Chống Trả Tội Lỗi

Hebrews 12:4. Ý nghĩa của câu Kinh Thánh "Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chống cự chưa đến mức đổ máu."? Phải chăng mục đích của đời sống tín hữu là chống trả với tội lỗi?

Hebrews_12:4 viết: "Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chống cự chưa đến mức đổ máu." và trên khắp địa cầu, sứ điệp phổ thông từ các tòa giảng khắp nơi đều nói rằng, bằng mọi giá, chúng ta phải chống trả tội lỗi dù có phải đổ máu, dù có phải hy sinh mạng sống. Bài viết này sẽ chứng minh rằng những giải thích phổ thông này đều sai lầm, và gây ra biết bao đau đớn và hoang mang cho những người đang tìm cách sống cho xứng đáng với sự cứu rỗi mà họ nhận được.

Phần mở đầu

Phúc Âm nghe rất hấp dẫn nhất là đối với những kẻ đã từng lao lực trên con đường tôn giáo mà chẳng hy vọng được siêu thoát. Họ nghe nói về lời hứa của Chúa Giê-su về nước hằng sống, về sự an nghỉ cho người mệt mỏi vì gánh nặng, về sự bình an vượt ngoài sự hiểu biết, và về sự Chúa đã chịu chết để cất đi gánh nặng tội lỗi của cả nhân loai, và họ đặt niềm hy vọng vào tôn giáo tuyệt vời đó. Nhưng một khi họ vào trong niềm tin, sau một giai đoạn trăng mật với niềm vui khó tả, chợt họ thấy mình lại quay về trên con đường cũ. Họ bối rối nhưng không biết rõ điều gì thực sự đã xảy ra. Những sự giảng dạy họ nghe từ các tòa giảng những thập niên qua nghe dường như khác với điều họ đã nghe khi còn bước đi trong tăm tối. Họ đã thường được nghe về sự tha thứ tội lỗi, bây giờ họ chỉ nghe về những cảnh cáo về tội lỗi mà họ phải "chống trả dù có phải đổ máu." Đối với họ, những người tín hữu Cơ-đốc vẫn chưa giải quyết được vấn đề tội lỗi.

Đã hơn một lần trong những năm tháng đó họ đã nghe những lời giảng dạy từ Hebrews 12:1-4 để lại trong lòng họ một ấn tượng rằng những nan đề của họ vẫn còn đó. Ký ức của tình yêu ban đầu khi họ quỳ gối dưới chân thập tự giờ chỉ còn là một bóng mờ. Chắc Chúa đã chẳng thực sự tha thứ họ đâu. Mặc dầu số lần họ nghe những bài giảng đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng cũng đủ để đe dọa họ với hình bóng của những người khổng lồ trong đất hứa, đủ để hạt giống nghi ngờ và sợ hãi về số phận đời đời của họ nẩy mầm và lớn mạnh.

1Vậy nên, vì chúng ta có cả một đám mây nhân chứng rất lớn bao quanh, hãy vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương, kiên trì chạy trong cuộc đua đã dành sẵn cho mình. 2Hãy chú tâm, hướng về Đức Giê-su là Đấng Tác Giả và hoàn thành của đức tin. Vì niềm vui mừng đặt trước mặt, Ngài chịu đựng thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, nên được ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời. 3Hãy suy nghiệm về Đấng đã đương đầu với sự chống đối của những kẻ tội lỗi như thế để anh chị em khỏi mệt mỏi, ngã lòng. 4Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chống cự chưa đến mức đổ máu (Hebrews 12:1-4).

Tội lỗi dễ vấn vương

Những phần có gạch dưới trong đoạn Kinh thánh trên dường như xác chứng lối giải thích phổ thông rằng chúng ta phải bằng mọi cách gạt bỏ hết những gánh nặng, hoặc tội lỗi, hầu có thể chạy cuộc đua bày ra trước mắt chúng ta. Nghe rất hợp lý phải không quý bạn đọc? Sự một người phải tìm cách loại bỏ tất cả những điều có thể ảnh hưởng cuộc chạy của mình là một điều hợp với lẽ thường tình. Do đó trong cuộc chạy của người tín hữu, tội lỗi là một ngăn trở lớn mà người đó phải vượt thắng về mọi phương diện.

Nhưng tội lỗi dễ vấn vương đó là gì? Phải chăng là những tội lỗi mà người đời thường phạm phải, hay là một tội nào đó? Chúng ta phải trở về phần đầu của sách Hebrews ở điểm mà tác giả thiết lập nền tảng hầu giúp chúng ta xác định tội này là tội gì.

Trong chương 2, tác giả cảnh cáo tín hữu về nguy cơ của sự “trôi lạc.” Điều này cho chúng ta một dấu hiệu hầu giúp chúng ta xác định điểm mà từ đó chúng ta có thể bị trôi lạc. Có thêm nhiều điểm quan trọng mà tác giả Hebrews đã trình bày có thể hỗ trợ thêm trong sự xác định điểm đó, nhưng có lẽ chúng ta chỉ cần làm sáng tỏ hai điểm chính, là tội lỗi dễ vấn vương và sự trôi lạc thì cũng đủ để đạt được mục đích của bài viết này. Bây giờ chúng ta hãy suy xét về ý niệm kế tiếp là sự “trôi lạc.”

Nguy cơ trôi lạc

1Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng. 2Vì nên lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, 3mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta, 4Ðức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Ðức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó (Hebrews 2:1-4).

Đa số các tín hữu tin rằng họ đã bị trôi lạc khi công ăn việc làm, tình trạng gia cảnh, sức khỏe, hoặc bất cứ điều riêng tư gì khiến họ không đến nơi thờ phượng được thường xuyên, khiến họ không tham dự được những mục vụ trong hội thánh, hoặc sự sa ngã của họ về một phương diện nào đó đem lại nhiều khổ đau cho bản thân và gia đình, đến nỗi họ tự hỏi mình có thực sự được cứu không. Họ cảm thấy có thể bị trôi lạc nếu không tham dự mỗi buổi nhóm cầu nguyện, nếu không dâng một số tiền nào đó đáng kể khi có giáo sĩ đến thăm hội thánh, và hằng hà sa số những điều khác quan trọng trong tầm mắt họ để giữ họ trong đường thẳng và hẹp.

Nhưng bất kể sự trôi lạc này là gì, nó không thể là những sự kể trên, vì câu 3 ở trên bao hàm một sự cấp bách: “làm sao tránh cho khỏi được?” Lại nếu sự trôi lạc này là một trong những điều kể trên thì chẳng tín hữu nào được cứu vì mọi người đều không ít thì nhiều trải qua những trường hợp đem lại sự sợ hãi bị trôi lạc.

Chương trình cứu rỗi của Chúa không thể nào lại đặt trên một nền tảng hay dời đổi. Nếu Chúa cho nhân loại một con đường để được cứu, thì hẳn sự hư mất chắc phải dựa trên sự không đi theo con đường đó. Nhưng sứ điệp chúng ta nhận từ đa số các nguồn trong đạo đều không đơn giản như vậy. Theo các nguồn này, mặc dù chỉ có một con đường cứu rỗi, nhưng có hằng ngàn điều có thể dẫn chúng ta đến sự hư mất.

Chúng ta sẽ quay trở lại tại một điểm mà ở đó chúng ta xác định sự trôi lạc. Nếu không có một sự nhận diện chính xác sự trôi lạc từ đâu, thì cả một guồng máy dựa trên sự hiểu biết mơ hồ và sự non nớt của tín hữu khiến tốn thì giờ và tiền bạc mà chẳng đem lại lợi ích gì.

Sự đổ huyết

Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là khi đọc phần này của đoạn Kinh thánh: “Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chống cự chưa đến mức đổ máu” thì chúng ta nghĩ ngay đến sự vật lộn với xác thịt. Nhưng sách Hê-bơ-rơ nói gì về sự đổ huyết, về ý nghĩa và mục đích của nó?

Trong chương 9, sau khi tác giả sách Hebrews miêu tả vai trò của thầy tế lễ vào nơi chí thánh để dâng huyết chiên và bò đực vì tội lỗi của dân sự, liền so sánh huyết đó với sự mầu nhiệm tuyệt đối của huyết Đấng Christ. Huyết hèn yếu của chiên và bò đực chỉ mang lại sự trong sạch tạm thời về nghi lễ, nhưng huyết của Đấng Christ có hiệu năng phá bỏ bức màn ngăn cách giữa nơi chí thánh và xác thịt hay hư nát hầu nhân loại được đến gần Đức Chúa Trời. Huyết đó thực hiện được điều này qua sự rửa sạch lương tâm.

13Vì nếu huyết của dê đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, 14huống chi huyết của Ðấng Christ, là Ðấng nhờ Ðức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Ðức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Ðức Chúa Trời hằng sống, là dường nào! (Hebrews 9:13-14)

Vai trò của huyết trong bối cảnh này, của súc vật hoặc của Con Một Đức Chúa Trời, là gì? Huyết đó đem lại cho loài người sự tha tội cần thiết trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, một huyết đem lại giải pháp tạm thời còn huyết kia tẩy sạch đời đời. Cả hai đều nhằm mục đich tha tội.

Do đó “Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chống cự chưa đến mức đổ máu” không nói về sự đương đầu với những cám dỗ, nhưng về sự trả giá cho tội lỗi mà mình đã và sẽ còn phạm tiếp tục mãi. Mọi người đều phạm tội, vấn đề là làm sao họ có thể trả giá cho tội đó. Trong Cựu Ước, giá này được trả nhờ huyết chiên và bò đực về phần nghi lễ, còn dưới Tân Ước Chúa Giê-su đã trả hiện tại và cho đến mãi về sau. Đó là cách Chúa Giê-su chống trả với tội lỗi. Các bạn đọc có nhận thức rằng Chúa Giê-su không thể nào bị cám dỗ vì Ngài không mang bản chất tội lỗi, và Ngài chính là Đức Chúa Trời. Mục đích của sự đổ huyết của Ngài hoàn toàn khác với những luận lý từ các tòa giảng chỉ chuyên hướng về sự kềm hãm xác thịt. Hơn nữa, đúng ra chúng ta có thể thấy điều này qua sự đổ huyết của các của lễ: chẳng phải để chống lại sự cám dỗ, nhưng để tha tội.

Tôi thiển nghĩ từ điểm này trở đi chúng ta có thể loại bỏ vấn đề đổ huyết khỏi bài toán mà chúng ta đang tìm cách phân giải. Nhưng bài viết này không thể chấm dứt tại đây mặc dù tựa đề của nó là dựa trên ý niệm “chống cự đến nỗi đổ huyết.” Những áp dụng rút tỉa một cách tương tự từ các ý niệm về “sự trôi lạc” và “tội lỗi dễ vấn vương” vẫn còn cần được làm cho sáng tỏ thêm vì ảnh hưởng sâu đậm của chúng.

Trở lại với vấn đề “tội lỗi”

Chúng ta tự hỏi một lần nữa: Tội lỗi dễ vấn vương là gì? Câu hỏi này không nói về những tội lỗi (số nhiều), nhưng nói về một tội (số ít). Nó nói về một tội lỗi duy nhất.

Ngày xưa có lời viết trong John 16:8 rằng Chúa Giê-su miêu tả vai trò của Đức Thánh Linh khi Ngài đến như sau:

Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian nhìn nhận họ sai lầm về tội lỗi … (John 16:8)

Thế gian đã sai lầm về tội lỗi như thế nào? Chẳng phải thế gian vẫn thường nghĩ rằng tội lỗi là những điều sai lầm mà họ làm, hoặc những điều lành mà họ không làm, thì họ sai ở chỗ nào? Chúa Giê-su phán tiếp:

… Về tội lỗi, vì họ không tin ta (John 16:8).

Cho dù một người nào đó có tránh phạm những tội mà người ta thường phạm, thì họ cũng vẫn ở trong tội lỗi, vì họ vốn sinh ra trong sự hư nát, nhưng khi họ đặt niềm tin nơi Chúa Giê-su thì Ngài giải phóng họ khỏi tội lỗi.

Rồi nhiều năm sau khi Chúa Giê-su trở về trời để lại cho loài người sứ mạng giảng hòa, thì Ngài cho tác giả sách Hê-bơ-rơ nhiệm vụ nhắc nhở loài người một lần nữa về ý nghĩa của tội lỗi:

18Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự yên nghỉ của Ngài? Há chẳng phải với những người không vâng lời sao? 19Vả, chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì cớ không tin (Hebrews 3:18-19).

Nơi yên nghỉ của Chúa là nơi mà tội lỗi được thứ tha, nơi loài người với mặt trần không che phủ được ở trong sự hiện diện của Chúa mà không xấu hổ, nơi họ được gọi Đức Chúa Trời là Cha. Tác giả Hê-bơ-rơ nhắc nhở độc giả về ngày mà dân Chúa đến trước bờ sông Giô-đanh, họ chỉ cần vâng lời Chúa bước qua sông thì được vào đất hứa. Nhưng thay vì tin lời hứa của Chúa rằng Ngài sẽ cho họ vào đất hứa, thay vì tin lời làm chứng của Giô-suê và Ca-lép, họ chọn để nghe lời mười thám tử thuật lại về những người khổng lồ họ thấy trong đất đó. Đó là sự không vâng lời của họ, đó là sự chẳng tin đã gợi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời khi Ngài thề rằng họ sẽ “chẳng bao giờ được vào nơi an nghỉ của Ngài”

Do đó lại thêm một lần tác giả Hê-bơ-rơ xác định điều Chúa Giê-su nói về tội lỗi: CHẲNG TIN.

Đó chính là tội lỗi dễ vấn vương. Đó là tội gây cho nhiều tín hữu không tin vào lời hứa về sự cứu rỗi của Chúa Giê-su cho những kẻ tin Ngài. Đây chính là điểm sai của các mục vụ khi chính ra họ phải giảng hòa giữa Đức Chúa Trời và loài người thì lại khiến họ xa cách Ngài hơn, khi họ dành mọi nỗ lực cho một chiến trận sai lầm, chú tâm về tội lỗi (số nhiều) thay vì giúp các tín hữu quyết tin nơi Đấng mà Đức Chúa Trời sai đến (John 6:29).

Sự trôi lạc …

Chúng ta hãy trở lại với đoạn Hebrews 2:1 viết như sau: “Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng.” Điều gì họ đã nghe? Còn điều gì ngoài chân lý đơn sơ rằng tội lỗi tóm lại là tội chẳng tin? Chẳng phải họ đã nghe rằng ai có Chúa Giê-su thì có sự sống (1 John 5:2)? Họ đã không nhớ những điều đã xảy ra cho những kẻ không vượt sông Giô-đanh để vào đất hứa vì tội chẳng tin sao? Họ đã không nhớ điều Chúa Giê-su đã nói khi Ngài còn sống trong vòng họ phán rằng tội thật là tội không đặt niềm tin nơi Ngài (John 16:8)?

Đừng trôi lạc khỏi chân lý đơn sơ nhưng vĩnh cửu đó: Chúa Giê-su là Con Đường, Chân Lý, và Nguồn Sống. Đừng thêm gì vào đó, cũng đừng lấy điều gì đi.

Chống trả đến nỗi đổ huyết

Chúng ta hãy trở lại với giả niệm rằng những tội lỗi phải chống trả đến nỗi đổ huyết là những vi phạm không xứng hợp với tư cách người tin Chúa, nhưng như đã được trình bày trong tiểu đoạn “Sự đổ huyết” ở trên, sự chống trả không phải là với bản chất tội lỗi, nhưng là với những khó khăn trong sứ mạng rao truyền tin lành cứu rỗi. Hãy đọc lại đoạn Kinh thánh gốc của bài viết này:

3Hãy suy nghiệm về Đấng đã đương đầu với sự chống đối của những kẻ tội lỗi như thế để anh chị em khỏi mệt mỏi, ngã lòng. 4Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chống cự chưa đến mức đổ máu (Hebrews 12:3-4).

Câu 3 ở trên cho chúng ta thấy sự chống trả mà Chúa Giê-su phải chịu đựng là từ những người hư mất, và chúng ta được khích lệ để đừng ngã lòng khi phải đương đầu với những chống trả như vậy khi rao truyền tin mừng cứu rỗi. Mặc dầu chính Chúa đã phải chống trả đến nỗi đổ huyết, tác giả Hê-bơ-rơ nhắc nhở người đọc rằng họ đã chẳng đến nỗi phải đổ huyết như vậy. Nhưng cho dù họ có phải đổ huyết hay không, sự chống trả trong bối cảnh của đoạn Kinh thánh này không phải là đối với xác thịt của chính mình, nhưng từ những kẻ còn trong sự hư mất. Do đó, sự chống trả là với tội lỗi của người khác, không phải của chính mình. Vì vậy, những giải thích và áp dụng không đúng nguyên tắc đặt người tín hữu vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát vì họ phải tranh đấu với một kẻ thù đã bị vô hiệu hóa nhưng vẫn còn đáng sợ trong lòng người tín hữu thiếu đức tin. Và vì thế, điều đó trở nên một kẻ thù trong trí tưởng tượng nhưng luôn đắc thắng, giống như những người khổng lồ trong đất hứa trong mắt của mười người thám tử vô tín.

Kết Luận

Sự đổ huyết chẳng liên hệ gì đến sự chống lại những cám dỗ của tội lỗi, nhưng liên hệ đến sự tha thứ tội lỗi mà chỉ mình Chúa Giê-su mới có thể ban cho. Sự đổ huyết theo phương cách của Đức Chúa Trời chỉ có thể qua bò hoặc chiên đực không tì vết một cách giới hạn trong thời Cựu Ước, và trên hết, chỉ duy nhất, qua Đấng Christ trong thời Tân Ước để ban sự công bình mang đến sự sống đời đời cho những ai tin. Ngoài những điều đó, chẳng có sự đổ huyết nào khác trong chương trình cứu rỗi cho nhân loại.

Tội lỗi dễ vấn vương là tội chẳng tin, tội không đặt trọn niềm tin nơi sự làm trọn của Đấng Christ trên thập tự giá.

Trong sự đương đầu với tội lỗi thế gian, Chúa Giê-su đã phải đổ huyết của chính Ngài. Còn đối với chúng ta là những kẻ được giao cho chức vụ giảng hòa giữa Đức Chúa Trời và loài người, có người phải đổ huyết vì sự chống đối, nhưng sự đổ huyết của họ không phải là điều bó buộc phải trải qua hoặc có hiệu nghiệm gì hầu đem lại sự tha thứ cho bất cứ ai.

Cuộc vật lộn với tội lỗi của bản thân đã được chiến thắng bởi Chúa Giê-su khi ngài chết trên cây thập tự. Và chúng ta cũng vậy, đã chiến thắng ảnh hưởng của tội lỗi bởi đức tin. Chúng ta không còn vật lộn với tội lỗi của xác thịt nữa (Ephesians 6:12), nhưng với những giáo điều gây nghi ngờ về sự hữu hiệu của Đấng Christ. Chúng ta vẫn còn phạm tội, nhưng không còn bị ám ảnh bởi những ảnh hưởng của tội lỗi nữa.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and