Ga-la-ti Chương 3

Sứ đồ Phao-lô khiển trách hội thánh Ga-la-ti vì đã lìa bỏ đức tin để cậy nơi luật pháp. Ông tiếp tục khuyên nhủ họ rằng sự xưng công bình chỉ được nhờ đức tin, và Đức Chúa Trời hứa ban sự sống đời đời cho những kẻ tin cả mấy trăm năm trước khi luật pháp được ban cho loài người, và lời đức chúa trời đã hứa thì không hề bị hủy bỏ trong bất kỳ trường hợp nào. Luật pháp được ban cho để nhân loại ý thức họ cần Đấng Cứu Thế, chứ không phải để ban sự công chính.

Có điều gì Chúa đã không làm trọn?

1Hỡi người Ga-la-ti ngu muội kia, ai bùa ếm anh em là người Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá? (Galatians 3:1)

Phao-lô không lo ngại rằng họ không nhìn nhận sự thật của Chúa bị đóng đinh; ông chỉ tức bực vi họ không thấy trọn tác dụng của sự kiện này. Họ nghe qua lỗ tai rằng Chúa Giê-su chịu chết cho họ trên thập tự giá, thế rồi họ tiếp tục bước đi dường như điều đó không có tác dụng gì về sự tha thứ tội lỗi họ và sự thánh hóa của linh hồn họ. Họ tiếp tục dùng nỗ lực xác thịt như thể họ có thể bằng cách nào đó thêm vào điều Chúa đã làm cho họ.

Cũng như khi Phi-e-rơ xin Chúa rửa cả thân mình, nhưng Chúa phán rằng chỉ cần rửa chân là đủ. Bạn có thấy câu chuyện này ám chỉ điều chi không? Sự rửa chân là hình bóng của sự thánh hóa, biệt riêng ra, cho nước Đức Chúa Trời, nhưng Chúa Giê-su chẳng rửa ông trọn vẹn về phương diện xác thịt; Phi-e-rơ sẽ vẫn là người tội lỗi cho đến khi Đấng Christ trở lại, khi đó ông sẽ được mặc lấy sự không hay hư mất, thân thể đó sẽ cuối cùng không còn mang bản chất tội lỗi; nhưng thân thể này, đừng mong gì, nó sẽ bị lột bỏ như tấm áo cũ. Người Ga-la-ti đã phạm một sự sai lầm giống như Phi-e-rơ khi ông xin Chúa rửa cả thân thể hay hư nát này. Họ tiếp tục vật lộn với thân thể này, qua phép cắt bì hoặc cách khác, dường như họ nghĩ một ngày kia thân thể này sẽ được cho phép hiện diện trước mặt Đức Chúa Trời. Các Cơ-đốc Nhân ngày này cũng làm y hệt như vậy dầu qua những dạng khác để giải quyết vấn đề của xác thịt. Chúa Giê-su chết trên thập tự giá, thực vậy, nhưng tôi sẽ làm phần của tôi.

Quý vị đã nhận Thánh Linh bằng cách nào?

2Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh? (Galatians 3:2)

Nhận được Đức Thánh Linh cũng đồng nghĩa với sự được tái sinh, được nên thánh, được ấn chứng cho ngày cứu chuộc, được ban sự sống từ trong cõi chết. Nói một cách khác, được mọi sự cần thiết để được trình diện trước mặt Đức Chúa Trời cách thánh sạch và không chỗ trách được kể từ bây giờ cho đến ngày ơn phước đó.

Đây là điều duy nhất Phao-lô lo tưởng đến, chẳng phải sự dâng hiến, đưa má bên trái, ghét điều gian ác, bố thí cho kẻ nghèo, những sự hi sinh, các mục vụ, cầu nguyện, huấn luyện truyền giáo, hội đồng, tĩnh tâm, v.v. Vì khi họ đứng được đúng chỗ mình trước ngai ân điển, Chúa sẽ sai đi những kẻ nào Ngài sẽ sai đi, cũng như Ngài đã sai Ê-sai, Môi-se, Giô-na, và Phao-lô, và vô số những người khác nữa. Phao-lô chỉ muốn biết: Nền tảng của sự cứu rỗi bạn là gì? Ông không cần nghe hoặc biết về điều gì khác, vì nếu vấn đề này không được giải quyết, mọi việc lành của họ sẽ không còn là lành nữa, mà sẽ bị thiêu hủy và mọi nỗ lực của họ sẽ bị bỏ đi.

Bước đi với Chúa như lúc ban đầu

3Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? 4Anh em há luống công mà chịu sự khốn khổ dường ấy sao? nếu quả là luống công! (Galatians 3:3-4)

Tôi thường nghe từ các bạn trong Chúa, với ý tốt, nói rằng dầu chúng ta được cứu bởi ân điển trong bước đầu ăn năn, phần còn lại của đời sống là sự quân bình giữa ân điển và việc làm. Phải chăng đây là điều Kinh thánh nói? Câu Kinh thánh trên rõ ràng phủ nhận ý đó. Chúng ta có thể diễn ý câu Kinh thánh trên như sau: “Sao anh em ngu muội dường ấy? Anh em bắt đầu nhờ ân điển, sao bây giờ lại cố gắng làm cho trọn bằng sức mạnh và sự kiên cường của chính mình?”

Trong bài viết chương 1, tôi có trưng dẫn Romans 1:17 nói như sau: “Vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” Nói một cách khác, chẳng một điểm nào mà người người tín hữu không bước đi bởi đức tin.

Còn sự chịu khổ mà Phao-lô nói đến trong câu 3 cũng cùng một ý với thơ ông viết cho hội thánh Cơ-lô-se, khi thấy họ tìm cách làm cho mình nên thánh qua những phương cách quen thuộc trước khi họ tiếp nhận Chúa. Mọi sự “Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ,” chẳng có hiệu lực gì trong sự kềm hãm bản chất xác thịt.

Nhưng họ đang “làm cho trọn” điều gì? Có điều gì mà dòng huyết Chiên Con không chạm đến được mà họ phải làm cho trọn? Trong con mắt của người tín hữu gốc Hê-bơ-rơ cổ động cho Do-thái Giáo, luật pháp của thời Cựu Ước là điều cần yếu để họ được thánh hóa; đây là lý do tại sao họ không nghĩ mình là người có tội, và chỉ có người ngoại mới là người có tội. Đây là lý do tại sao họ tranh đấu để trở lại với phép cắt bì hầu làm cho trọn sự nên thánh. Nhưng làm sao họ có thể làm hơn được dòng huyết Chiên Con luôn luôn thanh tẩy? Còn chúng ta thì sao? Làm sao chúng ta có thể nên thánh hơn ngày chúng ta nhận huyết Đấng Christ?

Có một nhà giải Kinh thánh rất nổi tiếng tin rằng Chúa chủ trương dùng phần còn lại của đời sống mỗi người để hoàn thiện họ cho nước Trời. Thật vậy sao? Chẳng phải đây là điều người Ga-la-ti đang làm và Phao-lô quyết liệt phản đối? Tại sao họ lại đang làm cho trọn điều mà Chúa đã làm trọn rồi?

Con cháu Áp-ra-ham

5Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em, thì làm bởi các việc luật pháp, hay là bởi đã nghe mà tin? 6Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người, 7vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham (Galatians 3:5-7).

Sự ban cho Thánh Linh xảy ra ngay điểm ăn năn, khi đến cùng Đấng Christ, và những việc làm của phép lạ, từ sự thay đổi tâm tánh đến những thành quả lạ lùng trong đời sống Cơ-đốc Nhân, Phao-lô hỏi người Ga-la-ti, cũng như ông đang hỏi chúng ta, những việc lạ lùng này đến từ đâu? Sự vâng lời? Sự siêng năng làm công việc Chúa? Không, câu trả lời nằm trong niềm tin đơn sơ khi quí vị tin nơi tin mừng cứu rỗi mình đã nghe. Tin cậy vâng lời là bài hát viết bởi loài người, không bởi Đức Chúa Trời. Đấng duy nhất vâng lời và đẹp lòng Đức Chúa Trời là chính Chúa Giê-su, và khi chúng ta đặt niềm tin trong Ngài, rằng Ngài đã trả giá trọn vẹn cho tội lỗi chúng ta, chúng ta được hưởng sự vâng lời của Chúa chẳng giống như sự vâng lời thường tình của thế gian mà chúng ta thường lầm tưởng.

Một lần nữa Phao-lô lại nhấn mạnh sự tương phản giữa đức tin, một niềm tin đơn sơ, và sự làm theo điều răn của luật pháp. Nhiều Cơ-đốc Nhân dường như coi thường việc này, đa số tranh luận rằng chỉ tin thôi thì không đủ, phải có việc làm để chứng tỏ đức tin. Và Gia-có 2:24 thường được dùng để bênh vực cho biện luận này, rằng đức tin phải đi đôi với việc làm. James 2:21-22 viết như sau:

21Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ, há chẳng từng cậy việc làm được xưng công bình hay sao? 22Thế thì, ngươi thấy đức tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn (James 2:21-22).”

Câu Kinh thánh này phản nghĩa rõ ràng với Rô-ma 4:2;9-12, nói rằng Áp-ra-ham được xưng công bình trước khi ông chịu cắt bì, nghĩa là nhiều năm trước khi có Isaac, huống chi là dâng con lên bàn thờ.

2Thật thế, nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi việc làm, thì có cớ khoe mình; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy. (Romans 4:2) … 9Vậy, lời luận về phước đó chỉ chuyên về kẻ chịu cắt bì mà thôi sao? Cũng cho kẻ không chịu cắt bì nữa. Vả, chúng ta nói rằng đức tin của Áp-ra-ham được kể là công bình cho người. 10Nhưng được kể thế nào? Khi người đã chịu cắt bì rồi, hay là khi người chưa chịu cắt bì? Ấy không phải sau khi người chịu cắt bì, bèn là trước. 11Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình, 12và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy. (Romans 4:2;9-12)”</p>

Ai là người đúng? Tôi xin nói rằng Phao-lô đúng; khuynh hướng cậy luật pháp của các sứ đồ kể cả Gia-cơ hiển hiện trong thơ Ga-la-ti. Và nếu sự tỏ ra mà sứ đồ Phao-lô nhận được là tự nó đủ đến nỗi ông tuyên bố họ, kể cả Gia-cơ, không giúp ích gì cho tin lành ông đang rao giảng, thì sự tỏ ra ấy hẳn phải là đúng. Đoạn Gia-cơ này có thể đã được viết trong khoảng thời gian khi hội đồng các sứ đồ vẫn còn đang bị ảnh hưởng mạnh của nhóm cậy luật pháp Môi-se, và sứ đồ Phao-lô đã khiển trách họ về vấn đề phép cắt bì. Và nếu Phi-e-rơ—hay là Sê-pha như bị gọi với tên cũ khi chưa biết Chúa vì sự giả hình của ông khi ông chạy khỏi bàn của người ngoại nhằm lúc các môn đệ của Gia-cơ đến—bị Phao-lô công khai khiển trách về khuynh hướng Do-thái Hóa, sứ đồ Gia-cơ cũng không phải là vô tội trong vấn đề này, do đó rất có thể đoạn James 2:24 được viết dưới ảnh hưởng của nhóm cậy luật pháp trong thời đó.

Những kẻ tin cũng được hưởng phước với Áp-ra-ham

8Kinh Thánh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước. 9Ấy vậy, ai tin thì nấy được phước với Áp-ra-ham, là người có lòng tin (Galatians 3:8-9).

Tin lành đã được “rao truyền trước” cho Áp-ra-ham vì Chúa đã có chương trình cứu rỗi cho người ngoại, và dĩ nhiên Đức Chúa Trời là Đấng Vô Sở Bất Tri cũng thừa biết loài người chẳng một ai là công bình trước mặt Ngài, dẫu vậy, Ngài vẫn ban một lời hứa vững vàng không thể chuyển lay. Lại lời hứa này không hề nhắc đến một điều kiện nào khác ngoại trừ đức tin, chẳng một chút xíu nào nói đến việc làm. Rô-ma 4:2 viết: “Thật thế, nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi việc làm, thì có cớ khoe mình; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy,” lại thêm những câu Kinh thánh quen thuộc trong Ê-phê-sô 2:8-9: 8Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. 9Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.”

Sự rủa xả của luật pháp

10Vì mọi kẻ cậy các việc luật pháp, thì bị rủa sả, bởi có chép rằng: Đáng rủa thay là kẻ không bền đỗ trong mọi sự đã chép ở sách luật, đặng làm theo những sự ấy! (Galatians 3:10)”

Luật pháp hẳn phải là một sự rủa sả vì không những TIÊU CHUẨN QUÁ CAO ngoài sức mọi người, mà kẻ cậy luật pháp phải giữ trọn MỌI điều, không được bỏ qua một chấm, một phết.

Người công bình sống bởi đức tin

11Vả lại chẳng hề có ai cậy luật pháp mà được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời, điều đó là rõ ràng lắm, vì người công bình sẽ sống bởi đức tin (Galatians 3:11).

Điều đó là rõ ràng lắm, trong tâm trí người Ga-la-ti, và cả chúng ta nữa, rằng chúng ta không thể nào dùng luật pháp làm nền tảng để đạt được sự công chính. Lại nếu luật pháp thất bại trong bước đầu tiên trong sự giao thông với Chúa, thì làm sao nó có thể giúp chúng ta hầu việc Chúa? hoặc làm điều gì đẹp lòng Ngài? Nhưng điều lạ lùng là đa số những kẻ cậy luật pháp không hiểu mục đích chính của nó là gì. Luật pháp là để chỉ cho chúng ta sự thất bại của chính mình, chứ không phải sự thành công. Nó cũng giống như một tấm gương để người xem vào đó nhìn thấy những sự bất toàn mà sức người không thể gột rửa: đó là bản chất tội lỗi. Một phản ứng đúng cho mọi người khi đối diện với luật pháp là tìm một con đường thực sự giải cứu được họ: Chúa Giê-su, đường đi, chân lý và nguồn sống.

Luật pháp không đặt nền tảng trên đức tin

12Vả, luật pháp vốn không phải đồng một thứ với đức tin, nhưng luật pháp có chép rằng: Người nào vâng giữ các điều răn thì sẽ nhờ đó mà sống. 13Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta,– vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ,– 14hầu cho phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho (Galatians 3:12-14).

Luật pháp đòi hỏi việc làm, nó không đòi đức tin, không cho sự tự nguyện mà không đe dọa hoặc phán xét. Luật pháp không ban cho sự tự do, nhưng đòi hỏi sự đền trả chính xác và dành sẵn hình phạt nếu thất bại. Nó là một hệ thống lạnh lẽo và không thể du di. Luật pháp được diễn tả trong Ê-xê-chiên như sau: “Linh hồn nào phạm tội thì phải chết.” Không một ngoại lệ, không giảm án phạt.

Và nếu Đấng Christ đã không đến để làm trọn luật pháp, để giải cứu chúng ta khỏi sự kềm kẹp, thì ơn phước của Áp-ra-ham đã chẳng đến với chúng ta; ơn phước được nhận lãnh lời hứa về sự ban cho Thánh Linh, bời đức tin.

Một giao ước không thể bị hủy bỏ

15Hỡi Anh em, tôi nói theo thói quen người ta rằng: Khi một người đã làm tờ giao ước thành rồi, thì không ai có phép được xóa đi hay thêm vào sự gì (Galatians 3:15).

Phao-lô cho một thí dụ về một giao kèo trong đời sống hằng ngày; ngay cả tờ giao kèo hèn kém của con người cũng không được sửa đổi. Có một lời viết tương tự như vậy ở cuối sách Khải Huyền về sự cấm không được thêm hoặc bớt gì về giao ước của Đức Chúa Trời; và để nhắc lại, giao ước đó được gói ghém trong Giăng 3:16: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi …” Chúng ta đừng phạm trọng tội làm suy giảm hiệu lực của giao ước này khi hướng dẫn người khác trong đời sống tin kính. Coi chừng a-na-them. Người giảng kinh dễ bị vướng vào tội này hơn người nghe.

Lời hứa của Đức Chúa Trời không thể bị hủy bỏ

sup>16</sup>Vả, các lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi người. không nói: Và cho các dòng dõi người, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng dõi ngươi,như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ. 17Vậy thì tôi nói rằng: Lời giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã kết lập thành rồi, thì không có thể bị hủy đi, và lời hứa cũng không có thể bị bỏ đi bởi luật pháp, là sự cách sau bốn trăm ba mươi năm mới có (Galatians 3:16-17).

Luật pháp được ban cho hằng mấy trăm năm sau không thể hủy bỏ lời hứa. Luật pháp làm chứng về sự thiếu sót của chúng ta, nhưng không thể lên án, không thể dùng tội lỗi chúng ta để hủy bỏ lời Chúa đã hứa. Nếu một giao ước của loài người không xóa bỏ đươc, thì còn vững chắc biết bao là giao ước của Đức Chúa Trời.

Cơ nghiệp đặt trên lời hứa, chứ không phải luật pháp

18Vì, nếu cơ nghiệp được ban cho bởi luật pháp, thì không bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng lời hứa mà ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham (Galatians 3:18).

Cơ nghiệp là quyền công dân nước Trời của chúng ta, quyền trở nên con cái Ngài. Nhưng có một điều kiện không thể bỏ qua: người muốn vào nước Trời, làm con cái Đức Chúa Trời, phải nên thánh trọn vẹn mọi giờ mọi lúc, và phải hoàn toàn đẹp lòng Đức Chúa Trời. Và chúng ta cũng biết chỉ có Của Lễ Toàn Hảo do chính Đức Chúa Trời sắm sẵn mời có thể giúp chúng ta thỏa được điều kiện đó. Còn một điều nữa, không một điều chi làm bởi sự tuân theo luật pháp dạy bảo có thể làm chúng ta thánh thiện hơn huyết Chiên Con. Đó là lý do tại sao chúng ta tin rằng sự Cứu Rỗi quả là ơn lạ lùng.

Thêm một điểm quan trọng nữa: cách duy nhất để chúng ta sống đẹp lòng Chúa là: tin vào Con Một của Ngài, chẳng cậy việc làm một chút nào. Đây là phương cách chúng ta nhận phần cơ nghiệp. Và nếu cơ nghiệp này dựa trên luật pháp, ai trong vòng chúng ta sẽ được hưởng? Ông Ni-cô-đem đã hỏi Chúa Gie-su một câu hỏi rất thành thật mà ít kẻ cậy luật pháp trong vòng chúng ta dám hỏi.

Vai trò của luật pháp

19Vậy thì làm sao có luật pháp? luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm phép, cho tới chừng nào người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho; luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi một người trung bảo. 20Vả, người trung bảo chẳng phải là người trung bảo về một bề mà thôi, nhưng Đức Chúa Trời chỉ có một (Galatians 3:19-20).

Luật pháp được ban cho, hay thêm vào, vì sự hiện diện của tội lỗi? Điều này dường như có vẻ không phù hợp với câu nói trước của Phao-lô rằng chẳng có điều chi được thêm vào hoặc bớt đi về giao ước của Đức Chúa Trời ban cho mấy trăm năm trước khi luật pháp được ban hành. Nếu có điều chi có thể được thêm vào, chắc phải là với mục đích thay đổi điều kiện của sự cứu rỗi. Nhưng lời hứa của Đức Chúa Trới không hề dời đổi, do đo sự “thêm vào” đây phải mang một ý nghĩa khác, là với mục đich khiến nhân loại nhìn nhận tội lỗi mình, chứ không phải với mục đích trừ bỏ, hoặc giảm bớt tội lỗi, bằng chứng là những điều chúng ta thấy trong suốt thời Cựu Ước. Luật pháp được thêm vào hầu mọi miệng phải ngậm lại về bản chất hư nát của mình. Sự “thêm vào” đặc biệt này không thay đổi điều kiện của sự cứu rỗi; vì phương cách cứu rỗi mãi mãi vẫn là bởi ân điển và qua đức tin mà thôi.

Luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời?

21Vậy thì luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao? chẳng hề như vậy; vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến. 22Nhưng Kinh Thánh đã nhốt hết thảy mọi sự dưới tội lỗi, hầu cho điều chi đã hứa, bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ mà được ban cho những kẻ tin (Galatians 3:21-22).

Chúng ta chỉ có một cách để giải thich luật pháp dựa theo hai câu Kinh thánh trên, luật pháp không nghịch với ân điển Chúa theo sự hiểu biết thông thường. Nhiều người nghĩ đến một sự cân bằng giữa luật pháp và ân điển, nghĩa là nếu nhiều luật pháp thì giảm ân điển, hoặc ngược lại, nhiều ân điển thì luật pháp phải giảm đi (tội ác gia tăng); nhưng trong suốt thơ Ga-la-ti cho đến đây chúng ta thấy luật pháp không đối chọi với ân điển, nó được dùng làm một khí cụ để đẩy người ta đến ân điển Chúa, và khi nó làm xong phận sự như một người thầy giáo, thì kẻ tội nhân được cứu không cần thầy giáo ấy nữa, nhưng Đức Thánh Linh sẽ khởi sự dẫn người đó vào mọi lẽ thật. Luật pháp đẩy người ta vào lòng ân điển, rồi ra đi.

Luật pháp được ban cho để “nhốt” nhân loại dưới tội lỗi, cho họ một lối thoát duy nhất là sự cứu rỗi qua đức tin nơi Đấng Christ.

Nhưng điều lạ, hoặc đúng hơn là … dại dột—theo cách Phao-lô quở mắng hội thánh Ga-la-ti—, là nhiều người nghĩ luật pháp dẫn đến sự sống. Có phải thực như vậy không? Có vô số đoạn Kinh thánh cho thấy điều hoàn toàn trái ngược: luật pháp dẫn đến sự chết, và sanh bông trái chết, và là sự rủa xả cho người theo nó, và nhiều điều khác nữa.

Con Cái Đức Chúa Trời Là Kẻ Được Hưởng Cơ Nghiệp

23Trước khi đức tin chưa đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin phải bày ra. 24Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình. 25Song khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa (Galatians 3:23-25).

Mối liên hệ giữa chúng ta với luật pháp được diễn tả như người tù tội và người cai tù. Không phải là một mối liên hệ bày tỏ lời Chúa Giê-su: sự sống, an nghỉ, tự do, nước hằng sống, sự bình an ngoài ý tưởng, v.v… Và ít người ý thức được rằng họ được Chúa cho phép thoát khỏi sự canh giữ của luật pháp tử khi họ tiếp nhận Chúa. Sự chuyển tiếp phải được xảy ra, từ sự canh giữ của người bảo hộ dưới luật pháp qua đức tin nơi Đấng Christ, từ Cựu Ước qua Tân Ước, từ tội nhân đến người được tự do, để điều vĩ đại này có thể xảy ra: được xưng công bình bởi đức tin. Nếu chúng ta quyết sống dưới sự canh giữ của luật pháp, chắc chắn chúng ta sẽ ở dưới án phạt, vì đó là công việc của luật pháp.

Trong Chúa tất cả đều là con cái Đức Chúa Trời

26For Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời. 27Vả, anh em thảy đều chịu phép báp tem trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy. Christ (Galatians 3:26-27).

Con cái của Đức Chúa Trời bởi đức tin, chẳng bới sự làm theo những điều luật pháp đòi hỏi. Khi được báp têm vào trong Đấng Christ là khi được trở nên bậc thành nhơn, và đây là một đoạn trích từ sách giải kinh của Jamieson, Fausset, và Brown:

Bạn thực đã mặc lấy Đấng Christ khi bạn nhận báp têm vào trong Ngài: đó là theo ý nghĩa từ nguyên bản tiếng Hy-lạp. Đối với bạn, Đấng Christ là toga virilis (bộ y phục của người trưởng thành dưới thời đế quốc La-mã, được mặc lấy khi không còn là con trẻ nữa)—Jamieson, Fausset, and Brown.

Phao-lô thường gọi những người còn sống dưới sự quản trị của luật pháp là con trẻ, bé mọn, ấu trĩ, còn những người mặc lấy Đấng Christ là người đã thành niên và có thể ăn đồ ăn cứng, có khả năng hiểu lời Chúa nhờ đặt trên đức tin và ân điển của Đấng Cứu Thế. Chúng ta cũng thường thấy điều này trong đời sống hằng ngày; con trẻ thì cần nhiều luật lệ, qui tắc, và sự hướng dẫn chi tiết, người thành niên thì được hướng dẫn theo một nguyên tắc chung. Do đó đối với người Cơ-đốc Nhân trưởng thành, Thánh Linh của Đức Chúa Trời không những là nguyên tắc, mà còn là Đấng dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật, và ban quyền năng để làm công việc Đức Chúa Trời.

Trong Chúa mọi người đều bình đẳng

28Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đờn ông hoặc đờn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một (Galatians 3:28).

Ở ngoài Đấng Christ, có những giai cấp giữa người nhiều quyền lợi và những người thiếu thốn, giữa người Do-thái và người ngoại, nô lệ và tự chủ, nam và nữ mà chỉ có nam được hường phép cắt bì. Nhưng trong Đấng Christ, mọi người đều bằng nhau, mọi người đều tội lỗi, mọi người đều cần được cứu bởi ân điển.

29Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa (Galatians 3:29).

Quả là một chương đầy chân lý diệu kỳ!

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and