Làm Nên Sự Cứu Chuôc

Philippians 2:12 khuyên chúng ta “lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình”, thế là các tín hữu sắn tay áo bận rộn làm việc nọ việc kia. Không những chỉ bận rộn mà thôi, họ còn làm việc trong sự sợ sệt run rẩy nữa. Bài viết này sẽ cho thấy lối giải thích phổ thông về các ý niệm “sợ hãi run rẩy”“làm nên sự cứu rỗi” là không ổn và trái nghịch với nhiều chân lý khác trong Thánh Kinh.

Làm nên sự cứu chuộc mình

Giờ đây, anh em đã nhận được sự cứu rỗi nhờ Đấng Christ đã chịu chết trên thập giá vì tội lỗi nhân loại, thì hãy nên thể hiện sự cứu rỗi đó cho xứng đáng với sự hy sinh của Con Đức Chúa Trời. GotQuestions.dot.org diễn tả sự “làm nên” này nghĩa là “… tích cực theo đuổi sự vâng lời về tiến trình nên thánh … ‘gắng sức’ và ‘kiên trì’ tiến tới mục đích trở nên giống Chúa,” còn DesiringGod.dot.org thì có một bài mang tựa “Tại sao chúng ta PHẢI làm nên sự cứu chuộc mình?” Bài viết đó giải thích: “việc chúng ta làm chứng minh rằng đức tin chúng ta có là chân thật. Các việc làm đó là bằng chứng sự chúng ta được Chúa chọn.” Các nguồn trưng dẫn các lý do khác nhau, nhưng hầu hết đều hướng về việc người tín hữu cần phải “làm nên sự cứu chuộc mình.” Các nguồn trên cũng đồng quan điểm với những bài giảng tôi đã thường nghe trong nhiều năm qua.

Có hai ý niệm chính trong các quan điểm trên đi ngược lại với niềm tin của tôi: sự nên thánh như một tiến trình, và việc làm để minh chứng đức tin.

Trước hết, tôi không tin rằng sự nên thánh là một tiến trình, nhưng là một sự ban cho một lần trọn vẹn từ Đức Chúa Trời khi chúng ta đặt niềm tin vào sự hy sinh của Cứu Chúa Giê-su. Chúng ta hãy thử suy gẫm đoạn Kinh thánh dưới đây:

Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời. (Hebrews 10:14)

Kế tiếp, tôi không tin rằng đức tin chúng ta phải đặt điều kiện trên một, hoặc nhiều hơn, việc làm nào đó, vì nếu vậy, không một ai có thể biết được việc làm, hoặc các việc nào, có thể minh chứng được đức tin. Ê-phê-sô 2:8-9 có lẽ là câu Kinh thánh được nhiều người biết nhất để bày tỏ điều đó:

Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình (Ephesians 2:8-9).

Bây giờ là lúc chúng ta vào đoạn Kinh thánh chính của bài viết này:

Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài (Philippians 2:12-13).

Chúng ta thấy rõ ràng qua đoạn Kinh thánh này, vấn đề không phải là sự thiếu vâng lời của các tín hữu Phi-líp, vì họ “vâng lời luôn luôn,” không phải chỉ khi Phao-lô ở cùng họ, nhưng còn hơn thế nữa cả những khi ông vắng mặt. Phao-lô đã không viết rằng họ NÊN hoặc PHẢI GẮNG SỨC làm nên sự cứu chuộc mình, ông cũng chẳng hứa hẹn phần thưởng nếu họ làm, hoặc dọa nạt nếu họ không làm. Nhưng ông nhấn mạnh về phẩm chất của việc họ làm, nền tảng mà trên họ họ làm nên sự cứu chuộc mình. Họ có làm vì danh vọng và lợi ích riêng tư không? Hay họ làm vì lòng yêu thương các con cái Chúa?

Trọng tâm của Phi-líp đoạn 2 không phải là sự quan tâm rằng các tín hữu có làm nên sự cứu chuộc mình không, nhưng về động lực thúc đẩy họ làm những công việc đó.

Lấy lòng sợ sệt run rẩy

Thực ra tôi không cần phải qua gắng sức để bày tỏ điều này, vì câu 13 cho thấy rõ ý nghĩa sâu xa của “lòng sợ sệt run rẩy” như chúng ta sẽ thấy dưới đây.

Người tín hữu Tân Ước không còn cậy vào sức mạnh của xác thịt, nhưng sống dưới ân điển Chúa, biết rằng trong mọi việc họ làm, họ chẳng có quyền kể công, hoặc khoe mình, vì “ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” Vì bất kỳ lúc nào có sự tham dự của xác thịt, thì có sự tự đắc. Ephesians 2:8-9 viết rằng vì chúng ta được cứu bởi ân điển, không phải bởi việc làm, do đó chúng ta không có lý do gì để tự khoe mình. Trong Romans 3:27, sứ đồ Phao-lô cũng khuyên các tín hữu đừng khoe mình vì ông vạch ra cho các tín hữu Rô-ma thấy rằng hiện họ đang sống dưới một luật mới, luật của đức tìn chứ không của việc làm.

Thế nhưng, khi một người tín hữu Tân Ước còn cậy vào luật pháp làm thầy giáo mình, thì người ấy vẫn luôn xem mình là động lực thúc đẩy trong mọi hành động. Nếu người đó thỏa những đòi hỏi của luật pháp thì được phước, còn không sẽ mất phước. Lối suy nghĩ này tạo nên một môi trường mầu mỡ cho sự tự hào về mình hoặc khả năng mình có.

Do đó, sứ đồ Phao-lô hẳn đã dùng cụm từ “lòng sợ sệt run rẩy” như một tương phản với thái độ tự cao, vì lý do “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” Chính Chúa, chứ chẳng phải một người nào. Vì vậy đừng tự khoe mình, khoe về những thành quả mình đạt được dù là công việc làm cho Chúa. Phao-lô đã không ám chỉ chút nào về bổn phận, vâng lời, biết ơn, hoặc đền đáp lại những gì Chúa đã làm cho mình, hoặc gợi mặc cảm tội lỗi để thúc đẩy họ. Ông đã không cần phải thúc đẩy họ về sự làm nên sự cứu chuộc mình vì ông đã nhận xét rằng các tín hữu Phi-líp “đã vâng lời luôn luôn.” Điều họ phải cảnh giác không phải là có thể vì họ biếng nhác, nhưng về thái độ trong lòng liên hệ đến duy chỉ một điều: Họ đang cậy ân điển Chúa, hoặc việc làm của mình, trong mối liên hệ với Ngài? Họ có biết rằng “ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài?”

Và thực ra không ai cần phải hầu việc Chúa trong sự “sợ sệt và run rẩy,” trong tâm trạng của một người phục vụ một bạo chúa. Phao-lô đã hết sức bày tỏ qua những lá thư của ông về một mối liên hệ với Chúa trong ân điển thay vì việc làm. Phao-lô cũng chính là người thúc giục chúng ta hãy lớn lên chứ đừng cứ ăn sữa của sự giảng dạy “từ bỏ các việc chết,” hoặc tương tự như thế trong sự chớ lẩn tránh việc làm lành (Hebrews 6:1-2). Do đó, chúng ta không thể nào hiểu ý của Phao-lô về sự “sợ sệt và run rẩy” theo nghĩa đen.

Làm nên những điều gì?

Đa số các tín hữu giả định rằng “làm nên sự cứu chuộc mình” là những việc liên hệ đến niềm tin. Chẳng hạn như: đi nhà thờ, học Kinh thánh, trại bồi linh, tĩnh tâm, chứng đạo, giảng tin lành, v.v. Nhưng có thật Chúa đã chết chỉ để chúng ta làm những việc đó hay không? Hay là Ngài đã chết để chuộc lại con người tan vỡ đứng trước mặt Ngài ngày hôm nay? Nghề nghiệp, hy vọng, ước mơ, sợ hãi, lo buồn, đau khổ, vui mừng, yếu đuối, khả năng, tính tình, dị tính, và nhiều điều khác nữa khiến vua Đa-vít đã phải thốt lên rằng: “Tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã dựng nên tôi cách đáng sợ lạ lùng” (Psalm 139:14).

Làm nên sự cứu chuộc mình là trước hết sống đời sống mà Chúa đã dựng nên, nhưng với một sự khác biệt. Trước kia sống trong sự tủi thân, bây giờ sống trong tình yêu của Chúa. Trước kia buông mình trong tội lỗi đề tìm nguôi một nỗi đau nào đó trong tâm hồn, bây giờ với con tim được phủ đầy tình yêu Chúa, được giải thoát để nhận biết điều khác biệt. Trước kia sống đời vô ý nghĩa nhưng bây giờ biết mình có một chỗ quý báu trong lòng Chúa và trong nước Ngài.

Cũng như không ai cần được luôn nhắc nhở rằng mình phải thở không khí để sống, thì sự làm nên sự cứu chuộc mình cũng vậy. Chính Chúa đã tạo nên không khí để chúng ta thở, thì cũng chính Ngài làm việc trong lòng mỗi kẻ tin Ngài để vừa muốn vừa làm theo ý tốt lành của Ngài. Do đó điều chúng ta cần cẩn trọng là đừng để những việc mình làm cho Chúa dẫn đến lòng tự kiêu, còn nếu chúng ta có thái độ nào, thì hãy là thái độ sợ sệt và run rẩy vì biết rằng mọi việc mình làm, cả đến sự cứu chuộc, mình cũng chẳng xứng đáng nhận lãnh.

Các bản dịch tiếng Việt

Hầu hết các bản dịch tiếng Việt đều gây nên một ấn tượng khác với các bản tiếng Anh. Ví dụ bản NIV viết như sau về sự “làm nên sự cứu chuộc mình”: “work out your salvation (NIV),” nhưng các bản tiếng Việt đều dịch như sau:

làm nên sự cứu chuộc mình (Bản Truyền Thống)
nỗ lực để nhận được ơn cứu rỗi (Bản Dịch 2011)
hành động để hoàn thành sự cứu rỗi mình (New Vietnamese Bible)
cố gắng sống sao cho xứng đáng với ơn cứu rỗi (Vietnamese Bible — Easy to Read Version)

Trong các bản tiếng Anh, “work out your salvation” mang ý nghĩa chúng ta đã có sự cứu rỗi rồi, thì thể hiện nó trong cuộc sống. Giống như một bình chứa nước, chỉ cần vặn vòi mở ra cho tuôn chảy. Trái lại, hầu như mỗi bản tiếng Việt liệt kê ở trên hàm ý sự cứu chuộc chỉ mới là khởi đầu, chưa được trọn vẹn, chúng ta cần phải nỗ lực đi cho đến đích. Chỉ ngoại trừ bản Easy to Read là gần với ý của tác giả Philippians nhất, nhưng cũng không gần đủ vì đối với Phao-lô, sự thể hiện sự cứu rỗi là điều tự nhiên, chỉ duy các tín hữu hãy làm trong tâm thần nhu mì nhận biết mọi sự là bởi ân điển Chúa. Hơn nữa, không ai sống xứng đáng với ơn cứu rỗi của Chúa cả, vì chỉ một Đấng xứng đáng mà thôi: Giê-su Christ.

Còn các bản dịch khác, nếu bạn chưa được sự cứu rỗi trọn vẹn thì đến bao giờ bạn mới biết chắc mình được vào nước Chúa? Bạn trả lời làm sao với đoạn Kinh thánh này:

Chúng ta được trọn vẹn nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả. (Hebrews 10:10).

Chúng ta được nên thánh trọn vẹn chỉ nhờ sự dâng thân thể của Chúa một lần đủ cả. Nếu Chúa đã làm trọn rồi thì … quý vị đang làm gì? Sứ đồ Phao-lô đã quở trách các tín hữu Ga-la-ti, gọi họ là những kẻ ngu xuẩn, chỉ vì lối suy nghĩ đó:

Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? (Galatians 3:3)

Chúa đã làm trọn rồi, sao bạn lại nghĩ sự cứu rỗi của mình là chưa trọn?

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , and