Ngụ Ngôn Người Gieo Giống

Hiểu đúng ý nghĩa của ngụ ngôn này sẽ giúp người tín hữu thoát khỏi sự hoang mang không biết mình thuộc loại đất nào. Cách giải thích phổ thông sẽ khiến nhiều tín hữu tự hỏi không biết mình có được cứu không, đừng nói đến sự có kết quả cho Chúa (Matthew 13:1-23).

Tôi tạ ơn Chúa vì được cơ hội trình bày một bài giảng luận cho hội thánh của Mục Sư Robert Boston vào sáng Chúa Nhật 28 tháng 12, 2014. Trong bài giảng luận này, tôi mong được làm sáng tỏ, giúp các tín hữu hiểu được, ngụ ngôn người đi gieo giống. Một ngụ ngôn đã làm tôi bối rối trong nhiều thập niên qua kể từ khi tôi tin Chúa, và tôi sẽ không lấy làm lạ nếu ngụ ngôn này cũng làm đa số, nếu không phải là tất cả, các tín hữu bị mang nhiều nghi vấn. Sau đây là một số những tờ rọi dùng trong khi trình bày.

Ngụ ngôn

1Cũng ngày ấy, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nhà, ngồi bên mé biển. 2Đoàn dân nhóm họp xung quanh Ngài đông lắm, đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn cả đoàn dân đứng trên bờ. 3Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ.
Ngài phán như vầy: Có người gieo giống đi ra đặng gieo. 4Khi đương gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn. 5Một phần khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên; 6song khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ, nên phải héo. 7Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi. 8Một phần khác nữa rơi nhằm chỗ đất tốt, thì sanh trái; hoặc một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục. 9Ai có tai, hãy nghe! …
18Ấy vậy, các ngươi hãy nghe nghĩa ví dụ về kẻ gieo giống là gì. 19Khi người nào nghe đạo nước thiên đàng, mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng mình; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đường. 20Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; 21song trong lòng không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm. 22Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả. 23Song, kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu; người ấy được kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục (Matthew 13:1-23).

Bạn là loại đất nào?

Ngụ ngôn này khiến nhiều người hoang mang. Làm sao họ có thể biết mình thuộc loại đất nào? Làm sao chúng ta biết một người có thể thuộc loại đất nào?

Thông thường chúng ta phán đoán một Cơ-đốc Nhân qua bông trái của đời sống họ. Nhưng chúng ta sẽ dựa trên tiêu chuẩn nào để phán đoán? Có chuyện kể về một người trẻ tuổi lấy một chiếc kẹo cao-su từ bàn của một nhà mà anh và cha anh đến thăm. Rồi nhiều năm sau đó, anh bị dày vò về việc mình đã lấy kẹo cao-su mà không xin phép chủ nhà. Lại có một hạng người khác mà Kinh thánh gọi là những người mà lương tâm chai lì như bị cháy bỏng bởi bàn ủi nóng. Hai hạng người này bao gồm gần như toàn bộ quang phổ của cả nhân loại về khía cạnh lương tâm. Chúng ta phải chọn điểm nào trong quang phổ đó để làm tiêu chuẩn phán đoán?

Chỉ phán đoán bởi việc làm thì không đủ

Theo Cô-rin-tô thứ nhất đoạn 13, có những người bố thí tất cả tài sản cho kẻ nghèo, hi sinh trên giàn hỏa thiêu, cũng chưa hẳn là thực sự có kết quả cho Chúa. Chúa Giê-su cũng nói đến những người vượt sông vượt biển để đưa người về với đạo, nhưng chưa chắc Chúa nhìn nhận họ là kẻ hầu việc Ngài. Tiêu chuẩn của Chúa hẳn phải khác của chúng ta. Trong Luke 17:10, khi người ta hỏi Chúa Giê-su để xin một dấu hiệu về sự nước Trời đến, Ngài trả lời: “Nước trời đến cách không rõ ràng.” Và Ngài cũng phán rằng nước Trời đến trong lòng chúng ta. Nếu nước Trời đến trong lòng chúng ta, mà lại đến cách không rõ ràng, thì ai trong vòng chúng ta có thể đòi hỏi chứng cớ của sự nước Trời đến trong lòng người khác, hoặc ngay cả trong chính mình? Một đời sống có thể được một người phán đoán là nhiều kết quả cho Chúa, nhưng chưa chắc đã được nhìn nhận bởi một người khác, hoặc bởi chính chủ nhân của đời sống đó.

Một người cũng không thể tự xét mình vì nhiều lý do, một là sự tự phán xét sẽ mang tính cách chủ quan, rồi lại có lời Kinh thánh khuyên chúng ta đừng cậy nơi sự thông sáng của chính mình nhưng hãy nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Vậy người đó có nên để một người khác xét đoán mình không? Đây cũng là một nan đề, người khác đó cũng có thể đoán xét sai lầm. Do đó sự chọn lựa đúng và hiển nhiên là để Chúa là Đấng phán đoán. Nhưng Chúa là Đức Chúa Trời khôn ngoan và yêu thương, lẽ nào Ngài lại bắt chúng ta mò mẫm tìm cách nào trở nên mảnh đất tốt? Không thể như vậy, Ngài sẽ để bánh nơi con trẻ có thể với tới; Ngài sẽ làm cho rõ ràng và đạt đến được cho bất cứ ai đang tìm cầu, vì chính Chúa phán: hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa thì cửa sẽ mở ra. Đức Chúa Trời của cả vũ trụ chẳng phải như các thần của người ngoại đạo, do đó chúng ta chớ xem Ngài như vậy. Với Chúa sẽ không có sự đoán mò, nhưng dựa trên những tiêu chuẩn bất biến.

Bốn Nguyên Tắc

Để thực sự hiểu, và giải thích cách đúng đắn châm ngôn này chúng ta phải thiết lập một hệ thống tương quan, a frame of reference, một số nguyên tắc để dựa trên đó chúng ta đặt nền tảng cho sự nhận biết. Và mỗi nguyên tắc này phải được rút tỉa từ chân lý bất biến của Thánh Kinh, mà không cần dựa trên những những quan niệm riêng của chúng ta.

  • Nguyên tắc #1: Mọi người đều chết trong tội lỗi và sự vi phạm.
  • Nguyên tắc #2: Mọi người đều không có khả năng tuân theo ý muốn của Đức Chúa Trời
  • Nguyên tắc #3: Dựa trên nguyên tắc #1 và #2, tất cả Cơ-đốc Nhân đều là đất xấu, và không thể trở nên đất tốt; không có sự phân biệt giữa Cơ-đốc Nhân tốt hoặc xấu, chỉ có người tin Chúa hay người không tin Chúa.
  • Nguyên tắc #4: Loài người không thể có kết quả cho Chúa, chỉ ngoại trừ Đấng Christ

1) Mọi người đều chết trong tội lỗi

10Như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. 11Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời.” (Romans 3:10-11)
“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Romans 3:23)

“Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.” (I John 1:8)

2) Không ai làm theo ý Chúa

“Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần.” (John 3:6)
“Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn;” (Romans 7:18)
“Hỡi anh em, tôi đoán quyết rằng thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được.” (1 Corinthians 15:50)

3) Không phân biệt giai cấp

“… Đến tối, chủ vườn nho nói với người giữ việc rằng: Hãy gọi những người làm công mà trả tiền công cho họ, khởi từ người rốt cho đến người đầu.” (Matthew 20:8–trong đoạn này Chúa dạy: không những mọi người đều được trả công bằng nhau, kể cả người chưa hề bắt đầu công việc, không những thế, người đó lại được trả công đầu tiên)
“Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.” (James 2:10–Chắc chắn rằng mọi người đều phạm rất nhiều hơn một điểm trong luật pháp, do đó mọi người bị kể là phạm toàn bộ luật pháp. Như vậy thì ai “carnal,” hoặc thiếu thiêng liêng, hơn ai?)

Chúa Giê-su, là Thượng Đế toàn năng, chẳng hề nói một điều gì mà chúng ta có thể coi thường. Nếu Ngài nói đây là chính sách của nước Trời, chúng ta phải sống dưới chính sách đó: chẳng ai được trả công hơn người khác, nghĩa là VIỆC LÀM CHẲNG ĐÁNG KỂ, do đó CHẲNG AI HƠN AI. Tất cả chúng ta được trả công bằng ân điển Chúa.

Và như vậy thẻ bài duy nhất cho chúng ta vào vườn nho của Chúa chính là đức tin:

“Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời.” (John 3:18)

4) Mọi kết quả đến từ Thánh Linh

Dựa theo nguyên tắc #2, không một ai có khả năng làm theo ý Đức Chúa Trời, và vì thế họ cũng không thể sanh bông trái cho Ngài.

“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (John 15:5)
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là …” (Galatians 5:22)

Hãy đến với Ta và hãy ở trong ta

Có một điều chúng ta cần biết về ý nghĩa của “cứ ở trong ta.” Chúa đã cho người Do-thái một giai đoạn cho họ được làm con dân Chúa theo một giao ước cũ gọi là Cựu Ước. Trong giao ước này, để giải quyết vấn đề tội lỗi, Chúa ban cho họ được dâng của lễ thiêu qua dạng bồ câu, chiên, hoặc dê đực, v.v. Nhưng khi Đấng Christ đến, Ngài mang đến cho họ một giao ước mới, gọi là Tân Ước, một giao ước từ đó và cho đến muôn đời. Những người Do-thái nào muốn tiếp tục là con dân Chúa, thì phải từ bỏ lề thói cũ, mà đi vào trong giao ước mới, không dâng những của lễ thiêu nữa, nhưng nhận lấy của lễ thiêu một lần đủ cả là Chúa Giê-su.

Với người ngoại như chúng ta, thì Chúa phán: “Hãy đến với ta.” Còn với người Do-thái thì Ngài kêu gọi họ “cứ ở trong ta,” vì đối với họ thì có một giai đoạn chuyển tiếp từ Cựu sang Tân, và họ được tiếp tục ở trong Ngài bằng cách thay vì dâng của lễ của loài thú chết, nhưng từ đây dâng Chiên Con làm của lễ sống trong thân thể sống của mình là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, bởi đức tin. Chính họ không phải là của lễ sống–vì thực ra họ còn có nhiều sự xấu xa hơn chiên hoặc dê đầy tì vết–, nhưng bởi ân điển Chúa, Đấng Christ đã trở nên của lễ đời đời trong lòng họ chỉ vì họ đã đặt niềm tin nơi Ngài. Đó là Đấng Christ ở trong bạn là niềm hi vọng về sự vinh hiển. Người nào nghĩ thân thể họ là của lễ hoặc đền thờ Đức Chúa Trời theo nghĩa đen thì thực là … tưởng mình ra gì nhưng thực ra chẳng là gì cả (Galatians 6:3).

Và kết quả là người ngoại nào được ở trong Chúa, hoặc người Do-thái nào cứ tiếp tục ở trong Chúa, thì tự nhiên sẽ sanh bông trái, vì đó là lời tuyên bố của Đức Chúa Giê-su. Cây trồng bên giòng nước làm sao, thì kẻ ở trong Chúa cũng làm vậy. Sự sanh bông trái không phải là một lời khuyên, hoặc một mệnh lệnh, nhưng là một việc đương nhiên xảy ra vì công việc của Thánh Linh.

Trở lại ngụ ngôn

Trở lại với ngụ ngôn người đi gieo giống. Dùng những nguyên tắc này, nhất là nguyên tắc nói rằng chỉ có một sự phân biệt, đó là giữa người tin Chúa, và người không tin Chúa, chúng ta đi đến kết luận rằng chỉ có một sự khác biệt: hoặc đất sanh bông trái, hoặc đất chết; trong Chúa, hoặc ngoài Chúa, sống, hoặc chết, không có nửa sống nửa chết. Vì những lý do sau đây:

  • Vì mọi người đều phạm tội
  • Mọi người đều không có khả năng làm theo ý Chúa
  • Mọi người đều là tội nhân đáng bị hư mất đời đời.

Do đó chỉ có những sự thay đổi về nền tảng như sau:

  • Từ không tin đến có đức tin
  • Từ tội nhân đến con cái Đức Chúa Trời
  • Từ ngoài Chúa đến được ở trong Chúa
  • Từ đất chết qua đất sống mầu mỡ nhờ ân điển Chúa

Nếu bạn có thể trả lời rằng bạn là một Cơ-đốc Nhân, thì bạn có thể nói rằng bạn là con cái Đức Chúa Trời, rằng bạn sẽ được vào nước Chúa, và bạn biết chắc mình là ĐẤT TỐT, vì đây là lời Chúa hứa cho những kẻ tin vào Con Ngài (John 3:16). Nếu Đức Chúa Trời đã chẳng tiếc chính Con Một của Ngài, thì há lại chẳng ban luôn mọi sự với Con ấy sao, kể cả sự sanh nhiều bông trái cho Nước Ngài? (Romans 8:23)

Nếu không thiết lập hệ thống luận lý này, bao gồm 4 nguyên tắc, hoặc chân lý cơ bản, không ai có thể biết được họ thuộc loại đất nào, và cả cuộc đời họ sẽ chỉ là sự đoán mò, không biết mình đứng đâu trong mối liên hệ với Chúa. Đây không phải là điều Chúa muốn cho chúng ta. Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, và bằng chứng của những điều mắt mình chưa thấy (Hebrews 11:1). Nếu không sống bởi đức tin thì không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Hebrews 11:6).

Những loại đất khác nhau chỉ là những hoàn cảnh trong cuộc sống mà trong đó mỗi người phải đi đến một quyết định hoặc tin Chúa, hoặc không tin. Cuối cùng, chỉ những kẻ tin và do đó được ở trong Ngài thì sẽ sanh bông trái, vì đây là một luật mới: luật của Thánh Linh Sự Sống, không phải là luật của sự tội và sự chết. Luật của sự tội và sự chết quả quyết rằng: linh hồn nào phạm tội thì linh hồn đó phải chết (Ezekiel 18:20). Luật của Thánh Linh Sự Sống phán rằng: Ai ở trong Chúa thì sẽ sanh lắm trái (John 15:5). Nếu bạn là người biết đọc Kinh thánh, và thực sự hiểu, thì biết rằng mọi điều Chúa Giê-su phán là lời vàng ngọc nhưng chẳng một loài xác thịt hư mất nào từ thuở A-đam và Ê-va làm được; Ngài muốn kẻ nghe Ngài ý thức được sự khốn nạn của mình mà bám lấy Ngài là con ĐƯỜNG duy nhất để đến gần Chúa, CHÂN LÝ duy nhất về Ngài, và SỰ SỐNG duy nhất trong Ngài.

Dùng tiêu chuẩn sai

Khi người ta nghe, hoặc giảng, về ngụ ngôn người gieo giống, họ thường nghĩ đến thứ bậc của các loại đất, hoặc thứ bậc của Cơ-đốc Nhân. Đây là cội rễ của lý do họ không thể hiểu được ngụ ngôn này. Khi suy nghĩ về đạo Tin Lành như vậy, họ cố tìm cách chuyển từ đất “xấu” sang đất “tốt”, và họ không thể tránh khỏi sự dùng nỗ lực của xác thịt mình để làm điều đó. Trong đạo Tin Lành, nhiều người dùng một từ trong tiếng Anh là “carnal,” hoặc thiếu thiêng liêng, để diễn tả một người Cơ-đốc Nhân đời sống không đạt được một mức độ thiêng liêng nào đó. Đây là nan đề của những người theo sự suy nghĩ đó: bạn gọi người khác là thiếu thiêng liêng, thế còn bạn thì sao? Bạn hơi thiếu thiêng liêng một chút, hay thiếu thiêng liêng nhiều? Bạn dựa trên tiêu chuẩn nào để lượng mức độ của sự thiếu thiêng liêng? Nhưng theo tiêu chuẩn của Chúa, thiếu thiêng liêng một chút cũng chẳng khác gì cực kỳ thiếu thiêng liêng. Phạm một tội nhỏ cũng bằng phạm ngàn tội lớn, thảy đều đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Rồi bạn tìm cách gột bỏ sự thiếu thiêng liêng của mình bằng cách nào? Làm sao bạn giúp người khác gột bỏ sự thiếu thiêng liêng của họ nếu bạn không làm được điều đó trong chính đời sống của mình? Nếu “Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời (Hebrews 10:14)” thì … bạn “carnal,” hoặc thiếu thiêng liêng chỗ nào? Hay là bạn đang coi thường dòng huyết đã đổ ra vì bạn?

Ngụ ngôn người làm việc trong vườn nho là một bằng chứng rất tuyệt vời về sự vô lý của ý niệm “carnal,” hoặc “thiếu thiêng liêng,” nửa chừng xuân, của người Cơ-đốc Nhân. Trong ngụ ngôn vườn nho, chỉ có hai hạng người, một hạng không vào trong vườn, và một hạng vào được bên trong. Nhưng người vào được, bất kể từ sớm hoặc lúc về chiều sau khi công việc đã xong, cả những người chưa động đến một nhánh nho, những người chẳng có gì để xưng công, đều được trả công bằng nhau, đều được cứu trọn vẹn. Chúa Giê-su đến chỉ để giải quyết một tội duy nhất: tội chẳng tin (John 16:8). Hebrews 3:19 tuyên bố dân Hê-bơ-rơ đi trong đồng vắng đã không vào được đất hứa chỉ vì tội chẳng tin; chỉ một lằn ranh giới giữa đất hứa và sa mạc chết: đức tin. Hơn 600,000 người Hê-bơ-rơ đã bỏ thây trong đồng vắng chỉ vì họ tin 10 thám tử dọa nạt họ về những người dềnh dàng trong đất hứa; cũng như ngày nay nhiều người đặt nặng vấn đề tội lỗi và luật pháp biểu tượng qua những người dềnh dàng. Chính ra họ nên tin lời Giô-suê và Ca-lép để thấy sữa và mật, thấy tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa. Bạn đang chú về điều gì? Đương đầu với người dềnh dàng, hay tìm sữa và mật?

Do đó chỉ có một lằn ranh cực mỏng: tin vào Con Đức Chúa Trời, hay không tin.

Tôi thường nghe người ta khen ngợi tấm lòng của Vua Đa-vít đối với Chúa, họ quên rằng chính Kinh thánh cả quyết lòng người thì đầy dẫy những sự giả dối trên hết mọi sự (Jeremiah 7:9). Chúa Giê-su nói Ngài chẳng tin tưởng vào lời những kẻ khen tụng Ngài (John 2:24). Vậy nếu lòng người đầy giả trá thì làm sao họ có thể tự đưa dẫn mình hay người khác đi theo con đường của Chúa? Làm sao họ có sự thông sáng để biết họ thuộc loại đất nào?

Sự hiểu sai ý nghĩa của ngụ ngôn này thật sâu xa. Nhưng có lẽ không phải là hiểu lầm đâu, mà đúng hơn là sự người ta chọn sự sai lầm, nhất là những kẻ trong cương vị xử lý Thánh Kinh, họ chịu trách nhiệm nhiều hơn ai hết, vì người được cho nhiều thì bị đòi hỏi nhiều. Nếu họ thành thật nhận mình không thể làm sao trở nên đất tốt cho Chúa, thì có lẽ họ sẽ hiểu được Tin Lành, rồi bởi đức tin họ nhận lấy sự đầy trọn trong Đấng Christ mà được trở nên đất màu mỡ, vì Ngài đã hứa rằng trong Ngài họ sẽ sanh lắm trái.

Đây là cách chúng ta hiểu ngụ ngôn này. Cách duy nhất đầy hy vọng và tin chắc vào cơ nghiệp của chúng ta trong nước Chúa. Đây là sự hiểu biết, như Chúa đã nhắc hai lần trong ngụ ngôn, khiến bạn là những nhánh trổ nhiều bông trái cho Chúa. Sự đầy kết quả này là phần của bạn, vì bạn là con cái Đức Chúa Trời.

Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển. (Colossians 1:27)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and