Ga-la-ti Chương 2

Quyền phối hợp trong cương vị sứ đồ, về phép cắt bì được công nhận bởi các sứ đồ. Điều này được dẫn chứng qua sự Phi-e-rơ bị quở mắng vì ông không giữ vững lập trường ở An-ti-ốt, về vấn đề cắt bì cho tín hữu khong thuộc gốc Do-thái: Phao-lô biện luận về sự bất tương đồng giữa Do-thái Giáo và sự xưng công bình bởi đức tin.

Nỗ lực của Phao-lô để bảo vệ tin lành

1Sau đó mười bốn năm, tôi lại lên thành Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, có đem Tít cùng đi nữa. 2Tôi vâng theo lời tỏ ra mà lên đó, phô bày Tin Lành mà tôi đã giảng trong người ngoại đạo ra cho anh em; lại phô bày riêng cho những kẻ có danh vọng hơn hết, kẻo sự chạy của tôi trước kia và bây giờ hóa ra vô ích chăng (Galatians 2:1-2).

Mười bốn năm trôi qua, kể từ khi Phao-lô tin nhận Chúa, ông trở lại thành Giê-ru-sa-lem (điều này cũng được nhắc đến trong Công-vu 15:1-4) đồng một lúc khi hội thánh và hội đồng các sứ đồ họp để quyết định về việc các tín hữu người ngoại không cần phải chịu phép cắt bì.

Quyết định của hội đồng không đạt được mức độ cho thấy sự kết thúc của hệ thống tín ngưỡng đặt nền tảng trên luật pháp Môi-se. Điểm quan trọng ở đây là: người Ga-la-ti muốn trở về với luật pháp Môi-se chẳng phải vì Hội Thánh buộc họ phải giữ như một điều cần thiết trong Cơ-đốc Giáo, nhưng vì họ nghĩ những qui củ này là điều cần yếu cho những người muốn đạt được mức trọn vẹn hơn trong đời sống tâm linh (Jamieson, Fausset, và Brown).

Phao-lô đến thành Giê-ru-sa-lem để gặp các sứ đồ hầu giao thông với họ về tin lành mà ông đã giảng cho người ngoại. Ông muốn bảo đảm tin lành này sẽ không bị ô nhiễm, bởi sự bó buộc luật pháp Môi-se trên những tín hữu người ngoại, và như vậy sẽ biến ra vô ích những nỗ lực của ông chạy đôn đáo khắp nơi rao giảng tin lành của Đức Chúa Giê-su Christ.

Do đó mặc dầu hội đồng đã quyết định không trói buộc tín hữu người ngoại dưới luật pháp Môi-se, quyết định này đã không đạt được ý nguyện của Phao-lô về những tín hữu không thuộc gốc Do-thái; quyết nghị này đã không biểu lộ sự bất đồng quan điểm với tín hữu Do-thái rằng luật pháp Môi-se không đưa họ đến sự toàn hảo tâm linh (như chúng ta đã nói qua về sự “làm cho trọn” trong chương 1). Những Cơ-đốc Nhân ngày nay bị vướng vào một bẫy luật pháp khó dò hơn, vì chúng ta không có những qui củ rõ ràng về cách hành xử, chúng ta mơ hồ tạo dựng nên những luật có hiệu quả làm giảm đi sự đầy trọn của thập tự giá Đấng Christ; hoặc là chúng ta đẩy lùi ý niệm bảo đảm cứu rỗi về lãnh vực lý thuyết, hoặc học vấn.

Có một luật khác ngoài lãnh vực của người Do-thái còn nhiều mưu chước hơn: Mặc dầu Chúa đã tha tội cho bạn rồi, nhưng Ngài chưa hoàn toàn hài lòng với bạn cho đến khi … (bạn làm xong chuyện nọ chuyện kia). Tôi vẫn tin quyết rằng một tín hữu chỉ biết về sự cứu rỗi của mình trong phạm vi người đó hiểu Chúa chấp nhận mình thể nào. Nếu người đó thấy mình chưa thiêng liêng đủ, chưa nên thánh đủ, Chúa vẫn chưa hài lòng về mình, thì sự cứu rỗi chỉ là một ý niệm hay nhưng không có thực thể. Vì thế trong mấy chục năm qua, người Cơ-đốc Nhân này luôn dõi mắt ngóng trông về một nơi ngoài tầm tay với, nơi anh có thể hoàn toàn an lòng về Đấng Cứu Chuộc, được cảm nhận sự an nghỉ mà sứ đồ Phao-lô nài khuyên anh hãy gắng sức vào (Hê-bơ-rơ 4:11). Và nếu các nhà giảng kinh tin điều đó, hẳn họ phải gắng sức giảng luận về sự an nghỉ đó.

Nô lệ dưới luật pháp

3Dầu Tít, kẻ cùng đi với tôi, là người Gờ-réc, cũng không bị ép phải cắt bì. 4Chúng tôi đã làm như vậy, vì cớ mấy người anh em giả, lẻn vào trong vòng chúng tôi, để rình xem sự tự do mà chúng tôi được trong Đức Chúa Jêsus Christ, đặng bắt chúng tôi làm tôi mọi. 5Chúng tôi không nhường họ một giây phút nào, chối chẳng chịu thuộc dưới quyền họ, hầu cho lẽ thật của Tin Lành được vững bền trong anh em (Galatians 2:3-5).

Phao-lô chắc đã đem Tít đi theo với một mục đích: để chứng tỏ Chúa đã cứu ông mà không đòi hỏi phép cắt bì. Tít đã được giải thoát khỏi sự nô lệ dưới luật pháp. Nếu Phao-lô nhượng bộ, để Tít chịu phép cắt bì, thì đức tin của cả một phần trong thân thể Đấng Christ, những tín hữu người ngoại, có thể lâm vào tình trạng khó khăn.

Phao-lô viết về sự tự do trong Đấng Christ mà Chúa Giê-su đã hứa trong Giăng 8:32, “…các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” Còn những kẻ rình mò tìm cách đưa người Ga-la-ti trở về trong sự tôi mọi, sự tôi mọi của “giềng mối thêm giềng mối, …, hàng thêm hàng, … (Ê-sai 28:10)”, luật lệ này chồng chất lên luật lệ kia, vẫn còn sống mạnh trong hội thánh, trong sách vở, làn sóng âm thanh, và trên mạng toàn cầu. Một điều khó tin nhưng có thật là nhiều Cơ-đốc Nhân giảng chống lại sự tự do này.

Để “lẽ thật của Tin Lành được vững bền trong anh em,” Phao-lô cương quyết không nhượng bộ, ông không để Tít phải chịu phép cắt bì, vì chân lý cứu rỗi bởi đức tin thì đối nghịch với sự cậy vào luật pháp.

Men của người Pha-ri-si

6Còn như những kẻ mà người ta tôn trọng lắm, (trước kia là kẻ thể nào, thì chẳng can dự gì với tôi, Đức Chúa Trời không tây vị ai hết), tôi nói, những kẻ đó dầu tôn trọng lắm, cũng chẳng làm cho tôi thêm ích chút nào. 7Trái lại, họ thấy sự giảng Tin Lành cho kẻ không chịu phép cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu phép cắt bì đã giao cho Phi -e-rơ vậy, 8vì Đấng đã cảm động trong Phi -e-rơ để sai người làm sứ đồ cho những kẻ chịu cắt bì, cũng cảm động trong tôi để sai tôi làm sứ đồ cho dân ngoại, 9và nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì Gia-cơ, Sê-pha, Giăng là những người được tôn như cột trụ, trao tay hữu giao kết với chúng tôi, tức là Ba-na-ba và tôi, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân ngoại, còn các người ấy thì đến cùng những kẻ chịu phép cắt bì. 10Các người ấy chỉ dặn dò tôi phải nhớ đến kẻ nghèo nàn, là điều tôi cũng đã ân cần làm lắm (Galatians 2:6-10).

Không có gì cần thêm vào lời sứ đồ Phao-lô viết ở đây, ngoại trừ việc ông chính thức công bố sự được công nhận bởi các sứ đồ đã đi trước ông, và quan trọng hơn nữa là họ “chẳng làm cho tôi (Phao-lô) thêm ích chút nào.”

Đối với những người đồng thời với Phao-lô, quyết định của hội đồng về việc không đòi hỏi các tín hữu người ngoại phải chịu phép cắt bì là một biến cố quan trọng, nhưng đối với Phao-lô, điều đó kể như không thành vấn đề, hoặc không chừng còn ảnh hưởng không tốt cho sứ điệp tin lành mà ông đã “phô bày riêng” (c. 2) cho “những kẻ mà người ta tôn trọng lắm” (ông ám chỉ các sứ đồ khác hoặc các bậc trong cấp lãnh đạo), một cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo hội thánh mà Phao-lô hy vọng được dùng để ảnh hưởng họ hầu đưa họ về đường đúng, hầu họ không làm hỏng và làm trở nên vô ích những công trình ông đi khắp nơi để rao truyền tin lành mà ông không thể kểm hãm được trong lòng. Và thực ra, Phao-lô đã không buồn nói đến quyết định của hội trong trong thư này.

Nếu huyết chiên Con đủ để ban sự nên thánh và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại hầu họ được trình diện trước ngai ân điển, thì phép cắt bì để làm gì, thì các lề luật khác tương tự vậy để làm gì? Trừ khi họ nghĩ ngược lại, rằng sự Chúa chịu đóng đinh một lần đủ cả không thực sự đủ, và họ phải làm thêm điều gì đó, để “đạt được mục đích,” để “làm cho trọn,” như Phao-lô nói cách mỉa mai trong Ga-la-ti 3:3.

Vì vậy quyết định của hội đồng đã đem lại gì cho tin lành mà Phao-lô đang rao giảng? Chẳng một điều nào hết.

Phao-lô quở trách Phi-e-rơ

11Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. 12Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì. 13Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ. 14Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì nói với Sê-pha trước mặt mọi người rằng: nếu anh là người Giu-đa, mà ăn ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa? (Galatians 2:11-14)

Nếu những người cậy luật pháp có nhiều thế lực trong thời Chúa Giê-su, thì họ cũng vẫn có nhiều thế lực trong thời của lá thư Ga-la-ti; nhiều thế lực đủ để đe dọa anh hùng Phi-e-rơ, Ba-na-ba già giặn; và cho đến ngày nay.

Theo Jamieson, Fausset, và Brown, nhưng thực ra chúng ta không cần họ để biết điều này, rằng những người cậy luật pháp trong thời của Phao-lô tưởng rằng các lề luật Do-thái sẽ làm họ thiêng liêng hơn, đạt được sự vẹn toàn ở mức độ cao hơn. Sự theo đuổi để tiến đến mức độ cao hơn là một hiện tượng chung trong Cơ-đốc Giáo và trải qua nhiều thời đại. Nhưng điều này dẫn tới câu hỏi: Phần nào của chúng ta mà dòng huyết báu của Chúa đã không rửa sạch được khiến chúng ta phải làm cho trọn?

Xưng công bình bởi đức tin

15Về phần chúng tôi, thì sanh ra là người Giu-đa, không phải là kẻ có tội từ trong dân ngoại. 16Dầu vậy, đã biết rằng người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ, nên chính chúng tôi đã tin Đức Chúa Jêsus Christ, để được xưng công bình bởi đức tin trong Đấng Christ, chớ chẳng bởi các việc luật pháp; vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp (Galatians 2:15-16).

Xin để ý câu nói mỉa mai của Phao-lô khi ông gọi chính mình và những người Do-thái “không phải là kẻ có tội.” Phao-lô thừa biết “mọi người đều phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 3:23)” Chúng ta nhớ lại đoạn Kinh thánh mà một người giữ luật Môi-se đấm ngực tự gọi mình không phải như “những người ngoại là người tội lỗi?” Luật pháp, hoặc sự cậy vào luật pháp, để được nhìn nhận là người trước mặt Đức Chúa Trời, không đem lại điều gì ngoại trừ cho kẻ tuân theo một sự an tâm không dựa trên sự thật, một sự tự xưng công bình khiến họ mù mắt không thấy mình cần ân điển Đức Chúa Trời.

Chúng ta được xưng công binh bởi “sự thành tín của Đấng Christ,” nhưng tôi thường nghe từ những tín hữu trong Chúa rằng chúng ta được xưng công bình bởi sự thành tín của chính mình. Thực không phải như vậy, vì chúng ta cậy nơi Đấng Christ, là Đấng đã trung tín cho đến chết thậm chí chết trên thập tự giá. Chúng ta không hát “Ôi các tín đố, sự thành tín quí vị rất lớn thay,” nhưng chúng ta hát về sự thành tín Chúa.

Và cuối cùng là lời tuyên bố tuyệt diệu từ sự tỏ ra mà Phao-lô nhận được: “vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp.”

Chúa Giê-su cổ động tội lỗi?

17Nhưng nếu đang khi chúng tôi tìm cách được xưng công bình trong Đấng Christ, mà chính chúng tôi bị nhận là kẻ có tội, vậy thì Đấng Christ chẳng là làm tôi của tội lỗi sao? Chẳng hề như vậy! 18Thật thế, nếu tôi lập lại điều tôi đã phá hủy, thì tôi sẽ tỏ ra chính tôi là người phạm phép (Galatians 2:17-18).

Như chúng ta biết, người Do-thái không kể mình là người tội lỗi, trừ ra người ngoại, do đó nếu họ tìm kiếm sự công bình trong Đấng Christ, hóa ra họ nhận mình là người có tội. Đối với họ đây là một điều nan giải: Tôi là người Do-thái vì thế tôi không thuộc vào hàng những người tội lỗi, nhưng bây giờ tôi cậy nơi Đấng Christ, tôi trở nên người có tội, do đó họ đặt câu hỏi phải chăng Đấng Christ cổ động cho tội lỗi. Phao-lô giải thích cho họ vấn đề không phải như vậy. Và câu ngụ ý Phao-lô nói ở đây “nếu tôi lập lại nền tôi đã phá hủy,” ông đang nói trong địa vị Phi-e-rơ. Chúng ta có thể diễn ý như sau: Phi-e-rơ, anh làm việc hết sức để công bố của lễ Hy Sinh Toàn Thiện có khả năng hủy bỏ toàn bộ hệ thống tế lễ của Do-thái giáo, bây giờ anh lại tìm cách đem hệ thống tín ngưỡng đó trở về qua phép cắt bì? Anh, Phi-e-rơ, vì vậy đã trở nên người phả luật, anh phá luật mới: chỉ những kẻ đặt niềm tin nơi Chiên Con được xưng công bình.

##

19Vả, bởi luật pháp, tôi đã chết cho luật pháp, để sống cho Đức Chúa Trời. 20Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi (Galatians 2:19-20).

Nếu bạn từ chối không chết về sự cậy luật pháp, bạn không thể nào sống cho Đức Chúa Trời. Tôi không còn là người tìm cách để sống một đời sống Cơ-đốc toàn hảo, nhưng bây giờ chính Con Một của Đức Chúa Trời sống qua tôi, cũng như Ngài đã chết thay cho tôi trên thập tự giá. Vậy bây giờ tôi sống làm sao? Tôi sống bằng cách cứ trông cậy nơi Ngài, nhận lấy điều Đấng Christ đã làm, và hiện đang làm trong tôi cho đến hơi thở cuối cùng, chỉ cậy trong nơi sự thành tín của Ngài thay vì của tôi, cậy nơi tình yêu và sự hi sinh của Ngài, và chẳng cậy nơi bất cứ điều chi xác thịt này có thể hiến dâng, vì tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ trong tôi là niềm hi vọng hiển vinh. Lại thêm nữa, một người đã chết thì làm được gì?

Nếu không bởi ân điển thì Chúa chịu chết cách vô ích

21Tôi không muốn làm cho ân điển Đức Chúa Trời ra vô ích; vì nếu bởi luật pháp mà được sự công bình, thì Đấng Christ chịu chết là vô ích (Galatians 2:21).

Nếu tôi chỉ mưu tìm được dù chỉ là một chút xíu sự công binh qua một điều gì ngoài niềm tin đơn sơ nơi Đấng Christ, chẳng hạn như luật pháp, hay bất cứ điều gì tựa như một luật làm giảm đi hiệu năng của Đấng Christ, Ngài chịu chết là vô ích! Trước khi tắt hơi Chúa phán: Mọi sự đã được trọn, công việc phục hồi nhân loại đã hoàn tất, tại sao ngươi lại làm như sự chết của ta là chưa đủ? Có điều chi ngươi làm có thể thêm vào điều Đấng Tạo Hóa đã làm, hỡi người kiêu ngạo kia?

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and