Lạm Dụng Ân Điển

Ân điển có thể chỉ là một từ được dùng để nói lên một khía cạnh của thần học, hay là nó có thể là một điều quí báu mà hầu như đa số đều mù loà về nó cho đến khi mắt họ mở ra để nhìn thấy quyền năng thay đổi đời sống. Một người tín hữu đâm rễ sâu vào ân điển và sự nhận biết Đấng Christ (2 Peter 3:18) vẫn mãi là một dòng dõi hiếm có, thế mà nay chúng ta phải nói về đề tài “chớ lạm dụng ân điển.”

Lời mở đầu

Đã có biết bao bài giảng và sách vở về đủ mọi đề tài; nhưng bất kể chủ đề là gì và từ bất cứ khía cạnh nào, sự giảng dạy đều nhắm vào tội lỗi và sự cảnh cáo coi chừng sa vào chúng. Thường thì Romans 6:1 được dùng làm nền tảng cho những sự giảng dạy đó: "Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng?"

Chúng ta thấy rõ ràng có một giả định rằng phần đông tín hữu cần phải được nhắc nhở rằng họ không nên lạm dụng ân điển của Chúa; gỉa định đó được phản ảnh qua số lượng bài giảng và sách vở. Bài viết này muốn cho thấy những cảnh cáo đó vừa đặt không đúng chỗ vừa cho thấy có lẽ có sự thiếu hiểu biết về ân điển Chúa trong kiến thức của soạn giả hoặc giảng sư.

Một giả định sai

Có thật chăng một người cần ân điển Chúa để họ tự do phạm tội? Nếu quả thực con người lạm dụng ân điển Chúa, thì có lẽ thế gian không có đạo Chúa là hơn, vì nếu họ không biết ân điển Chúa thì không thể nào lạm dụng nó, hoặc không tìm cớ phạm tội. Thực ra chúng ta thừa biết nhân loại đã phạm tội từ lâu lắm trước khi họ có khái niệm về ân điển Chúa. Hãy thử suy gẫm nhân loại đã phạm tội biết bao trước khi Chúa gửi cơn đại hồng thuỷ, mà khi đó là khoảng thời gian rất lâu trước khi Chúa đến để ban sự cứu rỗi rộng rãi cho bất cứ ai tin.

Chúng ta thường nghe nhiều lời làm chứng và câu chuyện kể về những đời sống được đổi thay trở nên tốt đẹp hơn. Nếu những lời làm chứng này trung thực, và nếu những câu chuyện kể đáng tin cậy, thì lý do gì khiến chúng ta cần đến sự giảng dạy đó? Điều gì đem đến sự cần thiết phải thường xuyên nhắc nhở về sự chớ lạm dụng ân điển Chúa là một điều hoàn toàn đi ngược lại với lời đảm bảo của Đức Chúa Trời rằng “Ðấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Ðức Chúa Jêsus Christ (Philippians 1:6)”?

Một sự mâu thuẫn

Trước khi lời giảng dạy về “chớ lạm dụng ân điển Chúa” trở nên cần thiết, nếu quả thực có một nhu cầu cần sự giảng dạy đó, hạt giống của đức tin chắc chắn đã được đâm rễ sâu vào lòng người nghe đến nỗi họ tin chắc rằng sự tha thứ của Đức Chúa Trời qua thầp tự giá có dư ơn để che đậy vô số tội lỗi của họ.

Trước khi mức độ đức tin đó được đạt đến, chẳng có lý do gì khiến chúng ta phải lo lắng về sự lạm dụng ân điển, vì làm sao một người chưa nắm vững được sự cứu rỗi của họ, sự cứu rỗi nhờ ân điển bởi đức tin, có thể làm được điều mà họ đang bị cảnh cáo?

Trong tập sách “The Grace Awakening,” tác giả Charles Swindoll quả quyết rằng nếu chúng ta không giảng về ân điển đến nỗi có người kiện cáo rằng chúng ta khuyến khích người ta phạm tội, thì chắc chúng ta chưa giảng điều gì có giá trị chút nào. Nhà giảng sư nổi tiêng Martyn L. Jones cũng nói lên điều tương tự nhiều năm trước Charles Swindoll. Cả hai vị này đều chỉ, một cách đơn giản, lập lại điều mà sứ đồ Phao-lô đã viết trong sách Rô-ma về sự người ta kiện cáo ông vì ông nói quá nhiều về ân điển Chúa: “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng?” (Romans 6:1), và để trả lời họ, ông viết: “Chẳng hề như vậy.”

Các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả cho sự chết. Trong thực tế, duyệt qua tất cả các sách vở viết qua nhiều thời đại chúng ta thấy có một sự chú tâm bất quân bình về tội lỗi chứ không phải ân điển. Do đó chúng ta có thể vững tâm quả quyết rằng sự giảng dạy “chớ lạm dụng ân điển Chúa” không đặt nền tảng trên sự thẩm định xác thực về đức tin của tín hữu chút nào.

Nói một cách ngắn gọn, sự mâu thuẫn rành rành nằm trên thực tế rằng rất ít thì giờ được dành để nói về ân điển Chúa, trong khi quá nhiều thì giờ thì dành cho sự cảnh cáo chớ lạm dụng điều ít người biết tới đó.

Phải chăng ân điển Chúa cổ động cho tội lỗi?

Sự giảng dạy “chớ lạm dụng ân điển Chúa” chỉ có hiệu lực nếu ân điển Chúa quả thực gây nên một sự gia tăng về tội lỗi. Nhưng đây không phải là điều Thánh Kinh nói. Thánh Kinh nói rằng “các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả cho sự chết” (Romans 7:5), nhưng ân điển Chúa thì kết quả cho sự sống. Chính là sự chú tâm lạc đường về tội lỗi đã đặt con người vào vũng xoáy chìm sâu. Họ càng tìm cách chống trả tội lỗi, thì tội lỗi càng cuốn hút họ “khác nào con chó đã mửa ra, rồi liếm lại (Proverbs 26:11)”

Trong 1 Corinthians 15:56, sứ đồ Phao-lô tuyên bố không ngần ngại rằng sức mạnh của tội lỗi là luật pháp. Đây thật là một điều ngoài sự dự đoán của hầu hết những người học Kinh Thánh; vì họ hầu như luôn luôn trở về với sự dùng luật pháp để kềm hãm xác thịt, nhưng trong thực tế thì luật pháp lại đem đến một kết quả trái ngược, nó kích thích tình dục xấu xa trong xác thịt.

Chúng ta hãy trở về với Romans 7:5 trong một bối cảnh rộng lớn hơn.

5Vì khi chúng ta còn sống theo xác thịt, thì các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả cho sự chết. 6Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều bắt buộc mình, thì được buông tha khỏi luật pháp đặng hầu việc Ðức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự.

Đoạn Kinh thánh trên cho chúng ta thấy một sự tương phản, một bên là luật pháp và “kết quả cho sự chết,” còn bên kia là điều đối nghịch, ân điển, và mặc dầu kết quả nó không được nói đến, chúng ta biết nó phải sinh ra kết quả cho sự sống. Trước kia chúng ta ở dưới sự kiểm soát của luật pháp, bây giờ chúng ta được buông tha khỏi nó. Chúng ta đã chết về điều trước kia đã kềm toả chúng ta—tức là luật pháp, là cách cũ của văn tự—, bây giờ chúng ta sống trong sự sống mới của Thánh Linh. Và cuối cùng, để chúng ta có thể hầu việc Đức Chúa Trời, chúng ta phải chết về luật pháp.

Do đó nếu mục đích của chúng ta là chiến thắng được dục vọng của xác thịt, chúng ta cần ân điển Chúa thay vì cảnh cáo người khác về ảnh hưởng tiêu cực của nó. Tội lỗi có sức mạnh nhờ luật pháp. Và chính luật pháp là điều khơi động sự ham muốn của xác thịt trong chúng ta. Chẳng phải ân điển. Không thể nào chúng ta lại có thể nghi ngờ điều đẹp đẽ như ân điển của Chúa.

Các tín hữu có thực sự biết ân điển Chúa không?

Như đã tuyên bố trong phần trước của bài viết này, sự cảnh cáo tín hữu về “chớ lạm dụng ân điển Chúa” trong khi họ không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó là một điều vô lý. Một câu hỏi thực tế mà chúng ta phải tự hỏi mình là: Các tín hữu có thực sự biết ân điển Chúa chưa? Làm sao để chúng ta biết rõ điều đó?

Chúng ta không cần phải nhìn đâu xa hơn bối cảnh của chính hội thánh của mình. Rất ít người đi nhà thờ, ngay cả người thường xuyên tham dự lớp Trường Chúa Nhật, tin chắc về sự cứu rỗi của mình. Khi được hỏi quý vị có biết mình sẽ đi về đâu khi cuộc đời này qua đi, hoặc khi có tiếng kèn trổi lên trên không trung ngày Chúa trở lại (I Cỏinthians 15:52), thì câu trả lời thường là: “Tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình,” hoặc một điều gì đó tương tự hay còn mơ hồ hơn thế nữa.

Nếu họ hiểu rõ ân điển Chúa thì chắc họ chẳng nghi ngờ về sự cứu rỗi của mình như vậy. Câu trả lời của họ cho một câu hỏi quan trọng như vậy về chỗ đứng của họ trong cõi đời đời chắc chắn phải quả quyết hơn cho dù không tuyệt đối, vì sự cứu rỗi không dựa trên khả năng của con người mà trên lời hứa của Đức Chúa Trời. Do đó cảnh cáo họ về sự nguy hiểm của “ân điển” khi họ chưa sở hữu nó quả là một điều vô lý.

Kết Luận

Sự giảng dạy về “chớ lạm dụng ân điển Chúa” do đó cũng giống như một con ruồi lọt vào trong lọ nước hoa. Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá để phô bày ân điển không chi ví sánh của Đức Chúa Trời cho nhân loại, nhưng loài người lại tìm cách che đậy ánh sáng đem hy vọng đến cho tội nhân khốn cùng. Sự giảng dạy của họ cũng chẳng khác gì mói rằng: Ân điển Chúa thật diệu kỳ, nhưng nó có một khuyết điểm.

Những người giảng “chớ lạm dụng ân điển Chúa” nên bắt đầu tin Chúa là hơn, tin nơi Đức Thánh Linh ngự trong lòng tín hữu sẽ chăm lo đến con cái của chính Ngài, vì Ngài sẽ tiếp tục làm công việc Ngài để chuẩn bị họ cho nước Đức Chúa Trời. Họ phải quả quyết trong lòng sẽ chỉ dẫn người ta đến với Đấng Christ và nhường công việc biến hoá đời sống kẻ tin trong tay Đấng đã tạo loài sanh linh từ bụi đất.

Họ phải tin tưởng rằng nếu Chúa không hạn chế ân điển Ngài, thì họ cũng không nên làm điều đó. Nhưng nói một cách công bình, Chúa có đặt một sự ràng buộc, dù là một sự ràng buộc khác thường, trên những kẻ tin Ngài: Đức Thánh Linh. Ngài sẽ đổ tình yêu của Ngài—ân điển; cách dư dật trong lòng họ, và tình yêu đó sẽ ràng buộc họ cũng như đã ràng buộc Phao-lô (2 Corinthians 5:14).

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and