Tiệc Thánh

Các tín hữu thường được khuyên giục tự xét mình để chuẩn bị nhận tiệc thánh dựa theo 1 Corinthians 11, nhưng đúng hơn là họ nên dựa trên Matthew 26 thuật lại bối cảnh của bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-su với các môn đệ, The Lord’s Supper, mà bối cảnh đó phải được hiểu từ bối cảnh của Lễ Vượt Qua.

Matthew 26:17-30

17Trong ngày thứ nhứt ăn bánh không men, môn đồ đến gần Đức Chúa Jêsus mà thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu?” 18Ngài đáp rằng: Hãy vào thành, đến nhà một người kia, mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi. 19Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua. 20Đến tối, Ngài ngồi ăn với mười hai sứ đồ. 21Khi đương ăn, Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi rằng có một người trong các ngươi sẽ phản ta. 22Các môn đồ lấy làm buồn bực lắm, và lần lượt hỏi Ngài rằng: Lạy Chúa, có phải tôi không? Ngài đáp rằng: 23Kẻ nào để tay vào mâm với ta, ấy là kẻ sẽ phản ta. 24Con người đi, y theo lời đã chép về Ngài; song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn! 25Con người đi, y theo lời đã chép về Ngài; song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn! 26Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. 27Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; 28vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội. 29Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta. 30Khi đã hát thơ thánh rồi, Đức Chúa Jêsus và môn đồ đi ra mà lên núi Ô-li-ve. (Matthew 26:17-30)

Tiệc Thánh

Đoạn Kinh thánh này cùng một đoạn khác trong 1 Corinthians 11:27-29 thường được dùng để chuẩn bị các tín hữu trước khi họ dự tiệc thánh qua việc nhận bánh và rượu nho. Có một số chân lý quan trọng trong các đoạn Kinh thánh này nhưng trọng tâm thường được đặt trên sự nhận mình và máu Chúa “cách xứng đáng,” sự “tự xét mình”“sự xét đoán”:

27Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa. 28Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; 29vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình. (1 Corinthians 11:27-29)

Tôi vẫn thường nghĩ đây là cách rất phải để chuẩn bị lòng mình trước tiệc thánh trong nhiều thập niên trước khi tôi hiểu thấu sự khác biệt giữa luật pháp và ân điển mà nhờ sự hiểu biết đó tôi được khích lệ để suy gẫm về ý nghĩa của lễ này trong toàn bộ bối cảnh của nó. Chẳng trách những Chúa Nhật tiệc thánh đối với tôi là cả một sự hỗn độn giữa tấm lòng nặng chĩu và sự khao khát được giải thoát chưa bao giờ được thỏa.

Mọi người đều đứng dậy trong khi đoạn Kinh thánh trong Cô-rin-tô được đọc lên, rồi theo những lời đọc đó mọi người xét lòng mình xem có xứng đáng nhận lãnh mình và máu Chúa hay không. Không cần ai giải thích, mỗi người đến trước ngai vị thẩm phán trong lương tâm, trong giờ phút tĩnh lặng suy gẫm, định giá sự xứng đáng của mình trước khi nhận các lễ vật của tiệc thánh. Không ai nhớ rõ điều gì mình đã làm trong tuần, có lẽ đối với một người tín hữu trung bình họ đã chẳng làm gì khác thường ngoại trừ việc dậy sớm vào mỗi buổi sáng để chuẩn bị và đối diện với những thách thức trong ngày, trong gia đình và sở làm. Những việc thường lệ của mỗi ngày. Nhưng nếu trong lòng họ cảm thấy những điều này dường như không tuyệt đối là ý Chúa cho đời sống, mặc cảm tội lỗi sẽ dấy lên, và đây có lẽ là lý do nhiều người cảm thấy mình không xứng đáng khi dự tiệc thánh. Bất kể nhìn từ khía cạnh nào, kết cuộc vẫn là cảm giác không xứng đáng, vì trong cuộc sống hàng ngày thì đầy dẫy những cơ hội khiến một người cảm thấy mình thất bại ở một điểm nào đó—việc làm, sức khỏe, bất bình, v.v.—, nhưng họ vẫn cứ nhận tiệc thánh với hy vọng trong lòng rằng hành động nhận mình và máu Chúa sẽ cất đi phần nào gánh nặng tội lỗi nặng chĩu trong lòng.

Nhưng đây quả là một ứng dụng sai lầm của đoạn Kinh thánh Cô-rin-tô. Phao-lô viết đoạn này để đương đầu với tệ trạng một số tín hữu dự tiệc thánh, là một buổi tiệc với nhiều thức ăn và uống chứ không phải chỉ một mẩu bánh và ít rượu nho như chúng ta thường dự ngày hôm nay, mà không lo tưởng gì đến những người có thể bị mất phần. Chúng ta hãy đọc đoạn đi trước lời kêu gọi xét lòng:

20Vậy, khi anh em nhóm nhau lại một chỗ, ấy chẳng còn phải là Tiệc thánh của Chúa mà anh em ăn; 21bởi vì lúc ngồi ăn, ai cũng nôn nả mà ăn bữa riêng mình, đến nỗi người nọ chịu đói, còn kẻ kia thì quá độ. 22Anh em há chẳng có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh bỉ Hội thánh của Đức Chúa Trời, muốn làm cho những kẻ không có gì phải hổ thẹn? Tôi nên nói chi với anh em? Có nên khen anh em không? Trong việc nầy tôi chẳng khen đâu. (1 Corinthians 11:20-22)

Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng sự tự xét mình trong đoạn Kinh thánh này không liên hệ đến điều gì khác ngoài việc cư xử của người đến dự tiệc. Nhưng có thể có người hỏi rằng: Thế còn những tội lỗi người ta phạm phải trong ngày, trong tuần, trước Chúa Nhật tiệc thánh? Câu trả lời sẽ phải là chúng ta phải tin rằng Chúa sẽ sửa sang, chỉnh đốn, mỗi cá nhân trong thời điểm Ngài định và tùy theo sự khôn ngoan vô bờ bến của Ngài, điều duy nhất chúng ta biết liên hệ đến tiệc thánh chính là điều chúng ta vừa đọc trong đoạn Kinh thánh trên. Trên thực tế, đoạn Kinh thánh này không cần phải đọc trong những buổi tiệc thánh của thời đại hôm nay vì chắc hẳn sẽ không có sự tranh dành những mẩu bánh nhỏ với chút rượu nho đến nỗi phải cần một sự nhắc nhở về sự chớ tranh giành.

Bây giờ với vấn đề tự xét mình và sự xứng đáng nhận tiệc thánh được giải quyết xong, chúng ta có thể chú tâm đến ý nghĩa thực sự của bữa ăn cuối cùng giữa Chúa Giê-su và các môn đệ với niềm hy vọng rằng sự hiểu biết đúng đắn sẽ cảm động lòng người tín hữu khi được nhắc nhở cách diệu kỳ về những việc lớn mà Đấng Christ đã làm trọn cho chúng ta.

Lễ Vượt Qua

Bữa Tiệc Ly vốn nguyên thủy là lễ Vượt Qua như chúng ta đọc trong câu 18: “Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua (Matthew 26:18)” Tuy nhiên lễ Vượt Qua này mang một ý nghĩa thuộc về Tân Ước như chúng ta nhận thấy từ bối cảnh chung quanh tiệc đó.

Chúa cho người Do-thái một mệnh lệnh phải nhớ lại sự nô lệ khi còn ở Ai-cập và cách nào Ngài đã giải cứu họ và đem họ đến đất hứa. Trong lễ Vượt Qua, một con chiên không tỳ vết phải được chọn ra để dâng làm của lễ, và người ta phải ăn thịt nó tùy theo một cung cách nghiêm ngặt. Lễ Vượt Qua phải xảy ra vào ngày thứ 14 trong tháng thuộc lịch của người Do-thái tùy theo mùa gặt lúa mạch và ngày trăng tròn gần nhất và thay đổi hằng năm. Bất cứ ai không dự được ngày lễ đó phải trở lại thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 14 của tháng sau đó cho cơ hội cuối cùng. Đây là một mệnh lệnh rất quan trọng mà mọi người Do-thái phải dự ở thành Giê-ru-sa-lem nếu không sẽ bị đuổi ra khỏi xứ sở cho đến trọn đời, và lễ này chỉ được cử hành ở thành Giê-ru-sa-lem.

Còn nhiều điều có thể viết về ý nghĩa và lịch sử của lễ Vượt Qua dưới thời Cựu Ước, có thể giúp chúng ta thấu hiểu hơn ý nghĩa của nó dưới Tân Ước mà ngày nay chúng ta gọi là Tiệc Thánh mà các hội thánh kỷ niệm mỗi tháng một lần, hay tùy theo thông lệ riêng. Tuy nhiên, mục đích chính của bài viết này là để vạch ra những sự giải thích và áp dụng sai lầm của lễ này và vì đó đã gây hoang mang và đánh mất đi sự vui mừng về sự cứu rỗi mà chính ra người tham dự phải được kinh nghiệm.

Dưới Cựu Ước

Cái tên Vượt Qua diễn tả biến cố chung quanh tai họa thứ mười mà vì đó vua Pha-ra-ôn của Ai-cập phải đổi ý mà trả tự do cho những người nô-lệ. Vào đêm của tai họa thứ mười khi Đức Chúa Trời sẽ giáng cơn thạnh nộ của Ngài trên xứ Ai-cập, người Do-thái được chỉ dẫn phải bôi huyết chiên lên khung cửa chính vào nhà và như thế Đức Chúa Trời sẽ vượt qua và tai họa sẽ không xảy đến cho nhà đó. Nhưng còn về phần người Ai-cập:

“Môi-se nói: Đức Giê-hô-va có phán như vầy: Chừng giữa đêm ta sẽ ra tuần hành xứ Ê-díp-tô. Hết thảy con trưởng nam trong xứ Ê-díp-tô sẽ chết, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả của người đòi ở sau cối, và luôn mọi con đầu lòng của súc vật nữa. Trong cả xứ Ê-díp-tô sẽ có tiếng kêu la inh ỏi, cho đến đỗi chưa hề có, và cũng sẽ chẳng bao giờ có giống như vậy nữa.” (Exodus 11:4–6)

Dưới Tân Ước

Hiện nay huyết được dùng để biệt riêng chúng ta ra khỏi thế gian không phải là của một con chiên phàm tục, nhưng của Chiên Con Đức Chúa Trời, và dầu huyết đó không cứu chúng ta khỏi sự chết phần xác, nó ban cho chúng ta sự sống đời đời qua sự ngự vào lòng của Đức Thánh Linh.

Vì nếu huyết của dê đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào! (Hebrews 9:13-14)

Sự khác biệt?

Dầu huyết của Cựu Ước ban phước cho người Do-thái, hoặc những kẻ ở dưới luật pháp, về phương diện xác thịt bằng cách tạm tha cho họ khỏi sự chết về phần xác, huyết của Tân Ước ban cho họ sự sống đời đời. Cựu Ước chỉ làm cho họ sạch bề ngoài về phần nghi lễ, Tân Ước thật ban cho chúng ta ơn được hầu việc Đức Chúa Trời. Sự đổ huyết Cựu Ước cứ phải được lập đi lập lại trong khi huyết của Tân Ước chỉ đổ ra một lần đủ cả mà lại cho toàn thế gian.

Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được,. (Hebrews 10:11)

còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời. (Hebrews 10:12)

Các bạn có thấy sự khác biệt trọng yếu giữa Cựu và Tân về sự tha tội? Bất kể người đến thờ phượng có chân thành đến đâu chăng nữa, bất kỳ một của lễ nào từ người đó, dù là của lễ thiêu, một lời thú tội, một nỗ lực đền trả tội đã phạm, một sự hối cải xé lòng, tự hành hạ thân thể, một bài hát ngợi khen rung động lòng thiên sứ, hoặc bất cứ điều gì mà một tấm lòng chĩu nặng vì mặc cảm tội lỗi có thể tưởng đến để bù lại những gì đã mất, chẳng một điều gì có thể cất tội lỗi được. Duy chỉ một mình Đấng Christ. Dĩ nhiên bạn nên làm mọi điều kể trên vì chắc chúng sẽ làm vơi phần nào gánh nặng của tội lỗi, nhưng xin nhớ rằng chúng không thể nào cất đi tội lỗi ngăn cách bạn và Đức Chúa Trời.

Hãy ghi nhớ

Lu-ca đoạn 22 có ghi lại lễ tiệc ly với thêm một số chi tiết quan trọng.

14Đến giờ, Ngài ngồi bàn ăn, các sứ đồ cùng ngồi với Ngài. 15Ngài phán rằng: Ta rất muốn ăn lễ Vượt Qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn. 16Vì, ta nói cùng các ngươi, ta sẽ không ăn lễ nầy nữa cho đến khi lễ ấy được trọn trong nước Đức Chúa Trời. 17Ngài bèn cầm chén, tạ ơn, rồi phán rằng: Hãy lấy cái nầy phân phát cho nhau. 18Vì, ta nói cùng các ngươi, từ nay ta sẽ không uống trái nho nữa, cho tới khi nước Đức Chúa Trời đến rồi. 19Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta. 20Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra. (Luke 22:14-20)

Trong lễ Vượt Qua của thời Cựu Ước, dân sự được nhắc nhở hằng năm về những khổ nạn mà họ đã phải trải qua khi còn ở Ai-cập, và sự vượt qua của Đức Chúa Trời chỉ là hình bóng của sự Vượt Qua trong thực thể mà Đấng Christ đã ban cho chúng ta. Hơn nữa sự ghi nhớ này không phải là một loại kỷ niệm vui mừng như lòng người mong ước. Những qui luật khắt khe về cung cách giữ lễ này, và những điều đem trở về trong ký ức, cho chúng ta thấy không có sự vui mừng chân thật trong đó. Các câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ dưới đây trình bày thật sâu sắc:

Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. (Hebrews 10:3)

Ngược lại, lễ Vượt Qua mà Chúa Giê-su đã cử hành trong Tiệc Thánh đem chúng ta đến một kỷ nguyên mới của sự ghi nhớ không phải về tội lỗi nhưng về Đấng cứu chúng ta khỏi tội, không phải về những thất bại liên lỉ và không thể tránh được của loài người nhưng về sự hoàn tất trọn vẹn của Đấng Christ là Đấng đã đến để làm thỏa mọi đòi hỏi của luật pháp. Chúa lại còn bảo họ phải thay đổi điều họ ghi nhớ. Lễ Vượt Qua là một phần rất quan trọng trong đời sống người Do-thái, mà bây giờ Ngài bảo họ hãy quên tất cả nhưng chỉ nhớ đến Ngài thôi? Thật vậy, đó chính là điều Chúa Giê-su đã phán: “Hãy làm điều này để nhớ đến Ta.”

Và trái ngược với Lễ Vượt Qua của thời Cựu Ước khi mà các của lễ phải được dâng hiến lập đi lập lại hằng năm, Đấng Christ chỉ dự lễ này một lần cuối cùng và chấm dứt lệ này khi Ngài chịu đóng đinh trên cây thập tự. Một điều còn lại được bày tỏ cho chúng ta khi Chúa phán: “ta sẽ không ăn lễ nầy nữa cho đến khi lễ ấy được trọn trong nước Đức Chúa Trời.” Có nhiều dấu hiệu tiên tri trong lời phán của Chúa Giê-su ở đây, nếu đây là một lễ Vượt Qua đặc biệt chấm dứt mọi Lễ Vượt Qua của thời Cựu Ước, thì lễ trong ngày nước Trời đến sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ không biết trọn vẹn cho đến ngày ấy, nhưng điều chúng ta biết thì có lẽ sẽ chẳng khác gì tiệc mừng ngày trở về của đứa con hoang đàng.

Tôi xứng đáng

Đến đây chúng ta thấy rằng Lễ Vượt Qua của thời Tân Ước, hoặc Tiệc Thánh như chúng ta biết ngày hôm nay, không hề đặt trọng tâm trên chúng ta, nhưng trên Đấng đã đến để đổ huyết cho tội lỗi thế gian. Do đó câu hỏi phải được nêu lên về Tiệc Thánh phải là người tín hữu có thực sự hiểu được ý nghĩa của nó, biết rằng nó chẳng phải là một nghi lễ, một phép bí tích, một bổn phận tôn giáo, nhưng là một giờ phút vui mừng suy gẫm về sự cứu rỗi diệu kỳ mà Đấng Christ đã mang đến cho chúng ta, không bị kềm tỏa bởi hình thức hoặc quy củ khắt khe.

Ngay cả trong bối cảnh của 1 Corinthians 11, những tín hữu này dù có thể đã cư xử không xứng đáng với tư cách của người dự tiệc thánh, họ xứng đáng để nhận mình và máu Chúa như bất cứ người nào khác, vì Chúa Giê-su đã trả giá trọn vẹn cho cả chính họ. Cách giải thích sai lầm về 1 Corinthians 11 về sự xứng đáng dự tiệc thánh đã gây nhiều vấp phạm cho tín hữu, thay vì đến dự với lòng đầy vui mừng ghi nhớ ơn lành cứu rỗi của Đấng Christ, họ lại lo lắng rằng có thể có tội lỗi nào khiến họ e rằng có thể mất mạng nếu nhận mình và máu Chúa. Trong thực tế, khi một người được nhắc nhở để xét lòng mình thì không ai có thể biết chắc mình xứng đáng 100% để nhận tiệc thánh. Cách nhìn về tiệc thánh này khiến một dịp chính ra phải là vui mừng lại trở nên u ám.

Khi vị cử hành lễ tiệc thánh kêu gọi tín hữu xét lòng mình thì họ sẽ nhớ đến điều gì? Phải chăng họ sẽ giống như người Do-thái còn sống dưới luật pháp nhớ đến tội lỗi và sự vi phạm như khi họ còn trong sự nô lệ ở Ai-cập? Tuyệt đối không. Chúa Giê-su đã phán: “hãy nhớ đến Ta.” Một bên là nhớ đến tội lỗi, còn một bên là nhớ đến sự được giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi nhờ Đấng Christ. Bạn có còn đang sống dưới Cựu Ước không, hay bây giờ đang liên hệ với Chúa qua giao ước mới?

Khi gọi giao ước này là mới, Chúa đã khiến giao ước trước bị phế thải; và những gì đã bị phế thải và lỗi thời sẽ đi vào hư vô (Hebrews 8:13)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , and