Ngụ Ngôn Quản Gia Bất Nghĩa

Ngụ Ngôn này không nói về tiền của, nhưng là một lời mỉa mai những kẻ tưởng họ có thể dùng tiền của mua nước thiên đàng (Matthew 13:1-23, Luke 16:1-8).

Trái với những gì bạn thường tìm được trong internet, ra-đi-ô, hoặc sách vở, hoặc bất kỳ bài giảng nào bạn đã từng nghe, ngụ ngôn này không phải về tiền của, tài năng, hay cách sử dụng của cải cho nước Chúa. Chúng ta hãy đọc lại ngụ ngôn này một lần nữa, như thể bạn chưa từng đọc, chưa từng được nghe giảng, nhưng chỉ hãy giữ ý niệm rằng chớ tìm cách hiểu ngụ ngôn này cách cô lập mà không đặt vào bối cảnh của toàn bộ chương trình cứu rỗi của Kinh thánh.

Sự khôn ngoan của đời này

1Ðức Chúa Jêsus lại phán cùng môn đồ rằng: người giàu kia có một quản gia bị cáo với chủ rằng người tiêu phá của chủ. 2Vậy, chủ đòi người đó mà nói rằng: Ta nghe nói về ngươi nỗi chi? Hãy khai ra việc quản trị của ngươi, vì từ nay ngươi không được cai quản gia tài ta nữa. 3Người quản gia tự nghĩ rằng: Chủ cách chức ta, ta sẽ làm gì? Làm ruộng thì ta không có sức làm nổi, còn đi ăn mày thì hổ ngươi. 4Ta biết điều ta sẽ làm, để khi bị cách chức, có kẻ tiếp rước ta về nhà. 5Ngài ấy bèn gọi riêng từng người mắc nợ chủ mình đến, và hỏi người thứ nhứt rằng: Ngươi mắc nợ chủ ta bao nhiêu? 6Trả lời rằng: Một trăm thùng dầu. Quản gia nói rằng: Hãy cầm lấy từ khế, ngồi xuống đó, viết mau: Năm chục. 7Rồi hỏi người kia rằng: Còn ngươi, mắc bao nhiêu? Trả lời rằng: Một trăm hộc lúa mì. Quản gia rằng: Hãy cầm lấy tờ khế và viết: Tám chục. 8Chủ bèn khen quản gia bất nghĩa ấy về việc người đã làm khôn khéo như vậy. Vì con đời nầy trong việc thông công với người đồng đời mình thì khôn khéo hơn con sáng láng. (Luke 16:1-8)

Quí vị nghĩ người chủ này là ai? Phải chăng Chúa đang dùng nhân vật này để nói về chính Ngài? Đa số thường nghĩ vậy. Nhưng câu 8 cho chúng ta thấy người chủ này không tượng trưng cho Chúa, vì Ngài không thể nào “khen quản gia bất nghĩa.” Người chủ của “quản gia bất nghĩa,” của “con đời nầy,” không phải là biểu tượng của Đức Chúa Trời hằng sống. Trong lối suy nghĩ, và cách định giá trị của đời này, người khôn ngoan như quản gia trong ngụ ngôn, dù đã làm tổn hại cho chủ một phần, nhưng tài khéo và sự khôn ngoan của người đó có thể đem lại cho chủ lợi ích bội phần hơn những thiệt hại tạm thời. Nhưng sự khôn ngoan này không có phần trong nước Trời. Người quản gia bất nghĩa này không biểu hiện một tính chất nào của người có đức tin.

Chúng ta nghĩ gì về Chúa? Chúng ta biết gì về cách Ngài định giá trị về sự sống, thành quả, và giá trị con người? Chúa trọng kẻ khôn ngoan như người quản gia này chăng? Chúa muốn dạy chúng ta điều gì qua ngụ ngôn này? Hai nhân vật chính trong ngụ ngôn này dường thuộc về thế gian này hơn là nước Chúa. Chúng ta mong mỏi học được điều gì qua những thủ đoạn và cách định giá trị của họ? Chúng ta thực có thể nghĩ rằng Chúa dùng họ làm khuôn mẫu cho chúng ta noi theo?

Của cải đời này mua được sự sống đời đời?

9Còn ta nói cho các ngươi: Hãy dùng của bất nghĩa mà kết bạn, để khi của ấy hết đi, họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời. (Luke 16:9)

Có một từ trong thần học gọi là “isogesis,” mà dịch qua tiếng Việt là “đoạn chương thủ nghĩa,” nghĩa là diễn giải một đoạn Kinh thánh như là một ý niệm độc lập mà không đối chiếu với bối cảnh chung quanh. Nếu chúng ta phạm vào điều đó khi diễn giải đoạn Kinh thánh này, chắc chắn chúng ta sẽ chú vào câu “họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời” và đi đến kết luận là câu Kinh thánh này chỉ chúng ta cách vào nước Trời. Đây thực là cách diễn giải thường thấy trong các hội thánh. Nhưng như tôi mở đầu bài viết này rằng chúng ta chỉ nên đọc đoạn Kinh thánh này, hoặc bất cứ đoạn Kinh thánh nào, trong nội dung rộng lớn hơn của phương cách Chúa cứu chúng ta. Bối cảnh rộng lớn hơn nói rằng chỉ có Chúa Giê-su là con đường, chân lý, và sự sống duy nhất mà qua Ngài chúng ta có niềm hy vọng về nước Thiên đàng. Do đó câu Kinh thánh này không thể được giải thích theo cách đoạn chương thủ nghĩa.

Đối tượng của Chúa Giê-su khi Ngài kể ngụ ngôn này là những người chưa có niềm tin cứu rỗi. Nào là các thầy thông giáo, các người Pha-ri-si, người Do-thái thấm nhuần luật pháp Môi-se, người ngoại với những tôn giáo của họ. Nói chung là cả nhân loại vẫn còn chìm đắm trong tội lỗi, và tin lành chưa được truyền bá trong nhân gian cho đến ngày Chúa trút hơi thở cuối cùng. Với những người này, dù họ có dùng hết của bất nghĩa để mua đường vào nước Trời thì cũng không vào được, vì chỉ có một con đường vào nước Trời đó là đức tin nơi Chiên Con dâng mình làm của lễ chuộc tội thế gian.

Còn giả sử nếu những người đang dự thính là tín hữu, là những kẻ đã gọi Chúa Giê-su là Cứu Chúa, thì họ không cần phải “dùng của bất nghĩa mà kết bạn,” vì nước Trời đã là của họ.

Do đó chúng ta phải kết luận rằng câu 9 là một lời thách thức, hoặc mỉa mai của Chúa Giê-su: Các anh là những người khôn ngoan của đời này, dùng của cải để gây thế lực, mua sự bình an. Hầu như các anh được cả thiên hạ. Nhưng liệu các anh có mua được nước Thiên Đàng hay không? Còn những người trở nên bạn của các anh nhờ của bất nghĩa, họ có thực là công dân nước Trời để tiếp rước các anh vào?

Quí vị có thấy ẩn dụ trong ngụ ngôn này không? Quí vị có thấy sự mỉa mai? Có thấy rằng Chúa đang nói móc người nghe mà phần lớn là những người giàu có và những lãnh đạo tôn giáo nhiều thế lực?

Điều duy nhất Chúa đòi hỏi là sự trung tín

10Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc rất lớn. 11Vậy nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi? 12Nếu các ngươi không trung tín về của người khác, ai sẽ cho các ngươi được của riêng mình? (Luke 16:10-12)

Chúa Giê-su tóm lược 10 điều răn của Đức Chúa Trời lại còn hai điều răn cao trọng nhất: “37Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Ðức Chúa Trời ngươi. 38Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. 39Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. 40Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Matthew 22:37-40) Hai điều này thực ra còn khó vạn lần hơn 10 điều răn nguyên thủy, vì ai nghĩ mình thỏa được hai điều răn về sự yêu thương này thì người đó có tư tưởng cao quá đỗi về chính mình. Hãy thử suy gẫm về một điều răn tương đối dễ hơn hai điều đó: giữ ngày Sa-bát làm nên ngày thánh. Ai trong vòng những kẻ tuân theo luật pháp Môi-se đã giữ được điều răn đó theo đúng ý muốn của Đức Chúa Trời? Nếu một người chỉ cần có ý tưởng tà dâm thì cũng kể như đã phạm tội đó, thì ví bằng một người có giữ được ngày Sa-bát về thể xác, nhưng có chắc giữ được ngày đó trong tâm hồn? Chắc chắn là không.

Vậy ai có thể xưng mình là người trung tín trong mọi việc đời này? Vì theo James 2:10, chỉ cần thiếu trung tín trong một điều thì cũng kể như không trung tín trong mọi sự. Lời Chúa phán trong câu 10-12 ở trên là lời cáo buộc mọi kẻ nghe về sự bất trung mà tất cả đều phạm, chẳng trừ một ai. Trong vòng những kẻ đang nghe ngụ ngôn này, cũng như tất cả dòng dõi A-đam và Ê-va, chẳng một ai trung tín.

Nhưng có một điều duy nhất Chúa ban cho chúng ta mà Ngài đòi hỏi sự trung tín, đó là đức tin nơi Đấng Cứu Thế. Vì Romans 1:17 viết rằng: “Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” Áp-ra-ham cũng bởi đức tin mà được xưng công bình. John 3:16 viết rằng: “Hễ ai tin Con ấy thì không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời.” Và còn nhiều lời Kinh thánh viết về chân lý đó nữa. Chỉ mỗi điều đó Chúa đòi hỏi nơi chúng ta sự trung tín. Chỉ mỗi sự trung tín đó là điều kiện để Chúa ban cho chúng ta cơ nghiệp đời đời, là “của thật” trong ngụ ngôn này.

Trung tín trong đức tin. Trung tín trong sự chỉ cậy nơi Chúa Giê-su là con đường duy nhất vào đất hứa. Trung tín trong sự chẳng cậy nhờ nơi việc làm bởi luật pháp đòi hỏi để được sự công bình của Đức Chúa Trời. Trung tín trong niềm tin quyết rằng những điều gì Đức Chúa Trời đã hứa thì Ngài sẽ làm cho trọn. Đó là sự trung tín thật mà Chúa nói đến trong ngụ ngôn này. Hãy suy gẫm ngụ ngôn này bằng con mắt thuộc linh để hiểu ý nghĩa chân thực của nó.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and