Cố Ý Phạm Tội

Hebrews 10:26-27 viết về tội gì? Những tội thông thường mà người tin Chúa nên tránh bằng mọi giá? Hoặc một điều gì đó đặc biệt khiến tác giả phải viết lời cảnh cáo nghiêm trọng? Bài viết này đề nghị rằng tội cố ý trong đoạn Kinh thánh này không nói về những vi phạm thông thường, nhưng về một vi phạm đặc biệt đến nỗi phải chịu sự phán xét của Chúa, đe doạ về lửa hừng, một tội khiến người phạm trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời.

26Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi (Hebrews 10:26-27).

Ý Chính

Ngược lại với những giải thích phổ thông, sự cố ý phạm tội ở đây không phải là đối với luật của sự tội và sự chết, nhưng đối với luật thần linh sự sống. Đối tượng của đoạn Kinh Thánh này chắc chắn là những người mặc dù xưng nhận Đấng Christ nhưng vẫn đương đầu với vấn đề tội lỗi như thể sự hy sinh của Chúa là không đủ, họ vẫn còn dâng những của tế lễ cho những sự vi phạm, nhưng chúng không còn hiệu nghiệm nữa. Khi Đấng Christ đến trong vai trò của sinh tế toàn hảo ban cho từ chính Đức Chúa Trời thì Ngài đã phế bỏ hệ thống dâng của tế lễ cũ. Vì đã biết điều đó qua sự giảng dạy của các sứ đồ, mà họ vẫn ỷ lại vào các vật tế lễ cũ của huyết bò và dê đực (Hebrews 10:4), như thế họ đã cố ý phạm tội vì đã không đặt niềm tin trọn vẹn nơi Đấng Christ, và trong việc làm đó họ đã chọn để sống dưới luật pháp, và vì đó họ sẽ chịu sự xét đoán của luật pháp (Galatians 3:12). Vì cậy nơi các của tế lễ khác thay vì Đấng Christ, họ đã trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời (Hebrews 10:29).

Nguồn gốc từ Cựu Ước

Đọc từ đoạn Kinh thánh Numbers 15:22-31 (Dân Số Ký) chúng ta học được rằng “một con dê cái giáp năm làm của lễ chuộc tội” có thể được dùng cho một người lỡ lầm phạm tội. Tuy nhiên người cố tình phạm tội, khinh bỉ Đức Giê-hô-va, thì sẽ bị truất khỏi dân sự, và không của lễ nào có thể chuộc tội cho người đó.

Nói một cách ngắn gọn, lỡ lầm vi phạm vào điều răn của Đức Chúa Trời có thể được tha thứ bởi dùng một của lễ, nhưng tội đến bởi sự cố tình thì không tha thứ được.

Một vài ý chính nẩy ra từ những câu gốc của bài viết này:

  • Cố ý phạm tội
  • Nhận biết lẽ thật
  • Không còn có của lễ chuộc tội nữa
  • Sự phán xét
  • Kẻ bội nghịch (kẻ thù của Đức Chúa Trời)

Chúng ta hãy suy gẫm về những ý này từ cả hai khía cạnh của Cựu Ước và Tân Ước hầu có thể biết cách rõ ràng hơn làm sao để áp dụng trong niềm tin. Một điều quan trọng là chúng ta phải ý thức rằng Cựu Ước, và những mệnh lệnh quản trị mối liên hệ giữa loài người và Đức Chúa Trời trong giai đoạn đó, chỉ là hình bóng của những việc sẽ xảy đến trong thời Tân Ước. Kinh thánh cho chúng ta thấy rõ hình bóng chẳng phải là hình thật như được bày tỏ trong thân vị của Chúa Giê-su và những việc lớn Ngài đã làm. Chúng ta phải đi theo Người—Đường Đi, Chân Lý, và Nguồn Sống—, thay vì đi theo bóng (Colossians 2:17; Hebrews 10:1). Kinh thánh cũng cho thấy rõ Tân Ước đến để thế vào Cựu Ước đã quá hạn của nó như đã được viết trong Hebrews 8:13: “Gọi ước đó là ước mới, thì đã xưng ước trước là cũ; vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.” Cựu Ước vẫn còn hiệu lực về phương diện nó vẫn cần thiết để dẫn đưa thế giới đến niềm tin trong Chúa, nhưng khi họ đã đầu phục Chúa thì bước vào mối liên hệ dưới Tân Ước. Nhiều tín hữu vì không hiẻu rõ Kinh thánh nên vẫn tìm cách sống dưới cả hai giao ước, và như thế họ đã phạm tội ngoại tình thuộc linh (Romans 7:1-4).

1. Cố Ý Phạm Tội

26Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi (Hebrews 10:26-27).

Nhìn từ Cựu Ước

Đọc trong Numbers 15:22-31 (Dân Số Ký) chúng ta thấy có hai thứ tội, tội cố ý và tội lầm lỡ mà chỉ tội lầm lỡ mới được chuộc nhờ một của lễ.

Mọi tội lỗi đều đặt nền tảng trên sự vi phạm vào một hay hơn trong Mười Điều Răn, nhưng điểm khác biệt là vì vô tình hay cố ý. Đây là điểm mà vấn đề trở nên phức tạp. Theo Deuteronomy 17:6 (Phục Truyền Luật Lệ Ký), cần phải có hai hoặc ba người chứng thì kẻ phạm tội mới bị tử hình hoặc bị truất khỏi dân sự. Chúng ta có thể nêu lên câu hỏi làm sao người chứng có thể nhìn vào tấm lòng của kẻ phạm tội để biết động lực thúc đẩy họ. Tuy nhiên chúng ta không cần phải giải quyết vấn đề về duyên cớ của sự phạm tội, vì trong Tân Ước Chúa sẽ cho chúng ta thấy tỏ tường về ý nghĩa của tội lỗi và sự tha thứ.

Nhìn từ Tân Ước

Đức Chúa Trời hẳn phải biết sự khó khăn của vấn đề phân biệt vô tình hay cố ý trong sự phạm tội, nhưng Ngài muốn cho nhân loại đi đến đường cùng, để xem họ có thể dùng khả năng “biết điều thiện và ác” mà bước đi với Ngài không.

Khi Đấng Christ đến thế gian cũng là lúc Đức Chúa Trời bắt đầu chỉ cho nhân loại một con đường tốt hơn. Cho họ thấy Ngài không phân biệt tội thuộc cỡ ruồi hay lạc đà, vô tình hay cố ý, tội nhẹ hoặc tội trọng, vì “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời (Romans 3:23).” Ngài cho họ thấy mọi người phải chịu phần của sự hư mất.

Ngài tuyên bố với thế giới rằng họ chỉ nên lo lắng về một điều; chỉ một tội đáng bị gọi là cố ý; chỉ một tội không có của lễ nào chuộc được. Và Ngài nói về vai trò của Đức Thánh Linh khi nói về ý nghĩa của tội lỗi:

8Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. 9Về tội lỗi, vì họ không tin ta (John 16:8-9)

Thế gian vẫn thường sai lầm về ý nghĩa của tội lỗi? Phải, thế gian cứ xu hướng về tội lỗi và sự phân loại của chúng. Tội cố ý là tuỳ theo câu trả lời cho câu hỏi sau đây: Bạn có tin vào Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến? Thực vậy, Đức Chúa Giê-su đã nói về điều này ở đoạn trước trong sách Giăng:

28Chúng thưa rằng: Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc Ðức Chúa Trời? 29Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi tin Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài. (John 6:28-29)

Để nhấn mạnh thêm về vai trò của Đức Thánh Linh trong sự sửa đổi cái nhìn của thế gian về tội lỗi, Chúa Giê-su phán trong Matthew 12:31:

31Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Ðức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu (Matthew 12:31).

Mọi tội đều được tha chỉ ngoại trừ một tội. Không cần phải phân biệt giữa ruồi và lạc đà nữa. Ngay cả nói phạm đến Đức Chúa Trời còn được tha thứ, nhưng đừng bao giờ tráo đổi sứ điệp của Đức Thánh Linh: tội lỗi là vì không tin nơi Đấng Christ. Chữ Hy-lạp nguyên thuỷ có thể được dịch để mang ý nghĩa “phạm thượng,” “xuyên tạc,” hoặc “bóp méo,” mà chữ “bóp méo” có lẽ là từ dịch chính xác nhất, mang ý nghĩa bóp méo sứ điệp của Thánh Linh (bấm vào đây để đọc thêm về ý nghĩa chữ “nói phạm”).

Kẻ xuyên tạc Thánh Linh lôi kéo mắt người ta khỏi mục tiêu duy nhất và chính yếu: Đấng Christ, và hướng mắt họ đến hằng hà những ruồi và lạc đà, vô tình và cố ý, của tội lỗi. Kẻ đó dẫn họ từ địa vị biết chắc vững vàng của sự cứu rỗi đến thế giới hỗn độn của sự theo đuổi không ngừng nghỉ từ tội này đến tội kia.

Bối cảnh của Hê-bơ-rơ 10

Đến đây chúng ta đã giảm thiểu sự lẫn lộn giữa các tội cố ý hoặc vô tình đến chỉ một tội duy nhất đáng kể: tội chẳng tin. Đây là một sự chuyển đổi quan điểm tối yếu trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời; một chuyển đổi từ Cựu Ước qua Tân Ước mà một ước cai quản sự tội và sự chết còn ước kia đức tin và sự sống. Bối cảnh của Hê-bơ-rơ đoạn 10 còn chứng tỏ rõ ràng hơn sự cần thiết của chuyển đổi quan điểm này.

Hebrews 10 khởi đầu bằng cách so sánh hệ thống dâng của lễ trong thời Cựu Ước với Đấng Christ:

1Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Ðức Chúa Trời trở nên trọn lành được. 2Nếu được, thì những kẻ thờ phượng đã một lần được sạch rồi, lương tâm họ không còn biết tội nữa, nhơn đó, há chẳng thôi dâng tế lễ hay sao? 3Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. 4Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được (Hebrews 10:1-4).

Những của lễ đến từ con người
  • không thể khiến những kẻ đến thờ phượng được trọn vẹn
  • phải được dâng không ngừng nghỉ (giống như sự xưng tội ngày nay)
  • nhắc nhở kẻ đến thờ phượng về tội lỗi
  • không thể cất đi tội lỗi
Đấng Christ
  • làm cho kẻ đến thờ phượng được trọn vẹn (kẻ vào thiên đàng phải là người trọn vẹn—Matthew 5:48)
  • được dâng một lần và không bao giờ dâng lại một lần nữa
  • không còn mặc cảm tội lỗi nữa
  • cất đi được tội lỗi

Chỉ với bốn câu Kinh thánh này chúng ta có thể biện minh cho sự dời đổi từ muôn trạng thái của tội lỗi đến chỉ một tội duy nhất là tội chẳng tin, từ dự dâng không ngừng nghỉ những của lễ cho muôn tội đến sự dâng một lần đủ cả của Đấng Christ.

Có một chân lý quan trọng nữa trong các câu Kinh thánh này, không những trong sự bênh vực về sự cần đổi quan điểm, mà còn đem lại đổi thay lớn trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, trong quan niệm về tội lỗi, trong sự ban cho chúng ta bí quyết bình an vượt quá sự hiểu biết mà nhiều tín hữu đã khao khát tìm cầu gần hai ngàn năm từ khi Đấng Christ xuống thế gian. Chân lý về sự hy sinh của Đấng Christ cho chúng ta được “lương tâm không còn biết tội nữa”. Điều này tương phản với những của lễ bằng huyết dê và bò đực lại nhắc cho người dâng về tội lỗi của mình. Bạn có bao giờ nghĩ rằng trong Chúa lương tâm mình được phép không còn biết tội nữa không? Sự biết tội dẫn đến mặc cảm tội lỗi, mà tôn giáo thì sống nhờ mặc cảm tội lỗi của lương tâm.

Do đó tội mà người ta cố ý phạm ở đây là tội bất tuân lời kêu gọi đặt niềm tin nơi Đấng Christ là phương duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Trong khi mọi tội đều được tha thứ, tội chẳng tin cản ngăn ơn tha thứ là điều kiện để làm hoà với Đức Chúa Trời. Nếu cho rằng sự cố tình phạm tội liên hệ đến những tội lỗi đến từ bản chất xác thịt thì không ai vào được nước Đức Chúa Trời, hoặc ít nhất cũng khiến đời sống tin kính không phản ảnh ách êm dịu và gánh nhẹ nhàng mà Chúa Giê-su thường nói đến cho những kẻ theo Ngài.

2. Nhận biết lẽ thật

26Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi (Hebrews 10:26-27).

Phần này kết hợp chặt chẽ với kết luận rằng tội tối hậu là sự chẳng tin. Nếu chúng ta đặt những câu Kinh thánh chính của bài viết này vào bối cảnh rộng lớn hơn của toàn bộ sách Hê-bơ-rơ chúng ta sẽ thấy rằng sự “nhận biết lẽ thật” trong câu 26 là sự nhận biết rằng sự hi sinh của Đấng Christ là một hành động thay thế toàn thể hệ thống dâng của lễ của thời Cựu Ước một lần đủ cả.

Phần đầu của câu 26 có thể được diễn ý như sau:

Vì nếu chúng ta cố tình từ chối không chịu nhận sự tha thứ mọi tội lỗi bởi tin vào lời chân thật đã rao giảng cho chúng ta …

3. Không còn có tế lễ chuộc tội nữa

26Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi (Hebrews 10:26-27).

Trong mối liên hệ qua Cựu Ước, Chúa cho dân sự Ngài một hệ thống tế lễ để ban cho họ một phần nào sự cởi bỏ gánh nặng khi họ không giữ những mệnh lệnh của Ngài, nhưng những của tế lễ đó cứ phải được lập đi lập lại vì họ không tránh khỏi sự tái phạm. Chúa Giê-su đã đem lại sự kết thúc của những của lễ đó qua sự chết của Ngài trên thập tự giá.

14Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời. 15Ðức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy; vì đã phán rằng: 16Chúa phán: Nầy là giao ước ta lập với chúng nó Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó Và ghi tạc nơi trí khôn, 17Lại phán: Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa. 18Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa (Hebrews 10:14-18).

Hệ thống dâng của tế lễ cũ chú về tội lỗi, từng tội một, cố ý hoặc vô tình, không ngừng nghỉ, Đấng Christ đến để thanh toán vấn đề tội lỗi một lần đủ cả, mặc dù tội lỗi vẫn còn phản ảnh trong xác thịt hư nát, ý niệm về tội lỗi đã được tẩy rửa khỏi tâm trí của người đặt trọn niềm tin nơi việc đã được trọn của Đấng Christ. Nhờ đó người đó có thể được yên nghỉ (Matthew 11:28).

4. Sự phán xét

26Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi (Hebrews 10:26-27).

Những câu Kinh thánh này hẳn không phải viết cho người tin Chúa vì sự sử dụng chữ “phán xét”. Romans 8:1-2 viết rằng người tin Chúa thì không còn bị đoán phạt nữa:

1Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Jêsus Christ; 2vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết (Romans 8:1-2).

và sau đó trong câu 34:

Ai sẽ lên án họ ư? Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa. Ngài đang ngự bên hữu Ðức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta. (Romans 8:34).

Tuy nhiên sự phán xét vẫn dành cho những kẻ cố tình từ chối không đặt niềm tin nơi Đấng Christ để được sự cứu rỗi, họ vẫn cậy nơi các phương tiện khác, các của lễ khác, thay vì Đấng Christ.

5. Kẻ thù của Đức Chúa Trời

26Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi (Hebrews 10:26-27).

Trong bối cảnh của đoạn Kinh thánh Hê-bơ-rơ này, chúng ta thấy sự cố ý phạm tội là sự không tin, hoặc sự đặt niềm tin vào một điều gì khác ngoài Đấng Christ. Phao-lô đã viết điều này cho tín hữu Ga-la-ti mà chúng ta có thể nhờ đó thấy điểm tương đồng về tội họ đã phạm:

2Tôi là Phao-lô nói với anh em rằng, nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Ðấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết. 3Tôi lại rao cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp. 4Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi (Galatians 5:2-4).

Trong trường hợp của người Ga-la-ti, sự họ cậy vào phép cắt bì khiến họ bị cắt lìa khỏi Đấng Christ. Họ đã trật phần ân điển trong sự cố tìm sự công bình qua luật pháp. Còn trong trường hợp người Hê-bơ-rơ, họ cậy vào luật pháp qua sự dâng các của lễ bằng huyết dê và bò đực (Hebrews 10:4). Cố tìm sự công bình qua luật pháp trong khi Đấng Christ đã chịu chết để đem lại sự công bình cho họ rồi, vì thế họ trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời.

… huống chi kẻ giày đạp Con Ðức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Ðức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao? (Hebrews 10:29)

Còn chúng ta những tín hữu thời nay, chúng ta cậy nơi điều gì để được Chúa chấp nhận? Việc làm? Công đức?

Kết luận

Trong mắt tác giả Hê-bơ-rơ, tội của đối tượng những thơ ông viết chắc chắn không phải là những tội phạm giữa người đối với người, hoặc ngay cả đối với chính mình, nhưng đối với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên chỉ có một tội đối với Ngài mà không thể được tha thứ: tội rao giảng sai lệch lời Đức Thánh Linh khi Ngài chỉnh lại cái nhìn sai lầm của con người về ý nghĩa thực của tội lỗi: đó là tội chẳng tin nơi Con Đức Trời đã sai đến.

Trong sự trông cậy nơi của lễ bằng huyết dê và bò đực, các tín hữu này phạm tội cố tình không đặt trọn niềm tin nơi việc đã trọn của Đấng Christ. Điều này được chứng tỏ trong hội thánh Ga-la-ti khi họ cậy nơi phép cắt bì, ở hội thánh Cơ-lô-se khi họ giữ ngày này, ngày kia, về phép rửa tay, hoặc các phương pháp hành xác tự làm khổ mình.

Nói tóm lại, Đấng Christ là con đường duy nhất Chúa ban để chúng ta được đến gần Ngài, chẳng được thêm vào đó điều gì—cả những việc công bình nhất, và cũng chẳng điều gì có thể làm mất hiệu lực của thập tự giá—kể cả mọi tội lỗi ngoại trừ tội chẳng tin.

Để hoàn toàn được yên lòng về cách giải thích này, chúng ta chỉ cần đặt đoạn Kinh thánh này vào bối cảnh rộng hơn của cả Hebrews chương 10, và cuối cùng là cả sách Hê-bơ-rơ.

18Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự yên nghỉ của Ngài? Há chẳng phải với những người không vâng lời sao? 19Vả, chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì cớ không tin (Hebrews 3:18-19) (không vâng lời về sự kêu gọi đến với niềm tin)).

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and