7 Ngày Trước Chúa Tái Lâm

Một nhà giải kinh viết sách với tựa đề được mượn để viết bài này. Sách đó nhắm vào mục đích giúp tín hữu chuẩn bị cho ngày Chúa tái lâm. Bài viết này đề nghị một phương cách xác quyết hơn, đặt nền tảng trên Kinh thánh, với cùng một mục đích.

Cẩm nang

Tác giả nhắc nhở người tín hữu mệnh lệnh Chúa về sự phục vụ tha nhân, cùng các ta-lâng mà Chúa ban cho mỗi người theo ngụ ngôn mà Ngài đã giảng dạy, cùng các việc lành khác họ nên làm để chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Bài viết này sẽ kiểm chứng và phản luận một số các giả định trong bài giảng luận của tác giả mà ông dùng để viết sách này. Bài viết này không nhằm mục đích công kích tác giả hoặc các mục vụ của ông, nhưng đến từ nhận thức rằng chủ đề này biểu tượng cho những giảng dạy phổ thông ngăn trở sự tăng trưởng thuộc linh, đem đến sự nghi ngờ trong mối quan hệ với Chúa, nhưng thay vào đó đề nghị một phương cách đặt nền tảng trên Kinh thánh để đạt được sự sẵn sàng một cách xác quyết hơn. Dưới đây là phần giới thiệu cho cuốn sách “7 Ngày Trước Chúa Tái Lâm - Tài Liệu Hướng Dẫn.”

Bạn sẽ làm gì nếu biết Chúa Giê-su sẽ trở lại trong bảy ngày? Mặc dầu Kinh thánh cho chúng ta biết tỏ tường rằng không một ai biết ngày Chúa sẽ trở lại, sự đặt mình vào bối cảnh Chúa sẽ trở lại trong 7 ngày có thể là một thử nghiệm đáng kể để xem nếp sống người tín hữu có thể thay đổi như thế nào. Bạn sẽ làm gì? Nếp sống hằng ngày có thay đổi chăng? Điều gì đang ngăn trở giữa bạn và Chúa mà bạn cần giải quyết?

Nan đề

Theo nhà giải kinh, mặc dầu người tín hữu, về phương diện tín lý, đã được cứu nhờ đặt niềm tin nơi Chúa, họ vẫn phải trình diện trước tòa án Đấng Christ để trả lời về cách sống của mình khi còn trong xác thịt. Một nhà giải kinh nổi tiếng khác cũng diễn tả tòa án Đấng Christ như sau: “Và như thế, mục đích của tòa án Đấng Christ là để thử nghiệm một đời sống tin kính. Chúng ta sẽ được trả công cho những việc mình đã làm, tốt hoặc xấu (2 Cor. 5:10). Ngôn từ đó nói về sự tổng kết và định giá xu hướng của trọn đời sống một tín hữu.”

Câu hỏi cần được nêu lên là: có thể nào trọn mối liên hệ giữa người tín hữu và Chúa lại được chia làm hai phần trước và sau khi được cứu, hay cụ thể hơn là phần được tha thứ vô điều kiện và phần ban thưởng có điều kiện? Khẳng định đó, sự sống đời đời được ban cho hoàn toàn vì ân điển và sự ban thưởng tùy theo việc làm khi còn sống trong xác thịt, có đặt nền tảng trên chân lý nào không? Cuộc hành trình đức tin của người tính hữu thường theo một khuôn mẫu mà ơn tha thứ và sự sống đời đời bởi ân điền lui dần vào một điểm nhỏ trong quá khứ khi người tín hữu đến đặt niềm tin nơi Đấng Christ, rồi nhường chỗ cho những năm tháng dài dần đến với niềm khắc khoải về giá trị mình trước Chúa: Đấng sắp tái lâm có hoàn toàn chấp nhận tôi không? Sự vững tâm về sự cứu rỗi mờ dần để rồi đi đến chỗ người đó tự hỏi sự cứu rỗi của mình có thực hữu hay không, và rồi buông xuôi trong nghi vấn về sự cứu rỗi của mình. Khi suy xét về những việc nên làm, câu nghi vấn càng xoay vần trong trí tự hỏi mình đã làm hết khả năng chưa, và có lẽ như phần đông cách tín hữu khác, phản ứng tự nhiên là người đó sẽ tìm cách đẩy nó lui vào trong tiềm thức. Người tín hữu có thể đã được khích lệ bởi một bài giảng luận và lòng nung đốt với nhiều mục tiêu cao quý, có lẽ trong suốt bảy ngày, nhưng những ngày đó cũng sẽ chóng qua đi, và dù với mọi nỗ lực của siêu nhân để duy trì sự sốt sắng trong lòng, thế nào cũng sẽ đi đến sự mòn mỏi.

Trở về với mục tiêu chính của bài viết. Tác giả của “7 Ngày Trước Chúa Tái Lâm” trưng dẫn hai lý do tại sao tín hữu phải dùng hết sức mình để chuẩn bị gặp Chúa: 1) Chúa gọi chúng ta vào đời sống phục vụ, và 2) những ta-lâng Ngài ban cho mỗi người để làm gia tăng cho nước Ngài. Chúng ta hãy phân tích hai lý do đó.

Phục vụ

Tác giả nhấn mạnh về tinh thần phục vụ của người theo Chúa, một đức tính quả nhiên phải là một đặc thù của bất cứ người nào gọi mình là tín hữu của Đấng Christ. Tuy nhiên, chúng ta hãy quay về với bối cảnh của bài viết này. Tác giả đặt chúng ta vào một giả định rằng chỉ còn bảy ngày nữa trước khi Chúa trở lại, vào một trạng thái khẩn trương khác thường. Nếu chỉ còn có 7 ngày nữa thì liệu thái độ phục vụ có phải là điều cần yếu nhất để giải quyết? Tôi không nghĩ vậy. Tinh thần phục vụ thực ra là một lối sống, một khuôn mẫu sống bày tỏ đặc tính của một đời sống theo Chúa bất kể có còn bảy ngày hay không. Nó là kết quả của một đời sống đã được tái sinh bởi Thánh Linh. Nhưng tại sao chúng ta phải giới hạn ở sự phục vụ? Còn sự tha thứ, lòng thương xót, khiêm nhường, lòng vị tha, sự đền trả những lỗi lầm, trau giối về lời Chúa, thăm viếng người bệnh, và hằng hà sa số những đức tính mà người theo Chúa mong mỏi phát triển trong đời sống mình nhất là trong bảy ngày ngắn ngủi đó.

Có thể nào trong thực tế người tín hữu chọn được một điều cần yếu nhất để thực hiện trong bảy ngày ngắn ngủi để được sẵn sàng hơn khi gặp Chúa? Để thuận tiện cho sự lý luận, chúng ta hãy bằng lòng cho người tín hữu chọn một điều cấn yếu nhất để thực hiện trong bảy ngày này, và cứ cho rằng điều đó là sự phục vụ.

Có bao nhiêu cơ hội người tín hữu đó tìm được đúng dịp dịp thuận tiện để phục vụ người nào đó trong khoảng thời gian này? Tìm được điều đã vuột khỏi tầm tay từ nhiều năm trước bảy ngày giả định cuối cùng này? Để rồi kết cuộc, làm được những điều đó có khiến họ sẵn sàng hơn những năm tháng đã qua? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG. Những người theo Chúa đã tìm cách để thực hiện những việc này từ hội thánh đầu tiên trong sách Công Vụ. Họ cứ đi tìm một điều gì đó để làm mình nóng cháy hơn trong công việc Chúa, một điều gì đó để tăng trưởng đời sống tâm linh. Nhưng chẳng một việc làm nào có thể mang lại điều đó, vì mọi bí quyết được một người nào đó đề xướng thì đã có người đề xướng trước kia rồi, và chẳng điều nào đem họ đến gần mục đích hơn. Tinh thần phục vụ, một mỹ ý, nhưng mơ hồ và không thể đo lường được như bao nhiêu ý niệm cao đẹp khác.

Các ta-lâng

Có một điều không ổn về sự sử dụng ngụ ngôn các ta lâng để chuẩn bị các tín hữu gặp Chúa vì ngụ ngôn này thực ra không nói về sự ban thưởng cho các tín hữu về những việc lành họ làm, nhưng về sự cứu rỗi, về sự phân tách người được cứu và người không được cứu. Bằng chứng là trong câu cuối của ngụ ngôn này: “Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng. (Matthew 25:30).” Chúa không gọi những kẻ Ngài đã làm cho nên thánh là “đầy tớ vô ích” và Ngài cũng chẳng ném họ vào nơi tối tăm.

Hơn nữa, Đức Chúa Trời chẳng phải như người chủ nô trong ngụ ngôn này. Ngài chẳng hề gặt trong chỗ không gieo. Không những Ngài gieo, mà còn gieo hạt giống linh diệu của tin lành cứu rỗi: chính Con Một yêu dấu của Ngài.

Do đó, khi ngụ ngôn này được áp dụng cho người tín hữu một cách bừa bãi, thì chắc chắn sẽ đặt họ vào trong tâm trạng của những người hư mất; thay vì để cho họ bày tỏ sự cứu chuộc của mình trong vai trò con cái Chúa, họ lại bị đẩy lùi trở lại trong địa vị kẻ thù nghịch của Đức Chúa Trời và phải dùng việc làm hầu đạt được sự cứu chuộc.

Áp dụng sai lầm

Đến đây, chúng ta nhận thấy hai tiền đề căn bản của sách 7-Ngày đặt người tín hữu vào một vị trí không thuận lợi trong mục đích chuẩn bị họ cho ngày Chúa tái lâm. Mặc dầu tác giả trấn an người đọc rằng họ đã được cứu, cách ông khuyên giục họ lại gây nên những nghi ngờ trong trí rằng rất có thể cuối cùng họ sẽ không được cứu. Ngụ ngôn về các ta-lâng là nguyên nhân chính nếu bị áp dụng cách sai lầm.

Ngoài những áp dụng sai lầm về ý niệm phục vụ và ngụ ngôn các ta-lâng, còn có những ảnh hưởng tiêu cực lớn trong thực tế. Phục vụ bao nhiêu cho đủ, và phục vụ ai? Tôi có bao nhiêu ta-lâng và tôi đã làm được gì với những ta-lâng đó? Không ai có thể biết chắc chắn những thành quả của mình có đủ để được Chúa chấp nhận hay không khi Ngài trở lại. Tất cả đều dựa trên sự suy đoán và không nhất định. Đây chắc chắn không phải là cách mười người nữ đồng trinh chờ đón chàng rể(Ngụ Ngôn Mười Người Nũ Đồng Trinh).

Đức in trong Chúa, và niềm hy vọng về sự sống đời đời, phải được biết chắc vững vàng hơn những điều được đề ra trong sách “7 Ngày Trước Chúa Tái Lâm.”

Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy. (Hebrews 11:1)

Tiền đề sai lệch

Có thể nào một người tín hữu sống mỗi ngày trong quãng đời còn lại của mình như một trong bảy ngày cuối cùng trước khi Chúa trở lại?

Một bài giảng, hoặc một quyển sách, có thể khích động người tín hữu bắt tay vào việc trong trọn bảy ngày, nhưng thái độ khẩn trương đến bởi sự tự thúc giục không thể nào kéo dài quá lâu trong thực tế mà không dẫn đến sự mòn mỏi, và rồi nỗ lực đó cũng tự cho thấy chỉ là một thất bại nữa trong sự cố gắng đưa con người đến mức cao hơn trong đời sống tâm linh.

Được nên thánh trọn vẹn

Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời. (Hebrews 10:14).

Đây mới là cách chúng ta chuẩn bị bản thân để chuẩn bị cho ngày Chúa tái lâm: đó là đặt sự trông cậy nơi những điều Chúa đã làm trọn thay vì cậy vào những điều xác thịt chúng ta có thể thực hiện được. Nếu Chúa đã làm cho chúng ta trọn vẹn trong Đấng Christ, thì chúng ta còn thiếu sót điều gì để đến nỗi Ngài cất đi phần thưởng của chúng ta? Chúng ta đang cậy nơi những của lễ mình dâng hay nơi “chỉ một của lễ” do chính Đức Chúa Trời sắm sẵn khiến chúng ta được “nên thánh trọn vẹn đời đời?”

Các bạn thân mến, hãy chú nhìn Đấng Christ (Hebrews 12:2). Đó là cách chúng ta chuẩn bị cho 1 ngày, hoặc 7 ngày, hoặc trọn quãng đời còn lại khi chúng ta chờ đợi Chúa tái lâm.

Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? (Romans 8:32)

Vậy nếu Chúa rộng rãi ban cho chúng ta mọi sự luôn với Con Một của Ngài, thì có lẽ nào Ngài lại khó khăn không ban thưởng cho những điều nhỏ mọn đến từ thân xác phàm nhân chúng ta? Thực ra chúng ta nên tạ ơn Chúa rằng Ngài không ban cho chúng ta tùy theo những điều chúng ta làm khi còn sống trong xác thịt, vì nếu Ngài ban cho xứng đáng, chưa chắc chúng ta sẽ lấy đó làm sự vui mừng. Những sự ban cho, hoặc tiền công, chính là sự đe dọa rằng nếu chúng ta bước đi theo luật pháp thì chúng ta sẽ được gặt hái kết quả của nó.

Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi. (Galatians_5:4)

Nhận lãnh

Trước khi đi đến kết luận của bài viết này, chúng ta nhớ lại trích đoạn của tác giả nhiều tiếng tăm đã dùng 2 Corinthians 5:10 theo cùng dòng ý tưởng với tác giả đã áp dụng cách sai lạc ngụ ngôn các ta-lâng để gây căng thẳng trong lòng tín hữu trong khi họ chờ đợi Chúa tái lâm. Đồng một thể thức với sự áp dụng sai lạc của ngụ ngôn các ta-lâng, đoạn Cô-rin-tô cũng bị áp dụng sai lạc đem lại nhiều thương tổn cho những kẻ tin theo.

Nếu văn mạch dẫn đến 2 Corinthians 5:10 được sử dụng, chúng ta sẽ thấy rằng sự “nhận lãnh” đây không phải là cho những người tin Chúa, không phải là phần thưởng nhiều hoặc ít tùy theo công trạng, nhưng là kết quả của một trong hai sự chọn lựa liên hệ đến Đấng Christ. Câu Kinh thánh tiếp theo cho thấy lý do tại sao:

Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin. (2 Corinthians 5:11)

Sứ đồ Phao-lô nói về sự nhận lãnh trước tòa án Đấng Christ là nơi mà kẻ chọn đặt niềm tin nơi Ngài được sự sống đời đời còn kẻ khước từ đi vào cõi chết. Do đó, trong câu 11, điều Phao-lô đang rao truyền là sứ điệp giảng hòa giữa Chúa và loài người. Ông chẳng hề nói vè sự ban thưởng tùy theo công trạng. Tác giả sách 7 Ngày, mặc dầu gắng trấn an độc giả rằng họ được bảo đảm về sự sống đời đời, vì cách ông giải thích ngụ ngôn các ta-lâng và 2 Corinthians 5:10, đã đặt họ vào chung địa vị với những kẻ chẳng tin, sự đe dọa về sự mất phần thưởng gây trong lòng họ sự bất an chẳng khác gì sự bị ngăn rẽ với Đức Chúa Trời. Đây là lý do tại sao những người tin vào sự dạy dỗ này không có đức tin vững vàng về sự cứu chuộc của mình.

Kết luận

Người tin Chúa không sống một cuộc đời nỗ lực làm lành để được hưởng những phần thưởng, nhưng trông đợi đến ngày nhận được cơ nghiệp đời đời. Không ai biết được mình sẽ được nhận lãnh phần thưởng gì, nhưng cơ nghiệp đời đời thì được biết chắc chắn bởi lời hứa của Đức Chúa Trời, được ấn chứng, được bảo đảm, và sẽ nhận được trọn vẹn như chúng ta đọc thấy trong Romans 8:32.

Có phần thưởng nào sánh bằng những thành phần trong cơ nghiệp gói trọn trong Đấng Christ? Hãy suy gẫm về những phần của cơ nghiệp này: Đức Thánh Linh là ấn chứng bảo đảm cơ nghiệp đời đời của chúng ta (Ephesians 1:11-14), sự tha tội (Colossians 1:14), sự nên thánh và xưng công bình (1 Corinthians 6:11), Đấng Christ là đấng bênh vực chúng ta bên hữu Đức Chúa Cha (1 John 2:1), cùng mọi sự Đức Chúa Trời ban cho chúng ta cùng với Đấng Christ (Romans 8:32).

Cuối cùng nhưng không kém phần nghiêm trọng, những sự dạy dỗ như trong sách 7-Ngày khiến nếp sống bình thường của người tín hữu trở nên bị khinh rẻ, đem sự bất mãn vào thay thế cho sự thỏa lòng, thèm khát những điều họ nghĩ là phước hạnh trong đời sống người khác thay vì tạ ơn Chúa trong mọi cảnh ngộ.

Trong ngụ ngôn Mười Người Nữ Đồng Trinh, cả mười người, khôn cũng như dại, đều ngủ gật trong khi chờ đợi chàng rể đến từ phương xa. Ngụ ngôn này không cho thấy gì khác biệt giữa các người nữ khôn và dại, về nếp sống, các việc họ làm, hoặc sự tích cực, chỉ ngoại trừ một điều: họ có mang dầu khi khởi đầu cuộc hành trình. Đó là điều trọng yếu duy nhất. Đó là cách họ chuẩn bị để gặp Chúa, mà tinh thần phục vụ hoặc các ta-lâng không thể nào tạo ra dầu mà đèn họ cần.

Nếu bạn không xác quyết được ngay tại thời điểm này về mối liên hệ giữa mình với Chúa, thì bạn nghĩ mình có thể làm được gì trong bảy ngày cuối cùng nếu quả thực Chúa cho bạn được sống còn trong bảy ngày đó?

Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi! (2 Corinthians 6:2)

Notes

The topic of Christian inheritance is discussed here: The Will of God

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , and