Ngụ Ngôn Người Giăng Lưới Cá

Ngụ Ngôn này nói về sự sắp đến của một kỷ nguyên mới: giao ước mới giữa Thượng Đế và nhân loại (Luke 16:1-8).

The Parable

47Nước thiên đàng cũng giống như một tay lưới thả xuống biển, bắt đủ mọi thứ cá. 48Khi lưới được đầy rồi, thì người đánh cá kéo lên bờ; đoạn, ngồi mà chọn giống tốt để riêng ra, đem bỏ vào rổ, còn giống xấu thì ném đi. 49Ðến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra, 50ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng. 51Các ngươi có hiểu mọi điều đó chăng! Các môn đồ thưa rằng: Có hiểu. 52Ngài bèn phán rằng: Vì cớ ấy, mọi thầy thông giáo đã học thông đạo về nước thiên đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho mình ra. 53Ðức Chúa Trời phán các lời ví dụ ấy rồi, thì đi khỏi chỗ đó. (Matthew 13:47-53)

Trong ngụ ngôn này Chúa dùng hai thí dụ và một ẩn dụ. Trong hai thí dụ đầu chúng ta thấy có một điểm tương đồng đó là sự chọn lựa giữa hai điều đối nghịch, một được giữ lại, còn một bị phế thải. Trong thí dụ đầu, giống cá tốt được giữ lại và bỏ vảo rổ, còn giống xấu bị ném bỏ. Trong thí dụ thứ hai, người công bình được giữ lại còn kẻ ác bị ném vào lò lửa. Thế còn thí dụ thứ ba mà tôi gọi là ẩn dụ? Nếu đã có sự chọn lựa để bỏ một điều và giữ lại điều kia trong hai thí dụ đầu, thì chắc cũng phải có sự lựa chọn liên hệ đến thí dụ thứ ba? Tôi nghĩ đó là điều hợp lý. Do đó, cứ theo giòng ý tưởng của ngụ ngôn này thì điều mới sẽ được giữ lại, còn điều cũ phải bị phế thải.

Trong Kinh thánh có nhiều đoạn nói về các sự mới và cũ. Chúng ta hãy ôn lại một số những đoạn này để hiểu rõ hơn ý Chúa Giê-su nói gì về điều này.

Rượu mới và bình mới

Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu vậy, rượu làm vỡ bầu, rượu mất và bầu cũng chẳng còn. (Mark 2:22)

Rượu mới tượng trưng cho Chúa Giê-su, và tin mừng cứu rỗi, the gospel, mà người khát đến uống để được thực sự thỏa mãn. Bình mới, hoặc bầu rượu mới, là người mới được dựng nên trong Đấng Christs bởi lời hứa và quyền năng của Đấng dựng nên trời đất muôn vật. Bình mới không phải là con người cũ chìm đắm trong tội lỗi. Do đó, rượu mới, hoặc tin lành, phải được bỏ vào bình mới. Nhưng đây là một huyền nhiệm mà nhiều tín hữu vì không hiểu rõ chân lý này đã làm ngược lại. Họ tìm cách đổ rượu mới của tin lành vào bầu cũ, dùng phúc âm để cải thiện con người cũ với đầy tội lỗi vấn vương. Đây chính là duyên cớ của nhiều đời sống tín hữu không tìm được sự vui mừng cứu rỗi. Đây chính là lý do “rượu mất mà bầu cũng chẳng còn.” Phao-lô đã viết cả sách Rô-ma để giải thích chân lý này, là chân lý cài sâu trong ẩn dụ mà Chúa Giê-su đã truyền trong ngụ ngôn mà những kẻ đương thời với Ngài đã không hiểu, nhưng không riêng gì họ, nhiều người trong chúng ta ngày nay cũng thế.

Trở nên người mới trong Đấng Christ

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới. (2 Corinthians 5:17)

Người mới trong đoạn Kinh thánh này không phải là người cũ được cải thiện, hoặc trau giồi, tu chỉnh, bởi những nỗ lực từ bản thân qua sự tu luyện theo một lề luật nào đó. Nhưng là người được “dựng” nên mới, một tạo vật hoàn toàn mới. Giống như khi Chúa dựng nên trời đất muôn vật từ chỗ trống không. Có người ví sánh sự trở nên mới cũng giống như một người đứng trước gương hằng ngày áp dụng những phương pháp bảo trì da mặt dùng các dược phẩm mua từ thẩm mỹ viện. Nhưng đây là một cái nhìn sai về đời sống đức tin. Chúa không hề, và cũng chẳng từng, tìm cách để làm mới lại cái bình cũ, hoặc vá da mới–người mới– vào bình cũ, hoặc đổ rượu mới của Ngài vào bình cũ. Còn bình mới–người được dựng nên mới– Chúa ban cho thì vốn đã tuyệt hảo, ai dám tu chỉnh thêm điều Thượng Đế đã tạo dựng nên? Nếu đã mới rồi thì còn làm mới thế nào?

Ê-sai tiên tri về con đường mới

18Đừng nhớ lại sự đã qua, và chớ nghĩ đến sự đời trước. 19Nầy, ta sắp làm một việc mới, việc nầy sẽ hiện ra ngay; các ngươi há chẳng biết sao? Ấy là ta sẽ vạch một con đường trong đồng vắng, và khiến những sông chảy trong nơi sa mạc.” (Isaiah 43:19)

Việc mới đó là sự sanh ra của Đấng Cứu Thế, ấy là một suối nước hằng sống chảy qua nơi khô hạn. Chữ “mới” này mang một ý nghĩa lạ lùng, kỳ diệu, đầy hi vọng, mới vì từ buổi sáng thế chưa từng có. Ê-sai đã nói về sự mới vĩ đại này trong Isaiah 42:9:

“Nầy, những sự đầu tiên đã ứng nghiệm rồi, nay ta lại rao cho các ngươi sự mới; ta làm cho các ngươi biết trước khi nó nổ ra (Isaiah 42:9).”

Con đường mới và sống qua xác Chúa Giê-su

Phao-lô cũng nói về một sự mới trong Hebrews 10:20 đã trở nên câu thuộc lòng trên môi miệng các tín hữu:

“Bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài (Hebrews 10:20)”

Giao ước mới

Chúng ta hãy nhắc lại các câu 52 và 53 ở cuối ngụ ngôn lưới cá:

52Ngài bèn phán rằng: Vì cớ ấy, mọi thầy thông giáo đã học thông đạo về nước thiên đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho mình ra. 53Ðức Chúa Trời phán các lời ví dụ ấy rồi, thì đi khỏi chỗ đó.

Qua những đoạn Kinh thánh dẫn chứng ở trên, chúng ta có thể dùng để hiểu ý Chúa Giê-su khi Ngài dùng ngụ ngôn để nói về “những vật mới và cũ.” Mặc dù Chúa không nói người chủ nhà đem những vật mới và cũ ra khỏi nhà kho để làm gì, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng người chủ đó sẽ giữ những vật mới và phế thải những vật cũ.

Những thầy thông giáo trong thời Chúa Giê-su, cũng như những người Pha-ri-si là những người thông thạo luật pháp Môi-se, như chúng ta thấy trong các sách Phúc-âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng, thì khăng khăng giữ lấy những vật cũ, họ nhất định tìm cách duy trì mối liên hệ với Đức Chúa Trời qua Cựu Ước, là một giao ước cũ. Họ tìm cách duy trì mối liên hệ với Ngài qua những điều luật để kềm tỏa xác thịt trong đời này. Nhưng như chúng ta thấy câu trả lời của Chúa Giê-su cho giáo sư Ni-cô-đem khi ông đến gặp Ngài trong đêm: “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. (John 3:6)” Mọi nỗ lực, công sức, hi sinh, và những việc mà ta nghĩ là việc công bình, đến từ xác thịt cũng chỉ đem đến những bông trái chết của xác thịt, và mọi công trình của nó sẽ bị tiêu hủy (1 Corinthians 3:13), không đem được vào cõi đời đời. Vì chỉ một Đấng công bình mới làm được những việc công bình đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Còn về phần chúng ta, cũng là những thầy thông giáo như họ, nhưng có thông đạo về nước thiên đàng không? Vì nếu thực thông đạo về nước thiên đàng thì hẳn sẽ loại bỏ những vật cũ, và giữ những vật mới. Hẳn sẽ vâng lời Chúa và bước vào trong giao ước mới đặt nền tảng chẳng trên sự xưng công bình của chính mình, nhưng trên sự công bình của Đấng Đức Chúa Trời sai đến. Cựu Ước vẫn còn giá trị để cáo thế gian về sự thiếu công bình, nhưng đối với những kẻ đã đến với Chúa trong giao ước mới mà chúng ta gọi là Tân Ước thì nó phải bị loại bỏ vì không còn hiệu lực nữa, vì chẳng còn có sự đoán phạt, hoặc sự lên án nào cho những kẻ ở trong Đấng Christ (Romans 8:1). Hebrews 8:13 viết rằng: “Gọi ước đó là ước mới, thì đã xưng ước trước là cũ; vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.”

“Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều bắt buộc mình, thì được buông tha khỏi luật pháp đặng hầu việc Ðức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự.” (Romans 7:6)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and