Đường Hẹp

Phần lớn các tín hữu nghĩ về đường hẹp mà Chúa Giê-su đã phán là đường đòi hỏi sự hy sinh của chính bản thân, những của cải và lạc thú đời này, là con đường đối nghịch với đường rộng nói lên một đời sống thanh nhàn theo đuổi những sự thuộc về thế gian. Nhưng thực ra đây không phải là ý mà Chúa Giê-su nói đến.

Theo cách giải thích phổ thông, cửa, hoặc đường, hẹp nói về những hoạn nạn và thử thách chờ đợi những kẻ vào trong con đường đó. Tuy nhiên lại có một kỳ vọng ngược lại rằng đời sống của một tín hữu tốt thì đầy dẫy ơn phước Chúa, đặc biệt là về những phước lành vật chất, những sự ban cho về tài chánh và đời sống gia đình sung mãn; phản ảnh những ơn lành của Chúa như một bằng chứng cho thế giới bên ngoài niềm tin. Nhưng không có một bằng chứng gì trong bối cảnh chung quanh đoạn Kinh thánh đó bênh vực cách giải thích như vậy, của những lời hứa về hoạn nạn thử thách hoặc đời sống êm ả bình an. Vậy mà đây là những điều chúng ta thường nghe từ các bục giảng khắp nơi bao gồm cả hai thái cực.

Giải-thích/mâu-thuẫn phổ thông

Hoạn nạn

Theo những cách giải thích phổ thông, người ta thường bị cảnh cáo về những khó khăn mà họ sẽ phải sẵn sàng chịu đựng khi tin Chúa. Họ bị cảnh cáo về những khó khăn trong cuộc sống từ những kẻ thù của thập tự giá, phải sẵn sàng để hi sinh nhiều điều, phải gạt bỏ mọi ý tưởng về một đời sống êm ả, hoặc những đặc ân. Lại nếu “Con Người còn không có chỗ gối đầu (Luke 9:58)” thì chúng ta là ai mà dám đòi hỏi điều gì hơn? Sự chịu đựng khổ đau dường như là một đề tài chung cho hầu hết các bài giảng, và các tôn giáo trên thế gian. Có một giá phải trả, một nỗ lực nào đó được thực hiện hầu gặt hái được kết quả, và vì chẳng có điều gì tự nhiên mà có, thì sự cứu rỗi cũng vậy, phải có sự khổ đau là điều kiện tiên khởi.

Phước lành

Điểm đáng chú ý là trong cùng một buổi nhóm thờ phượng ngày Chúa Nhật, các tín hữu được khích lệ chia xẻ những ơn phước trong đời sống. Càng nhiều phước lành bao nhiêu thì càng chứng tỏ sự trung tín của họ đối với Chúa. Những ơn phước như con cái thành công, bệnh tật được chữa lành, tìm được việc làm tốt, sinh con đẻ cái, tránh khỏi tai nạn hiểm nghèo, Chúa can thiệp cách lạ lùng, lời cầu nguyện được nhậm, và vô số các lời thuật lại để chứng tỏ sự được đẹp lòng Chúa.

Sự mâu thuẫn

Có điều gì đã thay đổi chăng? Các bài giảng có thực chuẩn bị các tín hữu cho những khó khăn thử thách trước mặt, hay hứa hẹn về một đời sống bình an khi họ bước đi trong niềm tin? Đi đàng nào cũng chết. Bất kể những bài giảng bạn nghe về giá trị của sự khổ đau, bạn thấy mình bị nguyền rủa nếu đời sống đầy những hoạn nạn. Chẳng phải đây là điều đã xảy ra cho Gióp sao? Hoặc những giả định của loài người về người mù từ lúc sơ sinh?

Ở ngoài vòng những người tin Chúa, những kẻ có cùng những trắc trở trong cuộc sống nhiều khi tìm được trong nhóm nâng đỡ của họ sự an ủi vì biết không phải chỉ có một mình họ, nhưng trong vòng tín hữu là môi trường chính ra phải đầy dẫy sự yêu thương, họ lại thấy mình như người bị loại bỏ. Thực sự không phải vì họ bị ruồng bỏ bởi những kẻ cùng niềm tin, nhưng vì họ cảm thấy một sự bị nguyền rủa trong tâm khảm vì những giáo lý mâu thuẫn mà họ đã nghe qua nhiều năm tháng.

Nước Trời

Nếu không có một nền tảng vững vàng về sự cứu rỗi, người tín hữu đánh giá mối liên hệ giữa họ với Chúa hoàn toàn trên những hoàn cảnh của cuộc sống. Thay vì vui mừng khi hoạn nạn, họ lại quay về trong sự tự kỷ ám thị quay cuồng trong sự lo lắng không biết mình đã sai lầm ở điểm nào, có làm buồn lòng Chúa chỗ nào chăng. Thay vì khiêm tốn nhận lấy những ơn lành trong sự nhận biết rằng đó là vì sự nhân từ thương xót của Chúa, họ khoe mình và phê phán những người đang trong hoạn nạn. Sách Gióp và chuyện người mù từ thuở sơ sinh là bằng chứng của lối suy tưởng đó.

Đó chính là cội rễ của vấn đề. Nếu sự cứu rỗi, hoặc sự xưng công bình, đặt nền tảng trên nỗ lực, hoặc việc làm, hoặc trên công trạng cá nhân, thì mọi điều khác cũng thế. Cách chúng ta nhìn về nước Trời chắc chắn cũng là cách chúng ta đánh giá mọi sự. Matthew 6:33 viết rằng “Trước hết, hãy tìm kiếm nước Ðức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa,” thế mà bao nhiêu tâm huyết được đổ vào “mọi điều ấy nữa,” chẳng hạn như mục vụ, chứng đạo, cầu nguyện, học Kinh thánh, bố thí, phương pháp làm cha mẹ, vượt thắng sự nghiện ngập, áp lực của bạn bè, và vô số những phương cách khác nữa. Nhưng dù “mọi điều ấy” là những việc lành, chúng cũng chẳng thuộc về nước Trời và sự công bình của Ngài, vì chúng vẫn ở phía bên này của cõi đời đời. Thực ra tiên tri Ê-sai đã gọi những việc lành đó là “tấm áo nhớp” (Isaiah 64:6).

Ai có thể biết ý nghĩa chân thực của nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài? Duy chỉ những người đã vào được nước Trời mới biết những điều thuộc về nước đó; phần còn lại là những người đứng ở ngoài nói về điều mình không biết.

Sự công bình của Đức Chúa Trời

Những người duy nhất vào được nước Trời là người được chính Ngài xưng công bình. Nhưng không phải là sự công bình của chính mình, nhưng là sự công bình của Chúa được ban cho họ. Và họ được kể là người công bình như thế nào? Chẳng phải bởi việc làm, nhưng bởi đức tin. Vì sự xưng công bình này hoàn toàn bởi sự nhân từ và thương xót của Chúa do đo họ chẳng phải đợi chờ; Chúa đã xưng mình là Cha của họ và Ngài đã gọi họ là con Ngài. Vì cơ nghiệp trên trời không tùy thuộc vào họ, nhưng vào việc Đấng Christ đã làm trọn, họ đã được sống lại như khi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho nhân loại trong buổi sáng thế. Những người này đã ở trong nước Trời rồi. Họ biết điều mình nói về nước Trời đó.

Những ai vẫn còn ở ngoài nước Trời? Đó là những người lệ thuộc vào việc làm của luật pháp để làm trọn đức tin của mình. Nhưng việc làm của luật pháp là phơi bày tội lỗi. Nó tạo nên một hàng rào kiên cố giữa họ và Đức Chúa Trời vì:

Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi. (Romans 3:20)

Họ sẽ chẳng bao giờ được an nghỉ. Luật pháp thay vì ban cho họ sự công bình cần thiết để vào nước Trời, nó lại đẩy họ rời xa Đức Chúa Trời vì nó phóng đại tội lỗi giống như những người khổng lồ trong đất hứa. Do đó, theo định nghĩa, những kẻ cậy vào luật pháp không thể nào biết được nước Đức Chúa Trời.

Hẹp và Khoảng Khoát

Chúa không cho nhân loại một đường nào khác vào nước Trời ngoại trừ con đường do chính Ngài ban: Đấng Christ. Ngài đã phán như sau trong John 14:6:

Vậy Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.

Thế gian luôn luôn tìm cách đến gần Đức Chúa Trời qua nỗ lực của chính họ, qua việc làm của một luật pháp nào đó, nhưng Chúa Giê-su đã chỉ cho họ một con đường rất hẹp: tin vào việc Đấng Christ đã làm trọn. Đường hẹp như vậy đó. Nó không hẹp vì khó khăn hay hoạn nạn, nhưng vì là phương tiện duy nhất loài người có thể đạt được trong chương trình cứu rỗi. Đối với những người cậy vào việc làm của luật pháp, đường rộng vì mỗi người chọn làn đường cho chính mình, chọn định nghĩa riêng cho đường lối của mình để đến gần Chúa, vì công việc của mỗi người đều khác nhau. Đó là con đường rộng với vô số những cơ hội đi lạc.

Hậu quả của cái nhìn sai

Bằng cách định nghĩa đường hẹp là một đường đầy gian truân, người ta đổi ý nghĩa của nó từ ân điển sang việc làm, từ sự chỉ trông cậy đơn thuần nơi Đáng Christ đến vô số những hình thức của nỗ lực xác thịt, từ sự biết chắc vững vàng về sự cứu rỗi đến những nghi vấn từ những chọn lựa ngẫu nhiên để đạt được những tiêu chuẩn do loài người đặt ra.

Đường hẹp chân thật là đường dễ đi hơn hết vì thẳng và hẹp mà không có những chuyển hướng hoặc tẻ đi lối khác, đường đó dẫn thẳng từ chốn lưu đầy đến vùng đất hứa. Trên đó, Chúa đã đưa chúng ta đến nhà Ngài trên “cánh chim ưng (Exodus 19:4).”

Dầu vậy đường hẹp này có thể trở nên khó đối với những người bước đi theo xác thịt—không có nghĩa là theo những lôi cuốn tội lỗi của xác thịt, nhưng là sự sử dụng nỗ lực của xác thịt để đến gần Chúa—. Như bài viết này tìm cách bày tỏ rằng sự khó khăn chẳng phải vì những gian truân, nhưng vì sự lựa chọn. Những kẻ cậy vào luật pháp, hoặc vào những việc làm của luật pháp, hoặc nỗ lực của xác thịt, phải chịu những mất mát như người trẻ tuổi giàu có như trong Matthew 19:16-22. Nếu không cậy được việc làm thì họ không có cớ khoe khoang về sự công bình của chính mình.

Những người giảng dạy lời Chúa có nhiều trách nhiệm lớn lao. Quý vị đã giải thích những chân lý của Kinh thánh, chẳng hạn như “đường hẹp,” thế nào với những người ngồi nghe quý vị giảng? Quý vị đang giúp, hay ngăn cản, họ vào nước Đức Chúa Trời?

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , and