Theo Gương Chúa Giê-su

Theo gương Đấng Christ (Thomas A. Kempis). Loài người có thể bắt chước Đức Chúa Trời?

CHƯƠNG I
Về sự noi gương Chúa Giê-su, và sự chán ghét thế gian cùng những hư không của nó

  1. Những kẻ nào theo ta sẽ không đi trong tối tăm, Chúa phán vậy. Đây là những sự dạy dỗ của Chúa; và những điều đó dạy cho chúng ta ở mức độ nào chúng ta phải noi gương đời sống và đức tính của Ngài, nếu chúng ta tìm kiếm sự sáng thật, và sự giải thoát khỏi sự mù lòa của con tim. Do đó, mong rằng điều chúng ta học hỏi chuyên cần nhất là suy gẫm về đời sống Chúa Giê-su Christ.

Đoạn trên được trích ra từ sách Noi Gương Chúa Giê-su của tác giả Thomas A. Kempis, trong đoạn đầu tiên của chương 1.

Một giả định về Chúa Giê-su

“Đấng Christ dạy chúng ta ở mức độ nào chúng ta phải noi theo gương Ngài về đời sống và đức tính,” tác giả của Imitation of Christ quả quyết như vậy. Tác giả này giả định rằng chúng ta có thể bắt chước Đấng Christ, và dường như nhiều người đồng ý với ông. Nhưng trong sự học hỏi lời Chúa của riêng tôi, ý tưởng rằng người ta có thể bắt chước Chúa Giê-su, hoặc Ngài là tấm gương cho chúng ta noi theo, đi ngược lại với ý nghĩa toàn bộ Kinh thánh. Tôi được thúc đẩy để viết bài này sau khi đọc lời giới thiệu sách tin lành Ma-thi-ơ từ một bản dịch Kinh thánh tiếng Việt mới, mà trong đó tác giả, có thể là nhiều tác giả cộng tác, gọi Chúa Giê-su là một giáo sư siêu việt có thẩm quyền giải thích Kinh Luật.

Chúa Giê-su là ai?

Dân chúng vào thời Chúa Giê-su xem Ngài là một giáo sư. Ngài làm phép lạ, hóa nước thành rượu, xưng mình là Con Đức Chúa Trời, nhưng kết cuộc họ vẫn xem Ngài là một vị giáo sư.

Trong Matthew 19:16-22, có một người trẻ tuổi giàu có đến gặp Chúa Giê-su và hỏi Ngài rằng: “Theo thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời? (Matthew 19:16)” Câu hỏi của người trẻ tuổi đó gói ghém trọn cái nhìn của thế gian về Chúa Giê-su qua các chữ in đậm trong câu hỏi của anh. Hiển nhiên anh xem Chúa Giê-su là một giáo sư có thể dạy anh điều lành gì anh phải làm.

Trong John 3, chúng ta đọc thấy giáo sư Ni-cô-đem, một phần tử trong giới lãnh đạo Do-thái, ông đến với Chúa Giê-su vào ban đêm và nói với Ngài rằng: “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được (John 3:2)” Chúa Giê-su trả lời ông: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời (John 3:3)” Ni-cô-đem không hiểu được ý nghĩa của sự sinh lại vì ông chỉ nhìn bằng con mắt của xác thịt. Chẳng khác gì người trẻ tuổi trong câu truyện ở trên, ông đã xem Chúa như một vị giáo sư.

Trong cả hai câu truyện trên, chẳng một điều gì Chúa Giê-su có thể dạy mà họ có thể làm theo. Người thanh niên trẻ tuổi có làm theo được mệnh lệnh Chúa dù Ngài có dạy bảo cho anh? Bằng chứng là sự trân quý những của cải giàu sang của anh đã trực tiếp vi phạm ngay chính điều răn phải yêu thương Đức Chúa Trời với hết tấm lòng. Còn Ni-cô-đem có thể vâng lời, hoặc tìm cách noi gương Chúa, để “sanh lại” không? Hoàn toàn không. Để làm được việc đó cần đến quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời.

Mỗi kẻ thuộc về dòng dõi Ê-va, bản chất tội lỗi tỏ lộ ra qua cách khác nhau. Điều trọng yếu là chẳng có điều chi Chúa Giê-su dạy mà chúng ta có thể hoặc học được hoặc làm theo, để có thể gột bỏ được bản chất tội lỗi đã thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Trong Giăng đoạn 6 chúng ta đọc thấy rằng sau khi Chúa Giê-su đã làm phép lạ biến vài mẩu bánh và cá thành đủ lương thực cho năm ngàn người, và đi bộ trên mặt nước, họ hỏi Ngài: 28Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc Đức Chúa Trời? 29 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi tin Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài (John 6:28-29)”

Cũng giống như giáo sư Ni-cô-đem và người trẻ tuổi giàu có, đoàn dân liền nghĩ đến việc dùng xác thịt mình để làm công việc Chúa. Họ muốn một giáo sư chỉ cho họ công việc họ phải làm, nhưng Đức Chúa Trời chỉ muốn họ tin vào Đấng mà Ngài đã sai đến.

Giáo sư hay là Cứu Chúa

Trong phúc âm Ma-thi-ơ chúng ta đọc rằng một ngày kia Chúa Giê-su hỏi các môn đệ họ nghĩ Ngài là ai, họ trả lời: “Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó (Matthew 16:14)” Rồi Ngài trực tiếp hỏi họ một lần nữa họ nghĩ Ngài là ai, lần này Phi-e-rơ trả lời: “Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống (Matthew 16:16)” Và Chúa Giê-su đã dùng câu trả lời của Phi-e-rơ để xác nhận vai trò của Ngài chẳng phải là tiên tri, hay bất kỳ người trần thế nào trong bất cứ vai trò nào, nhưng Ngài chính là Đấng Cứu Thế và là Chúa: “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy (Matthew 16:17).”

Từ nhãn quan của xác thịt, Chúa Giê-su là một người trong nhiều vai trò: giáo sư, tiên tri, người chữa bệnh, v.v., nhưng từ khải tượng thiêng liêng, Ngài là Đấng Cứu Thế và là Chúa.

Giả dụ Chúa Giê-su là giáo sư

Nhằm mục đích thảo luận, chúng ta hãy giả sử Chúa Giê-su đến để làm thầy giáo dạy dỗ chúng ta. Ngài có thể chỉ dạy những gì? Mọi điều liên quan đến mối liên hệ giữa con người? Thật không phải thế, Ngài chỉ đến vì sự công bình chúng ta cần để được phục hồi địa vị làm con cái Đức Chúa Trời.

Ngài có thể dạy chúng ta được gì về sự công bình đòi hỏi Ngài phải chết trên cây thập tự? Ngài đã làm những phép lạ để chứng tỏ Ngài đã được Đức Chúa Trời sai đến—điều này chúng ta có bắt chước được không? Ngài vốn không mang tội bẩm sinh, sống ngoài sự thống trị của tội lỗi, và chết trong vai trò một con chiên không tì vết của Đức Chúa Trời để cất tội thế gian—chúng ta có làm theo được điều đó không? Ngài tha tội cho cả nhân loại trong quá khứ, hiện tại và tương lai—chúng ta có bắt chước được không? Ngài làm cho kẻ chết sống lại—có ai trong chúng ta muốn làm theo? Ngài là Thượng Đế—ai muốn thử bắt chước Ngài?

Tuy nhiên có thể có người phản đối rằng có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi được từ Chúa ở phía bên này của cõi đời đời, chẳng hạn như sự khiêm nhường, sự tự bỏ mình đi, sự nhẫn nại, và nhiều đức tính khác được ca tụng trong sách vở qua nhiều thời đại. Sách Imitation of Christ của Kempis là điển hình của một trong những sách đó. Nhưng chỉ ngoại trừ một số người ngoại lệ, còn thì hầu hết đều là những phần tử tốt trong xã hội và họ đã có sự nhận biết về những đức tính tốt bầy tỏ trong sách của Kempis cũng như nhiều sách vở khác. Con Trời đã chẳng phải rời cõi thiên thượng để đến trần gian dạy dỗ những điều sơ học đó.

Loài người đã có khả năng phân biệt thiện ác từ khi còn trong Vườn Ê-đen (Romans 2:14). Về người Do-thái, Chúa đã viết về sự phân biệt thiện ác đó trên các bảng đá. Vấn đề không phải là nhân loại cần được ai dạy một điều gì đó mà họ chưa từng biết, nhưng là mặc dù họ biết, nhưng không thể tuân theo. Sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ nan đề này trong đoạn Kinh thánh sau đây:

14Vả, chúng ta biết luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi. 15 Vì tôi không hiểu điều mình làm: tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét. (Romans 7:14-15).

Rồi ngay sau đó Phao-lô đã kết luận với nhận xét sau đây:

Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta! Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi (Romans 7:25).

Nếu chúng ta cẩn thận theo sát luận lý của Phao-lô chúng ta sẽ thấy rằng mặc dầu Đấng Christ là giải pháp cho sự xung đột triền miên, đã giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, nhưng chúng ta hiện vẫn còn sống trong bản chất hư nát là nô lệ dưới luật của tội lỗi, và điều đó sẽ tiếp tục mãi trong khi chúng ta còn sống trong xác thịt.

Các sách này đánh lạc hướng

Chúng ta hãy duyệt qua thêm một lời vàng thước ngọc nữa từ sách của Kempis.

Thật là một sự hư không trong sự tìm kiếm, và đặt niềm tin vào, sự sang giàu sẽ qua đi. Sự ham muốn danh vọng, và đặt mình lên địa vị cao, là sự hư không. Sự theo đuổi những dục vọng của xác thịt và theo sự dẫn dắt của nó là một sự hư không, vì cuối cùng nó sẽ đem lại những khổ đau. Ham muốn được sống lâu, nhưng không màng đến đời sống tốt lành, cũng là hư không. Chỉ suy tưởng về đời sống này, mà không nhìn đến những điều còn mãi là một sự hư không. Yêu thích những gì sẽ chóng qua đi, mà không vội tìm đến nơi sự có sự vui mừng vĩnh cửu là một sự hư không.

Đọc thấy có vẻ giống như Châm Ngôn hoặc Truyền Đạo phải không quý vị? Những sự khôn ngoan này đã sẵn có trong Kinh thánh, nhưng một lần nữa vấn đề là “điều tôi muốn làm, tôi không làm.” Nhớ lại những buổi ban đầu khi mới tin Chúa, tôi đã đọc say mê sách Imitation of Christ, nhưng trở ngại là tôi không định được chính xác điểm trọng yếu nào có thể đem tôi đến mức cao hơn của đời sống tâm linh. Tôi có cảm tưởng giống như mình ngồi trong một lớp dạy luyện giọng nhưng sau nhiều giờ đồng hồ trôi qua vẫn không tìm được điểm then chốt để đạt được giọng hát cao xa vời đó.

Những sách thuộc loại này cho người đọc một ảo tưởng họ đang tiến bước nhưng thực ra chẳng có gì thay đổi trong đời sống hiện tại chứ đừng nói đến vĩnh cửu. Những sách đó khiến người đọc vào sâu trong tâm khảm mình, đi trong vòng luẩn quẩn không tìm được lối thoát. Tôi thích một từ ngữ học được từ cuốn Growing in Grace của tác giả Bob George, đó là: morbid introspection, nghĩa là sự tự kỷ ám thị đen tối. Qua những điều này tôi ý thức được rằng tôi đã chỉ đổi những sách về thuyết hiện sinh mà tôi đã thường đọc trước khi tin Chúa để lấy những sách mang vỏ ngoài của đức tin mà bên trong chẳng có gì khác, chỉ gồm những lời viết từ ý tưởng của các triết lý gia.

Đức tin và nỗ lực

Mặc dầu chúng ta có thể học được những kỹ năng chẳng hạn như điện toán học, âm nhạc, nhiếp ảnh, và vô số những kỹ năng khác hữu dụng trong thế giới chúng ta đang sống, mà nhiều giáo sư có thể giúp đạt được mục đích, chúng ta không thể ỷ lại vào những phương cách đó đối với nước Trời.

Đây chính là trở ngại của Ni-cô-đem khi ông nghĩ rằng để được sinh lại, một người phải trở vào trong bụng mẹ để làm được điều đó. Chúa Giê-su giải thích cho ông rằng một sản phẩm của nỗ lực con người, cho dầu có được mặc khéo léo đến đâu chăng nữa bằng bề ngoài đạo đức, cũng chỉ sinh ra xác thịt, sẽ không được hưởng nước Đức Chúa Trời (1 Corinthians 15:50), người đó phải được sinh lại bởi Thánh Linh Chúa, và phương tiện duy nhất để đạt được điều đó là đức tin trong Đấng Christ, chứ không phải bởi sự học hành cho dù từ những giáo sư siêu việt.

Khuynh hướng bước đi theo xác thịt, dùng nó để sống đời sống đức tin, được thể hiện qua các tín hữu Ga-la-ti khiến Phao-lô khiển trách tỏ tường:

Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? (Galatians 3:3)

Khởi sự nhờ Đức Thánh Linh có nghĩa là bắt đầu từ ân điển Chúa với hai bàn tay trắng chỉ biết cậy đức tin, còn cậy xác thịt làm cho trọn là tìm cách để cải tiến từ địa vị đã tốt đẹp đủ để vào thiên đàng đến một chỗ còn tốt hơn nữa. Đây là quan niệm mà Phao-lô gọi là ngu muội. Nếu sự chết của Chúa trên thập tự giá đã đủ để làm chúng ta toàn hảo đến nỗi có thể dạn dĩ đến gần ngai ân điển, thì còn ai có thể cải tiến điều mà chính Chúa đã làm trọn? Tệ hơn nữa là những sự gọi là cải tiến đó được làm bởi nỗ lực của xác thịt.

Thí dụ có một người đã từng bị nghiện cờ bạc, nhưng từ khi người đó đến với Chúa, sự nghiện ngập không còn nữa. Sự đổi thay này, mặc dầu mang chiều hướng tích cực và chắc chắn sẽ giúp người đó tránh khỏi những khổ đau do hậu quả của nó, không làm cho người đó được thánh hóa hơn ngày họ nhận Đấng Christ vào lòng. Đấng Christ đã đến chẳng phải để cứu người đó khỏi vô số những tội lỗi, nhưng để giải cứu từ tận gốc rễ, đó là bản chất tội lỗi, còn sự cất khỏi tình trạng nghiện ngập chỉ là sự ban cho thêm như lời Chúa đã hứa trong Matthew 6:33: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” Mọi điều ấy là bao gồm cả sự vượt thắng được nạn nghiện cờ bạc.

Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? (Romans 8:32)

Người tin Chúa nhận được sự giải cứu khỏi sự nghiện ngập cùng với món quà quý giá nhất: Đấng Christ. Sự thoát khỏi tệ trạng nghiện ngập không làm họ thiêng liêng, hoặc nên thánh, hơn so với lúc họ nhận Đấng Christ vào tấm lòng. Từ đó trở đi trọng tâm của đời sống họ phải đặt trên Đấng Christ chứ không phải trên món quà, hoặc bất cứ món quà nào khác. Trách nhiệm là của người thợ gốm để uốn nắn bình gốm thành bất cứ dạng thức nào người muốn.

Những sách giống như Imitation of Christ của Kempis phạm vào sự làm người tin Chúa hướng mắt vào chính mình. Thay vì giải thích những gì Chúa đã làm cho họ trên thập tự giá, chiều cao, chiều sâu, chiều rộng của chương trình cứu rỗi của Chúa, và về sự công bình thuộc về họ nhờ Đấng Christ và mọi điều họ cần cho sự nên thánh và sự thỏa lòng được ban cho cùng với Ngài, thì những sách đó lại khiến mắt người đọc chú vào chính mình để đào bới từ bản chất và xác thịt hư nát một điều gì đó để làm đẹp lòng Chúa và được sự thán phục của người khác.

Kết luận

C.S. Lewis đã cực lực đả kích ý tưởng về Đấng Christ như một vị giáo sư khi ông viết về điều này trong sách Mere Christianity:

Sự cố gắng của tôi ở đây là để phòng ngừa trường hợp có người nói điều ngu muội mà người ta thường nói về Ngài [Chúa Giê-su]: ‘Tôi sẵn sàng chấp nhận Chúa Giê-su là một đại giáo sư luân lý, nhưng tôi không nhận lời tuyên bố rằng người là Chúa.’ Đó là một điều chúng ta không được nói. Một người chỉ là phàm nhân mà nói những điều Chúa Giê-su đã nói thì không thể là một đại giáo sư luân lý. Người đó phải hoặc là một người điên cuồng—chẳng khác gì một người xưng mình là quả trứng luộc—hoặc người đó phải là Chúa Quỷ dưới hỏa ngục. Chúng ta phải làm một sự lựa chọn. Hoặc người này đã, và hiện, là Con Đức Chúa Trời, hoặc là một kẻ điên cuồng hoặc tệ hơn nữa. Chúng ta có thể coi người đó như một kẻ khờ dại, có thể nhổ nước bọt trên người đó và giết đi như giết một quỷ sứ; hoặc chúng ta phải quỳ dưới chân người và gọi là Chúa và Đức Chúa Trời. Nhưng đừng ai nói điều vô lý về sự Ngài là một giáo sư vĩ đại. Ngài không cho chúng ta sự lựa chọn đó. Ngài không có chủ đích đó.

Tôi hoàn toàn đồng ý với C.S. Lewis về điểm đó. Đó là lý do tại sao khi lớp Trường Chúa Nhật chúng tôi đọc phần giới thiệu trong bản dịch tiếng Việt mới cho sách Ma-thi-ơ tôi đã ngạc nhiên và cứ lên tiếng phản đối về sự diễn tả Chúa Giê-su như một giáo sư vĩ đại. Chớ có ai xưng danh Chúa Giê-su lại suy nghĩ về Ngài như thế.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and