Xưng Công Bình Bởi Đức Tin, hay Việc Làm?

Sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin mà thôi, hay bởi đức tin cộng với việc làm? Phải chăng chúng ta phải thêm việc làm vào đức tin để được cứu?

Có hai đoạn trong Kinh thánh dường như trực tiếp đối nghịch: Romans 3:23-28 với câu 28 viết như sau: “Vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp,” và James 2:20-26 với câu 24 viết như sau: “Nhơn đó anh em biết người ta cậy việc làm được xưng công bình, chớ chẳng những là cậy đức tin mà thôi.” Làm sao chúng ta có thể hòa giải được hai sự khác biệt rõ ràng đó?

Hai quan điểm đối chọi về sự xưng công bình

Salvation by faith alone, or faith plus works? Phần đông các tín hữu tìm cách hòa giải sự mâu thuẫn này bằng cách nhắc đến James 2:22: “Thế thì, ngươi thấy đức tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn,” và thông thường được giải thích là ý của Gia-cơ là khi một người tin Chúa thì sẽ có những thay đổi trong đời sống dẫn đến những việc lành. Giải thích này cũng có phần hợp lý, những có thực đây là chủ ý của Gia-cơ không? Hay là điều ông thực sự muốn nói là nếu một người không làm công việc Chúa, không làm theo những điều dạy dỗ trong luật pháp Môi-se, thì chắc chắn không được cứu, và chủ trương của Gia-cơ là sự cứu rỗi hoàn toàn nhờ việc làm còn đức tin thì được thêm vào cho trọn vẹn.

Trái lại, Phao-lô nói rằng “Dầu vậy, đã biết rằng người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Ðức Chúa Jêsus Christ, nên chính chúng tôi đã tin Ðức Chúa Jêsus Christ, để được xưng công bình bởi đức tin trong Ðấng Christ, chớ chẳng bởi các việc luật pháp; vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp. (Galatians 2:16)” Có thêm nhiều đoạn Kinh thánh khác cho thấy sự khác biệt giữa Phao-lô và Gia-có, và quan trọng hơn nữa là những khác biệt này không phải là không đáng kể. Ý nghĩa thực của đường hẹp mà Chúa Giê-su nói đến không phải là hẹp vi người đi trên đó phải chịu nhiều thử thách gian nan, nhưng hẹp vì định nghĩa khắt khe về điều kiện để làm hòa với Đức Chúa Trời. Giáo lý của Phao-lô và Gia-cơ quá khác nhau không thể nằm trên cùng con đường hẹp đó.

Chúng ta hãy suy xét về điều có thể xảy ra là Gia-cơ và Phao-lô không đồng ý với nhau. Và thực ra sự phát hiện về những khác biệt của họ hỗ trợ sự kiện rằng Kinh thánh đồng nhất về sứ điệp cứu rỗi. Về một phương diện khác, nỗ lực hòa giải sự khác biệt đó lại đem đến một ảnh hưởng tiêu cực: một Kinh thánh lại chỉ hai con đường khác biệt về sự cứu rỗi. Nhưng trước khi chúng ta đi vào sự phân tích những khác biệt, hãy ôn lại định nghĩa của sự cứu rỗi, làm điểm đối chiếu khi nghiên cứu hai quan điểm.

Địa vị chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời

Địa vị hiện tại của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời là gì? Ngài thấy gì trong chúng ta? Ngài thấy sự công bình của Đấng Christ trong chúng ta, hay Ngài kể tội chúng ta? Nếu Chúa vẫn kể tội chúng ta thì hẳn chúng ta chưa hoàn toàn được xưng công bình, và như vậy thì chúng ta phải thay đối như thế nào đó để ngày càng phạm tội ít đi, và ít đủ ở một mức độ nào đó để Chúa có thể chấp nhận chúng ta. Nói chung đây là quan điểm của đa số nhiều người trong đạo Chúa, rằng chúng ta phải nhờ việc làm để duy trì mối liên hệ với Chúa, và rồi nhờ đó có lẽ chúng ta sẽ được ban thưởng tùy theo lượng việc lành chúng ta sẽ làm khi còn sống trong xác thịt.

Sự cứu rỗi là gì?

Là tin mừng, là một giải quyết cho một vấn đề. Nhưng vấn đề đó là gì? Nó đã bắt đầu trong vườn Ê-đen khi loài người bày tỏ ý muốn tự lập đối với Đức Chúa Trời, muốn được kiến thức về điều thiện và điều ác, như chính Chúa vậy. Bây giờ thì họ biết điều gì họ nên làm và điều gì không nên làm, và tự hoạt động mà không cần đến Chúa. Nhưng để được sự độc lập này họ đã phải trả một giá rất cao: họ mất sự sống vĩnh cửu, trước hết về phần tâm linh, sau đó là thể xác.

Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội. (Romans 5:12)

Chúa đã ban một giải pháp cho vấn đề tội lỗi bằng cách sai Con Ngài là Đức Chúa Giê-su Christ đến chuộc tội thế gian trên thập tự giá.

Vì chưng Ðức Chúa Trời vốn ở trong Ðấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người. (2 Corinthians 5:19)

và khi Chúa Giê-su sống lại đã ban Thánh Linh cho loài người như một món quà miễn phí. Ngài đã ban lại sự sống của Chúa mà A-đam đã mất. Điều quan trọng hơn nữa là không còn một tội nào mà Chúa đã sót khiến sự sống đó phải bị cất đi, và sự sống chúng ta hiện có là sự sống đời đời, vĩnh cửu, là sự sống chúng ta đang kinh nghiệm và sẽ nâng đỡ chúng ta cho đến đời đời.

Đó chính là tin mừng. Tin mừng đó là giải pháp cho một nan đề, mà nan đề là tội lỗi và sự chết, và giải pháp là sự tha tội và phục hồi sự sống.

8Nhưng Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết. 9Huống chi nay chúng ta nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào! 10Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Ðức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào! (Romans 5:8-10)

Nếu quả thực đây là tin mừng, theo định nghĩa của sự cứu rỗi, thì chúng ta là những người công bình, nên thánh, và được kể là công chính trước mặt Chúa, chẳng phải bởi điều gì chúng ta đã làm, nhưng bởi việc Chúa đã làm cho chúng ta, vì ân điển và lòng thương xót của Ngài. Đây là điều quan trọng mà chúng ta phải hiểu vì nếu không thì thật dễ để có người tin rằng công việc Chúa chưa được hoàn tất trên thập tự giá, và do đó dù Chúa đã chết, đã sống lại, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót, do đó tùy mỗi người phải làm cho trọn. Thật khó tin, nhưng đây là sự giảng dạy của đa số các giáo phái trên thế gian hiện nay dù tín điều của họ nói rằng sự xưng công bình hoàn toàn nhờ ân điển.

Bạn có làm đủ việc lành không?

Nếu bạn là người tin rằng mình phải làm một điều gì đó thêm vào đức tin, thì làm sao bạn biết mình đã làm đủ trước khi gặp Chúa? Bạn có sẽ gạt bỏ được hết những tội lỗi khỏi đời sống mình? Bạn phải đi giảng đạo bao nhiêu để được kể là người có nhiều kết quả? Ai sẽ giúp bạn định nghĩa thế nào là đủ? Và khi nào bạn biết mình đã làm đủ? Câu trả lời thật dễ, bạn sẽ không thể biết khi nào, hoặc bao nhiêu, mình sẽ làm đủ, cho đến khi bạn gặp Chúa để Ngài cho bạn biết thành quả của mình. Ngụ ngôn ta-lâng có thể áp dụng tại đây. Nếu bạn tin rằng mình cần việc làm, bạn sẽ phải trả lại cho Chúa gấp đôi số ân tứ mà Ngài đã ban cho bạn. Rồi nhiều khi như thế vẫn còn không đủ, vì còn vấn đề giá trị của việc làm của bạn có được Chúa chấp nhận hay không.

Đây hẳn phải là lý do tại sao hầu hết những người tin vào đức tin phải đi đôi với việc làm không tránh khỏi trả lời câu hỏi về sự cứu rỗi như sau: Tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình và hy vọng mọi sự được tốt đẹp. Đó thực là một nếp sống thật đáng tội nghiệp gần như chẳng khác gì sự mê tín, sự thờ những thần tượng mà chẳng ai hiểu được ý tưởng. Trong nếp sống như vậy bạn sẽ chẳng bao giờ có sự bình an với Chúa.

Nhưng không có bằng chứng nào trong Kinh thánh rằng đây là cách chúng ta nên liên hệ với Chúa. Điều rõ ràng là Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá để bạn được sự chấp nhận trọn vẹn của Đức Chúa Trời bây giờ và mãi mãi. Sự cứu rỗi của bạn hoàn toàn nhờ Chúa, được duy trì bởi đức tin, và chẳng hề cậy nhờ nơi việc lành “áo nhớp” của bạn.

Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Ðức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả. (Hebrews 10:10)

Sau hết, nếu sự cứu rỗi của bạn tùy thuộc vào việc lành, thì hẳn những việc lành đó phải được hoàn thành ở mức độ toàn hảo. Chúa Giê-su phán “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn (Matthew 5:48)”. Hẳn nhiên Chúa phán những điều này cho những kẻ ở dưới luật pháp.

Ga-la-ti Chương 2: Phao-lô viếng Giê-ru-sa-lem

1Sau đó mười bốn năm, tôi lại lên thành Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, có đem Tít cùng đi nữa. 2Tôi vâng theo lời tỏ ra mà lên đó, phô bày Tin Lành mà tôi đã giảng trong người ngoại đạo ra cho anh em; lại phô bày riêng cho những kẻ có danh vọng hơn hết, kẻo sự chạy của tôi trước kia và bây giờ hóa ra vô ích chăng. 3Dầu Tít, kẻ cùng đi với tôi, là người Gờ-réc, cũng không bị ép phải cắt bì. 4Chúng tôi đã làm như vậy, vì cớ mấy người anh em giả, lẻn vào trong vòng chúng tôi, để rình xem sự tự do mà chúng tôi được trong Ðức Chúa Jêsus Christ, đặng bắt chúng tôi làm tôi mọi. 5Chúng tôi không nhường họ một giây phút nào, chối chẳng chịu thuộc dưới quyền họ, hầu cho lẽ thật của Tin Lành được vững bền trong anh em. (Galatians 2:1-5)

Phao-lô đến hội thánh ở thành Giê-ru-sa-lem để trình bày với họ phúc âm mà ông giảng giữa vòng người ngoại, tức là không phải người Do-thái, là một phúc âm khác biệt, và trực tiếp đối nghịch, với những sự giảng dạy của các sứ đồ. Phao-lô đến gặp những người lãnh đạo hội thánh vì những sự khác biệt lớn này có thể gây nhiều rắc rối nếu được trình bày trước toàn thể hội thánh gây nhiều hoang mang.

Có những người ở hội thánh này mà Phao-lô gọi là những “người anh em giả” theo dõi Phao-lô và Tít, tìm cách bắt lỗi sự tự do trong Chúa của họ. Mục đích của những người đó là muốn đem họ trở về dưới sự nô lệ của luật pháp, nhưng Phao-lô đã không nhượng bộ chút nào. Ông giữ không để Tít phải chịu phép cắt bì theo luật pháp của thời Cựu Ước.

Nếu Phao-lô để Tít chịu cắt bì, thì sự giảng dạy của ông về phúc âm sẽ có sự mâu thuẫn. Đối với hội thánh Ga-la-ti, ông giảng rằng sự xưng công bình chỉ nhờ đức tin, nhưng nếu ông để Tít, một người không phải Do-thái, chịu cắt bì, thì ông ám chỉ rằng người ta được xưng công bình nhờ đức tin và cả việc làm nữa. Nói cách khác, mọi nỗ lực của ông để truyền bá tin mừng sẽ chỉ là tốn công vô ích, nhưng sự ông không nhượng bộ những kẻ cậy luật pháp khiến tin lành được bảo tồn cho họ.

Trong Công-vụ đoạn 15 có một chi tiết lịch sử đã được Lu-ca ghi nhận giải thích thêm lý do của cuộc hành trình của Phao-lô. Chúng ta hãy tạm ghé qua sách Công-vụ để biết thêm hoàn cảnh và lý do trước khi trở về chương 2 của sách Ga-la-ti.

Công-vụ 15: Lịch sử cuộc viếng thăm

1Vả, có mấy người từ xứ Giu-đê đến, dạy các anh em rằng: Nếu các ngươi chẳng chịu phép cắt bì theo lễ Môi-se, thì không thể được cứu rỗi. 2Nhơn đó, có sự khác ý và cuộc cãi lẽ dữ dội giữa Phao-lô và Ba-na-ba với mấy người đó, người ta nhứt định Phao-lô và Ba-na-ba với mấy người trong bọn kia đi lên thành Giê-ru-sa-lem, đến cùng các sứ đồ và trưởng lão đặng hỏi về việc nầy. 3Vậy, sau khi các ngươi ấy được Hội thánh đưa đường rồi, thì trải qua xứ Phê-ni-xi và xứ Sa-ma-ri, thuật lại sự người ngoại trở về đạo, và như vậy làm cho anh em thay thảy được vui mừng lắm. 4Vừa tới thành Giê-ru-sa-lem, được Hội thánh, các sứ đồ và trưởng lão tiếp rước, rồi thuật lại mọi điều Ðức Chúa Trời đã cậy mình làm. 5Nhưng có mấy kẻ về đảng Pha-ri-si đã tin đạo, đứng dậy nói rằng phải làm phép cắt bì cho những người ngoại, và truyền họ phải tuân theo luật pháp Môi-se. (Acts 15:1-5)

Phao-lô hành trình đến Giê-ru-sa-lem để gặp các lãnh đạo hội thánh kể cả Phi-e-rơ và Gia-cơ là người đứng đầu ở đó. Điều quan trọng khi chúng ta đọc đoạn Kinh thánh trên là chú ý đến các khác biệt hoặc bất đồng ý kiến giữa Phao-lô và các lãnh đạo theo sự tường thuật của bác sĩ Lu-ca. Những khác biệt này không phải là về hình thức, nhưng về những điều tối quan trọng liên hệ đến sự xưng công bình.

Có nhiều người từ Giu-đê thực đã tin rằng bất kể người Do-thái hoặc người ngoại, nếu không chịu phép cắt bì và giữ trọn luật pháp Môi-se sẽ không được hưởng sự sống đời đời. Một cuộc bàn cãi đã xảy ra giữa Phao-lô và Ba-na-ba với những người cổ động việc giữ luật pháp Môi-se. Để giải quyết cuộc tranh chấp, hội thánh đã cử Phao-lô và Ba-na-ba đi đến thành Giê-ru-sa-lem để thảo luận với các lãnh đạo hội thánh ở Giê-ru-sa-lem. Đề tài trọng yếu là: sự xưng công bình là duy chỉ bởi đức tin, hoặc bởi đức tin đi đôi với việc làm—chịu phép cắt bì cùng với sự giữ các luật Môi-se?

Đến Công-vụ đoạn 15 chúng ta mới thấy lần đầu tiên họ thảo luận về vấn đề xưng công bình. Thực ra đến chương 11 họ mới công nhận rằng sự cứu rỗi cũng thuộc về người ngoại, tức là người không phải Do-thái, do đó chúng ta có thể nói rằng từ chương 1 đến hết chương 10, người Do-thái vẫn phủ nhận sự cứu rỗi cho người ngoại.

Buổi họp với các sứ đồ và các trưởng lão

6Các sứ đồ và các trưởng lão bèn họp lại để xem xét về việc đó. 7Sau một cuộc bàn luận dài rồi, Phi -e-rơ đứng dậy nói cùng chúng rằng: Hỡi anh em, hãy biết rằng từ lúc ban đầu, Ðức Chúa Trời đã chọn tôi trong các anh em, để cho người ngoại được nghe Tin Lành bởi miệng tôi và tin theo. 8Ðức Chúa Trời là Ðấng biết lòng người, đã làm chứng cho người ngoại, mà ban Ðức Thánh Linh cho họ cũng như cho chúng ta; 9Ngài chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho lòng họ tinh sạch. 10Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Ðức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi? 11Trái lại, chúng ta tin rằng nhờ ơn Ðức Chúa Jêsus, chúng ta được cứu cũng như người ngoại vậy. (Acts 15:6-11)

Trong cuộc họp này, chúng ta nhận thấy rằng Phi-e-rơ công nhận sứ điệp của Phao-lô cho người ngoại rằng sự cứu rỗi của họ không lệ thuộc vào sự giữ luật pháp Môi-se. Rằng sự tẩy sạch lòng của người ngoại là bởi đức tin chứ không phải bởi việc làm. Phi-e-rơ mạnh dạn công nhận rằng cả chính họ và tổ phụ họ không một ai gánh vác nổi gánh nặng của luật pháp, do đó không có lý do nào để họ buộc điều kiện đó trên người ngoại. Và cuối cùng, không có lý do gì Chúa lại ban Thánh Linh cho những kẻ Ngài không hoàn toàn chấp nhận.

Giải pháp của Gia-cơ không đạt đến mức

Sau một thời gian bàn luận và lắng nghe quan điểm của Phao-lô, Ba-na-ba, cùng các sứ đồ khác và những người lãnh đạo, Gia-cơ quyết định giải quyết cuộc tranh chấp bằng cách yêu cầu các tin hữu đừng gây phiền nhiễu cho người ngoại nữa, nhưng chỉ viết thơ cho họ khuyên “kiêng giữ cho khỏi sự ô uế của thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết ngột và huyết. (Acts 15:20)”

Gia-cơ dù không bó buộc người ta phải giữ trọn bộ luật pháp, nhưng ông đã để sót lại một phần chẳng khác gì “men của người Pha-ri-si.” Gia-cơ đã không đi xa đến mức tuyên bố rằng người ngoại không cần phải chịu phép cắt bì. Ông cũng chẳng nhắc đến vấn đề cắt bì là yếu tố chính trong cuộc tranh luận. Bằng cách né tránh vấn đề này, Gia-cơ ám chỉ rằng quan niệm của ông là sự xưng công bình được đặt trên đức tin, mà đức tin đó được trọn vẹn nhờ sự tuân giữ trọn ven luật pháp Môi-se.

Gia-cơ đã tỏ ra sự giả hình khi ông tìm cách trói buộc người ngoại dưới luật pháp mà cả ông và tổ tiên ông không hề giữ nổi. Nhưng điểm chính chúng ta có thể nhận thấy là có một sự khác biệt sâu xa giữa Gia-cơ và Phao-lô. Và bạn phải chọn xem ai đi gần với Kinh thánh nhất, vì chắc chắn có một sự dị biệt lớn. Dị biệt đến nỗi Phao-lô viết như sau trong sách Ga-la-ti:

Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi. (Galatians 5:4)

Tôi hy vọng đến đây các bạn không còn cố tìm cách hòa giải giữa Gia-cơ và Phao-lô, hoặc đúng hơn bạn đừng cố tìm sự cứu rỗi hoàn toàn bởi ân điển qua sự giảng dạy của Gia-cơ.

Phúc âm của Gia-cơ: không thể dẫn đến sự cứu rỗi

Không ai có thể sống theo phúc âm của Gia-cơ. Sự khẳng định của ông về đức tin phải đi chung với sự tuân theo luật pháp Môi-se là nguyên nhân chính. Trong câu 1 của đoạn 15 ở trên, Gia-cơ đã tuyên bố như sau: “Nếu các ngươi chẳng chịu phép cắt bì theo lễ Môi-se, thì không thể được cứu rỗi. (Acts 15:1)”, nhưng Phao-lô đã nhấn mạnh về ý nghĩa của sự cậy luật pháp như sau: 3Tôi lại rao cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp. (Galatians 5:3)”

Chúng ta đừng quên rằng tự cổ chí kim chẳng ai từng giữ được trọn luật pháp: 10Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Ðức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi? (Acts 15:10)”. Hơn nữa, nếu bạn nhất quyết cậy vào luật pháp để sống đẹp lòng Chúa, bạn phải thỏa ít nhất hai điều sau đây: 1) “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn. (Matthew 5:48)”, và 2)“Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng. (Matthew 5:20)”. Xin ghi nhận rằng Chúa Giê-su phán những điều này cho những kẻ muốn đến gần Chúa qua sự công bình của chính mình.

Trở lại Ga-la-ti chương 2

6Còn như những kẻ mà người ta tôn trọng lắm, (trước kia là kẻ thể nào, thì chẳng can dự gì với tôi, Ðức Chúa Trời không tây vị ai hết), tôi nói, những kẻ đó dầu tôn trọng lắm, cũng chẳng làm cho tôi thêm ích chút nào. 7Trái lại, họ thấy sự giảng Tin Lành cho kẻ không chịu phép cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu phép cắt bì đã giao cho Phi -e-rơ vậy, 8vì Ðấng đã cảm động trong Phi -e-rơ để sai người làm sứ đồ cho những kẻ chịu cắt bì, cũng cảm động trong tôi để sai tôi làm sứ đồ cho dân ngoại, 9và nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì Gia-cơ, Sê-pha, Giăng là những người được tôn như cột trụ, trao tay hữu giao kết với chúng tôi, tức là Ba-na-ba và tôi, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân ngoại, còn các người ấy thì đến cùng những kẻ chịu phép cắt bì. 10Các người ấy chỉ dặn dò tôi phải nhớ đến kẻ nghèo nàn, là điều tôi cũng đã ân cần làm lắm. 11Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. 12Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì. 13Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ. 14Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì nói với Sê-pha trước mặt mọi người rằng: nếu anh là người Giu-đa, mà ăn ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa? 15Về phần chúng tôi, thì sanh ra là người Giu-đa, không phải là kẻ có tội từ trong dân ngoại. 16Dầu vậy, đã biết rằng người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Ðức Chúa Jêsus Christ, nên chính chúng tôi đã tin Ðức Chúa Jêsus Christ, để được xưng công bình bởi đức tin trong Ðấng Christ, chớ chẳng bởi các việc luật pháp; vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp. (Galatians 2:6-16)

Ở đây chúng ta vẫn còn ở trong cùng bối cảnh với Công-vụ 15, lúc Phao-lô và Ba-na-ba đến thành Giê-ru-sa-lem để gặp các sứ đồ và các lãnh đạo hội thánh để thảo luận lý do tại sao họ muốn áp đặt luật pháp Môi-se trên các tín hữu, cả người Do-thái lẫn người ngoại.

Bắt đầu ở câu 6, Phao-lô tuyên bố rằng những người được “người ta tôn trọng lắm”—ông ám chỉ các sứ đồ—“chẳng làm cho tôi thêm ích chút nào,” và ông nói thẳng họ là ai: Gia-cơ, Sê-pha (Phi-e-rơ), và Giăng. Lời tuyên bố của Phao-lô tóm lại mang ý: sự xưng công bình là chỉ bởi đức tin mà thôi, do đó bất cứ sự giảng dạy nào của Gia-cơ và các sứ đồ khác có thể bị loại trừ mà chẳng ảnh hưởng gì đến sự cứu rỗi.

Sau đó trong sách Ga-la-ti, Phao-lô lại cương quyết hơn trong sự bày tỏ bất đồng ý kiến của ông: “nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Ðấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết. (Galatians 5:2).”

Cũng trong cùng đoạn Kinh thánh này chúng ta nhận thấy một biến cố liên hệ đến sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy sự bất đồng ý kiến giữa Phao-lô và các sứ đồ. Đó là khi Phi-e-rơ tỏ sự giả hình của mình khi ông vội tách rời những tín hữu người ngoại khi ông thấy những người thuộc nhóm cắt bì của Gia-cơ tiến vào trong hội trường. Ngay cả Ba-na-ba cũng bị áp lực của ảnh hưởng của Gia-cơ. Khi còn ở thành Giê-ru-sa-lem, Phao-lô tự chế trong việc bày tỏ sự bất đồng ý kiến của ông, nhưng ở đây tại An-ti-ốt, thế giới của người ngoại, ông đã nói tận mặt Phi-e-rơ và các tín hữu là những người ông đã bỏ nhiều tâm huyết để giữ cho đức tin họ được tinh khiết, rằng cách hành xử của họ không phù hợp với phúc âm. Phao-lô đã dùng mọi cách để cho mọi người biết sự bất tương đồng lớn giữa hai giáo lý về sự cứu rỗi: xưng công bình bởi đức tin, hoặc xưng công bình bởi đức tin và việc làm.

Và ở đây trong Công-vụ chương 15, nhiều năm sau khi Đấng Christ đã phục sinh, bây giờ hội thánh mới hội nghị lần đầu tiên để bàn thảo về vấn đề sự cứu rỗi duy nhất bởi đức tin. Chúng ta thường lầm lẫn khi suy nghĩ rằng trọn Kinh thánh đều nói về những điều tốt cần áp dụng. Thực không phải như vậy. Kinh thánh ghi nhận những điều đúng cần làm, và những điều xấu cần tránh, những giáo điều chân thực phù hợp với Kinh thánh và những giáo lý sai lạc mà cả chính các sứ đồ là những người đã nhiều năm sống với Cứu Chúa của họ đã tin theo.

Ở đây Phao-lô đã cho thấy rõ ràng phúc âm mà ông rao giảng là cho cả người Do-thái lẫn người ngoại khi ông nói: 15Về phần chúng tôi, thì sanh ra là người Giu-đa, không phải là kẻ có tội từ trong dân ngoại. 16Dầu vậy, đã biết rằng người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Ðức Chúa Jêsus Christ (Galatians 2:15-16)”

Những khác biệt rõ ràng

Sự xưng công bình theo Gia-cơ

Thế thì, ngươi thấy đức tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn. (James 2:22)

Sự xưng công bình theo Phao-lô

Dầu vậy, đã biết rằng người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Ðức Chúa Jêsus Christ, nên chính chúng tôi đã tin Ðức Chúa Jêsus Christ, để được xưng công bình bởi đức tin trong Ðấng Christ, chớ chẳng bởi các việc luật pháp; vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp. (Galatians 2:16)

Được Đức Chúa Trời hoàn toàn chấp nhận

Theo cách xưng công bình của Gia-cơ, mặc dầu bạn có thể được cứu bởi đức tin, nhưng chưa được trọn vẹn, hay nói đúng hơn đức tin chưa được trọn vẹn cho đến khi một số việc làm nào đó được thêm vào để đem đức tin đó đến chỗ hoàn tất. Đức Chúa Trời yêu bạn nhưng Ngài chưa hoàn toàn chấp nhận bạn. Vẫn còn một số việc bạn phải làm để được nên thánh hơn, thiêng liêng hơn, trở nên giống Chúa hơn. Như đã được nói đến trước đây, vì bạn không thể gặp Chúa cho đến khi toàn hảo, do đó theo cách của Gia-cơ, chừng nào bạn đạt được sự toàn hảo đó?

Ngược lại, nếu sự xưng công bình chỉ hoàn toàn bởi đức tin, bạn sẽ không còn hồ nghi gì nữa về chỗ đứng của mình trước mặt Chúa và trong nước Ngài. Vì sự trọn vẹn của mình không tùy thuộc vào chính bản thân bạn, nhưng vào Đấng Christ, và trong Ngài, Đức Chúa Trời đã ban cho mọi điều cần thiết để đứng vững khi Ngài đến.

21Còn anh em ngày trước vốn xa cách Ðức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình, 22nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được; 23miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin Lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phao-lô, là kẻ giúp việc của đạo ấy. (Colossians 1:21-23)

Thực vậy, bạn đã trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ.

Kết luận và cảm ơn

Tôi đã viết một bài với cùng chủ đề nhiều năm trước đây, khi thực thể về ân điển Chúa bắt đầu nẩy mầm trong tâm khảm. Tôi đã đặt tựa là “Đức tin, Sự Cứu Rỗi, và Việc Làm—Vòng Tròn Luẩn Quẩn.” Trong bài viết đầu tiên đó tôi đã gắng hết sức để tìm điểm tương đồng giữa Gia-cơ và Phao-lô. Tôi đã cố gắng tìm ân điển, một ân điển trọn vẹn, trong bài viết của Gia-cơ nhưng sách ông viết đã trở nên một vùng bóng tối của Đức Chúa Trời khiến tôi sợ hãi.

Tạ ơn Chúa vì tôi đã tìm được trong tài liệu ra-đi-ô của Living God Ministries một loạt bài gồm có 4 lần phát thanh trên đài KCBC với chủ đề Đức Tin và Việc Làm đã trả lời mọi nghi vấn của tôi rằng phải chăng có một điều kiện gì đó trong John 3:16. Thoáng nghe vài lời giới thiệu về loạt bài khi ông Aaron Budjen nói đến dẫn chứng về sự bất đồng ý kiến giữa Phao-lô và Gia-cơ, tôi biết ngay đây là điều tôi đã tìm kiếm từ lâu, rằng có những vị sứ đồ giảng dạy một tin lành khác. Trước đây không lâu tôi đã chẳng hề dám nghĩ đến điều đó.

Bài viết này dựa rất nhiều trên những bài giảng của Aaron với một số quan niệm riêng của tôi xen vào đó. Tuy nhiên mọi ý tưởng trong bài viết này không nhất thiết hoàn toàn phản ảnh đức tin và giáo lý của Aaron, tôi có thể thiếu sót hoặc hiểu lầm Aaron trong một chi tiết nào đó, hy vọng là bài viết này phản ảnh chính xác phần nào ý mà Aaron muốn truyền đạt. Để được giải thích cặn kẽ hơn về đề tài này xin hãy bấm vào đường nối đến tài liệu phát thanh được ghi nhận ở trên. Chân thành cảm ơn người anh em Aaron cho đến khi mình gặp nhau trong nước Chúa.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , and