Ngụ Ngôn Miếng Nỉ Mới và Bầu Rượu Cũ

Giao Ước Cũ và Mới.

Matthew 9:14-17
"14Khi ấy, các môn đồ của Giăng đến tìm Ðức Chúa Jêsus, mà thưa rằng: Cớ sao chúng tôi và những người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn đồ thầy không kiêng ăn? 15Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong khi chàng rể còn ở với bạn hữu đến mừng cưới, thì những bạn hữu đó có thể nào buồn rầu được ư? Nhưng đến ngày nào chàng rể sẽ bị đem đi khỏi họ, thì họ mới kiêng ăn. 16Không có ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; vì nếu làm vậy, miếng nỉ mới sẽ chẳng rách áo cũ, và đàng rách trở nên xấu hơn. 17Cũng không có ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy thì bầu nứt, rượu chảy ra, và bầu phải hư; song ai nấy đổ rượu mới vào bầu mới, thì giữ được cả hai bề."

Giăng trong đoạn Kinh thánh này là Giăng Báp-tít, là người đã làm phép báp-têm cho Chúa Giê-su trong đoạn 3. Giăng Báp-tít có lẽ cũng là một trong những lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ nên ông có một số môn đệ, và họ đến hỏi Chúa Giê-su về lý do tại sao các môn đồ Ngài không giữ những điều lệ mà mọi người dưới sự lãnh đạo của người Pha-ri-si phải tuân theo, như sự kiêng ăn trong trường hợp này.

TIÊN TRI VỀ CHÚA GIÊ SU

Chúa Giê-su trả lời cách mập mờ trong câu 15. Họ không biết chàng rể mà Chúa nói đến đó là Ngài, còn bạn hữu là các môn đệ Ngài. Thế còn tiệc cưới mà chàng rể đến mừng là gì? Rồi tại sao chàng rể lại bị đem đi khỏi những bạn hữu đó? Tôi tin rằng đó là Chúa mặc khải về tiệc cưới Chiên Con khi Ngài trở lại rước hội thánh về nước Ngài, còn ngày Ngài bị đem đi khỏi các môn đệ là lúc họ điệu Ngài đi để chịu đóng đinh.

Mục đích của những lời tiên tri, nhất là về Chúa Giê-su, là để khi sự việc xảy ra thì chúng ta biết rằng đó là chương trình mà Ngài đã định trước. Ngài đã tiên tri về ngày vui của tiệc cưới Chiên Con trong tương lai, nhưng Ngài cũng tiên tri về điều Ngài sẽ phải trải qua trên thập giá trước khi đến ngày vui đó. Thế còn ý nghĩa của miếng nỉ và áo cũ, rượu và bầu da cũ? Tôi tin rằng đó là lời tiên tri cho chúng ta.

TIÊN TRI CHO CHÚNG TA

a. Áo cũ

Chữ “áo cũ” trong đoạn Kinh thánh trên mang ý nghĩa gì? Áo thường được dùng để bày tỏ sự công bình hay sự cứu rỗi của người mặc lấy nó. Thí dụ như đoạn Kinh thánh Ê-sai 61 câu 10 dưới đây:

“Ta sẽ rất vui vẻ trong Ðức Giê-hô-va, linh hồn ta mừng rỡ trong Ðức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta; khoác áo choàng công bình cho ta, như chàng rể mới diện mão hoa trên đầu mình, như cô dâu mới dồi mình bằng châu báu.” (Ê-sai 61:10)

Phải chăng lời tiên tri của Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ cũng là lời Ngài đã phán qua môi miệng tiên tri Ê-sai từ thuở xưa? Giống nhau quá phải không các bạn?

Nhưng điều đặc biệt ở đây là áo này “cũ.” Vậy áo cũ này tượng trưng cho sự công bình “cũ” bởi luật pháp. Trong Phi-líp 3:8-9 có viết về sự công bình bởi luật pháp như sau:

8Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Ðức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Ðấng Christ 9và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Ðấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Ðức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin;” (Phi-líp 3:8-9)

Sự công bình bởi luật pháp trong đoạn Kinh thánh trên chính là “áo cũ.” Nhưng sự công bình bởi luật pháp này chỉ là hình bóng của sự công bình thật mà đoạn Kinh thánh trên gọi là “công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập trên đức tin.” Chúng ta so sánh thế nào về hai sự công bình đó? Sứ đồ Phao-lô coi sự công bình bởi luật pháp được người đời kính trọng đó như là “sự lỗ,” và lại còn xem như “rơm rác.”

b. Miếng nỉ (mới)

Vào thế kỷ thứ sáu trước Chúa Giáng Sinh, khi dân Dothái còn bị lưu đầy ở Ba-by-lôn thì người Pha-ri-si đã giới thiệu một bộ luật của họ hầu giúp dân sự tránh phạm tội cùng Chúa sau này khi họ được trở về quê hương. Chính vì những sự vấp phạm của họ đối với luật pháp Môi-se bao gồm Mười Điều Răn mà họ đã bị lưu đầy biệt xứ. Lý do của bộ luật Pha-ri-si là vì dân sự không thể nào giữ trọn luật pháp Môi-se. Luật pháp của người Pha-ri-si là điều họ có thể giữ được.

Nhưng sự công bình đến bởi luật pháp của người Pha-risi chỉ là một cái “áo cũ” không toàn vẹn, có nhiều chỗ rách. Họ mong đợi khi Đấng Mê-si đến thì Ngài sẽ cho họ những “miếng nỉ” vá vào cho được toàn vẹn.

Nhưng khi Chúa Giê-su đến, Ngài cho họ biết rằng điều đó không thể thực hiện được, vì các “miếng nỉ” sẽ làm rách chiếc “áo cũ” bất toàn của họ. Các “miếng nỉ” này là gì? Là những điều họ mong có thể khỏa lấp sự thiếu sót của sự công bình đến bởi luật pháp là tấm “áo cũ.” Mà thực ra Chúa sẽ không mang theo miếng nỉ nào hết, mà Ngài chỉ mang theo trọn một áo trắng công bình.

c. Bầu cũ/mới

“Bầu” là mỗi tín hữu chúng ta, còn “cũ” là gì? Ý cũng giống như ở trên, là việc làm theo những đòi hỏi của luật pháp. “Bầu cũ” là người hãy còn cậy vào việc làm của luật pháp để được sự công bình của Đức Chúa Trời, nhưng thực ra họ chỉ được sự công bình đến bởi luật pháp, tức là của chính mình.

Còn “bầu mới?” Là người nhận sự cứu rỗi bởi ân điển qua đức tin chứ không bởi sự cậy vào việc làm của luật pháp. Hy vọng các bạn thấy sự khác biệt giữa sự công bình của Đức Chúa Trời và sự công bình của chính mình, nghĩa là sự công bình trong mắt mình.

d. Rượu mới

“Rượu mới” là tin lành bình an mà Chúa ban cho những kẻ đến nhận sự cứu rỗi, công bình, bởi đức tin nơi sự Chúa chịu chết thay cho tội lỗi của mình trên cây thập tự. Nhưng Chúa Giê-su cảnh cáo rằng người còn cậy vào việc làm của luật pháp thì không thể nhận rượu mới được vì sẽ làm “bầu nứt … và phải hư.”

Nếu bầu nứt và hư thì sao? Nghĩa là người đến với niềm tin trong Giao Ước Mới mà vẫn cậy vào việc làm của luật pháp thì sao? Tôi không dám nói gì về sự cứu rỗi của người đó, nhưng nếu có điều gì tôi muốn họ để tâm suy gẫm thì tôi sẽ đề nghị hai đoạn Kinh thánh dưới đây:

“Tôi không muốn làm cho ân điển Ðức Chúa Trời ra vô ích; vì nếu bởi luật pháp mà được sự công bình, thì Ðấng Christ chịu chết là vô ích.” (Ga-la-ti 2:21)

“Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi.” (Ga-la-ti 5:4)

KẾT LUẬN

Vậy chúng ta hãy nên có sự đổi mới của tâm thần, cẩn thận suy xét mình là “bình mới” đã nhận “rượu” phúc âm chỉ nhờ ân điển bởi đức tin hầu được biết chắc mình được mặc “áo mới” trắng công bình “đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập trên đức tin (Phi-líp 3:9),” kẻo đến ngày đó chúng ta phát giác ra mình đang mặc chiếc áo công bình của chính mình thì đã trễ. Các bạn có nhớ ngụ ngôn Tiệc Cưới Nhà Vua trong Ma-thi-ơ 22?

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , , and