Luật Pháp của Đấng Christ

“Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Ðấng Christ (Galatians 6:2)”

Phần đông đều nêu đoạn Kinh thánh Galatians 6:2 là định nghĩa của luật pháp của Đấng Christ:“Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Ðấng Christ.” Có người cũng nói đến những đoạn trong các sách phúc âm chẳng hạn như Matthew 22:36-40, là luật pháp của Đấng Christ: 36Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết? 37Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Ðức Chúa Trời ngươi. 38Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. 39Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. 40Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” Bài viết này sẽ cho thấy tại sao lối nhìn đơn giản hóa về ý nghĩa và áp dụng của luật pháp của Đấng Christ, đặc biệt trong văn mạch của Galatians 6:2, không đúng với ý Chúa muốn truyền đạt trong Kinh thánh.

Mục đích của luật pháp

Bộ luật pháp đầu tiên khởi sự cai quản loài người cả từ trước khi họ nhận được Mười Điều Răn từ đỉnh núi Si-nai. Luật này vào trong tâm khảm họ qua sự nhận biết điều thiện và điều ác sau khi họ ăn trái cấm. Nhưng bất kể luật của lương tâm hoặc Mười Điều Răn, chúng đều cùng chung một mục đích: 24Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Ðấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình. 25Song khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa.” (Galatians 3:24-26)

Mệnh lệnh yêu thương của Chúa Giê-su

Phần đông đều tự động giả định rằng Giao Ước Mới đến đồng một lúc với Chúa Giê-su, nhưng điều đó không đúng. Cả giai đoạn trước sự đóng đinh và sự chết của Chúa đánh dấu sự cuối cùng của Cựu Ước, và Tân Ước không bắt đầu có hiệu lực cho đến khi Chúa sống lại.

Do đó cả giai đoạn từ khi sinh ra đến khi chết của Chúa Giê-su là một sự chuyển tiếp giữa các giao ước. Trong giai đoạn này có nhiều lời tuyên bố của Chúa Giê-su phải được hiểu từ bối cảnh của Cựu Ước, đồng một lúc có nhiều lời Ngài phán là về những sự sẽ xảy đến dưới Giao Ước Mới.

Trong cùng bối cảnh này, lời tuyên bố của Chúa Giê-su về mệnh lệnh mới trong Matthew 22:37-39: 37Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Ðức Chúa Trời ngươi. 38Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. 39Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” phải được hiểu như một mệnh lệnh bao gồm cả Mười Điều Răn và còn hơn nữa, và vẫn còn là điều kiện căn bản của Cựu Ước.

Trong giai đoạn này, hầu như cả Israel sống dưới luật Môi-se kể cả Mười Điều Răn. Các luật này cai trị mọi lãnh vực của đời sống họ. Chúng ta hãy thử so sánh Mười Điều Răn và mệnh lệnh mới của Chúa Giê-su. Từ các lá thư của Phao-lô chúng ta học được rằng luật pháp chỉ đóng vai trò thầy giáo để dẫn chúng ta đến với Đấng Christ bằng cách khiến chúng ta có ý niệm về tội lỗi, nhưng không đem đến cho chúng ta địa vị công chính cần thiết, do đó không thể ban cho sự sống.

Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi. (Romans 3:20)

Mục đích của luật pháp là hoặc để khiến chúng ta ý thức được tội lỗi, hoặc để khiến những kẻ tự tìm sự công bình bởi chính mình ý thức được rằng dù họ có tìm cách để giữ mọi khía cạnh của luật pháp, họ vẫn ở trong tội lỗi. Ví dụ, trong Matthew 5:28 Chúa Giê-su đã làm sáng tỏ ý nghĩa của tội ngoại tình khi Ngài phán: “Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đờn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.”.

Vẫn cùng một cách thông đạt ý Ngài, Chúa Giê-su nâng Mười Điều Răn lên một mức cao hơn bằng cách thay thế nó với mệnh lệnh yêu thương, tuy nhiên mục đích của mệnh lệnh này vẫn thế: để cho loài người thấy tình trạng tội lỗi của mình, nhưng không phải để họ nhờ giữ các mệnh lệnh đó mà được Đức Chúa Trời chấp nhận. Giữ điều răn “chớ giết người” thật dễ hơn giữ mệnh lệnh “yêu người khác như chính mình.” Giữ Mười Điều Răn đã là một điều không thể đạt được thì giữ mệnh lệnh yêu thương lại càng khó hơn. Mục đích của mọi giới luật, như được bày tỏ qua các điều răn, là để vạch trần bản chất tội lỗi và lên án những kẻ không giữ được các điều răn đó.

Chúa Giê-su cứu, còn các điều răn thì không.

Luật pháp của Đấng Christ

Tuy nhiên có người có thể nêu lên câu hỏi về luật pháp của Đấng Christ trong Galatians 6:2: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Ðấng Christ.” Do đó nhiều người tin rằng hiện nay chúng ta có một luật mới, đó là luật pháp của Đấng Christ mà chúng ta phải giữ.

Luật pháp này của Đấng Christ phải chăng cũng là một loại với những luật đã nói ở trên, Mười Điều Răn và luật yêu thương bao gồm các điều răn đó? Nếu quả thực như vậy, thì Phao-lô đã quay ngược chiều mâu thuẫn với sự giảng dạy của ông về vai trò của luật pháp. Chúng ta hãy suy gẫm về điều đó. Ai đã làm trọn được Mười Điều Răn? Chính Chúa Giê-su, và như vậy Ngài đã làm trọn mọi sự đòi hỏi của luật pháp hầu cho những kẻ đặt niềm tin nơi Ngài được xưng công bình. Những luật đó liên hệ đến sự cứu rỗi, không có nghĩa là chúng có thể cứu chúng ta, nhưng chúng đóng vai trò thầy giáo để dẫn chúng ta đến Đấng Christ. Bây giờ chúng ta đã ở trong Chúa rồi, thì luật pháp của Đấng Christ này đóng vai trò gì trong đời sống người tín hữu?

Hãy đọc đoạn Kinh thánh dẫn đến Galatians 6:2:

Hỡi anh em, vì bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Ðức Chúa Trời, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng. (Galatians 6:1)

Hãy ghi nhận một điều rằng Phao-lô gọi những người này là “anh em,” chứ không phải là người ngoại đạo, do đó luật pháp của Đấng Christ trong bối cảnh này không cùng với những luật pháp đã nói ở trên. Sau đó đoạn này nói đến một người nào đó đã phạm một lỗi lầm, và Phao-lô khuyên chúng ta nên gầy dựng họ lại.

Bản tiếng Việt 1934 dùng chữ sửa mang ý nghĩa quở trách, cảnh cáo, hay dạy dỗ, nhưng bản nguyên thủy tiếng Hy-lạp được đánh số Strong 2675, καταρτίζω, katartízō, mang ý nghĩa “vá lại” (mend), “chữa lành” (repair), “hàn gắn” (perfectly join together). Chẳng phải đây là điều chính Chúa đã làm cho mỗi người tội lỗi chúng ta? Rồi ngay sau đó Phao-lô nói về “gánh nặng” trong cùng một đoạn văn. Vậy còn gánh nặng nào khác ngoài gánh nặng của tội lỗi và mặc cảm của nó?

Phần đông nghĩ đây là gánh nặng của cuộc sống, nhưng trong bối cảnh của đoạn văn này thì chỉ có gánh nặng của tội lỗi và mặc cảm của nó.

Trong Romans 8:1-2, Phao-lô nói về luật của thánh linh sự sống:

1Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Jêsus Christ; 2vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết. (Romans 8:1-2)

Luật của sự tội và sự chết thì quả đúng như tên gọi của nó, luật này lên án nhân loại về những tội họ phạm phải, nhưng còn hơn thế nữa, nó lên án họ về bản chất tội lỗi của họ dù họ chẳng từng phạm những tội đó (Romans 5:12). Luật của thánh linh sự sống thì khác, nó đem lại sự sống, không chứa đựng những điều răn khiến người phạm vào chúng phải chết khi không làm trọn. Luật đó nói như sau:

Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vẫn ở trên người đó. (John 3:36)

Đây mới đúng thực là luật pháp của Đấng Christ, vì nó ban sự sống. Và có lẽ, nhờ đó gánh nặng của kẻ có tội được cất đi khi linh hồn tan vỡ của họ được nhắc nhở về luật của thánh linh sự sống? Có lẽ khi họ biết rằng Đức Chúa Trời vẫn ở cùng, họ có năng lực vượt thắng được tội lỗi đã đem lại cho họ gánh nặng đó? Khi chúng ta làm điều đó, dùng lời Chúa để cởi bỏ gánh nặng về tội lỗi và mặc cảm của nó, là chúng ta đã làm trọn luật pháp của Đấng Christ vậy.

Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. (Matthew 11:28)

Không ai có thể mang được gánh nặng tội lỗi của chính mình, đừng nói chi đến gánh nặng của người khác. Chỉ mình Chúa gánh được, và Ngài đã hứa ban sự an nghỉ cho bất cứ ai đến cùng Ngài.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , and