Ngụ Ngôn Quan Án Bất Công

Lu-ca mở đầu ngụ ngôn này với giả luận rằng Chúa Giê-su kể chuyện này với dụng ý khuyên giục chúng ta hãy cầu nguyện luôn. Theo sự hiểu biết của tôi, Chúa Giê-su có dụng ý hoàn toàn khác.

The parable

1Ðức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ một thí dụ, để tỏ ra rằng phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt: 2Trong thành kia, có một quan án không kính sợ Ðức Chúa Trời, không vị nể ai hết. 3Trong thành đó cũng có một người đờn bà góa, đến thưa quan rằng: Xin xét lẽ công bình cho tôi về kẻ nghịch cùng tôi. 4Quan ấy từ chối đã lâu. Nhưng kế đó, người tự nghĩ rằng: Dầu ta không kính sợ Ðức Chúa Trời, không vị nể ai hết, 5song vì đờn bà góa nầy khuấy rầy ta, ta sẽ xét lẽ công bình cho nó, để nó không tới luôn làm nhức đầu ta. 6Ðoạn, Chúa phán thêm rằng: Các ngươi có nghe lời quan án không công bình đó đã nói chăng? 7Vậy, có lẽ nào Ðức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm chạp đến cứu họ sao! 8Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng? (Luke 18:1-8)”

Đức tin của bà góa

Đối tượng đức tin của bà góa này là một quan án, một người bị nhận xét là bất công trong một số bản dịch Kinh thánh. Chắc bà đã từng được nghe ông mệnh danh là một người *“không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết.”

“tin” rằng vị quan án này là một người “không công bình.” Ông chẳng hề đoái đến những kẻ thấp cổ bé miệng. Ông chiều chuộng những người giàu và có thế lực. Ông nhận của hối lộ. Bà tin rằng nếu bà có một quà cáp gì đó cho ông thì không phải gõ cửa nhiều như vậy. Ông không đoái hoài gì đến tình trạng của bà, cũng chẳng ngó ngàng gì đến sự sống chết của bà. Nếu bà không quấy rầy như vậy thì không thể nào được ông nghe bà điều trần.

Đây là một điều rất thông thường trong mối liên hệ giữa một người có thế lực và những người dưới trong xã hội. Điều này cũng giải thích tại sao nhiều tín hữu cũng liên hệ với thần thánh của họ như vậy.

Sự kiên trì là bằng chứng của đức tin?

Cái tên “Bà Góa Kiên Cường” như được gọi trong một số bản Anh ngữ thực ra chỉ là một sự diễn giải của các nhà giải kinh cho rằng đó là ý chính của ngụ ngôn này. Nhưng Chúa Giê-su không bao giờ nói về đức tin theo ý nghĩa đó. Ngài chẳng hề dạy về số lượng của đức tin, nhưng về sự có, hoặc không có, đức tin, lại nếu cần nói về số lượng đức tin, thì bằng hạt cải rất nhỏ bé cũng là đủ. Cũng trong ý đó, ngài đánh giá sức mạnh của đức tin qua giá trị của đối tượng của nó, chẳng hạn như ĐẤNG mà bạn đặt niềm tin vào. Bạn có thể có đức tin dời non chuyển núi, nhưng nếu đức tin đó đặt trên một đối tượng sai, thì đức tin đó cũng vô ích. Bạn có thể tin mãnh liệt vào một chiếc ghế, và kiên trì trong đức tin đó không kém ai, nhưng nếu ghế đó đã bị mối mọt, thì nó cũng chẳng nâng đỡ được bạn. Ngược lại, nếu ghế đó làm bằng gỗ cứng và ở tình trạng tốt, thì bất kể đức tin bạn yếu đến đâu chăng nữa, ghế đó thừa sức nâng đỡ bạn.

Cầu nguyện không thôi?

Trong Ma-thi-ơ 6:7-13, Chúa Giê-su dạy chúng ta đừng cầu nguyện lập đi lập lại như người ngoại đạo, vì Đức Chúa Trời biết rõ mọi nhu cầu của đời sống họ, do đó đừng cầu nguyện như thể Chúa bị lãng tai. Hơn nữa khi cầu nguyện như vậy, bạn coi Chúa chẳng khác gì quan án bất công trong ngụ ngôn. Vì Chúa Giê-su không thể nào tự mâu thuẫn, hẳn Ngài không thể nào dạy chúng ta sự cầu nguyện kiên trì bằng cách lập đi lập lại, nhưng kiên trì trong sự trông cậy, sự nhận biết Đấng mà bạn đang trút đổ tấm lòng. Thế mà, biết bao bài giảng, sách giải kinh, ngay cả những nhà thần học dịch Kinh thánh, rơi vào bẫy dạy rằng đây là một bài học về sự kiên trì trong sự cầu nguyện. Trong những thiên niên qua, kể từ buổi ban đầu của đạo Chúa, sự để nhiều thì giờ quỳ gối nguyện cầu thường được xem là đức tính cao quý nhất trong đời sống tin kính.

Sự cầu nguyện dài dòng chẳng chứng tỏ điều gì về đức tin. Sự kiên trì, hoặc trung tín cũng vậy. Những điều đó chỉ là sự khiêm nhường giả tạo để che đậy sự thèm khát thầm kín để tự nâng cao chính mình.

Chúa theo ảnh tượng loài người

Khuynh hướng tin rằng nếu chúng ta không cầu nguyện nhiều và dốc đổ thì không thể nào lay chuyển được tay Chúa, đúng là một hiện tượng chung trên khắp thế giới. Hầu hết các tôn giáo trên thế giới cũng tin như vậy. Có những người gây đau đớn trên thân thể mình để được thần thánh của họ đoái hoài. Kêu gào hết sức rồi may ra thần có thể nghe. Tập trung tư tưởng, thốt đúng những thần chú, giữ thái độ chỉnh tề, có những tư tưởng đúng. Được nhậm lời hay không hoàn toàn tùy thuộc vào cung cách cầu nguyện.

Nguồn gốc chính của mối liên hệ với thần thánh này đến từ kinh nghiệm sống của người tín hữu và phản ảnh trong tư tưởng họ. Những thần thánh này mang hình ảnh của người có thế lực trong xã hội. Khả năng của người đó để đáp ứng những sự thỉnh nguyện, tính công bình trong sự phân xử giữa những người trong cuộc, tính tình nóng nảy hoặc trầm tĩnh.

Chẳng khác gì mối liên hệ giữa bà góa và vị quan án trong ngụ ngôn. Vì ông không thính tai, nên bà phải gõ cửa nhiều. Hơn nữa, vì ông nổi tiếng là người không công bình, nên cho dù ông có phải miễn cưỡng tiếp bà, những đáp ứng của ông cũng chẳng đến từ tri thức của ông về tình trạng của bà, hoặc quyết định của ông sẽ ảnh hưởng đến đời sống bà như thế nào.

Do đó, khi Chúa Giê-su kết luận ngụ ngôn với “Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng? (Luke 18:1-8)”, chắc Ngài phải ám chỉ một điều khác với lời giới thiệu của Lu-ca. Ngài muốn hỏi người nghe rằng họ có thực biết Chúa như ý Ngài muốn không, vì Ngài biết bà góa, có lẽ chẳng khác gì những môn đệ đang đứng xung quanh Ngài, dù có đức tin, chỉ là đức tin vào một đấng dựng nên theo hình ảnh họ.

Sự khác biệt

Liệt ra những điểm bất tương đồng giữa quan án và Đức Chúa Trời là một điều không khó. Quan án ngủ say sưa. Đức Chúa Trời không hề buồn ngủ. Quan án không biết gì về tình cảnh của bà. Đức Chúa Trời biết bà từ trước khi bà còn trong bụng mẹ. Quan án có thể bó tay trước nan đề bà đang đối diện, vì biết đâu kẻ thù nghịch của bà còn có thế lực hơn ông. Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng Toàn Năng. Quan án không có lòng thương xót đối với bà. Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. Quan án đáp lời thỉnh nguyện của bà chỉ để bà đừng quấy rầy ông nữa mà chẳng cần biết quyết định của ông sẽ ảnh hưởng đời sống bà như thế nào. Chúa chúng ta có thể ưng thuận hoặc bác bỏ lời thỉnh cầu của chúng ta, nhưng Ngài làm vì tiên kiến về chương trình Ngài có cho đời sống mỗi người. Tóm lại, ông quan án này lãng tai, nhưng Đức Chúa Trời biết rõ những thở than trong lòng con dân Ngài trước khi họ có dịp thốt ra.

Đức tin loại gì?

Khi Chúa Giê-su đặt câu hỏi ở cuối ngụ ngôn: “Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?”, Ngài đã không dùng nó để dạy về sự cầu nguyện kiên trì. Chúng ta hãy xem định nghĩa về sự sống đời đời trong sách Giăng:

Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Ðức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Ðấng Cha đã sai đến. (John 17:3)

Sự sống đời đời chẳng liên quan gì đến điều gì chúng ta có thể làm cho Chúa, vì Ngài có thể sai thiên sứ hoàn tất mọi điều trong chương trình của Ngài, nhưng sự sống đó liên hệ đến sự nhận biết Chúa.

Bạn có sẽ nhận biết là Chúa không giống vị quan án đó không? Bạn có sẽ nhận biết là Ngài khao khát tương giao với bạn khác với mối liên hệ giữa bà góa và vị quan án không? Bạn có sẽ nhận biết rằng Đức Chúa Trời biết và có lòng thương xót bạn hơn vị quan án không? Nhưng Chúa Giê-su biết rõ lòng người lắm. Ngài biết nhiều người đến các thánh đường, mang danh là người tin Chúa, nhưng rất ít kẻ thực sự biết Ngài. Đa số liên hệ với Ngài như một cuộc trao đổi, nếu tôi làm điều này cho Chúa, thì Chúa có làm điều kia cho tôi không? Nhưng thật ít người khiêm nhường đủ để nhận biết rằng Chúa có quyền làm bất cứ điều gì Ngài muốn, và Ngài chẳng nợ nần ai.

Một người có đức tin lớn có thể trình lên Chúa một điều cầu xin, rồi trao gánh nặng cho Ngài, biết rằng họ không phải nài xin liên lỉ, họ không phải cố lay động tay Ngài với lời cầu nguyện dài dòng, nhưng trút gánh nặng mình trước ngai ân điển vì biết rằng, lúc đúng thì, mọi sự sẽ hiệp lại làm ích cho người yêu mến Chúa. Nhưng đức tin như vậy là hiếm lắm, vì đa số tin rằng sự trả lời của Chúa tùy thuộc vào thời gian họ quỳ gối cầu xin. thần thánh của người đời thì điếc, nhưng Đức Chúa Trời của chúng ta biết lời cầu xin của các thánh đồ trước khi họ cầu xin, Their god is deaf, our God can hear the saint’s prayer even before it is spoken, thần thánh của họ không nghe được tiếng khóc than của những người thấp cổ bé miệng, nhưng Đức Chúa Trời đoái xem cả đến con chim sẻ nhỏ bé.

Vấn đề không phải là khi Chúa đến Ngài có sẽ thấy đức tin không, nhưng là Ngài có sẽ thấy có đức tin “trên mặt đất” không. Có lẽ Ngài sẽ thấy đa số là những người có đức tin giống như của bà góa đối với vị quan án, và những người khi đọc ngụ ngôn này đi đến kết luận rằng mục đich của nó là sự kiên trì cầu nguyện. Ngài có sẽ tìm được đức tin chân thực không? Ngài có sẽ tìm được người thực sự biết Ngài không?

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , and