ta thường nói, điều gì phải xảy ra thì đã xảy ra, anh chàng nghiện ngập của chúng ta khởi sự trên con đường bình phục. Ephesians 2:1 và Romans 5:8 đã được thể hiện trong đời sống anh một cách kỳ diệu:

Anh em đã chết trong tội lỗi. (Ephesians 2:1)

Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. (Romans 5:8)

Người này thật đã chết trong … ma túy, thế mà Chúa đã chết cho anh cách đây hai ngàn năm hầu ngày hôm nay anh được sống. Sự đến với niềm tin của anh, dầu lạ lùng hơn phần lớn chúng ta, vẫn tuân theo cùng một nguyên tắc vạch ra trong những câu Kinh thánh tương tự như Ephesians 2:8-9: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình;” Nếu anh được cứu khỏi ma túy, không bởi nỗ lực cai nghiện của chính anh, mà chỉ bởi đức tin, thì sự được cứu khỏi cái chết thuộc linh cũng vậy, chẳng phải bởi nỗ lực chống trả tội lỗi, nhưng bởi đức tin. Nếu anh không thể bởi sức mình mà thoát khỏi sự nô lệ ma túy, thì sự thoát khỏi bản chất tội lỗi của anh lại càng vô cùng khó hơn.

Mặc dầu đa số Cơ-đốc nhân không vật lộn với ma túy như người trong câu chuyện này, họ cũng vật lộn với tội lỗi nói chung, với những hình thức nghiện ngập khác như việc làm, rượu chè, cờ bạc, ganh tị, tự ti mặc cảm, dâm dục, và vô số những tật xấu khác. Đối với họ, những chiến đấu này cũng khó khăn chẳng kém gì sự nghiện ngập ma túy. Nếu người nghiện ma túy không thể tự cứu mình khỏi tình trạng nghiện ngập, thì họ cũng vậy. Điều cả hai hạng người đều cần là quyền năng của Đức Chúa Trời, chứ chẳng phải là sức mạnh của riêng họ vì dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không đủ.

Hy vọng rằng, đến đây, chúng ta đã đi đến kết luận rằng người nghiện ngập đã được phục hồi chẳng đóng góp một chút nào cho sự giải thoát của họ. Vậy có hợp lý không nếu chúng ta cũng kết luận rằng anh ta cũng không thể nào đóng góp phần nào cho sự thánh hóa? Nếu sức anh không thể gột rửa được ma túy tràn lan trong dòng máu anh, thì làm sao anh có thể gột rửa được tội lỗi mình để thánh hóa đủ hầu đối diện Đức Chúa Trời?

Vui mừng về sự cứu rỗi

Phần lớn các bài làm chứng chấm dứt tại điểm này, và bài của người trong câu truyện này cũng không ngoài thông lệ đó. Nhưng trong thực tế, đây mới là lúc bắt đầu câu truyện. Giây phút khởi đầu của sự vui mừng về sự cứu rỗi sẽ chóng lui vào hậu trường để nhường chỗ cho một nếp sống bình thường có lẽ sẽ kéo dài nhiều thập niên cho đến khi cuộc hành trình trong trần thế đi đến hồi kết thúc. Nhưng chính trong giai đoạn sau cứu rỗi này mà người tín hữu đâm rễ vững nền vào trong đức tin đã chớm nẩy mầm từ lúc bắt đầu ăn năn. Chẳng có ai ngoại lệ. Sự vui mừng cứu rỗi ban đầu phải chuyển tiếp sang một trạng thái nào đó bền bỉ hơn, không lệ thuộc vào những tình cảm nhất thời, những giòng nước mắt trào tuôn, những bài ca ngợi khen, hoặc những phước lành nhận lãnh, nhưng đặt trên một nền tảng không lay chuyển, bền vững cho đến đời đời, trên bản tính của Đức Chúa Trời.

Nhưng điều đáng buồn là nhiều tín hữu rơi vào cạm bẫy của sự cứ bám víu vào những phút ban đầu làm tiêu chuẩn mà trên đó họ định giá trị của những điều họ sẽ từng trải. Sự bình thường của nếp sống hằng ngày khiến họ ngờ vực rằng có thể họ đã mất ân điển Chúa. Và rồi người nghiện đã được phục hồi, hoặc người vừa được nếm trải ân điển Chúa hãy còn non nớt trong đức tin, vội vã lao đầu vào những hoạt động hầu mong tìm lại được trạng thái ban đầu mà rất có thể họ sẽ chẳng bao giờ được kinh nghiệm nữa. Họ đã lầm lẫn khi tin rằng sự vui mừng về sự cứu rỗi mà họ có lúc ban đầu là thước đo mức độ tình yêu và sự chắp nhận Chúa dành cho họ, do đó họ đi đến kết luận rằng bất cứ trạng thái nào sa sút hơn so với cao độ của xúc cảm đó là dấu hiệu Chúa không đẹp lòng về họ.

Một sự nghiện ngập khác?

Vậy người tín hữu sơ sinh trong Chúa phải làm gì bây giờ? Kinh nghiệm mà anh vừa trải qua đã trở thành một khuôn vàng thước ngọc mà anh phải dùng để đo lường mọi sự. Nhưng sự vui mừng anh đã cảm nhận, sự tự do anh vừa từng trải, sự sáng suốt của tâm trí khi anh vui mừng đối diện với Đấng Toàn Năng, và nhiều phúc lợi tuyệt vời khác từ khi anh đến với Chúa, càng lúc càng trở nên hiếm hoi. Trong lúc nôn nả quay về với phút ban đầu lạ lùng đó, người tín hữu sơ sinh bận rộn với mọi hoạt động mà anh nghĩ có thể đem lại sự vui mừng mà càng lúc càng xa dần trong tầm mắt. Các buổi học Kinh thánh, sách vở, nhóm bồi lình, làm chứng, và bất cứ điều gì mà một người tín hữu thường làm. Nhưng ngoại trừ vài khoảnh khắc được bay cao trên cánh chim ưng, nỗ lực càng tăng thì gánh càng nặng hơn.

Phải chăng người được thoát khỏi một sự nghiện ngập đã tìm được một sự nghiện ngập khác để thay vào đó, mặc dầu không đến nỗi tai hại bằng ma túy nhưng cũng có cùng một mục tiêu là làm tạm nguôi những đau đớn và trống vắng trong tâm hồn? Tại thời điểm này người được cứu khỏi sự nghiện ngập đang trải qua cùng một cuộc chiến đấu mà nhiều Cơ-đốc nhân đối diện hằng ngày. Phép lạ ban đầu mặc dầu đã giúp người tín hữu bắt đầu đời sống mới, nó cũng đã đưa người đó vào trong cuộc hành trình chung với toàn thể nhân loại; người đó kết cuộc vẫn là tội nhân được cứu bởi lòng thương xớt của Đức Chúa Trời.

Cố làm trọn bởi nỗ lực con người?

Một người nghiện ngập được phục hồi cũng không hơn gì người đến với Chúa cách trầm lặng hơn, về cách họ phải sống những chuỗi ngày còn lại cho đến khi gặp Chúa. Điều oái oăm là, nghiện hoặc không nghiện, mặc dâu tất cả đều vào nước Trời bởi ân điển và qua đức tin không bởi những thành quả cá nhân, hầu hết đều quay trở về dùng xác thịt để đi cho trọn cuộc hành trình. Sứ đồ Phao-lô bày tỏ sự bất bình của ông về điều đó như sau:

1Hỡi người Ga-la-ti ngu muội kia, ai bùa ếm anh em là người Ðức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá? 2Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Ðức Thánh Linh? 3Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Ðức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? (Galatians 3:1-3)

Bạn khởi đầu nhờ quyền năng của Thánh Linh, hoàn toàn bởi sự trông cậy nơi sự nhân từ của Đấng Christ, bây giờ bạn lại dùng sức riêng của mình để đi đến đích? Sứ đồ Phao-lô nói rằng làm như vậy là dại dột. Một người được cứu chỉ trong tích tắc, chẳng hạn như trong lời cầu nguyện “Chúa Giê-su, khi về nước Ngài xin hãy nhớ đến tôi” (Luke 23:43), nhưng đồng đi với Chúa kể từ giây phút đó có thể là một quãng thời gian rất dài. Vậy nếu bạn hoàn toàn cậy vào ân điển Chúa và Thánh Linh ban sự sống của Ngài trong khoảnh khắc đầu tiên đó để được trở nên công dân nước Ngài, thì có lý do gì bạn lại cậy vào điều gì khác để sống quãng đời còn lại, một điều gì đó đến từ công đức, khả năng, và các đặc tính dễ dẫn đến sự khoe mình?

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất mãn trong đời sống đa số các tín hữu. Họ khởi đầu từ con số không, nhưng rồi sau đó lại nhìn vào chính mình và cậy vào bản năng để đi trọn cuộc hành trình. Họ khởi đầu nhìn lên Đấng Cứu Thế đã cứu họ từ vực thẳm của tội lỗi, hoặc từ nạn nghiện ngập ma túy như trong trường hợp của người viết lời làm chứng trong câu truyện ở trên, bây giờ họ lại nhìn vào chính mình để vận động năng lực của chính mình hầu đi cho đến đích. Sự quay trở về với sức mạnh của xác thịt chính là cội rễ của điều ác đã gây phiền não trong đời sống nhiều tín hữu. Điều khiến người nghiện ngập ma túy trật phần ân điển không phải là những lần họ vấp ngã dưới sức mạnh của độc dược, nhưng kẻ thù chính của anh là sự tự xưng công bình bởi chính mình.

Bởi họ không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Đức Chúa Trời; (Romans 10:3)

For they don’t understand God’s way of making people right with himself. Refusing to accept God’s way, they cling to their own way of getting right with God by trying to keep the law. (Romans 10:3—NLT)

Tội lỗi thêm sức mạnh vì luật pháp

Thế nhưng tại sao nhiều người lại trở về với sự trông cậy nơi sức mạnh của xác thịt, mà xác thịt đó đã chết trong tội lỗi trước khi họ đến với Chúa, cùng một xác thịt đã bất lực trước sức mạnh của ma túy như trong trường hợp của người nghiện ngập trong câu truyện kể trên, và cũng là xác thịt vô ích cho nhân loại trong nỗ lực tìm sự công bình để được trở nên công dân nước Trời?

Nguyên nhân chính của nan đề lan rộng này là sự thiếu hiểu biết trọn ven sự tha thứ mà Đấng Christ đã thể hiện trọn vẹn trên thập tự giá. Dầu các tín hữu có thể trả lời đúng nhữn câu hỏi trong thần học, điều họ tin trong lòng thì khác hẳn với câu trả lời của họ. Họ không thực sự hiểu ý nghĩa của lời Chúa Giê-su thốt lên trước khi Ngài thở hơi cuối cùng: “Mọi sự đã được trọn.” Đối với họ, còn nhiều tội cần được tha, còn nhiều việc cần làm, trước khi họ có thể ra mắt Đức Chúa Trời. Mặc dầu họ xưng nhận chân lý rằng Chúa Giê-su chết một lần đủ cả cho tội lỗi không những của chính họ, mà cho cả thế gian, họ vẫn sợ hãi rằng Chúa vẫn còn buộc tội họ, và vì thể họ chưa đủ điều kiện để gặp Ngài, và vô số những lý do khác nữa khiến họ thấy mình không xứng đáng trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời.

Vậy Chúa đã chết trên thập tự giá với mục đích gì? Ý nghĩa của sự Chúa chết một lần đủ cả cho toàn thế gian? Ngài có ý gì khi phán: “Mọi sự đã được trọn”? Tôi tin chắc hầu hết các tín hữu biết câu trả lời cho những câu hỏi trên, nhưng điều họ không giải quyết được, hay nói đúng hơn là điều họ không dám đặt trọn niềm tin vào, là sự giải quyết trọn vẹn vấn đề tội lỗi trên thập tự giá, hiện tại và cho đến đời đời, rằng sự chết của Chúa đã cho họ trọn quyền trở nên con cái Đức Chúa Trời, trở nên công dân nước Ngài, làm bạn với Ngài, được kể như toàn hảo, không chỗ trách được trước mặt Ngài, và mọi điều Ngài ban cho cùng với sự cứu rỗi: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban MỌI SỰ luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Romans 8:32)

Và tuyệt vời hơn hết, MỌI SỰ bao gồm sự hiện diện của chính Chúa trong lòng bất cứ ai xưng danh Giê-su. Bạn có thể tưởng tượng được chính Chúa, Thánh Linh, ở trong lòng mình, và Đấng Christ trong lòng là sự trông cậy vinh hiển? Lại nếu Chúa ở cùng , thì tại sao bạn lại cố gắng “dùng xác thịt của mình để làm cho trọn” (Galatians 3:3)? Tại sao bạn lại làm cho “hoàn hảo—perfect” hơn điều mà Đấng Christ đã làm trọn?

Sự thiếu đức tin vào sự trọn vẹn trong Đấng Christ đã đẩy họ trở về trong vòng tay của luật pháp với hy vọng rằng khi họ tuân theo thì sẽ được đẹp lòng Chúa. Nhưng có một vấn đề nan giải trong sự cậy vào luật pháp. Vì chẳng bao nhiêu vâng lời, việc lành, xả thân, nào cho đủ để nối liền khoảng cách giữa một cảm giác thiếu sót thấy mình chưa đến nơi đến chốn, và sự an nghỉ biết rằng mình đã được Chúa chấp nhận hoàn toàn để tiếp vào nước Ngài. Ngược lại, điều duy nhất có thể nối liền khoảng cách đó là việc Chúa đã hoàn tất trên thập tự giá. Việc đó không phải là một tiến trình liên tục, như các của lễ thiêu phải được lập đi lập lại, nhưng là một việc Chúa làm một lần đủ cả khiến chúng ta trở nên trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời. Bạn sẽ vẫn phạm tội, và thực ra bạn có thể sẽ lại rơi vào sự nghiện ngập, không phải chỉ một lần mà bảy mươi lần bảy, nhưng Chúa sẽ luôn luôn nhìn bạn qua Con Ngài: “Này là Con yêu dấu ta, đẹp lòng ta mọi đàng. (Matthew 3:17)”

Matthew 5:48 viết về Đức Chúa Trời: “Các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” Vậy, nếu Đấng Christ chưa ban cho bạn đủ sự trọn vẹn, thì đến bao giờ? Thêm một buổi nhóm bồi linh? Thêm một tiệc thánh? Một câu Kinh thánh nữa để ghi nhớ nằm lòng? Một linh hồn nữa để đem về nước Chúa? Không, nếu bạn không trọn vẹn đủ để đẹp lòng Chúa ngay bây giờ thì bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được điều đó. Hôm nay, bạn có thể đặt trọn đức tin vào lời Chúa hứa cho tên trộm trên thập tự cạnh Ngài đêm đó: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Luke 23:43)

Bạn sẽ thật được tự do

Đây là cách bạn đồng hành với Chúa sau giây phút nhiệm mầu đã đưa bạn trở về từ cõi chết. Rằng bất kể tình cảm nào đang trải qua trong lòng bạn, bất kể công việc nào bạn sẽ làm trong xác thịt, tình yêu và sự chấp nhận của Chúa dành cho bạn sẽ không bao giờ thay đổi hôm qua, hôm nay, và cho đến đời đời.

Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ. (Phillipians 1:6)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , , and